Loading


Công văn 239/BHXH-PC năm 2020 về hướng dẫn tiếp nhận, xử lý thông tin; lập, gửi hồ sơ kiến nghị khởi tố do Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành

Số hiệu 239/BHXH-PC
Ngày ban hành 22/01/2020
Ngày có hiệu lực 22/01/2020
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bảo hiểm xã hội Việt Nam
Người ký Đào Việt Ánh
Lĩnh vực Bảo hiểm,Thủ tục Tố tụng

BẢO HIỂM XÃ HỘI
VIỆT NAM
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 239/BHXH-PC
V/v hướng dẫn tiếp nhận, xử lý thông tin; lập, gửi hồ sơ kiến nghị khởi tố

Hà Nội, ngày 22 tháng 01 năm 2020

 

Kính gửi: Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Căn cứ quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự; Nghị quyết số 05/2019/NQ- HĐTP ngày 15/8/2019 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao hướng dẫn áp dụng Điều 214 về Tội gian lận bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), Điều 215 về Tội gian lận bảo hiểm y tế (BHYT), Điều 216 về Tội trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động của Bộ luật Hình sự (Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐTP) và hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 01/2017/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC ngày 29 tháng 12 năm 2017 của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao quy định việc phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền trong việc thực hiện một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố (Thông tư liên tịch số 01/2017/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT- VKSNDTC), Bảo hiểm xã hội Việt Nam hướng dẫn BHXH các tỉnh, thành phố thực hiện tiếp nhận, xử lý thông tin; lập, gửi hồ sơ kiến nghị khởi tố các hành vi có dấu hiệu tội phạm quy định tại Điều 214, Điều 215, Điều 216 Bộ luật Hình sự như sau:

1. Tiếp nhận thông tin

a) BHXH tỉnh, thành phố (gọi tắt là BHXH tỉnh)/BHXH quận, huyện (gọi tắt là BHXH huyện) tiếp nhận thông tin tố giác tội phạm qua các kênh sau:

- Qua hoạt động phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của các cá nhân, tổ chức;

- Qua công tác rà soát, hậu kiểm, thanh tra, kiểm tra việc tổ chức thực hiện giải quyết/chi trả chế độ BHXH, BHYT, BHTN, công tác thu - đóng, phát triển đối tượng của cơ quan BHXH;

- Thông tin từ các cơ quan nhà nước có liên quan trong quá trình phối hợp, cung cấp thông tin, tài liệu;

- Các kênh tiếp nhận thông tin khác theo quy định của pháp luật.

b) BHXH cấp tỉnh/huyện tiếp nhận thông tin tố giác tội phạm phải ghi vào sổ tiếp nhận đầy đủ thông tin tố giác, kèm tài liệu, chứng cứ (nếu có). Trường hợp cá nhân, tổ chức trực tiếp đến phản ánh, kiến nghị thì phải ghi vào sổ tiếp nhận và lập Biên bản (Mẫu số 02 kèm theo văn bản này).

2. Phân loại, xử lý thông tin

a) Thông tin, tài liệu, chứng cứ sau khi được tiếp nhận như trên được chuyển đến phòng Thanh tra - Kiểm tra (thuộc BHXH tỉnh)/bộ phận đầu mối (thuộc BHXH huyện).

b) Phòng Thanh tra - Kiểm tra (thuộc BHXH tỉnh)/bộ phận đầu mối (thuộc BHXH huyện) do Giám đốc BHXH huyện giao có trách nhiệm:

- Chủ trì, phối hợp với các phòng/bộ phận nghiệp vụ liên quan theo chức năng nhiệm vụ thực hiện phân loại, xử lý thông tin, đối chiếu với hồ sơ, dữ liệu thu/giải quyết/chi trả hiện đang quản lý;

- Tham mưu cho Giám đốc BHXH tỉnh/huyện chủ trì hoặc phối hợp với cơ quan có liên quan thực hiện thanh tra, kiểm tra, xác minh thông tin theo quy định để có kết luận cụ thể về hành vi vi phạm làm căn cứ kiến nghị khởi tố vụ án;

- Lập hồ sơ kiến nghị khởi tố, gửi đến cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng theo hướng dẫn tại tại công văn này đối với thông tin sau khi tiếp nhận, thanh tra, kiểm tra, xác minh đã rõ về dấu hiệu của tội phạm, đủ căn cứ để kiến nghị khởi tố vụ án hình sự;

c) Đối với vụ việc vi phạm có nhiều tình tiết phức tạp, liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành, nếu xét thấy cần thiết thì trước khi chính thức kiến nghị khởi tố, BHXH tỉnh/huyện tổ chức họp liên ngành gồm Cơ quan Bảo hiểm xã hội, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát cùng cấp và các cơ quan liên quan để phân tích, đánh giá tính chất, mức độ trên cơ sở những tài liệu đã thu thập được. Trường hợp liên ngành thống nhất xác định vụ việc đã rõ dấu hiệu tội phạm, BHXH tỉnh/huyện có văn bản kiến nghị khởi tố và chuyển ngay cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền kèm theo hồ sơ, tài liệu có liên quan để xem xét, quyết định việc khởi tố vụ án hình sự.

3. Lập hồ sơ kiến nghị khởi tố

3.1. BHXH tỉnh/huyện lập hồ sơ kiến nghị khởi tố gồm các giấy tờ, tài liệu, chứng cứ liên quan, có thể là bản photo, bản chính hoặc bản sao hợp pháp (sao lục, sao y bản chính…) hoặc bản chuyển đổi từ tài liệu, dữ liệu điện tử bảo đảm tính pháp lý theo quy định.

3.2. Hồ sơ kiến nghị khởi tố về Tội gian lận BHXH, BHTN (Điều 214 Bộ luật Hình sự):

a) Văn bản kiến nghị khởi tố vụ án của cơ quan BHXH cấp tỉnh/huyện (Mẫu số 01 kèm theo văn bản này);

b) Hồ sơ giải quyết/chi trả các chế độ (ốm đau; thai sản; tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; hưu trí; tử tuất; trợ cấp thất nghiệp; hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm; hỗ trợ học nghề; hỗ trợ đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động và các chế độ khác theo quy định của pháp luật về BHXH, BHTN) thể hiện hành vi gian lận chiếm đoạt tiền BHXH, BHTN từ 10 triệu đồng trở lên hoặc gây thiệt hại từ 20 triệu đồng trở lên;

c) Các giấy tờ, tài liệu, chứng cứ liên quan để chứng minh hành vi gian lận chiếm đoạt tiền BHXH, BHTN hoặc gây thiệt hại như: giấy tờ, tài liệu đã bị làm sai lệch nội dung; giấy tờ, tài liệu được lập giả, không có thật, không do cơ quan có thẩm quyền cấp hoặc cấp không đúng quy định, không đúng thẩm quyền… được dùng để giải quyết, thanh toán các chế độ về BHXH, BHTN (giấy ra viện; giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng chế độ BHXH; giấy chứng sinh, khai sinh, chứng tử, khai tử; biên bản giám định khả năng lao động; hồ sơ chứng minh quá trình công tác để hưởng BHXH…);

d) Đơn thư, tài liệu của cá nhân, tổ chức phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo, cung cấp thông tin về hành vi gian lận BHXH, BHTN đã được kiểm tra, xác minh theo quy định;

đ) Biên bản, kết luận kiểm tra, xác minh và các tài liệu, chứng cứ khác (nếu có).

3.3. Hồ sơ kiến nghị khởi tố về Tội gian lận BHYT (Điều 215 Bộ luật Hình sự):

a) Văn bản kiến nghị khởi tố vụ án của cơ quan BHXH cấp tỉnh/huyện (Mẫu số 01 kèm theo văn bản này);

b) Hồ sơ giải quyết/chi trả, thanh toán chế độ BHYT thể hiện hành vi gian lận, chiếm đoạt tiền BHYT từ 10 triệu đồng trở lên hoặc gây thiệt hại số tiền từ 20 triệu đồng trở lên;

c) Các giấy tờ, tài liệu, chứng cứ liên quan để chứng minh hành vi gian lận chiếm đoạt tiền BHYT hoặc gây thiệt hại như: tài liệu về hồ sơ bệnh án khống, hồ sơ bệnh án không do cơ quan có thẩm quyền cấp, hồ sơ bệnh án giả mạo của người khác; đơn thuốc khống; đơn thuốc, hóa đơn thanh toán kê tăng số lượng hoặc thêm loại thuốc, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật, chi phí giường bệnh; giấy tờ, hóa đơn thanh toán chi phí khác (các chi phí phát sinh trong quá trình khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không bao gồm chi phí tiền thuốc, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật và chi phí giường bệnh như: tiền công khám, chi phí vận chuyển người bệnh…); thẻ BHYT không do cơ quan có thẩm quyền cấp, thẻ BHYT của người khác, thẻ BHYT được cấp khống, thẻ BHYT đã bị thu hồi, sửa chữa được dùng để thanh toán chế độ BHYT trái quy định;

[...]
1