Loading


Chỉ thị 52-CT/TW năm 2016 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác nâng cao đời sống tinh thần cho công nhân lao động khu công nghiệp, khu chế xuất

Số hiệu 52-CT/TW
Ngày ban hành 09/01/2016
Ngày có hiệu lực 09/01/2016
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Ban Chấp hành Trung ương
Người ký Lê Hồng Anh
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương

BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG
-------

ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
---------------

Số: 52-CT/TW

Hà Nội, ngày 09 tháng 01 năm 2016

 

CHỈ THỊ

CỦA BAN BÍ THƯ

VỀ TĂNG CƯỜNG SỰ LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG ĐỐI VỚI CÔNG TÁC NÂNG CAO ĐỜI SỐNG TINH THẦN CHO CÔNG NHÂN LAO ĐỘNG KHU CÔNG NGHIỆP, KHU CHẾ XUẤT

Cùng với sự phát triển của đất nước, những năm qua các khu công nghiệp, khu chế xuất phát triển nhanh về số lượng và quy mô; thu hút và giải quyết việc làm cho hàng trăm nghìn lao động, đóng góp cho ngân sách nhà nước năm sau cao hơn năm trước. Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị - xã hội luôn quan tâm nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân lao động khu công nghiệp, khu chế xuất. Nhiều chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước có liên quan đã được ban hành và tổ chức thực hiện đạt kết quả ban đầu. Công tác xây dựng đời sống văn hóa công nhân ở các khu công nghiệp, khu chế xuất được quan tâm hơn. Hệ thống thiết chế văn hóa ngày càng được tăng cường; các hoạt động, phong trào văn hóa, nghệ thuật, vui chơi, giải trí của công nhân phong phú, đa dạng. Đời sống văn hóa tinh thần của công nhân được cải thiện, góp phần xây dựng và phát triển giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.

Tuy nhiên, nhiều Mục tiêu, chỉ tiêu chưa đạt yêu cầu. Công nhân chưa được hưởng thụ đời sống văn hóa tinh thần tương xứng với thành quả của công cuộc xây dựng, phát triển đất nước. Hệ thống thiết chế văn hóa, công trình phúc lợi, trường học, bệnh viện, nhà ở… phục vụ công nhân lao động khu công nghiệp chưa được đầu tư thỏa đáng. Nhiều doanh nghiệp chưa quan tâm đến đời sống văn hóa tinh thần của công nhân lao động; môi trường văn hóa ở nơi làm việc và nơi sinh sống của công nhân chưa được quan tâm xây dựng và phát triển; một số công nhân có lối sống thiếu lành mạnh, vướng vào tệ nạn xã hội; một số bị các thế lực thù địch lôi kéo, kích động tham gia vào các hoạt động chống phá, gây rối.

Tình hình trên có nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là do các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội, cán bộ, đảng viên chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng, tính cấp bách của việc nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân lao động; chưa làm tốt vai trò, trách nhiệm trong việc thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực này. Công tác kiểm tra, giám sát chưa thường xuyên. Việc đầu tư cho các công trình phúc lợi còn hạn chế. Sự phối hợp của các cấp, các ngành thiếu chặt chẽ. Vai trò của công đoàn, các tổ chức chính trị - xã hội, các hiệp hội doanh nghiệp, doanh nhân chưa được chú trọng, phát huy.

Những năm tới, tình hình thế giới sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; mức độ hội nhập, toàn cầu hóa ngày càng cao. Số lượng doanh nghiệp, doanh nhân, công nhân lao động nước ngoài vào làm việc trong các khu công nghiệp Việt Nam sẽ gia tăng; sự đan xen, giao thoa văn hóa giữa các nước, dân tộc, vùng miền, khu vực ngày càng nhiều. Trong nước, có sự tăng nhanh về số lượng và quy mô của doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế; đội ngũ doanh nhân, công nhân lao động không ngừng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng. Nhiều vấn đề xã hội mới, phức tạp có thể xuất hiện, công nhân khu công nghiệp, khu chế xuất, nhất là thanh niên công nhân tiếp tục bị kẻ xấu lôi kéo, kích động, chia rẽ; bị tác động của mặt trái các phương tiện truyền thông hiện đại. Do vậy, môi trường lao động, văn hóa, đời sống vật chất, tinh thần của công nhân lao động khu công nghiệp, khu chế xuất tiếp tục là vấn đề cần được quan tâm sâu sắc.

Để tạo chuyển biến thật sự rõ rệt trong việc nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của công nhân lao động khu công nghiệp, khu chế xuất tương xứng với những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, Ban Bí thư yêu cầu cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể nhân dân các cấp tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:

1. Nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của công tác xây dựng và nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân khu công nghiệp, khu chế xuất trong tình hình mới

Xây dựng và nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân lao động là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài, là trách nhiệm của Đảng, của cả hệ thống chính trị, tổ chức công đoàn, của doanh nhân và công nhân lao động. Cần tiếp tục tuyên truyền, quán triệt, thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng giai cấp công nhân, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân, tạo sự chuyển biến sâu sắc về nhận thức, sự đồng thuận xã hội và thống nhất hành động để nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân lao động.

Các cơ quan truyền thông, nhất là các cơ quan báo chí, xuất bản của Công đoàn nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm trong việc truyền bá các giá trị đạo đức, văn hóa truyền thống, tinh hoa văn hóa nhân loại đến với công nhân lao động. Chú trọng khai thác, sử dụng có hiệu quả các phương tiện truyền thông hiện đại trong công tác thông tin, tuyên truyền, vận động, tập hợp công nhân xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong khu công nghiệp, khu chế xuất; kịp thời ngăn chặn các sản phẩm văn hóa độc hại, thông tin sai trái tác động đến nhận thức, tư tưởng, tình cảm của công nhân lao động.

2. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự phối hợp hành động của các cấp chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác xây dựng, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân lao động khu công nghiệp, khu chế xuất

Các cấp ủy đảng đưa nhiệm vụ xây dựng đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân lao động khu công nghiệp, khu chế xuất vào nghị quyết của cấp ủy; lãnh đạo, chỉ đạo chính quyền, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội có chương trình hành động cụ thể nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân lao động khu công nghiệp, khu chế xuất.

Thực hiện có hiệu quả Đề án xây dựng đời sống văn hóa công nhân, quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở; nâng cao chất lượng các hoạt động, đáp ứng nhu cầu hoạt động văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí của công nhân. Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách liên quan đến công tác xây dựng đời sống văn hóa công nhân lao động khu công nghiệp, khu chế xuất. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội đẩy mạnh giám sát và phản biện xã hội đối với việc xây dựng và thực hiện chính sách, pháp luật liên quan.

Nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước có liên quan đến xây dựng, nâng cao đời sống tinh thần cho công nhân lao động.

Tạo Điều kiện để các tổ chức chính trị - xã hội, đặc biệt là tổ chức Công đoàn trong doanh nghiệp, khu công nghiệp, khu chế xuất tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động, phát huy vai trò nòng cốt trong việc tuyên truyền, vận động, thuyết phục đoàn viên, công nhân lao động tích cực tham gia xây dựng, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân lao động và con em họ. Nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh”, các phong trào thi đua yêu nước trong công nhân lao động khu công nghiệp, khu chế xuất.

Tăng dần ngân sách đầu tư, đồng thời có chính sách ưu đãi, khuyến khích huy động nguồn lực xã hội để xây dựng thiết chế văn hóa mới cho công nhân lao động; ưu tiên bố trí quỹ đất và kinh phí để xây dựng nhà ở, công trình phúc lợi, trường học, bệnh viện, khu vui chơi, giải trí cho công nhân khu công nghiệp, khu chế xuất.

3. Tăng cường sự hợp tác, đoàn kết cùng có lợi giữa chủ doanh nghiệp, doanh nhân với công nhân dưới sự lãnh đạo của Đảng

Các cấp ủy đảng, nhất là tổ chức đảng trong doanh nghiệp, khu công nghiệp, khu chế xuất, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh ở doanh nghiệp. Phát huy vai trò, trách nhiệm, tính tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong việc xây dựng và phát triển lối sống văn hóa, kỷ cương, sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật để tạo sức lan tỏa trong cộng đồng, xã hội, góp phần xây dựng nếp sống văn hóa cho công nhân lao động khu công nghiệp, khu chế xuất.

Đề cao đạo đức, văn hóa kinh doanh, trách nhiệm của chủ doanh nghiệp, doanh nhân, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong việc nâng cao đời sống tinh thần cho công nhân lao động. Xác định chủ doanh nghiệp, doanh nhân, công nhân lao động vừa là chủ thể vừa là đối tượng thụ hưởng thành quả của việc tạo dựng và phát triển môi trường văn hóa lành mạnh trong khu công nghiệp, khu chế xuất. Tạo Điều kiện thuận lợi để công nhân lao động có thời gian tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao, giải trí. Xây dựng và nhân rộng các mô hình công nhân văn hóa, gia đình công nhân văn hóa, doanh nghiệp văn hóa gắn với đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Khai thác, phát huy hiệu quả các thiết chế và sản phẩm văn hóa hiện có, tạo Điều kiện để công nhân chủ động tổ chức các hoạt động văn hóa cộng đồng, phát huy giá trị văn hóa truyền thống đồng thời tiếp thu tinh hoa văn hóa nước ngoài. Khuyến khích, tạo Điều kiện để các cơ quan văn hóa, văn học, nghệ thuật, xuất bản, báo chí sáng tác và phổ biến tác phẩm văn học, nghệ thuật tới công nhân lao động khu công nghiệp, khu chế xuất. Có cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư xây dựng các công trình phúc lợi, nhà ở, trường học, bệnh viện, khu vui chơi giải trí…, chăm lo đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân lao động.

4. Đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức công đoàn

Tăng cường giáo dục về tư tưởng, đạo đức, lối sống, nếp sống văn hóa và tác phong lao động công nghiệp, nâng cao trình độ học vấn, kỹ năng nghề nghiệp, hiểu biết pháp luật cho công nhân lao động; xây dựng hình ảnh người công nhân lao động mới trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Nâng cao chất lượng, đa dạng hóa hình thức tổ chức hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao phù hợp với Điều kiện làm việc của công nhân khu công nghiệp, khu chế xuất, tạo Điều kiện cho công nhân lao động được thụ hưởng. Thường xuyên trao đổi, đối thoại với công nhân lao động, kịp thời nắm bắt, dự báo tình hình tư tưởng, định hướng dư luận xã hội trong công nhân khu công nghiệp, khu chế xuất, nhất là ở các thành phố lớn và địa bàn nhạy cảm. Kịp thời đấu tranh, phê phán, uốn nắn nhận thức lệch lạc, biểu hiện sai trái trong cán bộ, đoàn viên công đoàn, công nhân lao động.

Chủ động phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể trong doanh nghiệp, khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn cư trú của công nhân lao động tổ chức các cuộc vận động xây dựng đời sống văn hóa ở khu công nghiệp thiết thực, hiệu quả. Kịp thời phát hiện, biểu dương, khen thưởng tập thể, cá nhân có đóng góp tích cực trong công tác xây dựng, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân lao động; bình chọn, tôn vinh các doanh nhân, doanh nghiệp đạt “Doanh nhân văn hóa”, “Doanh nghiệp văn hóa” toàn quốc hàng năm.

Tiếp tục kiện toàn, thành lập công đoàn khu công nghiệp, khu chế xuất; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng cán bộ công đoàn; bồi dưỡng, giới thiệu công nhân ưu tú cho Đảng.

5. Tổ chức thực hiện

Cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội các cấp xây dựng chương trình, kế hoạch, hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị này.

Đảng đoàn Quốc hội lãnh đạo việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến công tác xây dựng đời sống văn hóa công nhân lao động khu công nghiệp, khu chế xuất.

[...]
3
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ