Loading


Công ước về quyền của người khuyết tật

Số hiệu Khongso
Ngày ban hành 13/03/2007
Ngày có hiệu lực 03/05/2008
Loại văn bản Điều ước quốc tế
Cơ quan ban hành ***
Người ký ***
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

CÔNG ƯỚC

VỀ QUYỀN CỦA NGƯỜI KHUYẾT TẬT

(Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua ngày 13/3/2007)

Lời nói đầu

Các quốc gia thành viên Công ước này,

a. Nhắc lại các nguyên tắc của Hiến chương Liên Hợp Quốc trong đó thừa nhận phẩm giá vốn có, cũng như các quyền bình đẳng bất di bất dịch của mọi thành viên gia đình nhân loại là nền tảng của tự do, công lý và hòa bình trên thế giới,

b. Thừa nhận rằng Liên Hợp Quốc, trong Tuyên ngôn toàn thế giới về quyền con người và trong các Công ước quốc tế về quyền con người năm 1966, đã thống nhất tuyên bố rằng mọi người đều có các quyền và tự do mà các công ước đó bảo vệ, không có sự phân biệt dưới bất kỳ hình thức nào,

c. Khẳng định một lần nữa rằng các quyền và tự do cơ bản của con người có tính phổ quát, nằm trong một chỉnh thể thống nhất, phụ thuộc lẫn nhau và liên quan lẫn nhau, và rằng cần bảo đảm cho người khuyết tật được hưởng đầy đủ các quyền này mà không có sự phân biệt nào,

d. Nhắc lại Công ước quốc tế về quyền dân sự và chính trị, Công ước quốc tế về xoá bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc, Công ước về xoá bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử chống lại phụ nữ, Công ước chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn ác, vô nhân đạo và hạ thấp nhân phẩm, Công ước về quyền trẻ em, và Công ước quốc tế về bảo vệ quyền của người lao động di trú và các thành viên gia đình họ,

e. Thừa nhận rằng sự khuyết tật là một khái niệm luôn tiến triển và sự khuyết tật xuất phát từ sự tương tác giữa người có khuyết tật với những rào cản về môi trường và thái độ, những rào cản này phương hại đến sự tham gia đầy đủ và hữu hiệu của họ vào xã hội trên cơ sở bình đẳng với những người khác,

f. Thừa nhận tầm quan trọng của các nguyên tắc và định hướng chính sách được ghi nhận tại Chương trình hành động thế giới về người khuyết tật và các Quy tắc tiêu chuẩn về bình đẳng hóa cơ hội cho người khuyết tật trong tác động đối với việc khuyến khích, xây dựng và đánh giá chính sách, kế hoạch, chương trình hành động ở các cấp quốc gia, khu vực và quốc tế nhằm mục đích tăng cường bình đẳng hóa cơ hội cho người khuyết tật,

g. Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đưa các vấn đề về người khuyết tật trở thành một bộ phận của các chiến lược phát triển bền vững liên quan,

h. Đồng thời thừa nhận rằng phân biệt đối xử chống lại bất kỳ người nào trên cơ sở sự khuyết tật là vi phạm phẩm giá vốn có của con người,

i. Thừa nhận sự đa dạng của người khuyết tật,

j. Thừa nhận nhu cầu tăng cường và bảo vệ quyền của mọi người khuyết tật, trong đó có những người cần được giúp đỡ nhiều hơn,

k. Lo ngại rằng, bất chấp nhiều cam kết và văn kiện nêu trên, người khuyết tật tiếp tục phải đối mặt với những rào cản đối với tư cách thành viên bình đẳng trong khi tham gia xã hội và những vi phạm quyền con người của họ ở khắp nơi trên thế giới,

l. Thừa nhận tầm quan trọng của hợp tác quốc tế nhằm cải thiện điều kiện sống của người khuyết tật ở mọi quốc gia, đặc biệt là ở những quốc gia đang phát triển,

m. Thừa nhận rằng người khuyết tật đang và sẽ đóng góp đáng kể cho phúc lợi chung và sự đa dạng của cộng đồng quanh họ, và thừa nhận rằng người khuyết tật càng hưởng trọn vẹn các quyền và tự do cơ bản của con người và càng tham gia hoàn toàn vào xã hội thì họ càng có ý thức gắn bó, điều đó mang lại tiến bộ đáng kể cho sự phát triển xã hội về các mặt kinh tế, xã hội và nhân văn, cũng như cho công cuộc xoá đói giảm nghèo,

n. Thừa nhận rằng đối với người khuyết tật, tự lực cánh sinh, trong đó có tự do lựa chọn, là hết sức quan trọng,

o. Xét rằng người khuyết tật cần có cơ hội tham gia vào quá trình quyết định chính sách và chương trình, trong đó có những chương trình, chính sách trực tiếp liên quan đến họ,

p. Lo ngại về việc người khuyết tật phải đối mặt với những điều kiện khó khăn khi bị phân biệt đối xử dưới nhiều hình thức hoặc dưới những hình thức nghiêm trọng, trên cơ sở chủng tộc, màu da, sắc tộc, nguồn gốc dân tộc, sắc tộc, bản xứ hoặc xã hội, tài sản, thành phần xuất thân, độ tuổi tác hoặc địa vị khác,

q. Thừa nhận rằng phụ nữ và trẻ em khuyết tật thường dễ bị bạo hành, thương tổn hoặc lạm dụng, bị đối xử vô trách nhiệm hoặc bất cẩn, ngược đãi hay bóc lột,

r. Thừa nhận rằng trẻ em khuyết tật cần được hưởng đầy đủ các quyền và tự do cơ bản của con người một cách bình đẳng với các trẻ em khác, và nhắc lại các nghĩa vụ liên quan đến việc này của các quốc gia thành viên Công ước về Quyền trẻ em,

s. Nhấn mạnh yêu cầu đưa quan điểm về giới vào mọi nỗ lực tăng cường việc người khuyết tật được hưởng trọn vẹn các quyền và tự do cơ bản của con người,

t. Nhấn mạnh rằng đa số người khuyết tật sống trong nghèo khó, do vậy thừa nhận rằng hết sức cần thiết phải giải quyết tác động tiêu cực của nghèo đói đối với tình trạng của người khuyết tật,

u. Ghi nhớ rằng hòa bình và an ninh trên cơ sở tôn trọng mục đích và các nguyên tắc được ghi nhận trong Hiến chương Liên Hợp Quốc và tôn trọng các văn kiện hiện hành về quyền con người là không thể thiếu trong việc bảo vệ người khuyết tật một cách trọn vẹn, đặc biệt là trong bối cảnh chiến tranh hoặc tình trạng chiếm đóng nước ngoài,

v. Thừa nhận tầm quan trọng của việc tiếp cận với môi trường thể chất, xã hội, kinh tế và văn hóa, với y tế, giáo dục và thông tin liên lạc trong việc giúp người khuyết tật hưởng đầy đủ các quyền và tự do cơ bản của con người,

w. Công nhận rằng mỗi cá nhân có trách nhiệm với những cá nhân khác và với toàn thể cộng đồng của mình, do vậy có trách nhiệm đấu tranh cho sự thúc đẩy và tuân thủ các quyền đã được thừa nhận trong các văn kiện cơ bản về quyền con người.

x. Tin tưởng rằng gia đình là đơn vị cơ bản và tự nhiên của xã hội, được xã hội và nhà nước bảo vệ, người khuyết tật và thành viên gia đình họ cần được nhận sự bảo vệ và giúp đỡ cần thiết để các gia đình có thể giúp người khuyết tật hưởng đầy đủ và bình đẳng các quyền của mình.

y. Tin tưởng rằng một công ước quốc tế toàn diện và tổng thể nhằm thúc đẩy và bảo vệ các quyền và phẩm giá của người khuyết tật sẽ cống hiến đáng kể vào việc bù đắp sự thiệt thòi sâu sắc của người khuyết tật và thúc đẩy sự tham gia của họ vào môi trường văn hóa, xã hội, kinh tế, chính trị và dân sự với cơ hội bình đẳng, ở các quốc gia phát triển cũng như đang phát triển,

[...]
3
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ