Loading


Công văn 270/BTTTT-ƯDCNTT năm 2012 hướng dẫn mô hình thành phần chính quyền điện tử cấp tỉnh do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành

Số hiệu 270/BTTTT-ƯDCNTT
Ngày ban hành 06/02/2012
Ngày có hiệu lực 06/02/2012
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Thông tin và Truyền thông
Người ký Nguyễn Thành Phúc
Lĩnh vực Công nghệ thông tin,Bộ máy hành chính

BỘ THÔNG TIN VÀ
TRUYỀN THÔNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 270 /BTTTT-ƯDCNTT
V/v hướng dẫn Mô hình thành phần chính quyền điện tử cấp tỉnh

Hà Nội, ngày 06 tháng 02 năm 2012

 

Kính gửi: UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Thực hiện Nghị định số 64/2007/NĐ-CP ngày 10/4/2007 của Chính phủ về ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động của cơ quan nhà nước và các Chương trình, Kế hoạch ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, thời gian qua, dưới sự quan tâm, chỉ đạo của Lãnh đạo các cấp, các cơ quan nhà nước đã đẩy mạnh triển khai ứng dụng CNTT trong công tác chỉ đạo, điều hành, thúc đẩy cải cách hành chính và bước đầu đã đạt được những kết quả quan trọng, tạo tiền đề phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn tiếp theo.

Nhằm đáp ứng yêu cầu thực tế về một mô hình chính phủ điện tử để làm định hướng chung cho các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương trong phát triển chính phủ điện tử của mình, Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Công văn hướng dẫn về Mô hình thành phần chính quyền điện tử cấp tỉnh.

Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị Quý cơ quan phản ánh về Bộ Thông tin và Truyền thông để được hướng dẫn giải quyết.

Xin trân trọng cảm ơn./.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng (để b/c);
- Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng (để b/c);
- Sở TTTT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Lưu: VT, ƯDCNTT.

TL. BỘ TRƯỞNG
CỤC TRƯỞNG CỤC ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN





Nguyễn Thành Phúc

 

HƯỚNG DẪN

MÔ HÌNH THÀNH PHẦN CHÍNH QUYỀN ĐIỆN TỬ CẤP TỈNH
(Kèm theo Công văn số 270/BTTTT-ƯDCNTT ngày 06/02/2012 của Bộ Thông tin và Truyền thông)

Đặt vấn đề

Thực hiện Nghị định số 64/2007/NĐ-CP ngày 10/4/2007 của Chính phủ về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước, Quyết định số 43/2008/QĐ-TTg ngày 24/3/2008 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước năm 2008, Quyết định số 48/2009/QĐ-TTg ngày 31/3/2009 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2009-2010, Quyết định số 1605/2010/QĐ-TTg ngày 27/8/2010 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Chương trình quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2011-2015, các tỉnh/thành phố đã và đang triển khai các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan, cải thiện chất lượng dịch vụ công cung cấp cho người dân và doanh nghiệp hướng đến phát triển Chính phủ điện tử tại Việt Nam.

Mô hình thành phần chính quyền điện tử cấp tỉnh được giới thiệu trong tài liệu này là bước đi đầu tiên, tiếp cận theo hướng hỗ trợ các tỉnh/thành phố lập kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin, có được một tầm nhìn chung xác định phát triển chính quyền điện tử.

Phạm vi áp dụng

Tài liệu là một hướng dẫn kỹ thuật, khái quát về các mối quan hệ của chính phủ điện tử và mô hình thành phần của chính phủ điện tử, nhằm mục đích giúp các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương hình thành nhận thức ban đầu về mô hình thành phần của chính quyền điện tử cấp tỉnh, từ đó, làm căn cứ cho việc lập kế hoạch, xác định mức độ trưởng thành, lựa chọn các dự án/nhiệm vụ ưu tiên triển khai, xem xét, đánh giá, đi tới quyết định lựa chọn phát triển các hệ thống thông tin của chính quyền điện tử của mình đảm bảo đáp ứng yêu cầu phục vụ người dân và doanh nghiệp, nâng cao khả năng thành công trong triển khai, giảm thiểu sự trùng lặp về nỗ lực và chi phí xây dựng các ứng dụng, dịch vụ và cơ sở hạ tầng, tăng cường khả năng liên thông kết nối và tích hợp giữa các hệ thống thông tin trong chính quyền điện tử cấp tỉnh.

Đối tượng áp dụng

Đối tượng áp dụng bao gồm các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương. Cơ

quan chính quyền các cấp có thể tham khảo tài liệu này để phát triển hệ thống thông tin của mình.

Khởi đầu với quá trình cải cách hành chính được diễn ra vào những năm 70 của thế kỷ trước trong các nước phát triển, tiếp theo là quá trình chính phủ các nước đã ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin vào trong hoạt động của các cơ quan chính phủ, khái niệm chính phủ điện tử đã ra đời vào những năm 90 cùng với những khái niệm khác như thương mại điện tử, doanh nghiệp điện tử, …

Vào những năm 1995-2000, chính phủ điện tử đã được các nước tiếp thu và ứng dụng rộng rãi, thúc đẩy phát triển và ngày càng được các nước coi như một giải pháp hữu hiệu để tăng hiệu quả làm việc của các cơ quan chính phủ, phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn. Cho đến nay chính phủ điện tử vẫn tiếp tục được các nước thúc đẩy phát triển mạnh mẽ, ngày càng sâu rộng hơn, các nước đã coi phát triển chính phủ điện tử là bắt buộc.

Ngày nay, với sự bùng nổ của các phương tiện di động, băng rộng, công nghệ… nên nhiều nước đã đẩy mạnh phát triển chính phủ điện tử đa dạng hơn, liên thông hơn dưới khái niệm chính phủ di động (m-government), chính phủ điện tử thế hệ 2 (e-government 2.0), chính phủ ở mọi lúc, mọi nơi và trên mọi phương tiện (ubiquitous government).

Đã có rất nhiều tổ chức và chính phủ đưa ra định nghĩa “Chính phủ điện tử”. Tuy nhiên, hiện không có một định nghĩa thống nhất về chính phủ điện tử, hay nói cách khác, hiện không có một hình thức chính phủ điện tử được áp dụng giống nhau cho các nước. Các tổ chức khác nhau đưa ra những định nghĩa về Chính phủ điện tử của riêng mình. [[1]]

Trong tài liệu này, chính phủ điện tử được hiểu như sau:

Định nghĩa: Chính phủ điện tử là chính phủ ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông nhằm tăng hiệu quả hoạt động của các cơ quan chính phủ, phục vụ

người dân và doanh nghiệp tốt hơn.

Trong quá trình phát triển chính phủ điện tử, lấy người dân làm trung tâm là một định hướng cho phát triển. Khái niệm đó được hiểu như sau:

- Thông tin người dân cung cấp cho một cơ quan chính phủ sẽ được đưa đến và có giá trị tại các cơ quan khác của chính phủ;

- Các cơ quan chính phủ lấy người dân làm trung tâm chính trong toàn bộ các nỗ lực cung cấp thông tin, dịch vụ công của chính phủ;

[...]
2