Loading


Công văn 1074/BTNMT-KSONMT năm 2024 hướng dẫn kỹ thuật kiểm kê phát thải bụi và khí thải từ nguồn thải điểm, nguồn diện và nguồn di động do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành

Số hiệu 1074/BTNMT-KSONMT
Ngày ban hành 21/02/2024
Ngày có hiệu lực 21/02/2024
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Tài nguyên và Môi trường
Người ký Lê Công Thành
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

BỘ TÀI NGUYÊN VÀ
MÔI TRƯỜNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1074/BTNMT-KSONMT
V/v hướng dẫn kỹ thuật kiểm kê phát thải bụi và khí thải từ nguồn thải điểm, nguồn diện và nguồn di động

Hà Nội, ngày 21 tháng 02 năm 2024

 

Kính gửi: Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Để hỗ trợ các địa phương thực hiện kiểm kê phát thải phục vụ lập Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí cấp tỉnh theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đảm bảo tính đồng bộ và thống nhất, tiếp theo Công văn số 3051/BTNMT-TCMT ngày 07/6/2021 của Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn kỹ thuật xây dựng Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí cấp tỉnh; Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng tài liệu Hướng dẫn kỹ thuật kiểm kê phát thải bụi và khí thải từ nguồn thải điểm, nguồn diện và nguồn di động.

Bộ Tài nguyên và Môi trường trân trọng đề nghị Quý Ủy ban nghiên cứu tài liệu Hướng dẫn tại Phụ lục kèm theo và tổ chức thực hiện nhằm triển khai tốt công tác kiểm kê phát thải theo quy định. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị Quý Ủy ban phản ánh về Bộ Tài nguyên và Môi trường (thông qua Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường) để được hướng dẫn hoặc phối hợp xem xét, tiếp tục hoàn thiện tài liệu Hướng dẫn, đảm bảo sự phù hợp với điều kiện thực tiễn tại địa phương.

Trân trọng cảm ơn sự phối hợp của Quý Ủy ban./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh (để báo cáo);
- Lưu: VT, KSONMT (70).

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Lê Công Thành

 

PHỤ LỤC

TÀI LIỆU HƯỚNG DẪN KỸ THUẬT KIỂM KÊ PHÁT THẢI
(Kèm theo Công văn số 1074/BTNMT-KSONMT ngày 21 tháng 02 năm 2024 của Bộ Tài nguyên và Môi trường)

Chương 1.

GIỚI THIỆU CHUNG

I.1. Mục tiêu của tài liệu Hướng dẫn

Tài liệu này hướng dẫn kỹ thuật chi tiết thực hiện hoạt động kiểm kê phát thải khí, bụi từ các nguồn thải trên cơ sở hướng dẫn kỹ thuật xây dựng Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí cấp tỉnh tại Công văn số 3051/BTNMT-TCMT ngày 07/6/2021 của Bộ Tài nguyên và Môi trường[1].

I.2. Đối tượng áp dụng

Đối tượng áp dụng của tài liệu Hướng dẫn là các cơ quan nhà nước tại Trung ương và địa phương nhằm thống nhất thực hiện công tác kiểm kê phát thải từ các nguồn thải phát sinh khí, bụi thải (bao gồm nguồn điểm, nguồn diện, nguồn di động) trên địa bàn một tỉnh, thành phố, một vùng hoặc khu vực.

I.3. Nguyên tắc áp dụng

- Khuyến khích việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, mô hình hoá trong thu thập, quản lý và cập nhật thông tin, dữ liệu phục vụ công tác kiểm kê.

I.4. Giải thích từ ngữ

Trong phạm vi Tài liệu Hướng dẫn này, các thuật ngữ dưới đây, được tham khảo từ Cơ quan Bảo vệ môi trường Hoa Kỳ và tài liệu hướng dẫn phát thải của Cơ quan Bảo vệ môi trường Châu Âu, được hiểu như sau:

1. Kiểm kê phát thải (EI): là hoạt động xây dựng danh mục các nguồn ô nhiễm không khí và lượng phát thải các chất ô nhiễm từ các nguồn thải trong một vùng địa lý và một khoảng thời gian nhất định.

2. Nguồn điểm: là các nguồn phát thải có vị trí cố định, có lượng phát thải tương đối ổn định các chất gây ô nhiễm vào khí quyển và có thể nhận dạng được. Điển hình của nguồn điểm là các ống khói phát thải khí, bụi thải từ các hoạt động công nghiệp và ống khói của các cơ sở có hệ thống đốt (lò hơi công nghiệp, lò đốt chất thải).

3. Nguồn diện: là các nguồn phát thải các chất gây ô nhiễm vào khí quyển của một khu vực cụ thể, phát sinh từ các hoạt động của con người. Nguồn diện bao gồm các nguồn phát thải rời rạc, các nguồn phát thải không ổn định, có thể xác định được vị trí. Ví dụ như các nguồn phát thải từ hoạt động đun nấu của một xã hay các phát thải từ hoạt động khai thác than từ một mỏ than.

4. Nguồn di động: là các nguồn di động phát thải các chất gây ô nhiễm vào khí quyển bao gồm các phương tiện, động cơ và thiết bị phát thải liên tục di chuyển từ nơi này sang nơi khác và không có vị trí cố định. Nguồn di động được chia ra làm 2 nguồn là nguồn di động chạy trên đường (xe cộ) và nguồn di động không chạy trên đường (máy nông nghiệp, máy bay, tàu thủy,…).

5. Hệ số phát thải (EF): là hệ số đại diện mối liên hệ giữa lượng chất ô nhiễm thải vào khí quyển với hoạt động gây ra việc phát thải chất ô nhiễm đó. Hệ số phát thải thường được biểu thị bằng khối lượng của chất gây ô nhiễm trên một đơn vị khối lượng, khoảng cách, hoặc quãng thời gian của hoạt động phát ra ô nhiễm (ví dụ kg bụi/tấn than đốt hay g CO/km xe chạy); có thể là các hệ số phát thải không kiểm soát - được xây dựng với giả thiết các công nghệ kiểm soát phát thải không được áp dụng, hoặc hệ số phát thải có kiểm soát - được xây dựng với giả thiết các công nghệ kiểm soát phát thải được áp dụng.

6. Năm cơ sở: là năm thực hiện kiểm kê hoặc năm tham chiếu được coi như mốc chuẩn để so sánh các số liệu kiểm kê trong quá khứ và tương lai cho các năm khác nhau. Năm cơ sở được tùy chọn tùy thuộc vào mục đích của kiểm kê, các yêu cầu quy định và tính khả dụng của dữ liệu. Trong nhiều trường hợp, năm gần nhất với thời gian hiện tại mà có đủ dữ liệu để làm kiểm kê được chọn làm năm cơ sở.

7. Dữ liệu sơ cấp: là các dữ liệu phục vụ kiểm kê được thu thập, tổng hợp từ các kết quả đo đạc và điều tra, khảo sát.

8. Dữ liệu thứ cấp: là các dữ liệu phục vụ kiểm kê được thu thập, tổng hợp từ các nguồn thống kê, báo cáo, nghiên cứu, mô hình hoá, ảnh vệ tinh, các công bố và các dữ liệu khác.

I.4. Danh mục từ viết tắt

[...]
2