Loading


Hướng dẫn 09-HD/BTCTW năm 2007 thực hiện Quy định về phân cấp quản lý cán bộ, Quy chế bổ nhiệm cán bộ và giới thiệu cán bộ ứng cử do Ban Tổ chức Trung ương ban hành

Số hiệu 09-HD/BTCTW
Ngày ban hành 26/09/2007
Ngày có hiệu lực 26/09/2007
Loại văn bản Hướng dẫn
Cơ quan ban hành Ban Tổ chức Trung ương Đảng
Người ký Hồ Đức Việt
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG
BAN TỔ CHỨC
--------

ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
---------------

Số: 09-HD/BTCTW

Hà Nội, ngày 26 tháng 9 năm 2007

 

HƯỚNG DẪN

THỰC HIỆN QUY ĐỊNH VỀ PHÂN CẤP QUẢN LÝ CÁN BỘ, QUY CHẾ BỔ NHIỆM CÁN BỘ VÀ GIỚI THIỆU CÁN BỘ ỨNG CỬ

Thực hiện Quyết định số 67-QĐ/TW ngày 4-7-2007 ban hành “Quy định về phân cấp quản lý cán bộ” và Quyết định số 68-QĐ/TW ngày 4-7-2007 ban hành “Quy chế bổ nhiệm cán bộ và giới thiệu cán bộ ứng cử” của Bộ Chính trị; theo chức năng, nhiệm vụ được giao, Ban Tổ chức Trung ương hướng dẫn cụ thể một số điểm của Quy định, Quy chế như sau:

PHẦN THỨ NHẤT

MỤC ĐÍCH BAN HÀNH QUY ĐỊNH, QUY CHẾ

Bộ Chính trị ban hành Quy định về phân cấp quản lý cán bộ, Quy chế bổ nhiệm cán bộ và giới thiệu cán bộ ứng cử (thay cho Quy định về phân cấp quản lý cán bộ và Quy chế bổ nhiệm cán bộ được Bộ Chính trị khoá VIII ban hành theo Quyết định số 49-QĐ/TW và quyết định 51-QĐ/TW ngày 3/5/1999) nhằm:

- Cụ thể hoá các quan điểm, nguyên tắc, chủ trương, chính sách của Đảng về xây dựng và quản lý đội ngũ cán bộ theo tinh thần Nghị quyết Đại hội X của Đảng; sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy chế, quy định đã có trước đây cho phù hợp với yêu cầu, tình hình và nhiệm vụ mới.

- Thực hiện mạnh mẽ chủ trương phân cấp quản lý cán bộ đi đôi với tăng cường kiểm tra, giám sát cán bộ và công tác cán bộ.

- Xác định rõ hơn trách nhiệm của các cấp uỷ đảng, của tập thể và cá nhân, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác cán bộ; góp phần khắc phục những biểu hiện tiêu cực, cá nhân, cục bộ, thiếu dân chủ; không công tâm, khách quan; nể nang, tuỳ tiện trong công tác cán bộ.

- Thúc đẩy cái cách hành chính, đổi mới quy định bổ nhiệm cán bộ và giới thiệu cán bộ ứng cử theo hướng mở rộng và phát huỷ dân chủ, thực hiện công khai, minh bạch, giảm bớt thủ tục, thời gian không cần thiết; đáp ứng kịp thời hơn việc kiện toàn đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị; gắn khâu đề bạt, bổ nhiệm cán bộ, giới thiệu cán bộ ứng cử với các khâu đánh giá, quy hoạch, luân chuyển, đào tạo, bố trí, sử dụng cán bộ.

- Góp phần đổi mới và hoàn thiện phương thức lãnh đạo của Đảng thông qua việc đổi mới công tác cán bộ.

PHẦN THỨ HAI

HƯỚNG DẪN MỘT SỐ NỘI DUNG CỤ THỂ CỦA QUY ĐỊNH, QUY CHẾ

A – QUY ĐỊNH VỀ PHÂN CẤP QUẢN LÝ CÁN BỘ

Quy định số 67-QĐ/TW về phân cấp quản lý cán bộ gồm 15 điều, so với quy định trước đây có nhiều điều đã được bổ sung, sửa đổi để làm căn cứ xác định thẩm quyền và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở trong công tác cán bộ. Ban Tổ chức Trung ương hướng dẫn cụ thể thêm một số điểm sau:

I – VỀ NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Nội dung quản lý, nguyên tắc quản lý và thẩm quyền quyết định đối với cán bộ được xác định rõ trong Điều 1, Điều 2 và Điều 3 của Chương I, trong đó có sự phân biệt giữa trách nhiệm quản lý cán bộ với quyền quyết định về cán bộ.

1- Bộ Chính trị, Ban bí thư quản lý, quyết định một số khâu trong việc quản lý cán bộ và các chức danh cán bộ lãnh đạo chủ chốt ở Trung ương, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các lực lượng vũ trang; đồng thời phân công, phân cấp cho cấp uỷ đảng, các ban đảng, ban cán sự đảng, đẳng đoàn trực thuộc Trung ương quản lý, trực tiếp quyết định một số khâu và một số chức danh cán bộ.

2- Mỗi cấp uỷ, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo và người đứng đầu các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm trực tiếp quản lý cán bộ thuộc đối tượng được phân cấp đang công tác, sinh hoạt trong cơ quan, tổ chức mình theo 7 nội dung quản lý cán bộ nêu tại Điều 1; đồng thời chịu trách nhiệm trước cấp uỷ, thủ tướng cấp trên về cán bộ thuộc quyền quản lý của cấp trên công tác tại cơ quan, tổ chức.

Theo tinh thần đó, ban thường vụ các tỉnh uỷ, thành uỷ và đảng uỷ trực thuộc Trung ương; các ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn các cơ quan Trung ương chịu trách nhiệm đối với hoạt động của các đồng chí uỷ viên Trung ương Đảng và các đồng chí khác do Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, công tác tại địa phương, đơn vị.

3- Trong trường hợp một người đồng thời đảm nhiệm 2 chức vụ thuộc thẩm quyền quản lý, quyết định của 2 cấp khác nhau thì giao cho cấp cao hơn quyết định (Ví dụ, một đồng chí uỷ viên ban thương vụ tỉnh uỷ kiêm giữ chức chủ tịch HĐND tỉnh: chức danh uỷ viên ban thường vụ tỉnh uỷ do ban thường vụ tỉnh uỷ quản lý, còn chức danh chủ tịch HĐND tỉnh do Ban Bí thư quản lý; trong trường hợp này, những vấn đề liên quan đến cán bộ đó thì báo cáo Ban Bí thư quyết định).

II- VỀ TRÁCH NHIỆM VÀ QUYỀN HẠN QUẢN LÝ CÁN BỘ

Chương II quy định cụ thể thẩm quyền quản lý cán bộ của Bộ Chính trị, Ban Bí thư; các cấp uỷ đảng trực thuộc Trung ương (các tỉnh uỷ, thành uỷ, Đảng uỷ Quân sự Trung ương, Đảng uỷ Công an Trung ương, các đảng uỷ khối Trung ương); ban cán sự đảng, đảng đoàn, các ban đảng trực thuộc Trung ương (Ban Cán sự đảng Chính Phủ, Đảng đoàn Quốc hội, ban cán sự đảng, đảng đoàn các Bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương, lãnh đạo các ban đảng…) và mối quan hệ giữa các cấp.

1-Đối với các chức danh mới:

Trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy các cơ quan trong hệ thống chính trị có thể sẽ xuất hiện các chức danh mới. Bộ Chính trị sẽ xem xét, quyết định điều chỉnh, bổ sung các chức danh cán bộ do Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý hoặc phân cấp cho cấp uỷ, tổ chức đảng cấp dưới cho phù hợp với cơ cấu tổ chức mới. Đối với các chức danh chưa có trong Quy định 67-QĐ/TW của Bộ Chính trị thì được phân cấp quản lý như các chức danh tương đương trong hệ thống chính trị.

2- Thẩm quyền quyết định các khâu trong công tác cán bộ:

Nói chung, cấp nào ra quyết định bổ nhiệm cán bộ thì bổ nhiệm các khâu khác trong công tác cán bộ (đánh giá, điều động, luân chuyển, miễn nhiệm, bổ nhiệm lại, khen thưởng, kỷ luật, nghỉ hưu, thực hiện chính sách cán bộ…). Tuy nhiên, cấp có thẩm quyền quản lý cán bộ có thể uỷ quyền thực hiện một số khâu, ví dụ cụ thể như:

- Bộ Chính trị, Ban Bí thư uỷ quyền cho đồng chí Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội xem xét ra quyết định bổ nhiệm lại đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý trong phạm vi phụ trách (Điểm 2, Điều 13 của Quy chế 68-QĐ/TW).

[...]
1
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ