Loading


Công văn 1554/BCT-KHTC năm 2023 hướng dẫn thực hiện Nghị định 148/2021/NĐ-CP và Thông tư 57/2021/TT-BTC về rà soát các khoản thu và miễn lãi chậm nộp về Quỹ Hỗ trợ và Phát triển doanh nghiệp do Bộ Công Thương ban hành

Số hiệu 1554/BCT-KHTC
Ngày ban hành 20/03/2023
Ngày có hiệu lực 20/03/2023
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Công thương
Người ký Nguyễn Thị Hoa
Lĩnh vực Doanh nghiệp

BỘ CÔNG THƯƠNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1554/BCT-KHTC
V/v hướng dẫn thực hiện Nghị định số 148/2021/NĐ-CP và Thông tư số 57/2021/TT-BTC về rà soát các khoản thu và miễn lãi chậm nộp về Quỹ HT&PTDN.

Hà Nội, ngày 20 tháng 3 năm 2023

 

Kính gửi: Bộ Tài chính.

Bộ Công Thương nhận được đề nghị của Bộ Tài chính về việc rà soát, miễn lãi chậm nộp về Quỹ Hỗ trợ và Phát triển doanh nghiệp (sau đây gọi tắt là “Quỹ”) cho các doanh nghiệp mà Bộ Công Thương đã chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước về SCIC, hiện nay SCIC đang là cơ quan đại diện chủ sở hữu. Trong quá trình xử lý, Bộ Công Thương thấy rằng có một số vướng mắc về thẩm quyền thực hiện, đề nghị Bộ Tài chính hướng dẫn, giải đáp như sau:

Qua nghiên cứu Nghị định số 148/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ về quản lý sử dụng nguồn thu từ chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập, nguồn thu từ chuyển nhượng vốn nhà nước và chênh lệch vốn chủ sở hữu lớn hơn vốn điều lệ tại doanh nghiệp và Thông tư số 57/2022/TT-BTC ngày 16/9/2022 của Bộ Tài chính hướng dẫn một số điều của Nghị định số 148/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ về quản lý, sử dụng nguồn thu từ chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập, nguồn thu từ chuyển nhượng vốn nhà nước và chênh lệch vốn chủ sở hữu lớn hơn vốn điều lệ tại doanh nghiệp, các nội dung về trách nhiệm rà soát, xác định các khoản phải thu về Quỹ và thẩm quyền quyết định miễn lãi chậm nộp về Quỹ được quy định khác nhau tại 02 văn bản quy phạm pháp luật trên như sau:

1. Về trách nhiệm rà soát các khoản phải thu về Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và Phát triển doanh nghiệp:

(i) Theo quy định tại Nghị định số 148/2021/NĐ-CP:

Tại khoản 2, Điều 11: “Cơ quan đại diện chủ sở hữu trung ương chịu trách nhiệm rà soát các khoản phải thu về Quỹ từ chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập, chuyển nhượng vốn nhà nước tại doanh nghiệp thuộc trung ương và có văn bản thông báo gửi Bộ Tài chính để thu vào ngân sách trung ương theo quy định”.

Theo quy định tại tiết a, khoản 1, Điều 2: “Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp là cơ quan đại diện chủ sở hữu (sau đây gọi là Cơ quan đại diện chủ sở hữu trung ương)”.

Như vậy, theo quy định trên, Bộ Công Thương hiểu rằng đối với các doanh nghiệp mà Bộ Công Thương đã chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước về SCIC, hiện nay SCIC đang là cơ quan đại diện chủ sở hữu thì Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (là cơ quan đại diện chủ sở hữu trung ương) chịu trách nhiệm rà soát các khoản phải thu về Quỹ.

(ii) Theo quy định tại Thông tư số 57/2022/TT-BTC:

Tại khoản 2, Điều 9: “Cơ quan đại diện chủ sở hữu trung ương chịu trách nhiệm rà soát, xác định các khoản phải thu về Quỹ (bao gồm nợ gốc và lãi chậm nộp) đối với tiền thu từ chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập, chuyển nhượng vốn nhà nước tại doanh nghiệp do Cơ quan đại diện chủ sở hữu trung ương quyết định hoặc được Thủ tướng Chính phủ giao tổ chức thực hiện chuyển đổi sở hữu, chuyển nhượng vốn và có văn bản thông báo gửi Bộ Tài chính để thu vào ngân sách trung ương theo quy định tại khoản 2 Điều 11 Nghị định số 148/2021/NĐ-CP.

Các khoản phải thu về Quỹ bao gồm cả khoản phải thu tại doanh nghiệp đã thực hiện thoái hết vốn nhà nước, doanh nghiệp đã chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu về Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, doanh nghiệp đã chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu về SCIC (bao gồm cả các doanh nghiệp SCIC đã thoái hết vốn)”.

Như vậy, theo quy định trên, Bộ Công Thương hiểu rằng Bộ Công Thương là cơ quan quyết định thực hiện chuyển đổi sở hữu (cơ quan thực hiện cổ phần hóa) nên có trách nhiệm rà soát, xác định các khoản phải thu về Quỹ (bao gồm nợ gốc và lãi chậm nộp) đối với doanh nghiệp đã chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu về SCIC (bao gồm cả các doanh nghiệp SCIC đã thoái hết vốn).

2. Về thẩm quyền miễn lãi chậm nộp về Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và Phát triển doanh nghiệp:

(i) Theo quy định tại Nghị định số 148/2021/NĐ-CP:

Tại khoản 2, Điều 13: “Cơ quan đại diện chủ sở hữu trung ương quyết định việc miễn lãi chậm nộp cho các doanh nghiệp thuộc trung ương sau khi có ý kiến của Bộ Tài chính”.

Theo quy định trên, Bộ Công Thương hiểu rằng đối với doanh nghiệp Bô Công Thương đã chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước về SCIC, hiện SCIC đang là cơ quan đại diện chủ sở hữu thì Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (cơ quan chủ sở hữu trung ương) có thẩm quyền quyết định miễn lãi chậm nộp.

(ii) Theo quy định tại Thông tư số 57/2022/TT-BTC:

Tại khoản 4, Điều 10: “Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh là cơ quan đại diện chủ sở hữu trước khi bàn giao quyền đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp về SCIC quyết định miễn lãi chậm nộp đối với các doanh nghiệp chưa phê duyệt quyết toán cổ phần hóa tại thời điểm chính thức chuyển thành công ty cổ phần trước ngày 01/4/2022 trên cơ sở báo cáo, tổng hợp của SCIC”.

Theo quy định trên, Bộ Công Thương hiểu rằng Bộ Công Thương (là cơ quan đại diện chủ sở hữu trước khi bàn giao quyền đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp về SCIC) có thẩm quyền quyết định miễn lãi chậm nộp về Quỹ đối với các doanh nghiệp đã chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu sang SCIC nhưng chưa quyết toán cổ phần hóa tại thời điểm chính thức chuyển thành công ty cổ phần.

3. Về quan điểm áp dụng văn bản quy phạm pháp luật:

Như trình bày ở trên, Bộ Công Thương thấy rằng Nghị định số 148/2021/NĐ-CP và Thông tư số 57/2022/TT-BTC có quy định khác nhau về cùng một vấn đề, dẫn tới thay đổi chủ thể thực hiện việc rà soát, xác định các khoản phải thu về Quỹ và thẩm quyền quyết định miễn lãi chậm nộp về Quỹ đối với các doanh nghiệp mà Bộ Công Thương đã chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước về SCIC, hiện SCIC đang là cơ quan đại diện chủ sở hữu.

Theo quy định tại khoản 2, Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015: “Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn” nên Bộ Công Thương hiểu rằng, việc rà soát, xác định các khoản phải thu về Quỹ và thẩm quyền quyết định miễn lãi đối với các doanh nghiệp Bộ Công Thương đã chuyển giao về SCIC, hiện SCIC đang là cơ quan đại diện chủ sở hữu được áp dụng theo quy định tại khoản 2, Điều 11 và khoản 2, Điều 13 Nghị định số 148/2021/NĐ-CP, là văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn. Do đó, đối với việc rà soát các khoản thu và quyết định miễn lại chậm nộp về Quỹ cho các doanh nghiệp Bộ Công Thương đã chuyển giao về SCIC, hiện SCIC đang là cơ quan đại diện chủ sở hữu thuộc thẩm quyền của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Bộ Công Thương đề nghị Bộ Tài chính cho ý kiến về cách hiểu và áp dụng văn bản quy phạm pháp luật như Bộ Công Thương đã trình bày ở trên; đồng thời hướng dẫn Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan thực hiện việc rà soát các khoản phải thu, miễn lãi chậm nộp về Quỹ theo đúng thẩm quyền được pháp luật quy định.

Trân trọng cảm ơn sự giúp đỡ, hỗ trợ của Quý Bộ./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Thứ trưởng Phan Thị Thắng (để b/c)
- Ủy ban Quản lý vốn NN tại DN;
- Tổng công ty SCIC;
- Lưu VT, KHTC (2b).

TL. BỘ TRƯỞNG
KT. VỤ TRƯỞNG
VỤ KẾ HOẠCH - TÀI CHÍNH
PHÓ VỤ TRƯỞNG




Nguyễn Thị Hoa

 

2
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ