Loading


Công văn 3193/BCA-C07 năm 2021 về công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ đối với cơ sở sản xuất, kho hàng hóa trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp và khu dân cư do Bộ Công an ban hành

Số hiệu 3193/BCA-C07
Ngày ban hành 08/09/2021
Ngày có hiệu lực 08/09/2021
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Công An
Người ký Lê Quốc Hùng
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

BỘ CÔNG AN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3193/BCA-C07
V/v công tác PCCC và CNCH đối với cơ sở sản xuất, kho hàng hóa trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp và khu dân cư

Hà Nội, ngày 08 tháng 9 năm 2021

 

Kính gửi: Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương

Trước tình hình cháy, nổ tại các cơ sở sản xuất, kho hàng hóa diễn biến phức tạp, Bộ Công an đã chỉ đạo Công an các địa phương tổ chức kiểm tra an toàn về PCCC và CNCH đối với cơ sở sản xuất, kho hàng hóa trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp và khu dân cư. Qua tổng hợp kết quả kiểm tra cho thấy ngoài các ưu điểm đã đạt được vẫn còn nhiu thiếu sót, vi phạm về PCCC và CNCH tại khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp cơ sở sản xuất, kho hàng hóa như: Việc nắm tình hình, kết quả điều tra cơ bản giữa các cơ quan quản lý nhà nước tại nhiều địa phương chưa thống nhất; hạ tầng kỹ thuật về PCCC (hệ thống giao thông, nguồn nước chữa cháy, hệ thống thông tin liên lạc, cung cấp điện bảo đảm phục vụ các hoạt động chữa cháy, thông tin báo cháy) của nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp đã đưa vào khai thác, sử dụng không đảm bảo, chưa được thẩm duyệt, nghiệm thu về PCCC, không thành lập đội PCCC chuyên ngành, trang bị xe chữa cháy theo quy định; nhiều khu dân cư chưa bảo đảm về giao thông phục vụ chữa cháy, không có hệ thống cấp nước chữa cháy, chưa thành lập lực lượng dân phòng hoặc có nhưng không đủ về biên chế, phương tiện, dụng cụ chữa cháy, hoạt động không hiệu quả; các cơ sở sản xuất, kho hàng hóa được đưa vào sử dụng trong thời gian dài (trước thời điểm Luật PCCC, một số tiêu chuẩn, quy chuẩn có hiệu lực) không đáp ứng các điều kiện về giao thông dành cho chữa cháy, khoảng cách an toàn PCCC đối với các công trình xung quanh, không có bảo vệ chống cháy cho các kết cấu chịu lực của nhà khung thép mái tôn, không trang bị hệ thống báo cháy, chữa cháy tự động hoặc có trang bị nhưng việc lắp đặt không bảo đảm quy định, hư hỏng nên không phát huy hiệu quả hoạt động1... Bên cạnh đó có tình trạng một số lãnh đạo thuộc sở, ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã chưa thực hiện hết trách nhiệm trong chỉ đạo, kiểm tra, giám sát và thực hiện quản lý nhà nước về PCCC thuộc phạm vi quản lý; chưa có sự thống nhất, phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ngành (Sở Xây dựng, Sở Công Thương, Ban Quản lý các khu công nghiệp, khu chế xuất, đơn vị cung ứng điện...) trong thực hiện quy hoạch, thẩm định, cấp phép xây dựng, nghiệm thu và quản lý hoạt động.

Để kịp thời khắc phục các tồn tại, vi phạm và nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về PCCC đối với cơ sở sản xuất, kho hàng hóa trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp và khu dân cư, Bộ Công an đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo, thực hiện một số nội dung sau:

1. Tham mưu Hội đồng nhân dân cùng cấp ban hành Nghị quyết quy định việc xử lý các cơ sở không bảo đảm yêu cầu về PCCC được đưa vào sử dụng trước ngày Luật PCCC số 27/2001/QH10 có hiệu lực (đối với địa phương chưa ban hành Nghị quyết); ban hành kế hoạch và tổ chức thực hiện Nghị quyết của Hội đồng nhân dân. Rà soát, tổ chức thực hiện các giải pháp, nhiệm vụ được phân công tại Kế hoạch thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy và chữa cháy ban hành kèm theo Quyết định số 630/QĐ-TTg ngày 11/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ.

2. Chỉ đạo các sở, ngành liên quan phối hợp chặt chẽ với Công an cùng cấp tổ chức thực hiện hiệu quả công tác quản lý nhà nước về PCCC tại địa phương, thống nhất trong công tác trao đổi thông tin, nắm tình hình, điều tra cơ bản các loại hình cơ sở; Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã thực hiện công tác quản lý nhà nước về PCCC theo quy định của Nghị định số 136/2020/NĐ-CP..., trong đó có nội dung liên quan đến công tác PCCC đối với các cơ sở sản xuất, kho hàng hóa trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp, khu dân cư; khi lập và phê duyệt đồ án quy hoạch xây dựng hoặc điều chỉnh quy hoạch xây dựng đô thị, khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp, các khu chức năng khác theo Luật Quy hoạch phải bảo đảm các nội dung quy định tại Điều 10 Nghị định số 136/2020/NĐ-CP và các cơ quan có thẩm quyền chỉ phê duyệt đồ án khi đã có văn bản góp ý của cơ quan Cảnh sát PCCC; Sở Xây dựng phối hợp với các sở, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân cấp huyện rà soát, đầu tư trang bị hệ thống cấp nước chữa cháy đô thị tại các khu dân cư nhất là việc cấp nước chữa cháy và bố trí địa điểm đặt phương tiện chữa cháy ban đầu trong các khu phố, hẻm nhỏ...

3. Xây dựng phong trào toàn dân tham gia phòng cháy, chữa cháy với phương châm “bốn tại chỗ”, nòng cốt là lực lượng dân phòng, đội PCCC cơ sở, chuyên ngành (thành lập đủ về số lượng, biên chế, trang bị đầy đủ trang phục, phương tiện PCCC, được duy trì hoạt động theo quy định). Chỉ đạo Trưởng Ban Quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế (trực tiếp quản lý và kinh doanh) hoặc người đứng đầu đơn vị kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp hiện hữu có diện tích từ 50 ha trở lên thực hiện trách nhiệm thành lập và duy trì hoạt động đội PCCC chuyên ngành và phải trang bị phương tiện PCCC, CNCH theo quy định tại Thông tư số 150/2020/TT-BCA ngày 31/12/2020 của Bộ trưởng Bộ Công an và TCVN 3890:2009.

4. Thực hiện nghiêm túc, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra an toàn về PCCC và CNCH, kiên quyết xử lý vi phạm bằng các biện pháp như xử phạt vi phạm hành chính, tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động và thông báo công khai trên phương tiện truyền thông theo quy định tại khoản 10 Điều 17 Nghị định số 136/2020/NĐ-CP. Đối với các cơ sở vi phạm nghiêm trọng về PCCC, tổ chức cưỡng chế theo quy định.

Bộ Công an kính đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quan tâm chỉ đạo, thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Đồng chí Bộ Trưởng (để báo cáo);
- Lưu: VT, C07.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Thiếu tướng Lê Quốc Hùng

 



1 Trên toàn quốc có 329 khu công nghiệp, 06 khu chế xuất, 04 khu công nghệ cao, 415 cụm công nghiệp; 112.783 cơ sản xuất, kho hàng hóa trong các KCN, KCX, khu CNC, CCN; 133.064 nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh hàng hóa, chất dễ cháy, hàng hóa đựng trong bao bì cháy được trong các khu dân cư. Trong 6 tháng đầu năm 2020, cơ quan Công an đã tiến hành kiểm tra 754 lượt hạ tầng cơ sở kỹ thuật về PCCC của KCN, KCX, khu CNC, CCN, phát hiện 1.827 thiếu sót, vi phạm, xử phạt 467 trường hợp với số tiền phạt hơn 8,54 tỷ đồng; kiểm tra 12.610 lượt cơ sở, phát hiện 15.225 thiếu sót, vi phạm, xử phạt 2.021 trường hợp với số tiền phạt hơn 26,5 tỷ đồng; kiểm tra 19.316 lượt cơ sở, kho hàng trong khu dân cư, phát hiện 24.405 thiếu sót, vi phạm, xử phạt 3.029 trường hợp với số tiền phạt hơn 31,8 tỷ đồng.

3