Loading


Công văn 997/BTP-BTTP năm 2021 hướng dẫn triển khai thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp do Bộ Tư pháp ban hành

Số hiệu 997/BTP-BTTP
Ngày ban hành 06/04/2021
Ngày có hiệu lực 06/04/2021
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Tư pháp
Người ký Phan Chí Hiếu
Lĩnh vực Dịch vụ pháp lý

BỘ TƯ PHÁP
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 997/BTP-BTTP
V/v hướng dẫn triển khai thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp

Hà Nội, ngày 06 tháng 4 năm 2021

 

Kính gửi:

- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp và Nghị định số 157/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 85/2013/NĐ-CP ngày 29/7/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật giám định tư pháp có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2021. Ngày 24/9/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1450/QĐ-TTg về Kế hoạch triển khai thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giám định tư pháp.

Để kịp thời khắc phục những vướng mắc cũng như bảo đảm sự thống nhất, thuận lợi và hiệu quả của việc triển khai thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp (gọi tắt là Luật) và các văn bản hướng dẫn thi hành, Bộ Tư pháp trân trọng đề nghị các bộ, ngành và địa phương thực hiện tốt một số vấn đề sau đây:

1. Đối với bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi tắt là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh)

a) Khẩn trương rà soát, cập nhật, hoàn thiện danh sách đội ngũ người giám định tư pháp, tổ chức giám định tư pháp hiện có thuộc thẩm quyền quản lý của bộ, ngành hoặc địa phương mình và tiến hành cấp thẻ giám định viên tư pháp theo quy định của Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành, cần bám sát nhu cầu thực tế của hoạt động tố tụng và chú trọng đến tiêu chuẩn, điều kiện, năng lực thực hiện giám định của tổ chức, người giám định tư pháp bảo đảm chất lượng, hiệu quả hoạt động giám định.

b) Thủ trưởng đơn vị thuộc bộ, cơ quan ngang bộ được phân công làm đầu mối quản lý chung công tác giám định tư pháp; Giám đốc Sở Tư pháp, căn cứ hướng dẫn tại Điều 4 Thông tư số 11/2020/TT-BTP ngày 31/12/2020 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định về mẫu thẻ, trình tự, thủ tục cấp mới, cấp lại thẻ giám định viên tư pháp (Thông tư số 11/2020/TT-BTP) tổ chức in phôi thẻ để phục vụ việc cấp thẻ cho giám định viên tư pháp thuộc thẩm quyền quản lý. Đơn vị thuộc bộ, cơ quan ngang bộ được phân công làm đầu mối quản lý chung công tác giám định tư pháp, Sở Tư pháp tiếp nhận quyết định cấp thẻ giám định viên tư pháp và thực hiện việc vào sổ lưu theo dõi số thẻ, phối hợp với các đơn vị thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện việc trao thẻ giám định viên tư pháp cho người được cấp ở bộ, ngành hoặc địa phương mình.

Trường hợp giám định viên tư pháp được bổ nhiệm kể từ ngày 01/01/2021 trở đi nhưng chưa được cấp thẻ thì đề nghị các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tiến hành rà soát và thực hiện việc cấp thẻ theo quy định tại Điều 7 Thông tư số 11/2020/TT-BTP.

c) Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ bổ nhiệm, miễn nhiệm giám định viên tư pháp hoặc công nhận, hủy bỏ công nhận người, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc thuộc cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn địa phương theo thẩm quyền thì ngoài việc gửi danh sách người, tổ chức giám định tư pháp cho Bộ Tư pháp theo quy định, cần gửi cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi cá nhân, tổ chức đó đang hoạt động chuyên môn và hoạt động giám định để biết, thông báo trên Cổng thông tin điện tử của địa phương bảo đảm thuận tiện, kịp thời cho việc trưng cầu, thực hiện giám định tại địa phương.

d) Đối với lĩnh vực hoặc chuyên ngành giám định được thành lập Văn phòng giám định tư pháp theo quy định tại khoản 1 Điều 14 của Luật Giám định tư pháp, nhưng không có cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (mà là cơ quan, đơn vị chuyên môn của Trung ương đóng trên địa bàn địa phương) thì đề nghị bộ, cơ quan ngang bộ quản lý lĩnh vực, chuyên ngành giám định đó chỉ định, thông tin về cơ quan, đơn vị chức năng có trách nhiệm phối hợp với Sở Tư pháp trong việc giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thẩm định hồ sơ xin phép thành lập, đăng ký hoạt động và quản lý nhà nước đối với Văn phòng giám định tư pháp ở lĩnh vực, chuyên ngành đó tại địa phương.

đ) Đề nghị các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh gửi kết quả rà soát văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến giám định tư pháp thuộc thẩm quyền và trách nhiệm của mình1 về Bộ Tư pháp trước ngày 30/4/2021 để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

2. Đề nghị Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao quan tâm chỉ đạo thực hiện đầy đủ, kịp thời các nội dung, trách nhiệm của hệ thống các cơ quan tiến hành tố tụng đối với công tác giám định tư pháp theo quy định của Luật và Kế hoạch triển khai thi hành Luật đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành.

Đề nghị Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao sớm chủ trì, phối hợp với Bộ Công an và cơ quan có liên quan (tại điểm m phần 3 mục II của Kế hoạch triển khai thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giám định tư pháp ban hành kèm theo Quyết định số 1450/QĐ-TTg) xây dựng, ban hành chỉ tiêu thống kê về giám định tư pháp trong hoạt động tố tụng hình sự, dân sự và chỉ đạo tổ chức thực hiện việc thống kê đó, gửi kết quả về Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp và các bộ, sở, ngành chuyên môn có liên quan để làm căn cứ kiện toàn, phát triển đội ngũ người, tổ chức giám định tư pháp và thực hiện các giải pháp khác bảo đảm phục vụ tốt hơn yêu cầu của hoạt động tố tụng; đề nghị Tòa án nhân dân tối cao sớm ban hành hướng dẫn về bố trí vị trí phù hợp của người giám định tư pháp khi tham gia tố tụng tại phiên tòa.

Trên đây là một số hướng dẫn của Bộ Tư pháp về triển khai thực hiện một số quy định của Luật Giám định tư pháp và văn bản hướng dẫn thi hành, đề nghị các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao quan tâm chỉ đạo thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Phó Thủ tướng Thường trực CP Trương Hòa Bình (để b/c);
- UBTP của QH (để phối hợp);
- Bộ trưởng (để b/c);
- Sở Tư pháp các tỉnh, TP trực thuộc TƯ (
để t/h);
- Lưu: VT, Cục BTTP.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Phan Chí Hiếu

 



1 Tại điểm m phần 2 mục II của Kế hoạch triển khai thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giám định tư pháp ban hành kèm theo Quyết định số 1450/QĐ-TTg.

3