Loading


Công văn 9088/BNN-BVTV năm 2017 về nhận bàn giao nhiệm vụ quản lý nhà nước về phân bón từ Bộ Công Thương do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

Số hiệu 9088/BNN-BVTV
Ngày ban hành 30/10/2017
Ngày có hiệu lực 30/10/2017
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Người ký Nguyễn Xuân Cường
Lĩnh vực Thương mại

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 9088/BNN-BVTV
V/v nhận bàn giao nhiệm vụ quản lý nhà nước về phân bón từ Bộ Công Thương

Hà Nội, ngày 30 tháng 10 năm 2017

 

Kính gửi: Thủ tướng Chính phủ

Thực hiện nhiệm vụ được giao về quản lý phân bón tại Nghị định số 15/2017/NĐ-CP, ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 2000/VPCP-NN ngày 07/03/2017 và văn bản số 3297/VPCP-NN ngày 05/04/2017, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã khẩn trương phối hợp với các Bộ, ngành, tổ chức có liên quan xây dựng, hoàn thiện dự thảo Nghị định về quản lý phân bón thay thế Nghị định số 202/2013/NĐ-CP theo trình tự, thủ tục rút gọn. Ngày 20/9/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị định số 108/2017/NĐ-CP về quản lý phân bón thay thế Nghị định số 202/2013/NĐ-CP, có hiệu lực thi hành từ ngày ký ban hành.

Ngay sau khi Nghị định số 108/2017/NĐ-CP được ban hành, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với Bộ Công Thương để nhận bàn giao nhiệm vụ quản lý nhà nước về phân bón vô cơ, kết quả cụ thể như sau:

1. Về số lượng phân bón vô cơ đã tiếp nhận

Tổng số 13.423 sản phẩm, tăng 7.748 sản phẩm so với thời điểm tháng 01/2017. Như vậy, tính đến thời điểm hiện nay, tổng số phân bón vô cơ và hữu cơ đã công bố hợp quy là 14.174 sản phẩm (phân bón hữu cơ chiếm 5,3%). Mặc dù vậy, nhiều trường hợp công bố hợp quy trước thời điểm Nghị định số 108/2017/NĐ-CP có hiệu lực thi hành do các Sở Công Thương xác nhận theo quy định tại Nghị định số 202/2013/NĐ-CP vẫn chưa được tổng hợp đầy đủ. Do vậy, số lượng sản phẩm phân bón vô cơ còn tiếp tục gia tăng trong thời gian tới.

2. Về cơ sở sản xuất phân bón đã được cấp phép

Tổng số 545 cơ sở sản xuất phân bón vô cơ đã được Bộ Công Thương cấp phép hoạt động và bàn giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Như vậy, nếu tính cả các cơ sở sản xuất phân bón hữu cơ thì cả nước có 706 cơ sở sản xuất phân bón đủ điều kiện hoạt động với tổng công suất hơn 28,5 triệu tấn/năm (vô cơ hơn 26 triệu tấn/năm và hữu cơ hơn 2,5 triệu tấn/năm). Cân đối nhu cầu sử dụng phân bón trong nước hiện nay (trên dưới 10 triệu tấn/năm) thì năng lực sản xuất đã dư thừa (gấp gần 3 lần nhu cầu sử dụng), chưa kể vẫn còn gần 200 hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phân bón phải xử lý trong thời gian tới.

3. Về tổ chức đánh giá sự phù hợp

Bộ Công Thương đã ban hành quyết định chỉ định 41 tổ chức đánh giá sự phù hợp, trong đó: có 39 tổ chức tham gia hoạt động thử nghiệm, 13 tổ chức tham gia hoạt động chứng nhận và 09 tổ chức tham gia hoạt động giám định. Tuy nhiên Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn không được Bộ Công Thương bàn giao hồ sơ của các tổ chức đánh giá sự phù hợp đã được chỉ định, việc này sẽ gây khó khăn không ít cho công tác giám sát hàng năm theo quy định tại các Thông tư 16/2011/TT-BNNPTNT, Thông tư 55/2011/TT-BNNPTNT và Thông tư 52/2012/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

4. Các trường hợp vi phạm chưa xử lý

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã nhận bàn giao từ Bộ Công Thương 04 hồ sơ của 04 doanh nghiệp vi phạm về nhập khẩu phân bón vô cơ không đạt chất lượng theo quy định tại Thông tư số 29/2014/TT-BCT với tổng khối lượng là 1.290 tấn. Tuy nhiên, cho đến thời điểm bàn giao Bộ Công Thương vẫn chưa có phương án xử lý số lượng phân bón của 04 doanh nghiệp vi phạm nêu trên.

5. Về hồ sơ chưa xử lý

Về hồ sơ đề nghị cấp mới giấy phép sản xuất phân bón vô cơ: 36 hồ sơ đang thẩm định và 09 hồ sơ chưa thẩm định;

Về hồ sơ đề nghị chỉ định của tổ chức đánh giá sự phù hợp: 11 hồ sơ đề nghị chỉ định mới và 03 hồ sơ đề nghị chỉ định lại.

6. Những nội dung cần triển khai thực hiện

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác định đây là lĩnh vực quan trọng, nhạy cảm, ảnh hưởng trực tiếp đến phần lớn người nông dân và nền sản xuất nông nghiệp nước ta. Khối lượng công việc rất lớn và khó khăn, phức tạp. Chính vì vậy, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chủ động xây dựng kế hoạch để thực hiện, tập trung chính vào các công việc sau:

a) Tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện Nghị định 108/2017/NĐ-CP thông qua các văn bản hướng dẫn, các hội nghị vùng, các phương tiện thông tin đại chúng và tập huấn trực tiếp cho các tổ chức có yêu cầu.

b) Phối hợp với Ban chỉ đạo 389, công an, quản lý thị trường, hải quan, hiệp hội phân bón, chính quyền địa phương, cơ quan thông tấn, báo chí và các cơ quan liên quan để tiến hành rà soát, thanh tra, kiểm tra sản xuất, kinh doanh phân bón cũng như các tổ chức đánh giá sự phù hợp trên toàn quốc.

c) Rà soát các sản phẩm phân bón đã công bố hợp quy, đối chiếu với các điều kiện về chỉ tiêu chất lượng để ban hành các quyết định công nhận lưu hành đối với phân bón quy định chuyển tiếp tại khoản 1, 2, 11 Điều 47 Nghị định số 108/2017/NĐ-CP.

d) Chấn chỉnh lại hệ thống khảo nghiệm phân bón, thực hiện đánh giá để chỉ định các tổ chức đủ điều kiện, từng bước xây dựng hệ thống các tiêu chuẩn quốc gia về khảo nghiệm phân bón theo hướng cụ thể đến từng loại cây trồng, từng loại phân bón để đảm bảo hiệu quả khảo nghiệm.

đ) Rà soát, sửa đổi bổ sung và xây dựng các tiêu chuẩn quốc gia về phương pháp thử đối với các chỉ tiêu chất lượng phân bón để đáp ứng kịp với xu thế phát triển công nghệ hiện nay.

e) Xây dựng và thực hiện giai đoạn 2017 - 2021 chiến lược phát triển toàn diện phân bón hữu cơ để thúc đẩy nông nghiệp hữu cơ.

7. Kiến nghị

a) Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ có chỉ đạo Bộ Công Thương bàn giao hồ sơ gốc của 41 tổ chức đánh giá sự phù hợp, hồ sơ quy hoạch, đề án, dự án và kết quả thanh tra, kiểm tra mà Bộ Công Thương đã chỉ định, thực hiện trong thời gian qua.

b) Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ có chỉ đạo Bộ Công an, Bộ Công Thương, Ban chỉ đạo 389 quốc gia, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về sản xuất, kinh doanh, chất lượng phân bón để tạo bước chuyển biến tích cực, rõ nét trong công tác quản lý phân bón trong thời gian tới.

c) Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét bổ sung thêm biên chế để Bộ thực hiện tốt hơn nhiệm vụ mới được giao về quản lý phân bón.

Vậy, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xin báo cáo Thủ tướng./.

 

[...]
3