Loading


Công văn 4667/VPCP-KSTT về phạm vi kiểm soát thủ tục hành chính và nội dung kiểm tra việc thực hiện hoạt động kiểm soát thủ tục hành chính do Văn phòng Chính phủ ban hành

Số hiệu 4667/VPCP-KSTT
Ngày ban hành 11/07/2011
Ngày có hiệu lực 11/07/2011
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Văn phòng Chính phủ
Người ký Nguyễn Xuân Phúc
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4667/VPCP-KSTT
V/v phạm vi kiểm soát thủ tục hành chính và nội dung kiểm tra việc thực hiện hoạt động kiểm soát thủ tục hành chính

Hà Nội, ngày 11 tháng 07 năm 2011

 

Kính gửi:

- Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ;
- Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Kiểm soát thủ tục hành chính theo quy định tại Nghị định số 63/2010/NĐ-CP là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng1:

Thời gian qua, hoạt động kiểm soát thủ tục hành chính đã bước đầu đi vào nề nếp nhưng vẫn còn tồn tại một số hạn chế, bất cập (kiểm soát việc ban hành, công bố, công khai, tổ chức thực hiện thủ tục hành chính của các bộ ngành địa phương vẫn chưa được thực hiện tốt) gây khó khăn không nhỏ cho đời sống của người dân và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Nguyên nhân chủ yếu của những tồn tại, hạn chế nêu trên là các bộ, ngành, địa phương vẫn chưa thống nhất cách hiểu về phạm vi kiểm soát thủ tục hành chính tại các cơ quan, đơn vị trực thuộc. Thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ giao, để hoạt động kiểm soát thủ tục hành chính có hiệu lực, hiệu quả, Văn phòng Chính phủ đề nghị các đồng chí Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm, quán triệt, chỉ đạo của cơ quan, đơn vị trực thuộc một số nội dung sau:

1. Về phạm vi kiểm soát thủ tục hành chính

Bảo đảm thực hiện việc kiểm soát thủ tục hành chính theo đúng phạm vi đã được quy định tại Điều 1 Nghị định số 63/2010/NĐ-CP. Trong đó, thủ tục hành chính phải được kiểm soát là toàn bộ thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý của các bộ, ngành, địa phương, bao gồm cả các thủ tục hành chính trong nội bộ của từng cơ quan hành chính nhà nước, giữa cơ quan hành chính nhà nước với nhau có liên quan đến việc giải quyết thủ tục hành chính cho cá nhân, tổ chức.

2. Về kiểm tra việc kiểm soát thủ tục hành chính

Để bảo đảm việc hoạt động kiểm soát thủ tục hành chính được thực hiện theo đúng các quy định tại Nghị định số 63/2010/NĐ-CP; các bộ, ngành, địa phương cần tổ chức kiểm tra việc thực hiện hoạt động kiểm soát thủ tục hành chính tại các vụ, cục, sở, ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã. Tùy theo chức năng, nhiệm vụ của từng đơn vị, việc kiểm tra tập trung vào các nội dung sau:

- Việc thực hiện đánh giá tác động và lấy ý kiến đơn vị kiểm soát thủ tục hành chính đối với các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật có quy định về thủ tục hành chính theo quy định tại Nghị định số 63/2010/NĐ-CP và theo hướng dẫn của Văn phòng Chính phủ.

- Việc thẩm định đối với quy định về thủ tục hành chính theo đúng quy định tại Điều 11 Nghị định số 63/2010/NĐ-CP; Chỉ thị số 1722/CT-TTg ngày 17 tháng 9 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ.

- Việc thực hiện thủ tục hành chính theo quy định tại Chương III Nghị định số 63/2010/NĐ-CP, trong đó chú trọng kiểm tra việc soạn thảo quyết định công bố thủ tục hành chính; cập nhật dữ liệu về thủ tục hành chính vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính; niêm yết công khai thủ tục hành chính tại trụ sở cơ quan trực tiếp giải quyết thủ tục hành chính; giải quyết thủ tục hành chính trên thực tế so với các nội dung đã được công khai đặc biệt về trình tự, hồ sơ, yêu cầu, điều kiện và thời hạn giải quyết.

- Việc rà soát, đánh giá thủ tục hành chính theo quy định tại Chương V Nghị định số 63/2010/NĐ-CP.

- Việc giải quyết phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về các quy định hành chính theo quy định tại Nghị định số 20/2008/NĐ-CP.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Thủ tướng CP, các PTTg (để b/c);
- VPCP, BTCN, TCCV, TCCB, Cổng TTĐT;
- Lưu VT, KSTT (5).

BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM




Nguyễn Xuân Phúc

____________

1 Nhiệm vụ trọng tâm thứ 2: Đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính liên quan đến tổ chức và hoạt động của doanh nghiệp, sinh hoạt của nhân dân.

1