Loading


Công văn 5108/BYT-KH-TC năm 2023 về kế hoạch triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2024 và dự toán ngân sách trung ương giai đoạn 2024-2026 (kinh phí sự nghiệp) do Bộ Y tế ban hành

Số hiệu 5108/BYT-KH-TC
Ngày ban hành 14/08/2023
Ngày có hiệu lực 14/08/2023
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Y tế
Người ký Đỗ Xuân Tuyên
Lĩnh vực Tài chính nhà nước,Xây dựng - Đô thị

BỘ Y TẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 5108/BYT-KH-TC
V/v kế hoạch triển khai Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới năm 2024 và dự toán ngân sách trung ương giai đoạn 2024-2026 (kinh phí sự nghiệp).

Hà Nội, ngày 14 tháng 8 năm 2023

 

Kính gửi: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Bộ Y tế nhận được Công văn số 4539/BNN-VPĐP ngày 12/7/2023 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc lập kế hoạch triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2024 và dự toán ngân sách trung ương giai đoạn 2024-2026 (kinh phí sự nghiệp). Bộ Y tế đã tổng hợp, xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình năm 2024. Nội dung về kinh phí đang tiếp tục rà soát, tổng hợp và sẽ gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn văn bản riêng.

I. KẾT QUẢ THỰC HIỆN 6 THÁNG ĐẦU NĂM VÀ ƯỚC THỰC HIỆN CẢ NĂM 2023

1. Kết quả đạt được

1.1. Nội dung 08 thuộc Thành phần số 02[1]: Tiếp tục xây dựng, cải tạo và nâng cấp cơ sở hạ tầng, trang thiết bị cho các trạm y tế xã, trung tâm y tế huyện

Xây dựng và triển khai thực hiện các đề án, dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị cho các trạm y tế xã, trung tâm y tế huyện thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; các chương trình, dự án vốn vay ưu đãi, viện trợ nước ngoài và ngân sách địa phương.

Đối với Chương trình đầu tư phát triển mạng lưới y tế cơ sở vùng khó khăn vay vốn Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Bộ Y tế đã phối hợp các bộ liên quan tiến hành các thủ tục và được bổ sung vào kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 (Quyết định số 147/QĐ-TTg ngày 23/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ), khoản vay 88,6 triệu USD tương đương khoảng 2.050 tỷ đồng đã được ADB giải ngân vào tài khoản của Bộ Tài chính ngày 22/3/2023. Tuy nhiên đến nay chưa được giao vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách trung ương năm 2023 để triển khai, thực hiện các dự án xây dựng, cải tạo và nâng cấp các trạm y tế xã tại 16 tỉnh[2].

1.2. Nội dung 02 thuộc Thành phần số 05[3]: Tăng cường chất lượng dịch vụ của mạng lưới y tế cơ sở đảm bảo chăm sóc sức khỏe toàn dân; đẩy mạnh hệ thống theo dõi và khám chữa bệnh trực tuyến; đảm bảo hiệu quả phòng chống bệnh lây nhiễm, truyền nhiễm; cải thiện sức khỏe, dinh dưỡng của phụ nữ và trẻ em; nâng cao tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế.

- Xây dựng và trình Ban Bí thư Trung ương Đảng xem xét ban hành Chỉ thị của Ban Bí thư Trung ương Đảng về phát triển y tế cơ sở trong tình hình mới. Ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn đến năm 2030 (Quyết định số 1300/QĐ-BYT ngày 09/3/2023 của Bộ trưởng Bộ Y tế). Xây dựng Thông tư quy định nội dung chi tiết của gói dịch vụ y tế cơ bản tại y tế cơ sở.

- Xây dựng, triển khai phần mềm quản lý hồ sơ bệnh án điện tử tại các cơ sở y tế, cơ sở khám chữa bệnh; hình thành hạ tầng kỹ thuật của các nền tảng hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa (VTelehealth), nền tảng hồ sơ sức khỏe điện tử (VHR) và bắt đầu triển khai tại các đơn vị, địa phương.

- Tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình dịch, thường xuyên đánh giá, phân tích tình hình và các yếu tố nguy cơ; chủ động xây dựng các kịch bản, phương án ứng phó và triển khai đáp ứng với mọi tình huống có thế xảy ra của dịch. Từ đầu năm đến ngày 30/6/2023 cả nước ghi nhận 95.330 ca mắc và 20 ca tử vong do COVID-19, lũy kế từ đầu dịch cả nước ghi nhận 11.620.561 ca mắc, 43.206 ca tử vong (0,4% tổng số ca nhiễm). Số ca mắc giảm 8,5 lần so với năm 2021, giảm 48 lần so với năm 2022; tỷ lệ tử vong từ đầu năm 2023 giảm mạnh xuống còn 0,02% (năm 2021 là 1,86%, năm 2022 là 0,1%. Bộ Y tế đang tiến hành điều chỉnh bệnh COVID-19 từ nhóm A sang nhóm B.

- Tăng cường phòng, chống các dịch bệnh truyền nhiễm khác, xây dựng Đề án tăng cường công tác tiêm chủng, tăng số lượng vắc xin trong tiêm chủng mở rộng. Triển khai các giải pháp đảm bảo và duy trì tỷ lệ tiêm chủng mở rộng trên 90%. Trong 6 tháng đầu năm 2023, cả nước không ghi nhận trường hợp mắc tả, cúm A (H5N1). Sốt xuất huyết: ghi nhận 34.878 trường hợp mắc, giảm 35%; 08 trường hợp tử vong, giảm 21 trường hợp so với cùng kỳ năm 2022. Viêm màng não do não mô cầu: ghi nhận 08 trường hợp mắc, không tử vong; so với cùng kỳ năm 2022, số ca mắc tăng 01 trường hợp. Viêm não vi rút: ghi nhận 182 trường hợp, 04 trường hợp; so với cùng kỳ năm 2022, số ca mắc tăng 65%. Tay chân miệng: ghi nhận 12.644 trường hợp mắc, 05 trường hợp tử vong; so với cùng kỳ năm 2022, số ca mắc giảm 42%, số ca tử vong tăng 04 trường hợp. Sốt phát ban nghi sởi: ghi nhận 119 trường hợp mắc, không có trường hợp tử vong; so với cùng kỳ năm 2022, số ca mắc tăng 58%. Bạch hầu: ghi nhận 02 trường hợp mắc, 01 trường hợp tử vong; so với cùng kỳ năm 2022, số ca mắc tăng 02 ca. Sốt rét: ghi nhận 105 trường hợp mắc, không ghi nhận trường hợp tử vong; so với cùng kỳ 2022, số ca mắc giảm 16%.

- Công tác phòng chống các bệnh không lây nhiễm: Trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về phòng, chống tác hại của thuốc lá đến năm 2030 (Quyết định số 568/QĐ-TTg ngày 24/5/2023). Xây dựng Dự án Luật Phòng bệnh; đẩy mạnh thực hiện Chương trình sức khỏe Việt Nam, các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 đối với nội dung thuộc lĩnh vực y tế Đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức của người dân và cộng đồng về dự phòng, nâng cao sức khỏe, chú trọng dinh dưỡng, bảo vệ, rèn luyện thể lực.

- Tiếp tục duy trì ổn định hoạt động cung cấp dịch vụ, mạng lưới chăm sóc sức khỏe bà mẹ - trẻ em, sức khỏe sinh sản, quyết liệt triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm hạn chế tai biến sản khoa, tăng cường chất lượng các dịch vụ chăm sóc trước, trong và sau sinh và các dịch vụ sức khỏe sinh sản.

- Đẩy mạnh việc đôn đốc hướng dẫn các địa phương triển khai công tác chăm sóc sức khỏe và dinh dưỡng bà mẹ - trẻ em trong khuôn khổ Dự án 7 thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; triển khai các can thiệp dinh dưỡng trong khuôn khổ Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.

- Thực hiện các giải pháp mở rộng bao phủ bảo hiểm y tế, đến hết tháng 6/2023 tỷ lệ dân số tham gia BHYT đạt 90%, tăng 1,1% so với cùng kỳ tháng 6 năm 2022, phấn đấu đạt mục tiêu 93,2% dân số vào cuối năm 2023.

1.3. Nội dung 06 thuộc Thành phần số 07[4]: Tăng cường quản lý an toàn thực phẩm tại các cơ sở, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh thực phẩm, cải thiện vệ sinh hộ gia đình.

a) Tăng cường quản lý an toàn thực phẩm tại các cơ sở, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh thực phẩm

- Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới (Quyết định số 426/QĐ-TTg ngày 21/4/2023). Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm đã ban hành Kế hoạch số 1766/KH-BCĐTƯATTP ngày 27/12/2022 về triển khai công tác hậu kiểm về an toàn thực phẩm năm 2023 nhằm tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm ở các cấp, thông qua hoạt động hậu kiểm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm về an toàn thực phẩm.

- Xây dựng, hoàn thiện các quy chuẩn kỹ thuật và quy định về an toàn thực phẩm. Tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm ở các cấp, thông qua hoạt động hậu kiểm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm về an toàn thực phẩm. Trong 6 tháng đầu năm, toàn ngành Y tế đã kiểm tra 250.938 cơ sở, phát hiện 40.403 cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm chiếm 16,1% so với số cơ sở được kiểm tra; đã xử lý 6324 cơ sở (chiếm 15,65% số cơ sở vi phạm), tăng so với cùng kỳ năm 2022 (10,32%).

b) Cải thiện vệ sinh hộ gia đình

- Đẩy mạnh thực hiện Phong trào Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân; Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu ngành y tế giai đoạn 2019-2030 và tầm nhìn đến năm 2050; Đề án truyền thông về vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân và sử dụng nước sạch nông thôn[5]; tiếp tục chỉ đạo xây dựng Quy chuẩn kỹ thuật địa phương và giám sát chất lượng nước sạch dùng cho mục đích sinh hoạt.

1.4. Thực hiện các nhiệm vụ theo phân công của Ban chỉ đạo Trung ương

- Lãnh đạo Bộ Y tế là thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 (Quyết định số 29/QĐ-BCĐCTMTQG ngày 25/4/2023 của Ban Chỉ đạo Trung ương), thành viên Tổ công tác về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 (Quyết định số 1629/QĐ-BNN-TCCB ngày 09/5/2022 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ được Ban Chỉ đạo Trung ương, Tổ công tác phân công. Tổng hợp việc xử lý các kiến nghị, đề xuất của địa phương gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp, báo cáo Ban Chỉ đạo, Tổng công tác.

- Tham gia ý kiến với Bộ Kế hoạch và Đầu tư về Chương trình công tác năm 2023 của Ban Chỉ đạo Trung ương và đã được ban hành tại Quyết định số 29/QĐ-BCĐCTMTQG ngày 25/4/2023, trong đó thành viên Bộ Y tế được giao theo dõi 04 tỉnh: Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh. Bộ Y tế đã xây dựng, xin ý kiến các bộ, ngành liên quan và ban hành Kế hoạch số 790/KH-BYT ngày 19/6/2023 về Kế hoạch Giám sát thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia tại các tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh năm 2023.

1.5. Tiến độ giải ngân vốn ngân sách trung ương (kinh phí sự nghiệp) được giao thực hiện năm 2023

Tổng ngân sách giao năm 2023 là 5.400 triệu đồng (Vốn năm 2022 được chuyển năm 2023 tiếp tục thực hiện là 2.500 triệu đồng, năm 2023 được giao 2.900 triệu đồng).

Bộ Y tế ban hành các Quyết định giao dự toán ngân sách nhà nước cho các đơn vị thuộc Bộ thực hiện; Dự kiến giải ngân năm 2023 là 2.795 triệu đồng.

[...]
2