Loading


Chỉ thị 42/2006/CT-BGDĐT về nhiệm vụ trọng tâm của giáo dục trung cấp chuyên nghiệp trong năm học 2006 - 2007 do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành

Số hiệu 42/2006/CT-BGDĐT
Ngày ban hành 20/10/2006
Ngày có hiệu lực 04/11/2006
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Bộ Giáo dục và Đào tạo
Người ký Nguyễn Thiện Nhân
Lĩnh vực Giáo dục

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 42/2006/CT-BGDĐT

Hà Nội, ngày 20 tháng 10 năm 2006 

 

CHỈ THỊ

VỀ NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM CỦA GIÁO DỤC TRUNG CẤP CHUYÊN NGHIỆP TRONG NĂM HỌC 2006 - 2007

Năm học 2006-2007 là năm học có tầm quan trọng đặc biệt đối với toàn ngành giáo dục nói chung và giáo dục trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) nói riêng; là năm học đầu tiên triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X, toàn ngành đang triển khai tích cực cuộc vận động "Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục" nhằm lập lại kỷ cương trong dạy và học, tạo các tiền đề mới quan trọng và triển khai những giải pháp khắc phục các yếu kém trong ngành, nâng cao chất lượng dạy và học.

Trước những yêu cầu phát triển giáo dục TCCN, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) chỉ thị tất cả các sở GDĐT, các trường TCCN và các cơ sở có đào tạo TCCN (sau đây gọi là các trường) thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm sau:

1. Tiếp tục mở rộng quy mô trên cơ sở duy trì, cải thiện chất lượng giáo dục trung cấp chuyên nghiệp.

- Các trường chủ động chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên để mở rộng quy mô tuyển sinh hệ chính quy và hệ vừa làm vừa học. Tiến hành khảo sát nhu cầu thị trường lao động từ các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội, cơ sở kinh tế dịch vụ và nhu cầu học tập của nhân dân để đảm bảo cân đối giữa đào tạo và sử dụng;

- Khuyến khích các trường TCCN tuyển học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở, đồng thời xây dựng, tổ chức thực hiện kế hoạch để sẵn sàng tiếp nhận học sinh không có điều kiện theo học trung học phổ thông (các lớp 10, 11 và 12), tạo điều kiện cho những học sinh này sớm thành công trên con đường giáo dục nghề nghiệp.

- Các sở GDĐT, các trường triển khai mạnh mẽ công tác tư vấn việc làm, hướng nghiệp trong trường phổ thông và trường TCCN để giúp học sinh sớm định hướng việc làm và nghề nghiệp phù hợp với điều kiện và năng lực học tập của bản thân.

- Các trường TCCN chủ động xây dựng chương trình để mở rộng đào tạo TCCN cho người đã tốt nghiệp trung học phổ thông và có bằng nghề dài hạn trong cùng ngành đào tạo. Đồng thời, chuẩn bị điều kiện đảm bảo chất lượng để có thể liên thông với các trường cao đẳng, đại học theo quy định.

- Các trường TCCN thuộc các tỉnh ở Đồng bằng sông Cửu Long, Nam Trung bộ, Tây Nguyên, vùng núi phía Bắc chủ động liên kết để đào tạo các ngành nghề mà địa phương chưa đào tạo ở trình độ TCCN.

- Các sở GDĐT cùng các trường khảo sát, đánh giá tình hình giáo dục chuyên nghiệp để báo cáo và thảo luận tại Hội nghị các trường TCCN vào tháng 1 năm 2007 và Hội thảo quốc gia về đào tạo theo nhu cầu xã hội.

2. Tập trung phát triển đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục chuyên nghiệp

- Các cơ quan quản lý giáo dục thuộc Bộ, ngành Trung ương, các sở GDĐT và các trường TCCN tiếp tục thực hiện điều tra, đánh giá toàn diện thực trạng về số lượng, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ theo ngành đào tạo, xây dựng và thực hiện kế hoạch bồi dưỡng nâng cao trình độ đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục TCCN.

- Các trường tạo điều kiện cho giáo viên, cán bộ quản lý nhà trường tham gia các lớp bồi dưỡng, nâng cao trình độ.

- Chương trình bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý phải thiết thực, đáp ứng được nhu cầu người học và sự phát triển của nhà trường. Nội dung bồi dưỡng giáo viên chú trọng vào việc đổi mới phương pháp dạy học, phương pháp thi kiểm tra đánh giá và ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học. Mỗi khóa bồi dưỡng phải có kiểm tra đánh giá học viên và đánh giá khóa bồi dưỡng về mục đích, nội dung, phương pháp, tài liệu bồi dưỡng, tổ chức học tập, kết quả thu được.

- Duy trì công tác dự giờ giảng của giáo viên, tổ chức hội thảo về đổi mới phương pháp dạy và học. Tích cực khắc phục tình trạng dạy học kiểu "đọc chép" trong các trường TCCN ngay từ năm học này. Các trường xem đây là một trong các tiêu chuẩn bình xét thi đua của giáo viên cuối năm học.

- Các sở GDĐT chỉ đạo các trường TCCN, các cơ sở giáo dục có đào tạo TCCN trên địa bàn rút kinh nghiệm Hội thị giáo viên dạy giỏi TCCN toàn quốc lần thứ VII. Tập trung những giáo viên đạt giải cao trong Hội thi viết sáng kiến kinh nghiệm, trao đổi với các đồng nghiệm về kinh nghiệm đổi mới phương pháp dạy học, chế tạo đồ dùng học tập.

3. Triển khai thực hiện cuộc vận động "Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục".

- Tích cực tuyên truyền mục đích và ý nghĩa của cuộc vận động làm cho học sinh, gíao viên, cán bộ quản lý và nhân dân hiểu rõ chủ trương của ngành, tạo điều kiện thực hiện tốt cuộc vận động.

- Các trường tổ chức cho học sinh, giáo viên, cán bộ quản lý thực hiện ký cam kết không tham gia tiêu cực trong thi, kiểm tra, đánh giá, thi tốt nghiệp và cấp văn bằng chứng chỉ.

- Đổi mới phương pháp dạy và học, thi kiểm tra và đánh giá, để các trường phải là nơi "… dạy thực chất, học thực chất, thi thực chất" như Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã căn dặn trong Thư gửi các nhà giáo, học sinh, sinh viên nhân dịp khai giảng năm học 2006-2007. Các trường có thể xây dựng ngân hàng câu hỏi thi trắc nghiệm ở những môn học thích hợp, đồng thời sử dụng các phương pháp đánh giá khác nhau và ứng dụng công nghệ thông tin trong đánh giá để đo lường chính xác năng lực học sinh.

- Các sở GDĐT và các trường tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc dạy và học, việc thi hành các văn bản quy định về tổ chức và đào tạo TCCN trong các lĩnh vực theo thẩm quyền. Các cấp quản lý giáo dục cần có kế hoạch cụ thể trong năm học để tổ chức, thực hiện công tác thanh tra, giám sát. Đặc biệt chú trọng đến các kỳ tuyển sinh, thi tốt nghiệp và công tác quản lý cấp, phát, văn bằng, chứng chỉ; quản lý chặt các cơ sở liên kết đào tạo TCCN trên địa bàn; xử lý nghiêm những hành vi vi phạm quy chế đào tạo.

- Các sở GDĐT sớm đối mới công tác thi đua về nội dung, tiêu chuẩn, phương pháp đánh giá và xếp loại thi đua. Việc đổi mới thi đua phải có tác dụng thúc đẩy phong trào dạy tốt, học tốt, tạo ra động lực thúc đẩy mọi thành viên trong nhà trường hoạt động có hiệu quả trên cương vị công tác cụ thể của mỗi người. Sở GDĐT cần tổ chức kiểm tra đánh giá chéo giữa các trường để đảm bảo tính khách quan, dân chủ trong đánh giá xếp loại thi đua.

- Các sở GDĐT, các trường xây dựng và báo cáo Kế hoạch triển khai cuộc vận động "Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục" và gửi về Bộ GDĐT (Vụ Giáo dục chuyên nghiệp) trước ngày 30/11/2006.

4. Tiếp tục đổi mới chương trình, giáo trình, phát triển ngành đào tạo mới.

- Các trường tiếp tục rà soát mục tiêu, nội dung chương trình đào tạo. Mục tiêu, nội dung của chương trình phải gắn với chuẩn kiến thức, kỹ năng và thái độ nhằm đáp ứng các nhu cầu thực tiễn. Kiên quyết đưa ra khỏi chương trình những nội dung không phù hợp với nhu cầu sản xuất kinh doanh.

- Các bộ, ngành phối hợp với Bộ GDĐT để tiếp tục xây dựng, ban hành và hoàn thiện chương trình khung ngành đào tạo TCCN.

- Các sở GDĐT tạo điều kiện để các trường TCCN, cao đẳng và cao đẳng sư phạm mở thêm những ngành nghề mới về TCCN trên cơ sở đáp ứng nhu cầu thị trường lao động và các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo.

[...]
4
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ