Loading


Công văn 11567/TCHQ-TXNK năm 2016 thực hiện Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, Nghị định 134/2016/NĐ-CP do Tổng cục Hải quan ban hành

Số hiệu 11567/TCHQ-TXNK
Ngày ban hành 08/12/2016
Ngày có hiệu lực 08/12/2016
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Tổng cục Hải quan
Người ký Nguyễn Dương Thái
Lĩnh vực Thuế - Phí - Lệ Phí

BỘ TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC HẢI QUAN
----------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 11567/TCHQ-TXNK
V/v thực hiện Luật Thuế XK, thuế NK, Nghị định số 134/2016/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 08 tháng 12 năm 2016

 

Kính gửi: Cục Hải quan các tỉnh, thành phố.

Thời gian qua, Tổng cục Hải quan nhận được ý kiến phản ánh vướng mắc của một số Cục Hải quan và doanh nghiệp về việc thực hiện Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13, Nghị định số 134/2016/NĐ-CP ngày 01/9/2016 và các văn bản hướng dẫn. Để thực hiện đúng quy định của Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và Nghị định số 134/2016/NĐ-CP, Tổng cục Hải quan có ý kiến như sau:

Căn cứ Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13;

Căn cứ Nghị định số 134/2016/NĐ-CP ngày 01/9/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu;

Theo hướng dẫn tại công văn số 12166/BTC-TCHQ, số 12167/BTC-TCHQ ngày 31/8/2016, số 12199/BTC-CST ngày 01/9/2016, số 15120/BTC-CST ngày 25/10/2016 của Bộ Tài chính và công văn số 8450/TCHQ-CNTT, số 8451/TCHQ-GSQL ngày 01/9/2016, số 8600/TCHQ-TXNK ngày 07/9/2016, số 8621/TCHQ-TXNK ngày 08/9/2016, số 9744/TCHQ-TXNK ngày 12/10/2016, số 10461/TCHQ-CNTT ngày 04/11/2016, số 10346/TCHQ-TXNK ngày 02/11/2016, số 10466/TCHQ-TXNK ngày 04/11/2016 của Tổng cục Hải quan.

Tổng cục Hải quan lưu ý các đơn vị:

1. Rà soát, đối chiếu thực hiện đúng quy định của Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13, Nghị định số 134/2016/NĐ-CP ngày 01/9/2016 và các công văn hướng dẫn của Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan nêu trên.

2. Đối với các vướng mắc phát sinh theo báo cáo của các đơn vị thuộc thẩm quyền của Tổng cục Hải quan, Tổng cục Hải quan tổng hợp hướng dẫn theo phụ lục đính kèm. Đề nghị các Cục Hải quan tỉnh, thành phố nghiên cứu và hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện.

3. Đối với các vướng mắc khác, Tổng cục Hải quan tổng hợp trình Bộ Tài chính hướng dẫn các đơn vị thực hiện.

Tổng cục Hải quan thông báo để Cục Hải quan các tỉnh, thành phố được biết và thực hiện./.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- TT. Đỗ Hoàng Anh Tuấn (để báo cáo);
- Vụ CST, Vụ Pháp chế - BTC (để p/h);
- Cục GSQL, Cục CNTT, Vụ Pháp chế (để p/h);
- Lưu: VT, TXNK-CST (05b).

KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG
PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG




Nguyễn Dương Thái

 

PHỤ LỤC

BẢNG TỔNG HỢP VƯỚNG MẮC THỰC HIỆN LUẬT THUẾ XK, THUẾ NK SỐ 107/2016/QH13
(Ban hành kèm theo công văn số 11567/TCHQ-TXNK ngày 08/12/2016)

STT

Nhóm vấn đề vướng mắc

Nội dung vướng mắc của các Cục Hải quan địa phương

Nội dung hướng dẫn của Tổng cục Hải quan

I

Về thời hạn nộp thuế, bảo lãnh, đặt cọc số tiền thuế phải nộp

1

 

Điểm 1.3 Điều 7 Thông tư 152/2011/TT-BTC quy định “Việc kê khai, tính thuế, nộp thuế bảo vệ môi trường đối với hàng hóa nhập khẩu được thực hiện cùng thời điểm với việc kê khai và nộp thuế nhập khẩu .... Thời hạn nộp thuế bảo vệ môi trường trong trường hợp này là thời hạn nộp thuế nhập khẩu theo quy định tại Luật quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành”.

Theo Luật thuế XK, thuế NK số 107/2016/QH13 thì hàng hóa nhập khẩu để sản xuất hàng xuất khẩu được miễn thuế. Như vậy, thời hạn nộp thuế bảo vệ môi trường trong trường hợp này là bao lâu?

(Cục HQ Vũng Tàu, Cục HQ Tây Ninh)

Theo quy định tại Điều 9 Luật Thuế XK, thuế NK số 107/2016/QH13 thì hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thuộc đối tượng chịu thuế phải nộp thuế trước khi thông quan hoặc giải phóng hàng hóa theo quy định của Luật Hải quan, trừ trường hợp người nộp thuế được áp dụng chế độ ưu tiên theo quy định của Luật Hải quan. Do đó, thời hạn nộp thuế đối với hàng hóa nhập khẩu để sản xuất xuất khẩu thuộc đối tượng nộp thuế bảo vệ môi trường cho cơ quan hải quan thì thực hiện theo Điều 9 Luật thuế XK, thuế NK số 107/2016/QH13, Điều 4 Nghị định số 134/2016/NĐ- CP ngày 01/9/2016.

2

 

Khoản 2, Điều 9 Luật thuế XK, thuế NK số 107/2016/QH13 thì đối với trường hợp doanh nghiệp ưu tiên đến thời điểm nộp thuế mà chưa nộp thuế thì phải nộp đủ thuế và tiền chậm nộp theo quy định của Luật quản lý thuế, vậy vướng mắc việc tính phạt chậm nộp này được tính từ ngày mở tờ khai hay từ ngày thứ 11 của tháng kế tiếp. (Cục HQ Đồng Nai)

Căn cứ tại khoản 2 Điều 9 Luật thuế XK, thuế NK số 107/2016/QH13, khoản 3 Điều 3 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật quản lý thuế số 106/2016/QH13 thì trường hợp quá thời hạn nộp thuế doanh nghiệp ưu tiên phải nộp tiền chậm nộp kể từ ngày thứ 11 của tháng kế tiếp đến ngày nộp thuế.

3

 

Mẫu bảo lãnh hiện hành theo Thông tư số 38/2015/TT-BTC quy định về thời hạn nộp thuế được bảo lãnh, quá thời hạn nộp thuế được bảo lãnh mà người nộp thuế không nộp, ngân hàng sẽ nộp thay. Do vậy để phù hợp với quy định mới của Luật thuế XK, thuế NK số 107/2016/QH13 đề nghị Tổng cục Hải quan cần sửa đổi một số nội dung trong bảo lãnh như bảo lãnh số thuế trong thời hạn TNTX; nếu quá thời hạn tạm nhập mà hàng hóa chưa được tái xuất phải nộp thuế thay cho đối tượng được bảo lãnh.

(Cục HQ Hải Phòng)

Tổng cục Hải quan ghi nhận kiến nghị của đơn vị để sửa đổi, bổ sung mẫu bảo lãnh cho phù hợp.

4

 

1. Điều 9 Luật thuế XK, thuế NK số 107/2016/QH13 quy định về thời hạn nộp thuế: Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thuộc đối tượng chịu thuế phải nộp thuế trước khi thông quan.... trừ hàng hóa của doanh nghiệp ưu tiên.

Khoản 5 Điều 47 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP quy định: Trường hợp hàng tái nhập của hàng hóa xuất khẩu để tái chế, thì .... người khai hải quan chưa phải nộp thuế trong thời hạn tái chế....

Như vậy, trường hợp doanh nghiệp không phải là doanh nghiệp ưu tiên, thực hiện tái nhập hàng đã xuất khẩu để tái chế có phải thực hiện nộp thuế trước khi thông quan không?

(Cục HQ Hải Phòng)

1. Tổng cục Hải quan ghi nhận vướng mắc đơn vị nêu để báo cáo Bộ Tài chính có hướng dẫn cụ thể.

2. Luật thuế XK, thuế NK số 107/2016/QH13 quy định việc theo dõi, quản lý nợ thuế theo từng tờ khai của doanh nghiệp ưu tiên được nộp thuế cho các tờ khai đã thông quan hoặc giải phóng hàng trong tháng chậm nhất vào ngày thứ mười của tháng kế tiếp là không thực hiện được vì ở Cục HQ. TPHCM phát sinh lượng hồ sơ rất lớn (khoảng 800-1000 tờ khai). Do đó, đề nghị cho phép doanh nghiệp tự kê khai, tự nộp thuế, tự theo dõi số tiền nợ thuế. Hàng năm khi kiểm tra sau thông quan phát hiện doanh nghiệp không thực hiện đúng thời hạn nộp thuế thì xử lý theo quy định.

(Cục HQ Hồ Chí Minh)

2. Hệ thống KTTT đáp ứng được yêu cầu quản lý theo dõi từng tờ khai của người nộp thuế. Theo quy định của Luật Quản lý thuế thì người nộp thuế có trách nhiệm nộp đầy đủ tiền thuế, đúng thời hạn, đúng địa điểm; cơ quan hải quan sau 30 ngày, kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế, người nộp thuế chưa nộp tiền thuế và tiền chậm nộp thì phải thông báo cho người nộp thuế biết số tiền thuế và tiền chậm nộp để nộp đủ vào NSNN theo quy định. Vì vậy, để đảm bảo việc nộp thuế được kịp thời, đúng thời hạn, đề nghị đơn vị hướng dẫn doanh nghiệp khai thác thông tin các tờ khai trong tháng, tiền thuế phải nộp trên trang điện tử của Tổng cục Hải quan.

II

Miễn thuế hành lý xuất nhập cảnh, quà biếu, quà tặng

5

 

Khoản 1 Điều 6 Nghị định số 134/2016/NĐ-CP quy định về định mức miễn thuế đối với hành lý của người xuất cảnh, nhập cảnh.

Tuy nhiên, định mức quy định tại mẫu tờ khai hải quan dùng cho người xuất cảnh, nhập cảnh ban hành kèm theo Thông tư 120/2015/TT-BTC ngày 14/8/2015 của Bộ Tài chính không thống nhất với định mức quy định tại khoản 1 Điều 6 Nghị định số 134/2016/NĐ-CP. Đề nghị TCHQ báo cáo Bộ Tài chính sửa đổi mẫu tờ khai dùng cho người xuất nhập cảnh phù hợp với quy định tại Nghị định số 134/2016/NĐ-CP.

(Cục HQ Hà Nội, Trường Hải quan)

Tổng cục Hải quan ghi nhận để báo cáo Bộ sửa đổi mẫu tờ khai dùng cho người xuất nhập cảnh ban hành kèm theo Thông tư số 120/2015/TT-BTC phù hợp với quy định tại Nghị định số 134/2016/NĐ-CP.

III

Về miễn thuế đối với hàng hóa gia công

6

 

Khoản 4 Điều 10 Nghị định số 134/2016/NĐ-CP quy định: “Phế liệu, phế phẩm và nguyên liệu, vật tư dư thừa đã nhập khẩu để gia công không quá 3% tổng lượng của từng nguyên liệu, vật tư thực nhập khẩu theo hợp đồng gia công được miễn thuế nhập khẩu khi tiêu thụ nội địa, nhưng phải kê khai nộp thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường (nếu có) cho cơ quan hải quan”.

Điểm c khoản 5 Điều 34 Nghị định số 187/2013/NĐ-CP quy định: “Phế liệu, phế phẩm nằm trong định mức sử dụng,.... thì không phải làm thủ tục hải quan; được miễn thuế nhập khẩu; phải nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp ”.

Đề nghị TCHQ hướng dẫn:

a) Việc kê khai nộp thuế GTGT đối với nguyên liệu vật tư dư thừa nhập khẩu để gia công thực hiện theo văn bản nào? Trường hợp thực hiện theo Nghị định số 134/2016/NĐ-CP thì có mở tờ khai xuất nhập khẩu hay không? Loại hình mở tờ khai? Đơn vị thu mua phế liệu có cần giấy xác nhận đủ điều kiện nhập khẩu phế liệu hay không?

Đề xuất: Mở tờ khai chuyển tiêu thụ nội địa theo loại hình A42; giá tính thuế tính theo giá mua bán tại thời điểm thay đổi mục đích sử dụng; doanh nghiệp không cần giấy xác nhận đủ điều kiện nhập khẩu phế liệu.

b) Đối với trường hợp phế liệu, phế phẩm nằm trong định mức gia công có phải kê khai nộp thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường (nếu có) cho cơ quan hải quan hay không?

(Cục HQ Hà Nội)

a) - Về việc kê khai, nộp thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường (nếu có) đối với phế liệu, phế phẩm và nguyên liệu, vật tư dư thừa nhập khẩu để gia công thực hiện trên tờ khai hải quan mới theo quy định về thay đổi mục đích sử dụng tại Thông tư số 38/2015/TT-BTC. Mã loại hình là A42.

- Chính sách quản lý nhập khẩu phế liệu thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư số 41/2015/TT-BTNMT ngày 09/9/2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Theo đó, tại điểm a khoản 2 Điều 10 Thông tư số 41/2015/TT-BTNMT ngày 09/9/2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường thì Giấy xác nhận là một trong những chứng từ bắt buộc thuộc bộ hồ sơ hải quan nhập khẩu phế liệu. Tuy nhiên, tại Điều 2 Thông tư quy định về đối tượng áp dụng thì “Thông tư này áp dụng đối với cơ quan quản lý nhà nước; tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước có liên quan đến hoạt động nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài để sử dụng làm nguyên liệu sản xuất; nhập khẩu phế liệu để thử nghiệm làm nguyên liệu sản xuất; nhận ủy thác nhập khẩu cho tổ chức, cá nhân sử dụng phế liệu nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất”.

Đối với trường hợp của doanh nghiệp chế xuất, doanh nghiệp trong khu phi thuế quan, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có công văn số 2098/BTNMT-TCMT ngày 27/5/2015 hướng dẫn “phế liệu thu được trong quá trình sản xuất của doanh nghiệp chế xuất, doanh nghiệp trong khu phi thuế quan áp dụng theo quy định tại khoản 3 Điều 1 Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24/4/2015 của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu”. Đối với các trường hợp khác, đề nghị có phản ánh cụ thể để Tổng cục Hải quan có căn cứ trao đổi với Bộ Tài nguyên và Môi trường.

b) Luật thuế XK, thuế NK số 107/2016/QH13 và Nghị định số 134/2016/NĐ-CP không quy định định mức gia công. Khoản 4 Điều 10 Nghị định số 134/2016/NĐ-CP quy định phế liệu, phế phẩm và nguyên liệu, vật tư dư thừa đã nhập khẩu để gia công không quá 3% tổng lượng của từng nguyên liệu, vật tư thực nhập khẩu theo hợp đồng gia công được miễn thuế nhập khẩu khi tiêu thụ nội địa, nhưng phải kê khai nộp thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường (nếu có) cho cơ quan hải quan. Đề nghị đơn vị thực hiện theo quy định.

7

 

1. Điểm c khoản 1 Điều 10 Nghị định số 134/2016/NĐ-CP quy định: Máy móc, thiết bị nhập khẩu được thỏa thuận trong hợp đồng gia công để thực hiện gia công được miễn thuế. Đối với trường hợp máy móc, thiết bị tặng cho được thỏa thuận trong hợp đồng gia công có được miễn thuế hay không?

2. Điểm e khoản 1 Điều 10 Nghị định số 134/2016/NĐ-CP quy định hết thời hạn thực hiện hợp đồng gia công, hàng nhập khẩu để gia công không sử dụng phải tái xuất. Trường hợp không tái xuất phải kê khai nộp thuế theo quy định.

Đối với trường hợp hàng hóa không tái xuất và thực hiện chuyển giao sang hợp đồng gia công khác, đối tượng gia công khác có phải thực hiện kê khai nộp thuế không?

3a) Tại điểm 2 Điều 10 Nghị định số 134/2016/NĐ-CP quy định “người nộp thuế kê khai trên tờ khai hải quan các thông tin về số, ngày hợp đồng, tên đối tác thuê gia công”. Đối với tờ khai điện tử thì hướng dẫn doanh nghiệp khai báo tại tiêu chí nào ? Hiện tại đơn vị đang hướng dẫn doanh nghiệp khai vào tiêu chí “Phần ghi chú” (tuy nhiên, doanh nghiệp khai rất nhiều nội dung vào tiêu chí này và vào nhiều ô trên tờ khai điện tử).

3b) Đề nghị Tổng cục hướng dẫn hợp đồng gia công phải thông báo cho cơ quan hải quan là hợp đồng gia công với thương nhân nước ngoài hay là hợp đồng gia công lại, được thông báo vào thời điểm nào?

(Cục HQ Hà Nội)

1. Về việc hàng hóa nhập khẩu để gia công được sử dụng làm quà biếu, quà tặng đã được quy định tại khoản 1 Điều 10 Nghị định số 134/2016/NĐ-CP quy định. Theo đó, hàng hóa nhập khẩu để gia công được sử dụng làm quà biếu, quà tặng thì thực hiện miễn thuế theo quy định tại Điều 8 Nghị định số 134/2016/NĐ-CP.

2. Trường hợp hết thời hạn thực hiện hợp đồng gia công, hàng nhập khẩu để gia công không tái xuất mà chuyển tiếp sang hợp đồng gia công khác phải thực hiện thủ tục xuất nhập khẩu tại chỗ theo quy định của pháp luật về hải quan thì được miễn thuế theo quy định tại Luật thuế XK, thuế NK số 107/2016/QH13 và Nghị định số 134/2016/NĐ-CP.

3a) Về việc khai báo các chỉ tiêu trên tờ khai:

Tại chỉ tiêu ghi chú trên tờ khai hải quan Người nộp thuế khai các thông tin về số ngày hợp đồng gia công, tên đối tác thuê gia công, theo cấu trúc: #& số hợp đồng#& ngày ký hợp đồng#& ngày hết hạn hợp đồng#& tên đối tác thuê gia công#& các thông tin khác (nếu có);

3b) Tổng cục Hải quan ghi nhận vướng mắc đơn vị nêu để báo cáo Bộ Tài chính có hướng dẫn cụ thể.

8

 

1. Đề nghị Tổng cục Hải quan hướng dẫn “chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản xuất sản phẩm trở lên được chế biến từ tài nguyên, khoáng sản” được hiểu như thế nào và phương pháp kiểm tra?.

Khi Doanh nghiệp xuất khẩu khoáng sản để gia công sau đó nhập khẩu sản phẩm từ khoáng sản đã gia công có bị điều chỉnh bởi Luật khoáng sản số 60/2010/QH12 ngày 17/11/2010; Nghị định số 15/2012/NĐ-CP ngày 09/3/2012 của Chính phủ; Thông tư số 41/2012/TT-BCT ngày 21/12/2012 và Thông tư số 12/2016/TT-BTC của Bộ Công Thương quy định về xuất khẩu khoáng sản?

2. Trường hợp Doanh nghiệp mới thành lập và mới thực hiện hợp đồng gia công chưa có báo cáo quyết toán của năm trước thì căn cứ nào để xác định miễn thuế?

3. Các hoạt động đặt gia công ở nước ngoài, nguyên liệu xuất khẩu là phế liệu, phế phẩm kim loại đã làm sạch (nhôm, kẽm, đồng, sắt, thép....) có được xem là tài nguyên, khoáng sản khai thác chưa chế biến thành sản phẩm khác hoặc đã chế biến thành sản phẩm khác theo quy định tại Nghị định số 100/2016/NĐ-CP hay không?

(Cục HQ TP.HCM)

1+3. Về vấn đề này, Tổng cục Hải quan đã có công văn số 10346/TCHQ-TXNK ngày 02/11/2016 và số 10466/TCHQ-TXNK ngày 04/11/2016 hướng dẫn. Đề nghị đơn vị căn cứ các công văn nêu trên để thực hiện.

2. Về căn cứ để xác định miễn thuế đối với trường hợp doanh nghiệp mới thành lập, chưa có báo cáo quyết toán của năm trước đã được quy định tại khoản 4 Điều 1 Nghị định số 100/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Quản lý thuế và sửa đổi một số điều tại các Thông tư về thuế, khoản 1 Điều 1 Thông tư số 130/2016/TT-BTC ngày 12 tháng 8 năm 2016 hướng dẫn Nghị định số 100/2016/NĐ-CP. Theo đó, việc xác định trị giá tài nguyên, khoáng sản và chi phí năng lượng căn cứ vào quyết toán năm trước; trường hợp doanh nghiệp mới thành lập chưa có báo cáo quyết toán năm trước thì căn cứ vào phương án đầu tư.

IV

Về miễn thuế đối với hàng hóa nhập khẩu để sản xuất xuất khẩu

9

 

Đề nghị có hướng dẫn cụ thể về hồ sơ, thủ tục đối với trường hợp doanh nghiệp A nhập khẩu nguyên liệu, vật tư để tiêu thụ nội địa sau đó bán cho doanh nghiệp khác trong nội địa (doanh nghiệp B) để xuất khẩu.

(Cục HQ Bình Dương, Cục HQ Hải Phòng, Trường Hải quan)

Điều 36 Nghị định số 134/2016/NĐ-CP quy định về đối tượng, hồ sơ, thủ tục, cơ sở để xác định hàng hóa nhập khẩu để sản xuất kinh doanh nhưng đã xuất khẩu sản phẩm được hoàn thuế; trong đó quy định một trong các cơ sở để xác định hàng hóa được hoàn thuế là tổ chức, cá nhân trực tiếp hoặc ủy thác nhập khẩu, xuất khẩu hàng hóa.

Đối chiếu với quy định nêu trên, trường hợp đơn vị nêu không thuộc đối tượng được hoàn thuế.

10

 

Tại Khoản 7 Điều 16 Luật thuế XK, thuế NK số 107/2016/QH13 quy định hàng hóa là Nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu để sản xuất hàng hóa xuất khẩu thì được miễn thuế nhập khẩu nhưng không quy định rõ sản phẩm sản xuất từ nguyên liệu, vật tư nhập khẩu và nguyên liệu, vật tư trong nước có thuế xuất khẩu thì khi xuất khẩu có được miễn thuế xuất khẩu hay không? hay phần trị giá nguyên liệu, vật tư trong nước tương ứng cấu thành trong sản phẩm phải chịu thuế xuất khẩu.

(Cục HQ Hà Nội, Cục HQ Hải Phòng, Cục HQ Long An, Cục HQ Bình Dương)

Các trường hợp miễn thuế đã được quy định tại Điều 16 Luật Thuế XK, thuế NK số 107/2016/QH13, trong đó miễn thuế đối với nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu để sản xuất hàng hóa xuất khẩu được quy định tại khoản 7 Điều 16 Luật Thuế XK, thuế NK số 107/2016/QH13. Theo đó, không quy định trường hợp miễn thuế xuất khẩu đối với sản phẩm xuất khẩu được sản xuất từ nguyên liệu nhập khẩu. Đề nghị các đơn vị thực hiện theo đúng quy định tại Luật thuế XK, thuế NK số 107/2016/QH13 và Nghị định số 134/2016/NĐ-CP.

11

 

- Theo quy định tại khoản 7 Điều 16 Luật thuế XK, thuế NK số 107/2016/QH13 thì hàng hóa là nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu để sản xuất hàng hóa xuất khẩu thuộc đối tượng được miễn thuế nhập khẩu; Theo hướng dẫn tại công văn số 12166/BTC-TCHQ ngày 31/8/2016 của Bộ Tài chính về việc triển khai thực hiện các quy định của Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu thì hồ sơ, thủ tục miễn thuế thực hiện như quy định tại Nghị định 08/2015/NĐ-CP và Thông tư số 38/2015/TT-BTC đối với hàng nhập khẩu để gia công.

- Qua công tác kiểm tra, rà soát về cơ sở sản xuất đối với các doanh nghiệp thực hiện nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất hàng xuất khẩu, tại đơn vị có các trường hợp như sau:

+ Doanh nghiệp không có cơ sở sản xuất, không tổ chức sản xuất mà thuê các đơn vị khác sản xuất lại.

+ Doanh nghiệp có cơ sở sản xuất nhưng chưa đầy đủ giấy tờ chứng minh quyền sử dụng hợp pháp đối với mặt bằng sản xuất, nhà xưởng.

+ Doanh nghiệp có cơ sở sản xuất, có quyền sử dụng hợp pháp đối với mặt bằng sản xuất, nhà xưởng.

- Đối với các trường hợp doanh nghiệp không có cơ sở sản xuất mà thuê các đơn vị khác sản xuất lại, đề nghị Tổng cục Hải quan xem xét, hướng dẫn cụ thể. Khi doanh nghiệp xuất khẩu thì căn cứ quy định nào của Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu để hoàn thuế?

(Cục HQ Đăk Lăk, Cục HQ Bình Phước, Cục HQ Hà Nội)

Căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 12, khoản 3 Điều 36 Nghị định số 134/2016/NĐ-CP thì cơ sở để xác định hàng hóa được miễn thuế, hoàn thuế là tổ chức, cá nhân sản xuất hàng hóa xuất khẩu có cơ sở sản xuất hàng hóa xuất khẩu trên lãnh thổ Việt Nam. Theo đó, trường hợp doanh nghiệp không có cơ sở sản xuất, không tổ chức sản xuất mà thuê các đơn vị khác sản xuất lại hoặc doanh nghiệp có cơ sở sản xuất nhưng chưa đầy đủ giấy tờ chứng minh quyền sử dụng hợp pháp đối với mặt bằng sản xuất, nhà xưởng thì không được miễn thuế, không được hoàn thuế.

12

 

Tại khoản 7 Điều 16 Luật thuế XK, thuế NK số 107/2016/QH13 quy định “Nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu để sản xuất hàng hóa xuất khẩu được miễn thuế”.

Cần quy định cụ thể thời hạn miễn thuế (thời hạn xuất khẩu sản phẩm) đối với hàng hóa nhập khẩu là nguyên liệu nhập khẩu để SXXK, để thuận lợi cho việc theo dõi, xử lý khi chuyển mục đích sử dụng.

(Cục HQ Đà Nẵng)

Nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu để sản xuất hàng hóa xuất khẩu được miễn thuế theo quy định tại khoản 7 Điều 16 Luật Thuế XK, thuế NK số 107/2016/QH13. Trường hợp thay đổi mục đích sử dụng hàng hóa miễn thuế, phải nộp thuế theo quy định.

13

 

Nghị định số 134/2016/NĐ-CP không quy định việc kê khai nộp thuế (GTGT, TTĐB, thuế BVMT) đối với phế liệu, phế phẩm để sản xuất hàng hóa xuất khẩu? Đề nghị Tổng cục hướng dẫn phế liệu, phế phẩm nằm trong định mức thực tế để sản xuất hàng hóa xuất khẩu khi bán, tiêu thụ nội địa có phải kê khai, nộp thuế hay không? Việc kê khai thực hiện với cơ quan hải quan hay cơ quan thuế nội địa?

(Cục HQ Hà Nội, Trường Hải quan)

Căn cứ quy định tại Điều 12 Nghị định số 134/2016/NĐ-CP thì phế liệu, phế phẩm từ nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu để sản xuất hàng hóa xuất khẩu khi bán, tiêu thụ nội địa phải kê khai nộp thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường (nếu có) với cơ quan hải quan theo quy định về hàng hóa thay đổi mục đích sử dụng.

V

Về miễn thuế đối với hàng hóa tạm nhập, tái xuất hoặc tạm xuất, tái nhập trong thời hạn nhất định

14

 

Tại điểm 2 Mục III công văn 12166/BTC-TCHQ ngày 31/8/2016 hướng dẫn: Hàng hóa tạm nhập, tái xuất hoặc tạm xuất, tái nhập để bảo hành, sửa chữa, thay thế quy định tại điểm c khoản 9 Điều 16 Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu phải đảm bảo không làm thay đổi hình dáng, công dụng và đặc tính cơ bản của hàng hóa tạm nhập, tạm xuất và không tạo ra hàng hóa khác.

Trường hợp thay thế hàng hóa theo điều kiện bảo hành của hợp đồng mua bán thì hàng hóa thay thế phải đảm bảo về hình dáng, công dụng và đặc tính cơ bản của hàng hàng hóa được thay thế.

Vướng mắc:

a) Khó xác định “phải đảm bảo không làm thay đổi hình dáng, công dụng và đặc tính cơ bản của hàng hóa tạm nhập, tạm xuất và không tạo ra hàng hóa khác” và “phải đảm bảo về hình dáng, công dụng và đặc tính cơ bản của hàng hàng hóa được thay thế.

(Cục HQ Hà Nội)

b) Đề nghị có hướng dẫn trường hợp doanh nghiệp sửa chữa ở nước ngoài có bổ sung linh kiện thay thế, phát sinh chi phí sửa chữa, nhưng không làm thay đổi hình dáng, công dụng và đặc tính cơ bản của hàng hóa tạm xuất và không tạo ra hàng hóa khác thì phần linh kiện thay thế và chi phí sửa chữa có được miễn thuế nhập khẩu hay không?

(Cục HQ Đồng Nai, Cục HQ Bình Dương)

- Căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 13 Nghị định số 134/2016/NĐ-CP thì “hàng hóa tạm nhập, tái xuất hoặc tạm xuất, tái nhập để bảo hành, sửa chữa, thay thế quy định tại điểm c khoản 9 Điều 16 Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu phải đảm bảo không làm thay đổi hình dáng, công dụng và đặc tính cơ bản của hàng hóa tạm nhập, tạm xuất và không tạo ra hàng hóa khác.

Trường hợp thay thế hàng hóa theo điều kiện bảo hành của hợp đồng mua bán thì hàng hóa thay thế phải đảm bảo về hình dáng, công dụng và đặc tính cơ bản của hàng hóa được thay thế”.

- Căn cứ quy định tại khoản 3 Điều 31 Nghị định số 134/2016/NĐ-CP thì “người nộp thuế tự xác định, khai hàng hóa và số tiền thuế được miễn thuế (trừ việc kê khai số tiền thuế phải nộp đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu để gia công do bên thuê gia công cung cấp) trên tờ khai hải quan khi làm thủ tục hải quan, chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung khai báo.

Cơ quan hải quan nơi làm thủ tục hải quan căn cứ hồ sơ miễn thuế, đối chiếu với các quy định hiện hành để thực hiện miễn thuế theo quy định.

Trường hợp xác định hàng hóa nhập khẩu không thuộc đối tượng miễn thuế như khai báo thì thu thuế và xử phạt vi phạm (nếu có) theo quy định”.

Đề nghị đơn vị thực hiện theo quy định tại Điều 13, Điều 31 Nghị định số 134/2016/NĐ-CP.

15

 

Tại điểm a khoản 9 Điều 16 Luật thuế XK, thuế NK số 107/2016/QH13 quy định miễn thuế đối với hàng hóa TN-TX, TX-TN trong thời hạn nhất định để tổ chức hoặc tham dự hội chợ, ....trừ trường hợp máy móc, thiết bị, dụng cụ, phương tiện vận chuyển của các tổ chức, cá nhân được phép tạm nhập, tái xuất để thực hiện các dự án đầu tư, thi công xây dựng, lắp đặt công trình, phục vụ sản xuất.

Tuy nhiên thực tế rất khó xác định việc doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa trong thời hạn để phục vụ dự án đầu tư, thi công xây dựng, lắp đặt công trình, phục vụ sản xuất và hay phục vụ các công việc khác mà chỉ dựa trên khai báo của doanh nghiệp. Đề nghị có hướng dẫn phân biệt nội dung này.

(Cục HQ Bình Dương)

Khoản 1 Điều 19 Luật thuế XK, thuế NK số 107/2016/QH13 đã quy định máy móc, thiết bị, dụng cụ, phương tiện vận chuyển của các tổ chức, cá nhân được phép tạm nhập, tái xuất để thực hiện các dự án đầu tư, thi công xây dựng, lắp đặt công trình, phục vụ sản xuất thuộc đối tượng hoàn thuế. Đề nghị đơn vị thực hiện theo đúng quy định nêu trên.

16

 

Thuế đối với mặt hàng chịu thuế TTĐB (ô tô, rượu, bia, thuốc lá....)

- Theo quy định tại điểm đ khoản 9 Điều 16 Luật thuế XK, thuế NK số 107/2016/QH13 thì Hàng hóa kinh doanh tạm nhập, tái xuất trong thời hạn tạm nhập, tái xuất (bao gồm cả thời gian gia hạn) được tổ chức tín dụng bảo lãnh hoặc đã đặt cọc một khoản tiền tương đương số tiền thuế nhập khẩu của hàng hóa tạm nhập, tái xuất thuộc đối tượng miễn thuế.

- Theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 3 Luật Thuế TTĐB số 27/2008/QH12 thì “Hàng tạm nhập khẩu, tái xuất khẩu và tạm xuất khẩu, tái nhập khẩu không phải nộp thuế nhập khẩu, thuế xuất khẩu trong thời hạn theo quy định của pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu thuộc đối tượng không chịu thuế TTĐB”.

- Khoản c Điều 6 Nghị định 108/2015/NĐ-CP quy định các trường hợp hoàn thuế có bao gồm cả Hàng tạm nhập khẩu để tái xuất khẩu theo phương thức kinh doanh hàng tạm nhập, tái xuất khi tái xuất khẩu được hoàn lại số thuế tiêu thụ đặc biệt đã nộp tương ứng với số hàng thực tế tái xuất khẩu.

Trước ngày 01/9/2016 hàng kinh doanh tạm nhập, tái xuất thuộc đối tượng không chịu thuế TTĐB (không phải khai, nộp thuế TTĐB) trong thời hạn nộp thuế (nếu có bảo lãnh của ngân hàng).

- Từ 01/9/2016, hàng kinh doanh tạm nhập, tái xuất thuộc đối tượng miễn thuế trong thời hạn tạm nhập tái xuất (nếu có bảo lãnh hoặc đặt cọc). Như vậy, đối với hàng kinh doanh tạm nhập, tái xuất có phải thu thuế TTĐB ngay khi thông quan hoặc giải phóng hàng.

(Cục HQ Hải Phòng)

Tổng cục Hải quan ghi nhận vướng mắc đơn vị nêu để báo cáo Bộ Tài chính có hướng dẫn cụ thể.

17

 

Tại điểm a khoản 9 Điều 16 Luật thuế XK, thuế NK số 107/2016/QH13 quy định “a) Hàng hóa tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập để tổ chức hoặc tham dự hội chợ, triển lãm, giới thiệu sản phẩm, sự kiện thể thao, văn hóa, nghệ thuật hoặc các sự kiện khác; máy móc, thiết bị tạm nhập, tái xuất để thử nghiệm, nghiên cứu phát triển sản phẩm; máy móc, thiết bị, dụng cụ nghề nghiệp tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập để phục vụ công việc trong thời hạn nhất định hoặc phục vụ gia công cho thương nhân nước ngoài, trừ trường hợp máy móc, thiết bị, dụng cụ, phương tiện vận chuyển của các tổ chức, cá nhân được phép tạm nhập, tái xuất để thực hiện các dự án đầu tư, thi công xây dựng, lắp đặt công trình, phục vụ sản xuất”

Đối với trường hợp doanh nghiệp Việt Nam đi thuê máy móc, thiết bị ở nước ngoài để tổ chức đại hội thể thao và thực hiện thủ tục tạm nhập, tái xuất. Như vậy, trường hợp này được miễn thuế hay phải tính thuế trên trị giá đi thuê theo khoản 9 Điều 17 Thông tư số 39/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015?

(Cục HQ Đà Nẵng)

Căn cứ quy định tại điểm a khoản 9 Điều 16 Luật thuế XK, thuế NK số 107/2016/QH13 thì hàng hóa tạm nhập tái xuất để tổ chức sự kiện thể thao được miễn thuế trong thời hạn tạm nhập tái xuất. Tuy nhiên để có cơ sở xử lý trường hợp đơn vị nêu, đề nghị đơn vị cung cấp hồ sơ có liên quan để Tổng cục Hải quan xem xét, hướng dẫn.

VI

Miễn thuế hàng hóa nhập khẩu tạo tài sản cố định của đối tượng ưu đãi đầu tư

18

 

Điều 17 Luật thuế XK, thuế NK số 107/2016/QH13 quy định về thủ tục miễn thuế “Trường hợp quy định tại các khoản 11, 12, 13, 14, 15, 16 và 18 Điều 16 của Luật này, người nộp thuế thực hiện thông báo hàng hóa miễn thuế dự kiến nhập khẩu với cơ quan hải quan”. Theo đó, hàng hóa nhập khẩu để tạo TSCĐ phải thực hiện thủ tục thông báo danh mục dự kiến nhập khẩu với cơ quan hải quan. Tuy nhiên:

1. Hiện nay chưa có hướng dẫn thủ tục, trình tự thông báo danh mục miễn thuế theo quy định của Luật thuế XK, thuế NK số 107/2016/QH13 và trình tự, thủ tục sửa đổi hoặc đề nghị cấp lại danh mục miễn thuế.

2. Người nộp thuế thực hiện thông báo với cơ quan hải quan bằng hình thức như thế nào?

(Cục HQ Đà Nẵng, Cục HQ Quảng Ninh)

Đề nghị đơn vị thực hiện theo quy định tại Điều 30 Nghị định số 134/2016/NĐ-CP.

19

 

Điều 14 Nghị định 134/2016/NĐ-CP quy định: “3. Dự án đầu tư thuộc địa bàn ưu đãi đầu tư và không thuộc ngành nghề ưu đãi đầu tư thì được miễn thuế đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định phục vụ sản xuất của dự án ưu đãi đầu tư”.

 

1. Như vậy, quy định tại khoản 3 trên được hiểu dự án thuộc địa bàn khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn nhưng đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ (không phải sản xuất) và không thuộc lĩnh vực ưu đãi đầu tư quy định tại Nghị định số 118/2015/NĐ-CP thì cũng không được miễn thuế NK hàng hóa tạo TSCĐ của dự án ? Nếu quy định như vậy sẽ chặt hơn quy định tại Luật thuế XNK.

Ví dụ: Dự án A đầu tư khu vui chơi giải trí và khách sạn trên địa bàn đặc biệt khó khăn thì cũng không được miễn thuế hàng hóa tạo TSCĐ của dự án?

1. Tổng cục Hải quan ghi nhận vướng mắc đơn vị nêu để báo cáo Bộ Tài chính có hướng dẫn cụ thể.

2. Quy định trên chưa rõ tài sản cố định phục vụ sản xuất của dự án ưu đãi đầu tư được miễn thuế gồm tài sản nào?

VD: Trường hợp của Tập đoàn Vingroup - Công ty CP có dự án Xây dựng Khu vui chơi giải trí, nhà ở và công viên sinh thái Đảo Vũ Yên thuộc địa bàn ưu đãi đầu tư nhưng không thuộc ngành nghề ưu đãi đầu tư. Công ty kê khai nhập khẩu miễn thuế là tài sản cố định phục vụ sản xuất như Hệ thống Điều hòa nhiệt độ, máy móc thiết bị.... để lắp đặt tại trụ sở tòa nhà của Ban quản lý dự án trong địa bàn ưu đãi đầu tư có được xem xét miễn thuế không?

(Trường Hải quan, Cục HQ Hải Phòng)

2. Trường hợp của Tập đoàn Vingroup - Công ty CP, Bộ Tài chính đã có công văn số 11477/BTC- CST ngày 17/8/2016 hướng dẫn thực hiện. Nếu có vướng mắc phát sinh, đề nghị đơn vị báo cáo cụ thể kèm đề xuất xử lý gửi về Tổng cục Hải quan để được hướng dẫn.

20

 

- Tại khoản 2 Điều 36 Luật Đầu tư số 67/2014/QH13 ngày 26/11/2014 quy định: “Các trường hợp không phải thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư:

a) Dự án đầu tư của nhà đầu tư trong nước;

b) Dự án đầu tư của tổ chức kinh tế quy định tại khoản 2 Điều 23 của Luật này;

c) Đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của tổ chức kinh tế”.

- Tại khoản 2 Điều 17 Luật Đầu tư số 67/2014/QH13 ngày 26/11/2014 quy định: “Đối với dự án không thuộc trường hợp cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, nhà đầu tư được hưởng ưu đãi đầu tư nếu đáp ứng các điều kiện hưởng ưu đãi đầu tư mà không phải thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Trong trường hợp này, nhà đầu tư căn cứ điều kiện hưởng ưu đãi đầu tư quy định tại Điều 15 và Điều 16 của Luật này, quy định khác của pháp luật có liên quan để tự xác định ưu đãi đầu tư và thực hiện thủ tục hưởng ưu đãi đầu tư tại cơ quan thuế, cơ quan tài chính và cơ quan hải quan tương ứng với từng loại ưu đãi đầu tư”.

Tuy nhiên điểm c khoản 3 Điều 30 Nghị định số 134/2016/NĐ-CP quy định “Hồ sơ thông báo Danh mục miễn thuế, gồm: Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy tờ có giá trị tương đương, trừ trường hợp miễn thuế quy định tại khoản 15 Điều 16 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu: 01 bản chụp có đóng dấu sao y bản chính của cơ quan”.

Như vậy, những trường hợp nào phải nộp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư khi đăng ký Danh mục miễn thuế?

(Cục HQ Bình Định)

Căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 17 Luật thuế XK, thuế NK số 107/2016/QH13, Điều 30 Nghị định số 134/2016/NĐ-CP thì các trường hợp thông báo Danh mục hàng hóa nhập khẩu miễn thuế gồm các hàng hóa thuộc đối tượng miễn thuế quy định tại Điều 14, Điều 15, Điều 16, Điều 17, Điều 18, Điều 23, Điều 24 Nghị định 134/2016/NĐ-CP. Hồ sơ thông báo Danh mục miễn thuế thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 30 Nghị định số 134/2016/NĐ-CP, trong đó có Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy tờ có giá trị tương đương. Đề nghị đơn vị căn cứ hồ sơ thực tế, đối chiếu với quy định để thực hiện.

VII

Về miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa không nhằm mục đích thương mại

21

 

1. Mục VIII Công văn số 12166/BTC-TCHQ ngày 31/8/2016 của Bộ Tài chính hướng dẫn như sau:

“1. Hàng hóa không nhằm mục đích thương mại được miễn thuế nhập khẩu trong các trường hợp sau:

a. Hàng mẫu có trị giá hải quan không vượt quá 50.000 (năm mươi nghìn) đồng Việt Nam hoặc hàng hóa chỉ sử dụng làm mẫu, không sử dụng để mua bán, trao đổi hoặc tiêu dùng;

Nội dung trên gây ra cách hiểu khác nhau như sau: trị giá hải quan hàng làm mẫu, không sử dụng để mua bán, trao đổi hoặc tiêu dùng cũng không vượt quá 50.000 đồng Việt Nam. Đồng thời quy định này cũng khó xác định “hàng hóa chỉ sử dụng làm mẫu, không sử dụng để bán, trao đổi hoặc tiêu dùng”, đối với hàng hóa là hàng mẫu mà doanh nghiệp sử dụng để nghiên cứu khoa học hay phục vụ việc giảng dạy thì có được coi là tiêu dùng không?

Đề nghị Tổng cục hướng dẫn thực hiện thống nhất.

(Cục HQ TP.HCM, Cục HQ Hà Nội)

Khoản 1 Điều 27 Nghị định số 134/2016/NĐ-CP quy định “Hàng mẫu, ảnh về hàng mẫu, phim về hàng mẫu, mô hình thay thế cho hàng mẫu có trị giá hải quan không vượt quá 50.000 (năm mươi nghìn) đồng Việt Nam hoặc đã được xử lý để không thể được mua bán hoặc sử dụng, chỉ để làm mẫu;” được miễn thuế nhập khẩu. Theo đó, hàng mẫu nhập khẩu không nhằm mục đích thương mại được miễn thuế phải đáp ứng một trong hai điều kiện:

(i) Có trị giá hải quan không vượt quá 50.000 (năm mươi nghìn) đồng Việt Nam; hoặc

(ii) Hàng hóa nhập khẩu đã được xử lý để không thể được mua bán hoặc sử dụng, chỉ để làm mẫu.

VIII

Về việc miễn thuế đối với hàng hóa có trị giá tối thiểu

22

 

1. Hướng dẫn giới hạn trị giá dưới 50.000 đồng cho một lô hàng hay cho từng mặt hàng (ví dụ: doanh nghiệp nhập khẩu 01 lô hàng mẫu gồm nhiều mặt hàng, trị giá mỗi mặt hàng dưới 50.000 đồng, nhưng trị giá của cả lô hàng trên 50.000 đồng thì có được xem xét miễn thuế cho từng mặt hàng hay không?)

2. Hàng mẫu phục vụ gia công, sản xuất xuất khẩu, hàng mẫu của doanh nghiệp chế xuất có giới hạn trị giá, số lượng hoặc điều kiện để được miễn thuế hay không?

(Cục HQ Đồng Nai)

1. Định mức miễn thuế đối với hàng mẫu, phim về hàng mẫu, mô hình thay thế cho hàng mẫu có trị giá hải quan không vượt quá 50.000 đồng Việt Nam được áp dụng cho một lần xuất khẩu, nhập khẩu.

2. Đề nghị đơn vị thực hiện theo quy định tại Điều 10, Điều 11, Điều 12 Nghị định số 134/2016/NĐ- CP.

IX

Giảm thuế

23

 

Theo quy định tại Điều 18 Luật thuế XK, thuế NK số 107/2016/QH13 và Điều 32 Nghị định số 134/2016/NĐ-CP thì hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu đang trong quá trình, giám sát của cơ quan hải quan nếu bị hư hỏng, mất mát được cơ quan hải quan, tổ chức có thẩm quyền giám định chứng nhận thì được giảm thuế.

Tuy nhiên tại Điều 32 Nghị định số 134/2016/NĐ-CP quy định về hồ sơ giảm thuế gồm: biên bản xác nhận nguyên nhân thiệt hại của cơ quan chức năng tại địa bàn nơi phát sinh thiệt hại (biên bản xác nhận vụ cháy của cơ quan cảnh sát phòng cháy chữa cháy, văn bản xác nhận của UBND huyện về thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ).

Như vậy, nguyên liệu, máy móc, thiết bị nhập khẩu theo hợp đồng gia công bị hỏa hoạn có thuộc đối tượng giảm thuế không do đối tượng này không được quy định tại Luật thuế XK, thuế NK số 107/2016/QH13 và Nghị định số 134/2016/NĐ-CP.

(Cục HQ Hải Phòng)

Căn cứ khoản 1 Điều 59 Luật Hải quan thì “hàng hóa là nguyên liệu, vật tư nhập khẩu để gia công, sản xuất hàng hóa xuất khẩu phải chịu sự kiểm tra, giám sát hải quan từ khi nhập khẩu, trong quá trình sản xuất ra sản phẩm cho đến khi sản phẩm được xuất khẩu hoặc thay đổi mục đích sử dụng”. Đề nghị đơn vị nghiên cứu thực hiện đúng quy định.

X

Về hoàn thuế

24

 

Khoản 1 Điều 19 Luật thuế XK, thuế NK số 107/2016/QH13 không quy định trường hợp hoàn thuế khi có sự nhầm lẫn trong kê khai thuế, tính thuế, nộp thuế của người nộp thuế.

Đề nghị hướng dẫn rõ các trường hợp nhầm lẫn trong kê khai thuế, tính thuế, nộp thuế có được hoàn trả số tiền thuế nộp thừa hay không (như nộp 2 lần cho 1 lô hàng, TN-TX theo loại hình thuê mướn,...) thời hạn để hoàn trả là bao lâu? Nếu đã quy định tại Luật khác thì cũng hướng dẫn rõ trong Nghị định.

(Cục HQ Hà Nội, Cục HQ TP. HCM)

Việc xử lý tiền thuế nộp thừa do nhầm lẫn trong kê khai, tính thuế, nộp thuế của người nộp thuế thực hiện theo quy định của Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thực hiện.

25

 

Đề nghị Tổng cục hướng dẫn trường hợp hồ sơ hoàn thuế cho các tờ khai mở trước ngày 01/9/2016, khi ban hành quyết định hoàn thuế, cơ quan hải quan căn cứ vào Luật thuế XK, thuế NK số 107/2016/QH13 hay Luật thuế XK, thuế NK số 45/2005/QH11? Vì nếu hàng hóa là nguyên liệu sản xuất xuất khẩu thì theo Luật thuế XK, thuế NK số 107/2016/QH13 là đối tượng miễn thuế, không có trong các trường hợp được hoàn, còn các khoản tiền thuế nộp nhầm, nộp thừa cũng không thuộc các trường hợp được hoàn thuế.

(Cục HQ Hà Nội, Cục HQ Hải Phòng)

Căn cứ ban hành quyết định hoàn thuế, không thu thuế đối với các tờ khai đăng ký trước ngày 01/9/2016 thực hiện theo quy định tại Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 45/2005/QH11 và các văn bản hướng dẫn thực hiện.

26

 

Trong trường hợp tại thời điểm mở tờ khai tạm nhập hồ sơ không đủ điều kiện miễn thuế do chứng từ bảo lãnh, chứng từ đặt cọc, doanh nghiệp nộp thuế để được thông quan hàng. Vậy đến khi hàng thực xuất ra khỏi lãnh thổ VN, doanh nghiệp có được hoàn thuế không? Theo quy định tại Điều 19 Luật thuế XK, thuế NK số 107/2016/QH13 không có trường hợp hoàn thuế đối với hàng hóa tạm nhập, tái xuất hoặc tạm xuất, tái nhập đã nộp thuế nhập khẩu, thuế xuất khẩu.

(Cục HQ Hải Phòng)

Căn cứ điểm c khoản 1 Điều 19 Luật thuế XK, thuế NK số 107/2016/QH13, Điều 34 Nghị định số 134/2016/NĐ-CP thì hàng hóa nhập khẩu phải tái xuất được hoàn thuế. Đề nghị đơn vị thực hiện theo đúng quy định.

XI

Về thực hiện thao tác, xử lý trên hệ thống xử lý dữ liệu điện tử

27

 

Doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất hàng xuất khẩu (E31) nhưng không đáp ứng về thời hạn nộp thuế điểm a khoản 1 Điều 42 Thông tư 38/2015/TT-BTC nên để được áp dụng thời hạn nộp thuế 275 ngày doanh nghiệp đã thực hiện bảo lãnh của ngân hàng. Tuy nhiên đến ngày 31/08/2016 doanh nghiệp bị nợ cưỡng chế đối với tờ khai 10081733035/E31 ngày 13/4/2016 (đã nhập chứng thư bảo lãnh có hiệu lực đến ngày 12/01/2017) và doanh nghiệp không được khai, làm thủ tục cho tờ khai mới. Đề nghị TCHQ hướng dẫn cách xử lý nợ đối với trường hợp này

(Cục HQ Khánh Hòa)

Để xử lý trường hợp đơn vị nêu, Tổng cục Hải quan đã hướng dẫn tại điểm 1.2 công văn số 8621/TCHQ -TXNK ngày 08/9/2016.

28

 

- Đề nghị có hướng dẫn cụ thể đối với trường hợp Công ty cổ phần giầy Thượng Đình sẽ phát sinh nợ thuế tờ khai NSXXK khi Doanh nghiệp chưa kịp kê khai rõ số lượng hàng hóa và số tiền thuế thực hiện thủ tục hoàn thuế, không thu thuế; số lượng hàng hóa và số tiền thuế được miễn theo quy định của Luật thuế XK, thuế NK để thực hiện thủ tục miễn thuế đối với hàng hóa nhập khẩu để sản xuất hàng XK thuộc tờ khai hải quan trước ngày 01/9/2016 (được hướng dẫn tại phần XII Công văn số 12166/BTC-TCHQ ngày 31/8/2016).

- Đối với tờ khai NSXXK quá 275 ngày chưa làm thủ tục không thu thuế hệ thống VNACCS báo đỏ không được mở tờ khai xuất, nhập. Như vậy, Doanh nghiệp mở tờ khai mới XK hoặc NK không thực hiện được kể từ ngày 01/9/2016. Đề nghị có hướng dẫn xử lý trên hệ thống VNACCS đối với các tờ khai này để được thông quan.

(Cục HQ Hà Nội)

Về vấn đề này, Tổng cục Hải quan đã có hướng dẫn tại công văn 8621/TCHQ-TXNK ngày 8/9/2016

29

 

Về xử lý bảo lãnh thuế quy định tại Khoản 1 Điều 9 Luật thuế XK, thuế NK số 107/2016/QH13 trên Hệ thống Kế toán thuế.

Đề nghị thực hiện theo hướng dẫn tại điểm 1 công văn số 8450/TCHQ-CNTT ngày 01/9/2016. Theo đó: Việc bảo lãnh thuế theo quy định tại khoản này sẽ được thực hiện như quy trình hiện tại trên hệ thống kế toán thuế xuất nhập khẩu tập trung.

30

 

Trường hợp doanh nghiệp ưu tiên mở tờ khai theo loại hình A12, A11 có thuế chọn mã xác định thời hạn nộp thuế là mã D - nộp thuế ngay; cơ quan Hải quan đã điều chỉnh thời gian ân hạn thuế cho tờ khai trên Hệ thống Kế toán thuế tập trung nhưng Hệ thống Vnaccs-Vcis không thực hiện thông quan cho tờ khai được. Đề nghị Tổng cục có hướng dẫn.

(Cục HQ Vũng Tàu, Cục HQ Đồng Nai)

Đề nghị thực hiện theo công văn số 10461/TCHQ-CNTT ngày 4/11/2016.

XII

Các kiến nghị khác

31

 

Tờ khai đã nộp thuế nhưng chưa xuất khẩu sản phẩm, theo quy định mới được miễn thuế nhập khẩu. Sau khi doanh nghiệp khai báo miễn thuế, số thuế nhập khẩu đã tạm nộp trước đây có được hoàn lại ngay theo diện nộp nhầm, nộp thừa hay không?

(Cục HQ Đồng Nai)

Theo quy định tại Điều 21 XNK số 107/2016/QH13 thì trường hợp hàng hóa nhập khẩu để sản xuất hàng hóa xuất khẩu tại các tờ khai đăng ký trước ngày 01/9/2016 để được miễn thuế phải đáp ứng đồng thời 02 điều kiện: chưa xuất khẩu sản phẩm và chưa nộp thuế. Trường hợp doanh nghiệp đã nộp thuế và đã xuất khẩu sản phẩm thì thực hiện thủ tục hoàn thuế theo quy định tại Luật thuế XNK số 45/2005/QH11 và các văn bản hướng dẫn thực hiện.

32

 

Đối với các trường hợp hồ sơ không thu thuế theo khoản 2 Điều 129 Thông tư 38/2015/TT-BTC: Nếu doanh nghiệp chậm nộp hồ sơ đề nghị “không thu thuế” phát sinh tại thời điểm Luật Thuế XNK số 107/2016/QH13 có hiệu lực thì doanh nghiệp có bị xử lý vi phạm hành chính không?

(Cục HQ Hải Phòng)

Theo quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính nếu có hành vi vi phạm hành chính thì bị xử phạt. Do đó, trường hợp có hành vi vi phạm phát sinh tại thời điểm Luật thuế XK, thuế NK thì xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định số 127/2013/NĐ-CP ngày 15/10/2013 (đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 45/2016/NĐ-CP ngày 26/5/2016)

33

 

Một số quy định về hồ sơ tại Nghị định 134/2016/NĐ-CP đều có quy định chứng từ là “bản chụp có đóng dấu sao y bản chính của cơ quan”.

Như vậy khái niệm “cơ quan” được đề cập tại Nghị định số 134/2016/NĐ-CP được hiểu là người khai hải quan, người nộp thuế hay là cơ quan nhà nước có thẩm quyền?

(Cục HQ Hải Phòng)

Khái niệm “cơ quan” được hiểu là người khai hải quan, người nộp thuế đóng dấu sao y bản chính và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung khai báo.

34

 

1. Theo quy định tại Luật thuế XK, thuế NK số 107/2016/QH13 và khoản 3 Điều 31 Nghị định số 134/2016/NĐ-CP thì hàng nhập sản xuất xuất khẩu thuộc đối tượng miễn thuế; người nộp thuế tự xác định, khai hàng hóa và số tiền thuế được miễn. Cơ quan hải quan nơi làm thủ tục hải quan căn cứ hồ sơ miễn thuế, đối chiếu với quy định hiện hành để thực hiện miễn thuế theo quy định.

Tuy nhiên hiện nay, quy trình thủ tục hải quan điện tử ban hành kèm theo Quyết định số 1966/QĐ-TCHQ đã có một số nội dung không còn phù hợp (như Điều 75 quy trình đang hướng dẫn xử lý thuế đối hàng hóa nhập khẩu để sản xuất xuất khẩu theo quy định tại Luật Thuế XNK số 45/2005/QH11 là đối tượng hoàn thuế), do đó đề xuất sửa đổi lại quy trình này.

2. Theo quy định tại điểm đ khoản 9 Điều 16 Luật thuế XK, thuế NK số 107/2016/QH13, tờ khai TN-TX, TX-TN sẽ không có thông báo thuế trên hệ thống kế toán thuế tập trung nên không thể thực hiện được việc theo dõi, trừ lùi, khôi phục bảo lãnh, đồng thời cảnh báo khi tờ khai đã quá hạn bảo lãnh mà doanh nghiệp chưa thực hiện nghĩa vụ nộp thuế hoặc thanh khoản tờ khai.

Tuy nhiên, hiện nay chưa có hướng dẫn về việc theo dõi, quyết toán bảo lãnh khi hàng hóa đã thực tái xuất theo đúng thời hạn (bao gồm cả thời gian gia hạn). Đề nghị Cục CNTT phối hợp với các đơn vị có liên quan để hoàn thiện các hệ thống phần mềm nghiệp vụ nhằm kịp thời đáp ứng hiệu quả các nội dung mới của Luật.

3. Việc quản lý khoản tiền đặt cọc thực hiện trên hệ thống kế toán thuế xuất nhập khẩu tập trung (hướng dẫn tại công văn số 8450/TCHQ-CNTT) theo chức năng nhập tiền ký quỹ (chức năng 2.Nhập liệu >M.Nhập chứng từ ký quỹ của doanh nghiệp >1.Nhập chứng từ) và 2.Nhập liệu/D.Chứng từ ghi sổ liên quan tới tờ khai/Nhập chứng từ -Loại chứng từ ghi sổ: Q1.Chứng từ nhập quỹ, Q2.Chứng từ thoái quỹ, không theo dõi được theo từng tờ khai, đang phải nhập thủ công, gây mất nhiều thời gian. Đề nghị hoàn thiện chức năng nhập ký quỹ trên hệ thống KTTTT.

4. Tại điểm đ khoản 9 Điều 16 Luật Thuế XNK quy định hàng kinh doanh tạm nhập tái xuất thuộc đối tượng miễn thuế. Khi khai báo trên hệ thống VNACCS, do khai mã miễn/giảm/không chịu thuế nhập khẩu “XN019: Hàng Kinh doanh TNTX,TXTN trong thời hạn” tại tiêu chí 1.92 của tờ khai hải quan điện tử đối với hàng hóa nhập khẩu nên trên Hệ thống KTTT không ra chứng từ ghi số thuế phải thu cho tờ khai.

Đối với hàng hóa kinh doanh TNTX, người nộp thuế phải nộp thêm thư bảo lãnh của tổ chức tín dụng hoặc giấy nộp tiền đặt cọc vào tài khoản tiền gửi của cơ quan hải quan tại kho bạc Nhà nước. Vậy thì nộp vào tài khoản số bao nhiêu? Đề nghị hướng dẫn thực hiện theo dõi bảo lãnh chung, bảo lãnh riêng, tiền đặt cọc cho từng tờ khai trên hệ thống kế toán tập trung. Đồng thời có hướng dẫn xử lý thuế, bảo lãnh thuế, tiền đặt cọc sau khi tái xuất hàng hóa ra khỏi Việt Nam.

(Cục HQ Quảng Ninh, Cục HQ Hải Phòng, Cục HQ Đà Nẵng, Cục HQ Hà Nội)

1. Tổng cục Hải quan ghi nhận để rà soát, sửa đổi quy trình này để phù hợp với các quy định của pháp luật. Tuy nhiên trước mắt, đề nghị các đơn vị thực hiện theo đúng quy định tại Luật thuế XK, thuế NK số 107/2016/QH13 và Nghị định số 134/2016/NĐ- CP.

2+3+4. Tổng cục Hải quan ghi nhận và sẽ có văn bản hướng dẫn trong thời gian sớm nhất.

35

 

1. Theo quy định tại Nghị định số 134/2016/NĐ-CP thì trường hợp sản phẩm gia công xuất khẩu được sản xuất từ nguyên liệu, vật tư trong nước có thuế xuất khẩu thì khi xuất khẩu phải chịu thuế đối với phần trị giá nguyên liệu, vật tư trong nước cấu thành trong sản phẩm xuất khẩu.

Đề nghị Tổng cục có văn bản hướng dẫn thống nhất việc kê khai, nộp thuế một lần khi quyết toán thuế đối với nguyên liệu, vật tư trong nước có thuế xuất khẩu tham gia quá trình gia công, không phải quyết toán theo từng tờ khai.

1. Tổng cục Hải quan ghi nhận vướng mắc đơn vị nêu để báo cáo Bộ Tài chính có hướng dẫn cụ thể.

2. Theo quy định hiện hành, việc quản lý hàng gia công thực hiện theo từng tờ khai, để giảm tải công việc do lượng tờ khai ở đơn vị phát sinh nhiều, đề nghị Tổng cục có hướng dẫn thay đổi cách quản lý từng tờ khai sang lập hồ sơ, quản lý doanh nghiệp. (Cục HQ Hồ Chí Minh)

2. Hiện nay Nghị định số 08/2015/NĐ-CP, Thông tư số 38/2015/TT-BTC, Quyết định số 1966/QĐ-TCHQ đã hướng dẫn việc quản lý hàng gia công theo hình thức lập hồ sơ quản lý doanh nghiệp thông qua việc thu thập, phân tích thông tin doanh nghiệp trong quá trình hoạt động. Do đó, đề nghị đơn vị nghiên cứu, thực hiện.

36

 

- Điểm 2 mục II công văn số 12166/BTC-TCHQ hướng dẫn hồ sơ, thủ tục miễn thuế đối với hàng nhập khẩu để sản xuất xuất khẩu thực hiện như đối với hàng hóa nhập khẩu để gia công quy định tại Nghị định số 08/2015/NĐ-CP và Thông tư 38/2015/TT-BTC. Như vậy, từ ngày 01/9/2016 hàng SXXK không phải kê khai số tiền thuế được miễn cho từng mặt hàng trên tờ khai.

- Tuy nhiên điểm a, khoản 3 Điều 31 Nghị định 134/2016/NĐ-CP quy định: Người nộp thuế tự xác định, khai hàng hóa và số tiền thuế được miễn thuế (trừ việc kê khai số tiền thuế phải nộp đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu để gia công do bên thuê gia công cung cấp) trên tờ khai hải quan khi làm thủ tục hải quan, chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung khai báo. Như vậy, từ khi thực hiện Nghị định 134/2016/NĐ-CP phải tự xác định, khai hàng hóa và số tiền thuế được miễn trên tờ khai.

Đề nghị Tổng cục hướng dẫn việc xử lý đối với các tờ khai hàng SXXK đã thực hiện như hàng gia công từ ngày 01/9/2016 đến trước khi thực hiện Nghị định 134/2016/NĐ-CP (đã thực hiện không kê khai số tiền thuế được miễn cho từng mặt hàng trên tờ khai).

(Cục HQ Hải Phòng)

Căn cứ điểm a khoản 3 Điều 31 Nghị định 134/2016/NĐ-CP thì người nộp thuế tự xác định, khai hàng hóa và số tiền thuế được miễn thuế (trừ việc kê khai số tiền thuế phải nộp đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu để gia công do bên thuê gia công cung cấp) trên tờ khai hải quan khi làm thủ tục hải quan, chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung khai báo. Đề nghị thực hiện theo quy định tại Nghị định 134/2016/NĐ-CP.

37

 

Cơ sở để xác định hàng hóa nhập khẩu để SXXK được miễn thuế “Tổ chức cá nhân sản xuất hàng hóa xuất khẩu có cơ sở sản xuất hàng hóa trên lãnh thổ Việt Nam,..”

Như vậy, hàng nhập SXXK đăng ký theo loại hình E31 được miễn thuế NK. Trường hợp DN nhập nguyên liệu để SXXK nhưng không có cơ sở sản xuất, quyền sở hữu máy móc thiết bị thì có phải nộp thuế GTGT không?

(Cục HQ Hà Nội)

Tổng cục Hải quan ghi nhận vướng mắc đơn vị nêu để báo cáo Bộ Tài chính có hướng dẫn cụ thể.

 

 

3
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ