Loading


Công văn 6718/VPCP-QHQT năm 2021 về rà soát quy trình tiếp nhận, ký kết, quản lý và sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài theo yêu cầu của Chủ tịch nước do Văn phòng chính phủ ban hành

Số hiệu 6718/VPCP-QHQT
Ngày ban hành 21/09/2021
Ngày có hiệu lực 21/09/2021
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Văn phòng Chính phủ
Người ký Nguyễn Xuân Thành
Lĩnh vực Tài chính nhà nước

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 6718/VPCP-QHQT
V/v rà soát quy trình tiếp nhận, ký kết, quản lý và sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài theo yêu cầu của Chủ tịch nước

Hà Nội, ngày 21 tháng 9 năm 2021

 

Kính gửi:

- Các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Giao thông vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Lao động - Thương binh và Xã hội, Tư pháp, Ngoại giao;
- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;
- Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Xét kiến nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại văn bản số 5352/BKHĐT- KTĐN ngày 16 tháng 8 năm 2021, của Bộ Tài chính tại văn bản số 9655/BTC-QLN ngày 24 tháng 8 năm 2021 về rà soát quy trình tiếp nhận, ký kết, quản lý và sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài theo yêu cầu của Chủ tịch nước, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh có ý kiến như sau:

1. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, ngành, địa phương tổng hợp các đề xuất chương trình, dự án cho cả giai đoạn 2021-2025, trên cơ sở đó thẩm định chặt chẽ, báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề xuất chương trình, dự án và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương để chủ động trong việc đàm phán, ký kết với các nhà tài trợ nước ngoài.

2. Các bộ, ngành, địa phương rà soát kỹ trong quá trình xây dựng dự án, bảo đảm các hạng mục đề xuất thực sự cần thiết, hiệu quả và chịu trách nhiệm toàn diện về đề xuất dự án; khẩn trương hoàn tất thủ tục phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi, phê duyệt quyết định đầu tư theo quy định làm cơ sở cho việc đàm phán, ký kết và triển khai, thực hiện dự án.

3. Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp nghiên cứu hướng dẫn quy trình đàm phán, ký kết, phê duyệt Điều ước quốc tế theo trình tự, thủ tục rút gọn, nhất là các Điều ước quốc tế bổ sung, điều chỉnh một số nội dung trong điều ước quốc tế đã ký ban đầu, không ảnh hưởng đến quyền và nhiệm vụ của Việt Nam với tư cách là bên đi vay.

4. Các bộ, ngành, địa phương đấy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công nguồn vốn nước ngoài, coi đây là nhiệm vụ chính trị của bộ, ngành, địa phương. Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính theo chức năng, nhiệm vụ tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn vướng mắc về phân bố, giao kế hoạch vốn và rút vốn, giải ngân.

5. Đồng ý việc các cơ quan chủ quản, chủ dự án được sử dụng vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài cho các hoạt động tư vấn quốc tế thực hiện dự án, đào tạo chuyển giao công nghệ, thanh toán cho các khoản thuế và phí như đã thỏa thuận với các nhà tài trợ được quy định trong các hiệp định vay ký kết trước thời điểm ban hành Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 29 tháng 6 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ và phù hợp với Nghị quyết số 49/2017/QH14 ngày 13 tháng 11 năm 2017 của Quốc hội về dự toán ngân sách nhà nước năm 2018 (áp dụng cho các Hiệp định vay đã ký kết từ năm 2017 về trước).

Sau khi Nghị định thay thế Nghị định số 56/2020/NĐ-CP ngày 25 tháng 5 năm 2020 của Chính phủ về quản lý và sử dụng ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài được ban hành và có hiệu lực sẽ thực hiện theo quy định của Nghị định.

Văn phòng Chính phủ thông báo để các Bộ, cơ quan, địa phương biết, thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Văn phòng Chủ tịch nước (để p/h);
- TTg, PTTgTT Phạm Bình Minh;
- VPCP: BTCN, PCN Nguyễn Xuân Thành, các Vụ: CN, KTTH, KGVX, PL, TH;
- Lưu: VT, QHQT (3).HN.

KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM




Nguyễn Xuân Thành

 

 

3