Loading


Công văn 13687/BTC-QLCS báo cáo tình hình quản lý, sử dụng tài sản công năm 2023 và những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong công tác quản lý tài sản công năm 2024 do Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu 13687/BTC-QLCS
Ngày ban hành 12/12/2023
Ngày có hiệu lực 12/12/2023
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Nguyễn Đức Chi
Lĩnh vực Tài chính nhà nước

BỘ TÀI CHÍNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 13687/BTC-QLCS
V/v báo cáo tình hình quản lý, sử dụng tài sản công năm 2023 và những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong công tác quản lý tài sản công năm 2024.

Hà Nội, ngày 12 tháng 12 năm 2023

 

Kính gửi:

- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương;
- Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Tài sản công là nguồn lực quan trọng, có phạm vi rộng, chiếm tỷ trọng lớn trong tổng tài sản của mỗi quốc gia. Công tác quản lý tài sản công luôn được Đảng, Nhà nước, dư luận xã hội quan tâm. Để triển khai thi hành và đôn đốc thực hiện các nội dung được quy định tại Luật Quản lý, sử dụng tài sản công 2017 và các văn bản quy định chi tiết, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 31/CT-TTg ngày 01/11/2016, Chỉ thị số 32/CT-TTg ngày 10/12/2019, Chỉ thị số 09/CT-TTg ngày 28/3/2023, Công điện số 771/CĐ-TTg ngày 29/8/2023, đồng thời Bộ Tài chính có nhiều công văn đề nghị các bộ, cơ quan trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quan tâm, chỉ đạo thực hiện công tác quản lý, sử dụng tài sản công. Qua hơn 5 năm triển khai thực hiện, công tác quản lý, sử dụng tài sản công đã đạt được những kết quả quan trọng, dần đi vào nề nếp, góp phần thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, huy động, khai thác hiệu quả nguồn lực tài chính từ tài sản công. Tuy nhiên, vẫn còn một số nơi, một số cơ quan, tổ chức, đơn vị thực hiện chưa đầy đủ các nội dung theo quy định hoặc để xảy ra vi phạm.

Năm 2023 và năm 2024, các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương được giao thực hiện nhiều nhiệm vụ, giải pháp lớn trong công tác quản lý tài sản công. Vì vậy, để có cơ sở tổng hợp báo cáo cấp có thẩm quyền, đồng thời triển khai toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý tài sản công, Bộ Tài chính đề nghị các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương (sau đây gọi là Bộ, cơ quan trung ương), Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) quan tâm chỉ đạo thực hiện một số nội dung trọng tâm như sau:

I. Về báo cáo tình hình quản lý, sử dụng tài sản công năm 2023

Đề nghị các Bộ, cơ quan trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện việc báo cáo tình hình quản lý, sử dụng tài sản công năm 2023, bảo đảm nội dung và thời hạn theo quy định tại Điều 130, Điều 131 Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26/12/2017.

Trong đó, đề nghị tập trung làm rõ thêm một số nội dung sau đây:

- Kết quả thực hiện Chỉ thị số 09/CT-TTg ngày 28/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư, quản lý, gồm: Công tác phổ biến, tuyên truyền Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và các văn bản quy định chi tiết việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng; việc xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy định về quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng thuộc lĩnh vực chuyên ngành; việc rà soát, phân loại, giao quản lý tài sản, kế toán tài sản, sử dụng, khai thác tài sản và các nội dung khác thuộc thẩm quyền đối với tài sản kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, nước sạch; công tác kiểm tra, thanh tra, nâng cao năng lực quản lý và xử lý vi phạm trong quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng...

- Kết quả sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo quy định tại Nghị định số 167/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 về việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước và Nghị định số 67/2021/NĐ-CP ngày 15/7/2021 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 167/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017, đặc biệt là trụ sở, tài sản công của các cơ quan, tổ chức tại các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã (Theo Mẫu đính kèm).

- Kết quả thực hiện việc kiểm tra chuyên đề công tác quản lý, sử dụng tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị theo Công văn số 5783/BTC-QLCS ngày 07/6/2023 của Bộ Tài chính.

- Kết quả chuyển đổi dữ liệu, cập nhật dữ liệu về tài sản công vào Phần mềm Quản lý tài sản công.

II. Về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong công tác quản lý tài sản công năm 2024

Đề nghị các Bộ, cơ quan trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ các quy định của pháp luật, chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền được giao chỉ đạo, tổ chức thực hiện đầy đủ, toàn diện, có hiệu quả công tác quản lý tài sản công thuộc phạm vi quản lý. Trong đó lưu ý một số nội dung trọng tâm trong năm 2024 như sau:

1. Các Bộ, cơ quan trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tiếp tục quán triệt đầy đủ các quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp liên quan đến quản lý, khai thác nguồn lực tài sản công được chỉ ra trong Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 15/01/2019 của Bộ Chính trị về nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế, Quy định số 37-QĐ/TW ngày 25/10/2021 của Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) về những điều Đảng viên không được làm, Hướng dẫn số 02-HD/UBKTTW ngày 29/11/2021 của Ủy ban Kiểm tra trung ương hướng dẫn thực hiện những điều đảng viên không được làm; tiếp tục tổ chức phổ biến, tuyên truyền Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật.

2. Năm 2024 và các năm tiếp theo, Bộ Tài chính tiếp tục rà soát, trình cấp có thẩm quyền ban hành mới, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017, đặc biệt là các quy định về tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công, các quy định về quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư quản lý... Đề nghị các Bộ, cơ quan trung ương, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính trong việc rà soát, đánh giá, chủ động báo cáo các khó khăn, vướng mắc và đề xuất giải pháp cụ thể, khả thi gửi Bộ Tài chính, có ý kiến tham gia đúng hạn, có chất lượng đối với các dự thảo Bộ Tài chính gửi lấy ý kiến; kịp thời tổ chức phổ biến, tuyên truyền và triển khai các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công sau khi được cấp có thẩm quyền ban hành.

Đề nghị các Bộ quản lý chuyên ngành (Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) rà soát các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến các loại tài sản kết cấu hạ tầng thuộc phạm vi quản lý nhà nước của mình để kịp thời xây dựng, ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các quy định về quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng để phù hợp với quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017 theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 32/CT-TTg ngày 10/12/2019 và Chỉ thị số 09/CT-TTg ngày 28/3/2023.

3. Thực hiện Nghị quyết số 74/2022/QH15 ngày 06/12/2022 của Quốc hội về việc đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí; Bộ Tài chính đã có Tờ trình số 235/TTr-BTC ngày 03/11/2023 trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt Đề án tổng kiểm kê tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị và tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư, quản lý. Theo phương án do Bộ Tài chính trình, việc tổng kiểm kê tài sản công sẽ được thực hiện trong năm 2024, vì vậy, Bộ Tài chính đề nghị các Bộ, cơ quan trung ương, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tập trung chỉ đạo thực hiện việc tổng kiểm kê theo Đề án sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trong đó lưu ý một số nhiệm vụ như:

- Thành lập Ban chỉ đạo kiểm kê của Bộ, cơ quan trung ương, địa phương.

- Xây dựng, ban hành kế hoạch chi tiết kiểm kê.

- Tập huấn, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra các đối tượng thực hiện kiểm kê của các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương quản lý.

- Tổ chức thực hiện kiểm kê.

- Tổng hợp kết quả kiểm kê.

- Báo cáo, công bố kết quả kiểm kê.

4. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xác định và công bố công khai tiêu chuẩn định mức xe ô tô phục vụ công tác chung của các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý; ban hành tiêu chuẩn định mức xe ô tô chuyên dùng của các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý; lãnh đạo, chỉ đạo việc mua sắm, trang bị, quản lý, sử dụng xe ô tô theo đúng tiêu chuẩn, định mức, khả năng ngân sách nhà nước và nguồn kinh phí được phép sử dụng, có lộ trình thích hợp, bảo đảm tiết kiệm, chống lãng phí; xử lý, thanh lý xe ô tô dôi dư và các nhiệm vụ khác theo quy định tại Nghị định số 72/2023/NĐ-CP ngày 26/9/2023 của Chính phủ quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô.

5. Bộ, Cơ quan trung ương, UBND cấp tỉnh chỉ đạo cơ quan tài chính các Bộ, cơ quan trung ương, Sở Tài chính và các đơn vị được phân cấp nhập dữ liệu thực hiện nhập, duyệt, chuẩn hoá dữ liệu trong Phần mềm Quản lý tài sản công theo quy định tại Thông tư số 48/2023/TT-BTC ngày 12/7/2023 của Bộ Tài chính, đảm bảo và chịu trách nhiệm về tính logic, thống nhất, đầy đủ, kịp thời, bảo mật của dữ liệu tài sản công của Bộ, cơ quan trung ương, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong Phần mềm.

6. Tiếp tục quan tâm, chỉ đạo thực hiện nghiêm và đầy đủ các quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26/12/2017 của Chính phủ và các văn bản pháp luật có liên quan về việc sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết, gồm: lập, thẩm định, phê duyệt Đề án sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết; tổ chức thực hiện theo Đề án đã được phê duyệt; xác định giá trị tài sản để đưa vào liên doanh, liên kết, xác định giá cho thuê tài sản công.

7. Bộ Khoa học và Công nghệ khẩn trương xây dựng và đưa vào vận hành Cơ sở dữ liệu về tài sản hình thành thông qua việc triển khai thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng vốn nhà nước.

Các Bộ, cơ quan trung ương, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương rà soát, ban hành đầy đủ quy định về phân cấp thẩm quyền quyết định xử lý tài sản theo quy định tại Điều 8 Nghị định số 70/2018/NĐ-CP; chỉ đạo, tổ chức quản lý, sử dụng, khai thác, xử lý tài sản và ứng dụng, thương mại bán kết quả của các nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng vốn nhà nước, phòng, chống tiêu cực, thất thoát, lãng phí trong quản lý, sử dụng tài sản hình thành thông qua nhiệm vụ khoa học và công nghệ.

8. Đối với việc sắp xếp, xử lý nhà, đất, đề nghị các Bộ, cơ quan trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh:

[...]
4