Loading


Công văn 1023/UBDT-CSDT năm 2020 trả lời kiến nghị của cử tri kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV về xem xét chỉ đạo việc điều chỉnh các quy định công nhận địa phương vùng thiểu số và miền núi phù hợp với tình hình thực tế do Ủy ban Dân tộc ban hành

Số hiệu 1023/UBDT-CSDT
Ngày ban hành 13/08/2020
Ngày có hiệu lực 13/08/2020
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Uỷ ban Dân tộc
Người ký Đỗ Văn Chiến
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN DÂN TỘC
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1023/UBDT-CSDT
V/v trả lời kiến nghị của cử tri kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV

Hà Nội, ngày 13 tháng 8 năm 2020

 

Kính gửi: Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên.

Ủy ban Dân tộc nhận được văn bản số 5301/VPCP-QHĐP ngày 01/7/2020 của Văn phòng Chính phủ về việc trả lời kiến nghị cử tri tỉnh Thái Nguyên trước kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV: “Căn cứ Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019 của Quốc Hội về phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 và Nghị quyết số 12/NQ-CP ngày 15/02/2020 của Chính phủ về thực hiện Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019. Đề nghị Chính phủ xem xét chỉ đạo việc điều chỉnh các quy định công nhận địa phương vùng thiểu số và miền núi phù hợp với tình hình thực tế, cụ thể: Phường Chùa Hang, thành phố Thái Nguyên vẫn thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh Thái Nguyên được quy định tại Quyết định 582/2017/QĐ-TTg, ngày 28/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ là không còn phù hợp với tình hình hiện nay, vì: Thị trấn Chùa Hang, huyện Đồng Hỷ được điều chỉnh địa giới hành chính về thành phố Thái Nguyên và thành lập phường thuộc thành phố Thái Nguyên theo Nghị quyết số 422/NQ-QH14 ngày 18/8/2017 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội từ năm 2017. Hiện nay trên địa bàn phường Chùa Hang có 366/3.681 hộ gia đình dân tộc thiểu số, chiếm tỷ lệ 9,9%; có 1.171/13.315 nhân khẩu dân tộc thiểu số chiếm 8,7% tổng số nhân khẩu. Hộ gia đình là dân tộc thiểu số trên địa bàn phường là người từ địa phương khác đến sinh sống từ lâu, không chiếm đa số, phân bố không tập trung, không hình thành nét văn hóa, phong tục riêng của từng dân tộc. Về cơ cấu kinh tế: thương mại, dịch vụ và tiểu thủ công nghiệp chiếm trên 70% nền kinh tế”. Sau khi nghiên cứu, Ủy ban Dân tộc có ý kiến như sau:

Phân định khu vực dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển là một căn cứ quan trọng để áp dụng các chính sách dân tộc, ưu tiên đầu tư đối với những nơi có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn nhất, góp phần thu hẹp khoảng cách phát triển giữa miền ngược với miền xuôi, giữa đồng bào dân tộc thiểu số với người đa số và giữa các dân tộc thiểu số trên địa bàn. Do vậy, từ năm 1996 đến nay, Chính phủ đã ban hành các Quyết định phân định khu vực dân tộc thiểu số và miền núi phù hợp với từng giai đoạn kinh tế - xã hội của vùng này. Cụ thể: giai đoạn 2016-2020 việc phân định được áp dụng theo Quyet định 50/2016/QĐ-TTg ngày 3/11/2016 của Thủ tướng Chính phủ.

Tuy nhiên, hiện nay các tiêu chí để xác định vùng dân tộc thiểu số và miền núi chưa có quy định cụ thể về tỷ lệ hộ đồng bào dân tộc thiểu số, do vậy phân định xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi bao gồm cả các xã không có hoặc có rất ít đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Do đó, nguồn lực thực hiện các chính sách bị dàn trải, thiếu tập trung, thậm chí không có đồng bào dân tộc thiểu số nhưng vẫn được thụ hưởng chính sách dân tộc.

Tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV, đã ban hành Nghị quyết số 88/2019/QH14 về phê duyệt Đề án tổng thể phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021-2030. Trong đó giao Chính phủ chỉ đạo “Xây dựng, ban hành tiêu chí phân định vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển đảm bảo toàn diện, khách quan, khoa học, chính xác, làm cơ sở xác định đối tượng, địa bàn cần ưu tiên tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm”.

Trên cơ sở đó, Ủy ban Dân tộc đã phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương xây dựng Đề án tiêu chí phân định vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển và đã được Chính phủ thống nhất thông qua tại Nghị quyết số 28/NQ-CP ngày 10/3/2020 về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2 năm 2020. Trong đó, có nội dung: Xác định vùng đồng hào dân tộc thiểu số và miền núi là địa bàn các xã, thôn có tỷ lệ hộ dân tộc thiểu số từ 15% số hộ trở lên.

Căn cứ các nội dung Đề án tiêu chí phân định vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển đã được Chính phủ thống nhất thông qua. Hiện nay, Ủy ban Dân tộc đang tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định về tiêu chí phân định vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển giai đoạn 2021-2025, (dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ trong Quý III/2020). Theo đó, tiêu chí xác định vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là địa bàn các xã, thôn có tỷ lệ hộ dân tộc thiểu số từ 15% số hộ trở lên.

Như vậy, giai đoạn 2021-2025, phường Chùa Hang, Thành phố Thái Nguyên có tỷ lệ hộ DTTS chiếm 9,9% sẽ không thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Trên đây là ý kiến trả lời kiến nghị của cử tri trước kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, Ủy ban Dân tộc xin gửi Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên và rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên để Ủy ban Dân tộc hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Ban Dân nguyện, QH (để b.c);
- Văn phòng Chính phủ;
- Văn phòng Quốc hội;
- Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT;
- Cổng TTĐT của UBDT;
- Lưu: VT, CSDT (3).

BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM




Đỗ Văn Chiến

 

7
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ