Loading


Công văn 12784/BCT-KH trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri tỉnh Bình Dương do Bộ Công thương ban hành

Số hiệu 12784/BCT-KH
Ngày ban hành 28/12/2012
Ngày có hiệu lực 28/12/2012
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Công thương
Người ký Vũ Huy Hoàng
Lĩnh vực Thương mại,Bộ máy hành chính

BỘ CÔNG THƯƠNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 12784/BCT-KH
V/v trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri tỉnh Bình Dương

Hà Nội, ngày 28 tháng 12 năm 2012

 

Kính gửi: Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương

Theo báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi tới Kỳ họp thứ 4n Quốc hội khóa XIII của Ban Dân nguyện - Ủy ban Thường vụ Quốc hội chuyển tới Bộ Công Thương tại văn bản số 593/BDN ngày 26 tháng 11 năm 2012, cử tri tỉnh Bình Dương có ý kiến như sau:

Cử tri lo ngại trước tình trạng xăng dầu kém chất lượng để xảy ra sự cố cháy xe khi đang lưu thông trên đường gây hậu quả nghiêm trọng làm thiệt hại về người và tài sản của người dân trong thời gian qua. Cử tri cho rằng đây là vấn đề cần được các ngành chức năng quan tâm xử lý, vì hiện nay giá xăng dầu ngày càng tăng, đã ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân nhưng trái lại người dân lại phải sử dụng một loại xăng không đảm bảo chất lượng, gây bức xúc cho bà con cử tri. Cử tri đề nghị các ngành chức năng cần tăng cường kiểm tra chất lượng xăng dầu, quản lý chặt chẽ việc kinh doanh xăng dầu của các doanh nghiệp này để hạn chế hành vi gian lận trong buôn bán, đồng thời tăng mức xử phạt, hoặc rút giấy phép kinh doanh nếu như doanh nghiệp cố tình vi phạm; đồng thời xem lại giá bán xăng dầu hiện nay đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng.

Bộ Công Thương xin được trả lời như sau:

Về quản lý kinh doanh xăng dầu, tăng cường biện pháp phòng, chống cháy, nổ xe cơ giới.

Thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ giao về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống cháy, nổ xe cơ giới, Bộ Công Thương đã chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường kiểm tra, xử lý, loại bỏ hoàn toàn việc bán lẻ xăng, dầu tự phát không được cấp phép theo nội dung tại Công văn số 21/QLTT-CBL về việc xóa bỏ các tụ điểm kinh doanh xăng dầu trái phép, các điểm bán xăng, dầu qua các cột bơm mini, thùng, can, chai ...; phối hợp với các phương tiện thông tin đại chúng tuyên truyền cho các tổ chức, cá nhân, người tiêu dùng không mua xăng, dầu tại các điểm kinh doanh trái phép.

Kết quả kiểm tra, xử lý vi phạm: Từ đầu năm tới nay, lực lượng Quản lý thị trường đã kiểm tra 7.390 vụ, xử lý 1133 vụ, trong đó vi phạm về điều kiện kinh doanh 402 vụ; vi phạm về giá 43 vụ, vi phạm về chất lượng 65 vụ; vi phạm về đo lường 63 vụ, vi phạm khác 214 vụ. Tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính là 8.330.060.000 đồng. Tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh của 40 cửa hàng kinh doanh xăng dầu vi phạm.

Ngoài ra, Bộ Công Thương đã và sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp:

- Chỉ đạo các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu rà soát hệ thống tổng đại lý, cửa hàng trực thuộc về các điều kiện kinh doanh xăng dầu theo qui định tại Nghị định 84/2009/NĐ-CP ngày 15 tháng 10 năm 2009 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu, trong đó, chú ý về số lượng đại lý, cửa hàng và điều kiện chỉ được phép mua của 1 doanh nghiệp đầu mối nhằm đảm bảo việc đăng ký hệ thống phân phối và chế độ báo cáo về Bộ Công Thương theo quy định. Chấn chỉnh việc mua bán xăng dầu trong hệ thống phân phối, đưa ra khỏi danh sách tổng đại lý khi phát hiện doanh nghiệp này mua bán xăng dầu ngoài hệ thống phân phối hoặc không đủ điều kiện làm tổng đại lý; cung cấp liên tục, kịp thời về số lượng, chủng loại xăng dầu cho toàn hệ thống phân phối của mình, ổn định mức dự trữ lưu thông xăng dầu tối thiểu cả về lượng, cơ cấu chủng loại. Đôn đốc, nhắc nhở cửa hàng xăng dầu thuộc hệ thống phân phối của mình bảo đảm thời gian bán hàng liên tục nhất là trong thời gian giá xăng dầu tăng và phải chịu trách nhiệm khi cắt giảm lượng hàng cung cấp theo hợp đồng so với thời gian trước đó; tăng cường giám sát chất lượng xăng dầu trong hệ thống phân phối của mình và thực hiện các quy định của pháp luật trong tồn trữ, vận chuyển để bảo đảm chất lượng đến tay người tiêu dùng.

- Chỉ đạo Sở Công Thương (là cơ quan tham mưu giúp Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương) tăng cường quản lý nhà nước trên địa bàn; Rà soát quy hoạch hệ thống phân phối xăng dầu trên địa bàn, rà soát việc đăng ký hệ thống phân phối, nhằm phát hiện, điều chỉnh các trường hợp trùng lặp các đại lý, cửa hàng bán lẻ xăng dầu khi đăng ký hệ thống phân phối. Chấn chỉnh về việc chấp hành quy định của pháp luật đối với cả hệ thống kinh doanh xăng dầu từ tổng đại lý, đại lý, cửa hàng bán lẻ xăng dầu; phối hợp các lực lượng chức năng trong việc kiểm tra, xử lý vi phạm trong kinh doanh xăng dầu, quản lý chặt chẽ hệ thống phân phối. Khi giá cả có sự biến động chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường phối hợp với các lực lượng chức năng trên địa bàn tổ chức kiểm tra khi cửa hàng kinh doanh xăng dầu giãn thời gian bán hàng hoặc ngừng bán hàng. Đồng thời tổ chức kiểm tra tổng đại lý kinh doanh xăng dầu trên địa bàn có cửa hàng ngừng bán hàng liên quan đến nguồn cung.

- Thực hiện tốt trách nhiệm phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ trong việc kiểm tra chất lượng xăng dầu lưu thông trên thị trường.

Về giá bán xăng dầu

Thời gian qua, công tác điều hành giá xăng dầu trong nước tuân thủ theo quy định tại Nghị định số 84/2009/NĐ-CP ngày 15 tháng 10 năm 2009 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu, căn cứ theo diễn biến của giá xăng dầu thế giới.

Xăng dầu là nhiên liệu có nguồn gốc hóa thạch, không tái tạo, vì vậy, trong lúc chưa tìm được nguồn nhiên liệu thay thế, về cơ bản giá xăng dầu thế giới có xu hướng tăng. Nếu như giá thế giới đối với mặt hàng xăng RON 92 bình quân năm 2002 chỉ là 26,838 USD/thùng thì bình quân năm 2007 đã tăng lên 81,780 USD/thùng và bình quân 12 tháng đầu năm 2012 tăng tới 120,691 USD/thùng. Do vậy xu hướng chung của giá trong nước đều chỉnh tăng là chủ yếu. Tính từ năm 2009 (là năm chuyển điều hành xăng dầu theo cơ chế thị trường) đến nay, mặt hàng xăng có 31 lần điều chỉnh giá, trong đó 20 lần điều chỉnh tăng và 11 lần điều chỉnh giảm.

Trong điều hành giá, khi giá thế giới tăng cao, Liên Bộ Tài chính - Công Thương áp dụng các biện pháp giảm thuế nhập khẩu, sử dụng Quỹ bình ổn giá để hạn chế tần suất, mức điều chỉnh của giá bán trong nước ở những giai đoạn mà mục tiêu là kiềm chế lạm phát. Nhưng có thời điểm giá xăng dầu thế giới tăng mạnh, khi các công cụ bình ổn đã sử dụng hết (thuế suất thuế nhập khẩu đã lùi về mức 0%, Quỹ Bình ổn giá không còn số dư, thậm chí còn bị âm...), Liên Bộ buộc phải điều chỉnh tăng giá bán xăng dầu trong nước và điều chỉnh ở mức độ lớn để giá xăng dầu trong nước bám sát giá xăng dầu thế giới, tránh tình trạng xuất lậu xăng dầu qua biên giới, giảm bớt tình trạng thua lỗ của các doanh nghiệp, ổn định nguồn cung và hệ thống phân phối của doanh nghiệp.

Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính trong điều hành giá xăng dầu với mục tiêu vừa đảm bảo ổn định thị trường kiềm chế lạm phát và đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng.

Thông qua đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương, Bộ Công Thương xin cảm ơn cử tri tỉnh Bình Dương đã quan tâm đến vấn đề nêu trên./.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội;
- Ban Dân nguyện-UBTVQH;
- Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP;
- Chủ nhiệm VPQH;
- UBTW Mặt trận TQVN;
- Các Bộ: TC, KHCN;
- Lãnh đạo Bộ;
- Cục QLTT;
- Lưu: VT, KH (2b).

BỘ TRƯỞNG




Vũ Huy Hoàng

 

3
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ