Loading


Công văn 348/KSTT-VP hướng dẫn nghiệp vụ xây dựng và thực hiện kế hoạch rà soát quy định, thủ tục hành chính do Cục Kiểm soát thủ tục hành chính ban hành

Số hiệu 348/KSTT-VP
Ngày ban hành 28/11/2011
Ngày có hiệu lực 28/11/2011
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Cục Kiểm soát thủ tục hành chính
Người ký Ngô Hải Phan
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
CỤC KIỂM SOÁT THỦ TỤC HÀNH CHÍNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 348/KSTT-VP
V/v hướng dẫn nghiệp vụ xây dựng và thực hiện kế hoạch rà soát quy định, thủ tục hành chính

Hà Nội, ngày 28 tháng 11 năm 2011

 

Kính gửi:

- Văn phòng các Bộ, cơ quan ngang Bộ;
- Văn phòng Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Văn phòng các cơ quan: Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Chính sách Xã hội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

 

Để kịp thời triển khai thực hiện nhiệm vụ cải cách thủ tục hành chính được quy định tại Khoản 2, Điều 3 Nghị quyết số 30c/NQ-CP ngày 08 tháng 11 năm 2011 của Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 – 2020; căn cứ quy định tại Chương V Nghị định số 63/2010/NĐ-CP ngày 08 tháng 6 năm 2010 của Chính phủ, Chương IV Nghị định số 20/2008/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2008 của Chính phủ và Khoản 1, Điều 1 Quyết định số 945/QĐ-TTg ngày 20 tháng 6 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ; trên cơ sở Công văn số 6582/VPCP-KSTT ngày 21 tháng 9 năm 2011 của Văn phòng Chính phủ, Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ đã biên tập tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ xây dựng và thực hiện kế hoạch rà soát quy định, thủ tục hành chính với các nội dung cụ thể như sau:

1. Về mục tiêu, yêu cầu, phạm vi rà soát

a) Về mục tiêu

Rà soát quy định, thủ tục hành chính nhằm kịp thời phát hiện để sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc hủy bỏ quy định, thủ tục hành chính không cần thiết, không phù hợp, không đáp ứng được các nguyên tắc về quy định và thực hiện thủ tục hành chính, nhằm cắt giảm chi phí về thời gian và tài chính của người dân và doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế trong việc tuân thủ thủ tục hành chính; góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, giải phóng mọi nguồn lực của xã hội và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, bảo đảm điều kiện cho nền kinh tế của đất nước phát triển nhanh, bền vững.

b) Về yêu cầu

- Cắt giảm mạnh các thủ tục hành chính hiện hành, đặc biệt các thủ tục mang tính chất hành chính hóa các quan hệ dân sự, kinh tế.

- Huy động sự đóng góp trí tuệ của đông đảo các nhà khoa học, các nhà quản lý, các chuyên gia trong và ngoài khu vực công.

- Áp dụng nguyên tắc công khai, minh bạch, tham vấn người dân, doanh nghiệp và khai thác tối đa các nguồn lực hợp pháp cho việc rà soát quy định, thủ tục hành chính.

- Sản phẩm rà soát quy định, thủ tục hành chính phải cụ thể, thiết thực và đáp ứng được mục tiêu đã nêu tại mục a phần này.

c) Về phạm vi

- Rà soát quy định, thủ tục hành chính trong tất cả các lĩnh vực quản lý nhà nước, nhất là quy định, thủ tục hành chính liên quan tới người dân, doanh nghiệp, trong đó cần tập trung vào một số lĩnh vực trọng tâm như: Đầu tư, đất đai; xây dựng; sở hữu nhà ở; thuế; hải quan; xuất khẩu; nhập khẩu; y tế; giáo dục; lao động; bảo hiểm; khoa học, công nghệ và một số lĩnh vực khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định theo yêu cầu cải cách trong từng giai đoạn.

- Rà soát quy định, thủ tục hành chính giữa các cơ quan hành chính nhà nước, các ngành, các cấp và trong nội bộ từng cơ quan hành chính nhà nước.

d) Về trách nhiệm thực hiện

- Bộ, cơ quan ngang Bộ chịu trách nhiệm rà soát quy định, thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý ngành, lĩnh vực được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ.

- Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm rà soát quy định, thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của các cấp chính quyền trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

- Các cơ quan: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ngân hàng Chính sách Xã hội, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam (sau đây gọi chung là 03 cơ quan) thực hiện rà soát quy định, thủ tục thuộc thẩm quyền giải quyết.

2. Về quy trình xây dựng và thực hiện kế hoạch rà soát

a) Về nội dung kế hoạch rà soát

- Kế hoạch rà soát quy định, thủ tục hành chính phải thể hiện rõ nội dung, yêu cầu rà soát, trong đó nội dung rà soát phải xác định cụ thể các nội dung như sau: Tên thủ tục hành chính hoặc nhóm thủ tục hành chính (ghi rõ tên nhóm và từng thủ tục hành chính trong nhóm), quy định hành chính có liên quan được rà soát; cơ quan thực hiện, thời gian thực hiện; căn cứ lựa chọn; dự kiến sản phẩm.

- Kế hoạch rà soát quy định, thủ tục hành chính của các bộ, ngành, địa phương phải xác định rõ các chỉ tiêu định lượng cụ thể, như tỷ lệ cắt giảm số lượng thủ tục hành chính, cắt giảm chi phí tuân thủ thủ tục hành chính.

b) Về căn cứ lựa chọn rà soát

- Theo nhiệm vụ cải cách thủ tục hành chính đã được xác định tại Nghị quyết số 30c/NQ-CP của Chính phủ ngày 08 tháng 11 năm 2011 ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020.

- Theo thủ tục hành chính hoặc nhóm thủ tục hành chính, quy định hành chính có liên quan có ảnh hưởng lớn đến đời sống kinh tế - xã hội của lĩnh vực, ngành, địa phương (số lượng đối tượng chịu sự tác động lớn; chi phí tuân thủ cao; có nhiều phản ánh, kiến nghị về vướng mắc, bất cập đối với các quy định hành chính,…).

- Theo nhiệm vụ đã được xác định tại Quyết định số 945/QĐ-TTg ngày 20 tháng 6 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc phân công các Bộ, ngành, địa phương thực hiện Nghị quyết số 57/2010/QH12 của Quốc hội về kết quả giám sát việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính.

c) Về quy trình xây dựng kế hoạch rà soát

- Căn cứ yêu cầu tại mục a và gợi ý tại mục b phần này, Văn phòng các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và 03 cơ quan hướng dẫn các đơn vị trực thuộc lựa chọn và đề xuất nội dung rà soát của đơn vị trên cơ sở quy định tại Nghị định số 63/2010/NĐ-CP và hướng dẫn của Văn phòng Chính phủ, để trình Thủ trưởng đơn vị phê duyệt gửi về Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và 03 cơ quan.

[...]
2