Loading


Công văn 221/SPS-BNNVN năm 2021 đề nghị triển khai gấp việc đăng ký doanh nghiệp sản xuất thực phẩm xuất khẩu vào Trung Quốc do Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về Vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động, thực vật Việt Nam Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

Số hiệu 221/SPS-BNNVN
Ngày ban hành 21/10/2021
Ngày có hiệu lực 21/10/2021
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Người ký Ngô Xuân Nam
Lĩnh vực Doanh nghiệp,Xuất nhập khẩu

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
VĂN PHÒNG THÔNG BÁO VÀ ĐIỂM HỎI ĐÁP QUỐC GIA VỀ VSDT VÀ KIỂM DỊCH ĐỘNG, THỰC VẬT VIỆT NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 221/SPS-BNNVN
Vv: đề nghị triển khai gấp việc đăng ký doanh nghiệp sản xuất thực phẩm xuất khẩu vào Trung Quốc

Hà Nội, ngày 21 tháng 10 năm 2021

 

Kính gửi:

- Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế);
- Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương).

Thực hiện Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 21/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc đánh giá tác động, phổ biến, hướng dẫn các địa phương, hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp việc thực hiện, đáp ứng các thủ tục, quy định đối với quản lý chất lượng nông sản nhập khẩu của thị trường Trung Quốc tại Lệnh 248, Lệnh 249 có hiệu lực từ 01/01/2022;

Căn cứ Danh mục sản phẩm/nhóm sản phẩm thực phẩm; hàng hoá và thẩm quyền quản lý nhà nước quy định tại Phụ lục II, III và IV Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật an toàn thực phẩm;

Theo thông báo của Tổng cục Hải quan Trung Quốc về Quản lý và đăng đăng ký doanh nghiệp sản xuất, chế biến, bảo quản và kinh doanh thực phẩm đăng ký xuất khẩu vào Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (Lệnh 248 - Phụ lục 1 đính kèm) và Công hàm số 353/2021 của Cục An toàn thực phẩm xuất nhập khẩu thuộc Tổng cục Hải quan Trung Quốc về hướng dẫn triển khai đăng ký doanh nghiệp nước ngoài (Phụ lục 2 đính kèm);

Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về Vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động, thực vật Việt Nam (Văn phòng SPS Việt Nam) thông báo và đề nghị các cơ quan, doanh nghiệp nghiên cứu, triển khai việc đáp ứng các quy định về đăng ký doanh nghiệp xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc, cụ thể như sau:

1. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo triển khai gấp việc đăng ký doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu thực phẩm vào thị trường Trung Quốc; gửi hồ sơ đăng ký về Cơ quan có thẩm quyền quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm quy định tại Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018 của Chính phủ trước ngày 26/10/2021.

2. Cơ quan có thẩm quyền quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm quy định tại Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018 của Chính phủ; đối với các sản phẩm thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn do (i) Cục Bảo vệ thực vật đối với các sản phẩm có nguồn gốc thực vật; (ii) Cục Thú y đối với các sản phẩm có nguồn gốc động vật trên cạn; (iii) Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản đối với các sản phẩm thủy sản: là cơ quan có trách nhiệm hướng dẫn, tiếp nhận và kiểm tra doanh nghiệp (hồ sơ đăng ký), xác nhận doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu đăng ký thì tiến hành thủ tục đăng ký với Tổng cục Hải quan Trung Quốc theo quy định nêu trên trước ngày 30/10/2021.

3. Các doanh nghiệp chủ động phối hợp với các cơ quan quản lý ở địa phương để hoàn thiện hồ sơ đăng ký, đảm bảo đúng thời hạn quy định; phối hợp với các nhà nhập khẩu, đại lý tại Trung Quốc để nắm thông tin về ghi nhãn bao bì, đóng gói phù hợp với quy định của thị trường.

Trong quá trình triển khai, nếu có vướng mắc, liên hệ: Văn phòng SPS Việt Nam, số 10 Nguyễn Công Hoan, Ba Đình, Hà Nội, điện thoại: 024.32444150, email: spsvietnam@mard.gov.vn, để kịp thời xử lý./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng Lê Minh Hoan (để b/c);
- Thứ trưởng Trần Thanh Nam (để b/c)
- Các Cục: BVTV, CB, Thú y, QLCLNLTS, (để p/h);
- Các Sở: CT, NN&PTNT các tỉnh/TP trực thuộc TW (để p/h);
- Giám đốc (để b/c);
- Lưu VtSPS.

KT. GIÁM ĐỐC
PHÓ GIÁM ĐỐC




Ngô Xuân Nam

 

PHỤ LỤC 1

VĂN PHÒNG SPS VIỆT NAM - Bản dịch không chính thức

Lệnh số 248 của Tổng cục Hải quan về việc ban hành "Quy định Quản lý đăng ký doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nước ngoài nhập khẩu vào Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa"

Quy định Quản lý và đăng ký doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nước ngoài nhập khẩu vào Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa

Chương I. Các quy định chung

Điều 1. Để tăng cường quản lý đăng ký các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nước ngoài nhập khẩu, phù hợp với Luật An toàn thực phẩm của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và các quy định thi hành, Luật Kiểm tra hàng hóa xuất nhập khẩu của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và các quy định thực hiện, và Luật Kiểm dịch động, thực vật xuất nhập khẩu và các quy định thực hiện, Quy định đặc biệt và tăng cường trong quản lý giám sát an toàn thực phẩm cũng như sản phẩm khác của Quốc vụ viện, luật và quy định hành chính khác để xây dựng các quy định này.

Điều 2. Quy định này áp dụng đối với việc quản lý đăng ký doanh nghiệp sản xuất, chế biến và bảo quản nước ngoài xuất khẩu thực phẩm vào Trung Quốc (sau đây gọi chung là doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nước ngoài nhập khẩu).

Doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nước ngoài nhập khẩu theo quy định tại khoản trên không bao gồm doanh nghiệp sản xuất, chế biến, bảo quản phụ gia thực phẩm và các sản phẩm liên quan đến thực phẩm.

Điều III. Tổng cục Hải quan chịu trách nhiệm quản lý thống nhất việc đăng ký đối với doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nước ngoài nhập khẩu.

Điều 4. Doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nước ngoài nhập khẩu phải được đăng ký với Tổng cục Hải quan.

Chương II. Điều kiện và thủ tục đăng ký

Điều 5. Điều kiện đăng ký đối với doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nước ngoài nhập khẩu:

(1) Hệ thống quản lý an toàn thực phẩm của quốc gia (khu vực) đặt trụ sở đã được Tổng cục Hải quan đánh giá, xét duyệt tương đương;

(2) Được chấp thuận thành lập và chịu sự giám sát hiệu quả của cơ quan có thẩm quyền của quốc gia (khu vực) nơi doanh nghiệp đặt trụ sở;

(3) Thiết lập hệ thống bảo vệ và quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm hiệu quả, sản xuất và xuất khẩu hợp pháp tại quốc gia (khu vực) nơi đặt trụ sở và đảm bảo rằng thực phẩm xuất khẩu sang Trung Quốc đáp ứng các luật và quy định liên quan và các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm quốc gia của Trung Quốc;

(4) Tuân thủ thỏa thuận do Tổng cục Hải quan và cơ quan có thẩm quyền của quốc gia (khu vực) đặt trụ sở về các yêu cầu liên quan trong kiểm tra và kiểm dịch.

[...]
2