Loading


Chương trình phối hợp 5789/CTPH-BTP-BCA năm 2023 trực trợ giúp pháp lý trong điều tra hình sự giữa Bộ Tư pháp và Bộ Công an

Số hiệu 5789/CTPH-BTP-BCA
Ngày ban hành 27/11/2023
Ngày có hiệu lực 27/11/2023
Loại văn bản Văn bản khác
Cơ quan ban hành Bộ Công An,Bộ Tư pháp
Người ký Nguyễn Duy Ngọc,Trần Tiến Dũng
Lĩnh vực Thủ tục Tố tụng

BỘ TƯ PHÁP - BỘ CÔNG AN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 5789/CTPH-BTP-BCA

Hà Nội, ngày 27 tháng 11 năm 2023

 

CHƯƠNG TRÌNH PHỐI HỢP

TRỰC TRỢ GIÚP PHÁP LÝ TRONG ĐIỀU TRA HÌNH SỰ

Căn cứ Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09 tháng 11 năm 2022 Hội nghị lần thứ sáu, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới;

Căn cứ Bộ luật Tố tụng hình sự ngày 27 tháng 11 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự ngày 12 tháng 11 năm 2021;

Căn cứ Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự ngày 26 tháng 11 năm 2015;

Căn cứ Luật Trợ giúp pháp lý ngày 20 tháng 6 năm 2017;

Căn cứ Nghị định số 98/2022/NĐ-CP ngày 29 tháng 11 năm 2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp;

Căn cứ Nghị định số 01/2018/NĐ-CP ngày 06 tháng 8 năm 2018 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an;

Căn cứ Thông tư liên tịch số 10/2018/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-TANDTC-VKSNDTC ngày 29 tháng 6 năm 2018 của Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Tòa án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao quy định về phối hợp thực hiện trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng;

Căn cứ Thông tư số 46/2019/TT-BCA ngày 10 tháng 10 năm 2019 của Bộ Công an quy định trách nhiệm của lực lượng Công an nhân dân trong việc thực hiện các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 liên quan đến bảo đảm quyền bào chữa của người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt trong trường hợp phạm tội quả tang hoặc theo quyết định truy nã, người bị tạm giữ, bị can; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố;

Bộ Tư pháp và Bộ Công an thống nhất ban hành Chương trình phối hợp trực trợ giúp pháp lý trong điều tra hình sự như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Bảo đảm người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp; người bị bắt trong trường hợp phạm tội quả tang hoặc theo quyết định truy nã (sau đây viết tắt là người bị bắt); người bị tạm giữ, bị can, bị hại, đương sự là người thuộc diện được trợ giúp pháp lý tiếp cận sớm với trợ giúp pháp lý, được giải thích đầy đủ, cung cấp và sử dụng dịch vụ trợ giúp pháp lý kịp thời, chất lượng, phù hợp với người dưới 18 tuổi và các đối tượng đặc thù khác.

- Tăng số lượng người sử dụng dịch vụ trợ giúp pháp lý, nâng cao vị thế, vai trò của trợ giúp pháp lý trong tố tụng hình sự.

- Bảo đảm triển khai có hiệu quả các quy định về tố tụng hình sự, nhất là quyền của người được trợ giúp pháp lý trong các vụ việc, vụ án hình sự.

- Tăng cường công tác phối hợp giữa Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước với cơ quan điều tra của Công an nhân dân, các cơ quan của Công an nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Trại giam, Trại tạm giam thuộc Bộ Công an, Trại tạm giam Công an cấp tỉnh, Nhà tạm giữ Công an cấp huyện, Công an cấp xã về thực hiện trợ giúp pháp lý cho người thuộc diện được trợ giúp pháp lý, đặc biệt là trong việc giải thích, thông tin, thông báo về trợ giúp pháp lý.

2. Yêu cầu

- Việc phối hợp được thực hiện trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, tổ chức, bảo đảm phù hợp với điều kiện, nguồn lực của mỗi bên.

- Xác định rõ trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức; chủ động, tạo điều kiện thuận lợi để cùng hoàn thành tốt nhiệm vụ, đạt hiệu quả thiết thực.

- Các hoạt động phối hợp được triển khai thực hiện thống nhất, thường xuyên, kịp thời, hiệu quả nhằm đạt được mục đích đặt ra của Chương trình.

II. NỘI DUNG CHƯƠNG TRÌNH

1. Địa điểm thực hiện

Chương trình được thực hiện trên toàn quốc.

2. Phạm vi thực hiện

a) Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước (sau đây viết tắt là Trung tâm).

b) Cơ quan điều tra của Công an nhân dân (sau đây viết tắt là cơ quan điều tra).

c) Các cơ quan của Công an nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra (sau đây viết tắt là cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra).

[...]
2