Loading


Công văn 7855/BGTVT-CQLXD năm 2021 về rà soát khó khăn, vướng mắc trong đầu tư, xây dựng do Bộ Giao thông vận tải ban hành

Số hiệu 7855/BGTVT-CQLXD
Ngày ban hành 02/08/2021
Ngày có hiệu lực 02/08/2021
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Giao thông vận tải
Người ký Nguyễn Ngọc Đông
Lĩnh vực Đầu tư,Xây dựng - Đô thị

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 7855/BGTVT-CQLXD
V/v rà soát khó khăn, vướng mắc trong đầu tư, xây dựng

Hà Nội, ngày 02 tháng 08 năm 2021

 

Kính gửi: Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Theo đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ KH&ĐT) tại công văn số 3940/BKHĐT-PC ngày 22/6/2021, Bộ Giao thông vận tải (Bộ GTVT) báo cáo kết quả rà soát những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án đầu tư như sau:

A. ĐỐI VỚI DỰ ÁN SỬ DỤNG VỐN ĐẦU TƯ CÔNG

I. Vướng mắc liên quan đến quá trình chuẩn bị dự án đầu tư

1. Nội dung liên quan đến nguồn vốn đầu tư

1.1. Khái niệm về các loại nguồn vốn

Pháp luật hiện hành có nhiều khái niệm về nguồn vốn đầu tư, gồm: (i) vốn đầu tư công, (ii) vốn nhà nước, (iii) vốn nhà nước ngoài đầu tư công, (iv) vốn ngân sách nhà nước, (v) vốn khác. Nội dung khái niệm các loại nguồn vốn trên tại các Luật (Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Ngân sách nhà nước) chưa có sự thống nhất, đồng bộ, gây khó khăn trong việc quản lý đầu tư xây dựng, đặc biệt trong việc xác định thẩm quyền (thẩm định, phê duyệt), trách nhiệm của các chủ thể, trong việc phân cấp, ủy quyền trong quản lý đầu tư xây dựng.

* Kiến nghị: Bộ KH&ĐT, Bộ Xây dựng và Bộ Tài chính phối hợp nghiên cứu, sửa đổi toàn diện khái niệm về các loại nguồn vốn để bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất làm cơ sở áp dụng trong quản lý đầu tư xây dựng.

1.2. Tổng vốn đầu tư công trung hạn                                               

- Khoản 2 Điều 89 Luật Đầu tư công quy định đối với khi quyết định chủ trương đầu tư dự án có thời gian thực hiện trong 02 kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn liên tiếp phải bảo đảm tổng số giá trị tổng mức đầu tư của các dự án phải thực hiện trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn sau không vượt quá 20% tổng số vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn trước.

- Bộ GTVT đang triển khai các thủ tục phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án trọng điểm của ngành, trong đó bao gồm các dự án cao tốc Bắc-Nam phía Đông có quy mô, tổng mức đầu tư lớn với thời gian thi công dài, phải thi công phần lớn công việc trong giai đoạn 2026-2030. Do vậy rất khó khăn trong việc xem xét, quyết định chủ trương đầu tư các dự án hiện nay để đáp ứng quy định trên (tổng số giá trị tổng mức đầu tư của các dự án phải thực hiện trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030 vượt quá 20% tổng số vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025).

* Kiến nghị: Sửa đổi khoản 2 Điều 89 Luật Đầu tư công nêu trên, trong đó không phải áp dụng quy định này đối với dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A được chuẩn bị đầu tư trong kỳ trung hạn.

1.3. Sử dụng ngân sách địa phương tham gia thực hiện dự án do cơ quan Trung ương quản lý, đầu tư

- Điều 9 Luật Ngân sách nhà nước (Luật NSNN) quy định: Nhiệm vụ chi thuộc ngân sách cấp nào do ngân sách cấp đó bảo đảm; việc quyết định đầu tư các chương trình, dự án sử dụng vốn ngân sách phải bảo đảm trong phạm vi ngân sách theo phân cấp; không được dùng ngân sách của cấp này để chi cho nhiệm vụ của cấp khác và không được dùng ngân sách của địa phương này để chi cho nhiệm vụ của địa phương khác.

- Khi triển khai thực hiện các dự án của Bộ GTVT có một số vướng mắc như sau:

+ Hiện nay, nhiều tuyến quốc lộ (thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ GTVT) bị xuống cấp, có thể gây mất an toàn giao thông. Một số tỉnh đề nghị sử dụng ngân sách địa phương để đầu tư cải tạo, nâng cấp hoặc bảo trì sửa chữa các tuyến quốc lộ này nhưng không có cơ sở thực hiện do vướng mắc về việc sử dụng vốn ngân sách địa phương tại Luật NSNN nêu trên.

+ Việc địa phương không được bố trí vốn ngân sách tỉnh để tham gia thực hiện dự án đầu tư của Trung ương có thể gây khó khăn, áp lực cho ngân sách Trung ương và có thể hạn chế đến việc quyết định quy mô đầu tư dự án.

* Kiến nghị: Sửa đổi điểm d khoản 9 Điều 9 Luật NSNN, trong đó quy định được sử dụng ngân sách địa phương để đầu tư (xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo), thực hiện bảo trì công trình kết cấu hạ tầng do cơ quan Trung ương quản lý, đầu tư.

1.4. Quy định về chuyển vốn vay

Khoản 7 Điều 4 Nghị quyết số 25/2016/QH14 ngày 9/11/2016 của Quốc hội về kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016-2020 quy định không chuyển vốn vay về cho vay lại, bảo lãnh Chính phủ thành vốn cấp phát ngân sách nhà nước. Quy định này dẫn đến việc tái cơ cấu nguồn vốn hỗ trợ cho các dự án đầu tư đường cao tốc của VEC (cao tốc Bến Lức - Long Thành) và VIDIFI (cao tốc Hà Nội - Hải Phòng) không thực hiện được, phương án tài chính dự án không khả thi.

* Kiến nghị: Bộ KH&ĐT báo cáo các cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh, cho phép không áp dụng quy định tại Nghị quyết 25/2016/QH14 trên đối với các dự án đã được phê duyệt chủ trương đầu tư trước thời điểm này hoặc không áp dụng điều khoản này đối với các dự án đầu tư xây dựng hình thành các tài sản công là các tuyến đường bộ cao tốc.

2. Về thẩm định, phê duyệt dự án, điều chỉnh dự án

2.1. Về việc điều chỉnh dự án phát sinh tiêu chí dự án quan trọng quốc gia

Khoản 3 Điều 104 Nghị định số 29/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2021 của Chính phủ quy định về trình tự, thủ tục thẩm định dự án quan trọng quốc gia và giám sát, đánh giá đầu tư; trong đó quy định dự án đang trong quá trình thực hiện có sự thay đổi, mà các nội dung thay đổi dẫn đến dự án thuộc tiêu chí dự án quan trọng quốc gia thì “Trình tự, thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án, điều chỉnh dự án được thực hiện theo quy định pháp luật tại thời điểm điều chỉnh dự án như đối với dự án hoặc nhóm dự án trước khi điều chỉnh”.

Việc phải điều chỉnh chủ trương đầu tư theo quy định trên gặp vướng mắc đối với dự án được phê duyệt trước khi Quốc hội ban hành Luật Đầu tư công số 49/2014/QH13 (một số dự án được miễn lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi như dự án Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Bến Lức - Long Thành, các dự án đường sắt đô thị, ...).

* Kiến nghị: Quy định các dự án được phê duyệt trước ngày Luật Đầu tư công số 49/2014/QH13 có hiệu lực (01/01/2015) đang trong quá trình thực hiện có sự thay đổi, mà các nội dung thay đổi dẫn đến dự án thuộc tiêu chí dự án quan trọng quốc gia thì không phải điều chỉnh chủ trương đầu tư; các nội dung khác được thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 104 Nghị định số 29/2021/NĐ-CP (gồm việc điều chỉnh dự án, …).

2.2. Việc lập dự án đầu tư bảo trì công trình có TMĐT trên 15 tỷ đồng

- Theo điểm b khoản 4 Điều 35 Nghị định 06/2021/NĐ-CP ngày 26/01/2021 quy định chi tiết một số nội dung về quản lý chất lượng, thi công xây dựng và bảo trì công trình xây dựng: Đối với trường hợp sửa chữa công trình, thiết bị công trình có chi phí thực hiện từ 500 triệu đồng trở lên thì tổ chức lập, trình thẩm định và phê duyệt Báo cáo kinh tế - kỹ thuật hoặc dự án đầu tư xây dựng theo quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng công trình.

[...]
1
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ