Loading


Công văn 5297/BNN-TCLN năm 2022 về nguyên tắc, tiêu chí phân bổ vốn ngân sách Trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

Số hiệu 5297/BNN-TCLN
Ngày ban hành 11/08/2022
Ngày có hiệu lực 11/08/2022
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Người ký Lê Minh Hoan
Lĩnh vực Bất động sản,Xây dựng - Đô thị

BỘ NÔNG NGHIỆP
VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 5297/BNN-TCLN
V/v trả lời kiến nghị của cử tri trước Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV

Hà Nội, ngày 11 tháng 8 năm 2022

 

Kính gửi: Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Cao Bằng

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Cao Bằng, do Văn phòng Chính phủ chuyển đến theo Văn bản số 3864/VPCP-QHĐP ngày 23/6/2022, nội dung kiến nghị như sau:

Nội dung kiến nghị (Câu số 74)

a) Xã khu vực III thuộc địa bàn đầu tư của Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, khi được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới thì sẽ là xã thuộc khu vực I (theo quy định tại Điều 3 Quyết định số 861/QĐ-TTg, ngày 04/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ), sau khi được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới thì được hưởng chính sách hỗ trợ theo chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới hay được hưởng chính sách hỗ trợ theo Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi? Đề nghị Chính phủ, các Bộ, ngành chức năng cần có hướng dẫn cụ thể.

b) Theo Luật Lâm nghiệp 2017: tại Khoản 2, Điều 14 quy định: “Không chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên sang mục đích khác, trừ dự án quan trọng quốc gia; dự án phục vụ quốc phòng, an ninh quốc gia; dự án cấp thiết khác được Chính phủ phê duyệt”; Tại Điều 41, Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ quy định về trình tự, thủ tục quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác; Điều 1, Nghị định số 83/2020/NĐ-CP ngày 15/7/2020 của Chính phủ sửa đổi Nghị định số 156/2018/NĐ-CP quy định về trình tự, thủ tục quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác.

Tuy nhiên, trong thực tiễn triển khai thực hiện chuyển mục đích sử dụng rừng (rừng tự nhiên) sang mục đích khác đối với các dự án còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong các quy định đánh giá về tiêu chí, trình tự, thủ tục, thẩm quyền quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng. Đặc biệt là với công trình dạng tuyến như công trình giao thông khi nâng cấp, cải tạo trên nền đường cũ, phạm vi chiếm dụng có giới hạn nhỏ, ảnh hưởng đến phạm vi rừng không lớn nhưng nếu ảnh hưởng chiếm dụng đến rừng tự nhiên dù lớn hay nhỏ thì Ủy ban nhân dân tỉnh phải trình Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn thẩm định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng (Thời gian thực hiện các thủ tục hành chính dài).

Vì vậy, cử tri kiến nghị nghiên cứu trình Quốc hội xem xét:

(1) Sửa đổi mở rộng phạm vi dự án được chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên quy định tại Khoản 2, Điều 14, Luật Lâm nghiệp.

(2) Kiến nghị Chính phủ phân cấp, phân quyền cho địa phương (Hội đồng nhân dân tỉnh) chuyển đổi mục đích sử dụng rừng tự nhiên sang mục đích khác đối với các dự án, công trình dạng tuyến như công trình giao thông, kênh dẫn nước, đường dây chuyển tải điện. Cụ thể:

- Đến 10 ha rừng tự nhiên (Cơ sở: Theo Luật Đất đai năm 2013, Hội đồng nhân dân tỉnh được phép chuyển đổi mục đích sử dụng đến 10ha đất trồng lúa nước).

- Hoặc đến 20 ha rừng tự nhiên (Cơ sở: Theo Luật Đất đai năm 2013, Hội đồng nhân dân tỉnh được phép chuyển đổi mục đích sử dụng đến 20ha đất rừng phòng hộ).

(3) Đề xuất giao cho 01 ngành chủ trì (Tài nguyên và Môi trường hoặc Nông nghiệp và phát triển nông thôn) trong thực hiện công tác chuyển đổi mục đích sử dụng đất và chuyển đổi mục đích sử dụng rừng để giảm thủ tục hành chính và thống nhất, đồng bộ trong tổ chức triển khai thực hiện.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xin trả lời như sau:

1. Căn cứ quy định, nguyên tắc, tiêu chí phân bổ vốn ngân sách Trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 07/2022/QĐ-TTg ngày 25/3/2022, theo đó:

- Tiêu chí, hệ số phân bổ vốn ngân sách Trung ương năm 2021 (chuyển sang thực hiện trong năm 2022), thực hiện theo quy định tại Điều 4 Quyết định số 07/2022/QĐ-TTg ngày 25/3/2022.

- Tiêu chí, hệ số phân bổ vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2022-2025, thực hiện theo quy định tại Điều 5 Quyết định số 07/2022/QĐ-TTg ngày 25/3/2022.

Theo đó, đối với các xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi sau khi được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (tính đến hết năm 2021) sẽ thuộc địa bàn đầu tư, hỗ trợ thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, đồng thời vẫn tiếp tục được hưởng các chính sách của xã khu vực I vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo quy định.

2. Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng yêu cầu: “Bảo vệ và quản lý nghiêm, kết hợp với tăng cường các biện pháp trồng mới, phục hồi, tái sinh rừng tự nhiên; có cơ chế quản lý, giám sát chặt chẽ việc chuyển đổi diện tích rừng phòng hộ tại các khu vực ít xung yếu sang rừng sản xuất, tránh để lợi dụng nhằm trục lợi; không chuyển diện tích rừng tự nhiên hiện có sang mục đích sử dụng khác (trừ các dự án phục vụ cho mục đích quốc phòng, an ninh, hoặc các dự án đặc biệt, cấp thiết do Chính phủ quyết định)”.

Thể chế hóa chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng tại Chỉ thị số 13- CT/TW, khoản 2 Điều 14 Luật Lâm nghiệp quy định: “Không chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên sang mục đích khác, trừ dự án quan trọng quốc gia; dự án phục vụ quốc phòng, an ninh quốc gia; dự án cấp thiết khác được Chính phủ phê duyệt”.

Sau khi Luật Lâm nghiệp có hiệu lực thi hành, việc chuyển mục đích sử dụng rừng, đặc biệt là rừng tự nhiên đã được triển khai thực hiện chặt chẽ, đồng bộ, thống nhất từ Trung ương đến địa phương; góp phần giữ vững và ổn định diện tích rừng tự nhiên, đảm bảo tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc đạt 42,01% vào năm 2020, hoàn thành chỉ tiêu Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và Quốc hội khóa XIV giao.

Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn xin ghi nhận kiến nghị của cử tri tỉnh Cao Bằng về việc mở rộng phạm vi dự án được chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên; và sẽ kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét sau khi Quốc hội cho phép sửa đổi Luật Lâm nghiệp.

3. Theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 15 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2020): “Thực hiện thí điểm một số chính sách mới thuộc thẩm quyền của Quốc hội nhưng chưa có luật điều chỉnh hoặc khác với quy định của luật hiện hành.”

Do vậy, việc áp dụng chính sách khác hoặc điều chỉnh thẩm quyền cơ quan/người quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên sang mục đích khác thuộc thẩm quyền của Quốc hội.

Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang tham mưu trình Chính phủ xem xét, ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 156/2018/NĐ-CP của Chính phủ; dự thảo của Nghị định được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ, của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Lâm nghiệp. Đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cao Bằng quan tâm, cho ý kiến góp ý để Bộ tiếp tục hoàn thiện dự thảo của Nghị định.

4. Về thẩm quyền giao rừng, cho thuê rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, thu hồi rừng được quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 23 Luật Lâm nghiệp, theo đó, thẩm quyền thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Ủy ban nhân dân cấp huyện.

Về thẩm quyền giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất quy định tại Điều 59 Luật Đất đai 2013, theo đó, thẩm quyền quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Ủy ban nhân dân cấp huyện.

Tại Điều 36 Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ, quy định: “Trình tự, thủ tục giao rừng, cho thuê rừng thống nhất, đồng bộ với giao đất, cho thuê đất thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai và các quy định sau:…”.

Về trình tự, thủ tục chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, tại khoản 1 và khoản 2 Điều 42 Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ, quy định:

[...]
1