Loading


Công văn 1452/BXD-GĐ năm 2016 về tăng cường công tác quản lý đối với lò nung thủ công sản xuất vật liệu xây dựng trên phạm vi toàn quốc do Bộ Xây dựng ban hành

Số hiệu 1452/BXD-GĐ
Ngày ban hành 15/07/2016
Ngày có hiệu lực 15/07/2016
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Xây dựng
Người ký Lê Quang Hùng
Lĩnh vực Xây dựng - Đô thị

BỘ XÂY DỰNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1452/BXD-GĐ
V/v: tăng cường công tác quản lý đối với các lò nung thủ công sản xuất vật liệu xây dựng trên phạm vi toàn quốc.

Hà Nội, ngày 15 tháng 7 năm 2016

 

Kính gửi: Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Hiện nay, trên phạm vi cả nước có nhiều công trình lò nung thủ công sản xuất vật liệu xây dựng đã được xây dựng và khai thác, sử dụng, trong đó có nhiều công trình không đảm bảo an toàn. Trong quá trình khai thác, sử dụng đã xảy ra nhiều sự cố như: sập lò vôi thủ công tại thị trấn Phú Thứ, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương ngày 3/7/2016; sập lò vôi thủ công tại xã Lại Xuân, huyện Thủy Nguyên, Tp Hải Phòng ngày 19/11/2015; sập lò gạch thủ công tại xã Văn Khê, huyện Mê Linh, Hà Nội ngày 21/4/2014, ... Các sự cố liên quan đến lò nung thủ công sản xuất vật liệu xây dựng trong thời gian qua đã gây nhiều thiệt hại về người, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.

Các sự cố này cho thấy công tác quản lý xây dựng, quản lý chất lượng trong quá trình khai thác, sử dụng các lò nung thủ công sản xuất vật liệu xây dựng còn nhiều bất cập, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn chịu lực và ô nhiễm môi trường. Để nâng cao hiệu lực công tác quản lý nhà nước, ngăn ngừa những sự cố tương tự về chất lượng có thể gây hậu quả đáng tiếc, thực hiện chức năng thống nhất quản lý nhà nước về chất lượng công trình xây dựng và công trình công nghiệp vật liệu xây dựng, Bộ Xây dựng đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức thực hiện một số công việc sau:

1. Kiểm tra, rà soát các dự án, công trình, cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng sử dụng lò nung thủ công đang hoạt động trên địa bàn. Thực hiện nghiêm lộ trình xóa bỏ các lò gạch thủ công, lò vôi thủ công theo Quyết định số 1469/QĐ-TTg ngày 22/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030; Quyết định số 507/QĐ-BXD ngày 27/4/2015 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng phê duyệt Quy hoạch phát triển công nghiệp vôi đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.

2. Chấm dứt hoạt động đối với các lò nung thủ công sản xuất vật liệu xây dựng không đảm bảo các Điều kiện về an toàn chịu lực, an toàn vận hành và vệ sinh môi trường.

3. Khẩn trương xây dựng và ban hành lộ trình xóa bỏ các lò nung thủ công sản xuất vật liệu xây dựng và thực hiện nghiêm túc theo lộ trình đã ban hành (hiện tại có 53/63 địa phương đã ban hành). Thời gian thực hiện lộ trình tuân thủ theo Quyết định số 1469/QĐ-TTg ngày 22/8/2014 và Quyết định số 507/QĐ-BXD ngày 27/4/2015. Cụ thể, đến năm 2016 phải loại bỏ ít nhất 50% số lò vôi thủ công gián đoạn, đến năm 2020 loại bỏ toàn bộ các lò vôi thủ công gián đoạn và lò vôi thủ công liên hoàn trên toàn quốc; các tỉnh đồng bằng, thành phố trực thuộc Trung ương, khu vực thị xã, thị tứ, khu vực gần khu dân cư, gần khu vực canh tác trồng lúa và hoa màu của các tỉnh còn lại chấm dứt hoạt động các lò gạch thủ công, thủ công cải tiến trước năm 2016, chấm dứt hoạt động các lò gạch kiểu lò đứng liên tục, lò vòng sử dụng nhiên liệu hóa thạch trước năm 2018; đối với các cơ sở sản xuất nằm ở khu vực các xã thuộc huyện miền núi chấm dứt hoạt động các lò gạch thủ công, thủ công cải tiến chậm nhất hết năm 2017, chấm dứt hoạt động các lò gạch kiểu lò đứng liên tục chậm nhất vào năm 2020.

4. Tăng cường công tác thẩm định dự án, thẩm định thiết kế, kiểm tra công tác nghiệm thu trong quá trình thi công và khi hoàn thành thi công xây dựng đối với các công trình sản xuất vật liệu xây dựng có kết cấu dạng lò nung được xây mới để đảm bảo các dự án đầu tư phải sử dụng lò nung theo công nghệ tiên tiến, hiện đại nhằm đáp ứng các yêu cầu về khả năng chịu lực, an toàn vận hành, Tiết kiệm tài nguyên và đảm bảo vệ sinh môi trường.

5. Giao Sở Xây dựng chủ trì, tổng kiểm tra việc thực hiện; trong quá trình kiểm tra, nếu phát hiện các chủ thể tham gia xây dựng công trình có vi phạm quy định của pháp luật về quản lý hoạt động xây dựng, quản lý chất lượng công trình xây dựng, bảo trì công trình xây dựng thì phải xử lý nghiêm theo quy định của Nghị định số 121/2013/NĐ-CP ngày 10/10/2013 của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng và các quy định pháp luật hiện hành.

Đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương tổ chức thực hiện và báo cáo kết quả về Bộ Xây dựng trước ngày 15/12/2016./.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Thủ tướng Chính phủ (để b/c);
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ trưởng (để b/c);
- Lưu: VT, GĐ.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Lê Quang Hùng

 

 

1