Loading


Công văn 297/BHXH-TCKT năm 2015 hướng dẫn tính hao mòn tài sản cố định trong các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và các tổ chức có sử dụng ngân sách nhà nước do Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành

Số hiệu 297/BHXH-TCKT
Ngày ban hành 26/01/2015
Ngày có hiệu lực 26/01/2015
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bảo hiểm xã hội Việt Nam
Người ký Nguyễn Đình Khương
Lĩnh vực Tài chính nhà nước

BẢO HIỂM XÃ HỘI
VIỆT NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 297/BHXH-TCKT
V/v hướng dẫn tính hao mòn tài sản cố định

Hà Nội, ngày 26 tháng 01 năm 2015

 

Kính gửi:

- Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bảo hiểm xã hội Việt Nam;
- Văn phòng Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

 

Căn cứ Thông tư số 162/2014/TT-BTC ngày 06/11/2014 của Bộ Tài chính - quy định chế độ quản lý, tính hao mòn tài sản cố định (TSCĐ) trong các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và các tổ chức có sử dụng ngân sách nhà nước, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam hướng dẫn các đơn vị trong hệ thống BHXH thực hiện việc quản lý và tính hao mòn TSCĐ như sau:

1. Đối với những tài sản cố định phát sinh từ ngày 01/01/2015 thực hiện theo quy định tại Thông tư số 162/2014/TT-BTC.

Căn cứ vào tiêu chuẩn nhận biết tài sản cố định và Phụ lục số 01 ban hành kèm theo Thông tư số 162/2014/TT-BTC (Phụ lục 1), các đơn vị thực hiện rà soát lại toàn bộ tài sản đơn vị quản lý để phân loại, hạch toán các loại tài sản và tính hao mòn theo đúng quy định.

2. Đối với tài sản cố định hiện có đến 31/12/2014.

Căn cứ giá trị còn lại, hao mòn lũy kế và thời gian sử dụng TSCĐ đến 31/12/2014, các đơn vị xác định thời gian sử dụng còn lại, giá trị hao mòn theo quy định tại Thông tư số 162/2014/TT-BTC, cụ thể như sau:

• Thời gian sử dụng còn lại của TSCĐ = Thời gian sử dụng quy định tại Thông tư số 162/2014/TT-BTC - thời gian đã sử dụng đến 31/12/2014.

• Giá trị hao mòn TSCĐ theo công thức:

Giá trị hao mòn TSCĐ =

Giá trị còn lại TSCĐ đến 31/12/2014

Thời gian sử dụng còn lại của TSCĐ

3. Đối với Tài sản cố định đặc thù: Căn cứ danh mục tài sản quy định tại Phụ lục 1 (trừ tài sản là nhà, vật kiến trúc), các đơn vị áp dụng thời gian sử dụng và tỷ lệ hao mòn như quy định tại Phụ lục 1 đối với những tài sản có nguyên giá từ 5 triệu đồng đến dưới 10 triệu đồng.

4. Đối với tài sản cố định đặc biệt: Đề nghị các đơn vị báo cáo BHXH Việt Nam khi có phát sinh để hướng dẫn cụ thể.

5. Đối với tài sản cố định vô hình: Thời gian sử dụng và tỷ lệ tính hao mòn thực hiện theo quy định tại Công văn số 3125/BHXH-TCKT ngày 26/8/2014 của BHXH Việt Nam về việc hướng dẫn tính hao mòn tài sản cố định vô hình. Các quy định liên quan khác thực hiện theo quy định tại Khoản 2, Điều 12 Thông tư số 162/2014/TT-BTC.

6. Đối với việc sửa chữa, nâng cấp, cải tạo các công trình nhà làm việc làm thay đổi kết cấu, chất lượng, thời gian sử dụng công trình: Các đơn vị phải thực hiện việc đánh giá lại giá trị, thời gian sử dụng còn lại của tài sản để thực hiện tính hao mòn theo đúng quy định.

7. Đối với trường hợp xe ô tô hoạt động ở địa bàn khó khăn cần thiết phải quy định thời gian sử dụng là 10 năm để phù hợp với tình hình thực tế, các đơn vị báo cáo về BHXH Việt Nam trước ngày 13/02/2015 để BHXH Việt Nam tổng hợp và xin ý kiến thống nhất của Bộ Tài chính.

Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc đề nghị phản ánh về BHXH Việt Nam (Phòng Quản lý tài chính, Ban Tài chính - Kế toán, số điện thoại: 04.3934.1768) để phối hợp, xử lý.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Tổng Giám đốc (để b/c);
- Lưu: VT, TCKT (3).

KT. TỔNG GIÁM ĐÓC
PHÓ TỔNG GIÁM ĐỐC




Nguyễn Đình Khương

 

1