Loading


Hướng dẫn 163-HD/BTGTW năm 2024 thực hiện Chỉ thị 36-CT/TW về đại hội các Hội Văn học, nghệ thuật và Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam nhiệm kỳ 2025-2030 do Ban Tuyên giáo Trung ương ban hành

Số hiệu 163-HD/BTGTW
Ngày ban hành 13/08/2024
Ngày có hiệu lực 13/08/2024
Loại văn bản Hướng dẫn
Cơ quan ban hành Ban Tuyên giáo Trung ương
Người ký Đinh Thị Mai
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG
BAN TUYÊN GIÁO
*

ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
---------------

Số 163-HD/BTGTW

Hà Nội, ngày 13 tháng 8 năm 2024

 

HƯỚNG DẪN

THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 36-CT/TW NGÀY 14/6/2024 CỦA BAN BÍ THƯ TRUNG ƯƠNG ĐẢNG VỀ ĐẠI HỘI CÁC HỘI VĂN HỌC, NGHỆ THUẬT VÀ LIÊN HIỆP CÁC HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT VIỆT NAM NHIỆM KỲ 2025 - 2030

Căn cứ Quyết định số 88-QĐ/TW ngày 01/12/2022 của Bộ Chính trị về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của Ban Tuyên giáo Trung ương;

Thực hiện Chỉ thị số 36-CT/TW ngày 14/6/2024 của Ban Bí thư về Đại hội các Hội văn học nghệ thuật và Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam nhiệm kỳ 2025 - 2030 (gọi tắt là Chỉ thị số 36-CT/TW); Quyết định số 118-QĐ/TW ngày 22/8/2023 của Ban Bí thư ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ ở Trung ương và Công văn số 6065-CV/BTCTW ngày 20/12/2023 của Ban Tổ chức Trung ương về công tác cán bộ hội; Ban Tuyên giáo Trung ương hướng dẫn thực hiện Chỉ thị số 36-CT/TW như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

- Tạo sự thống nhất trong chỉ đạo, hướng dẫn chuẩn bị và tổ chức Đại hội các Hội Văn học, nghệ thuật và Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam (sau đây gọi tắt là các hội, liên hiệp hội) nhiệm kỳ 2025 - 2030 thành công theo đúng Chỉ thị số 36-CT/TW với tinh thần đổi mới, thực sự là đợt sinh hoạt chính trị, văn hóa và nghề nghiệp quan trọng của đội ngũ cán bộ, hội viên và đông đảo văn nghệ sĩ cả nước.

- Thông qua đại hội, tuyên truyền, quán triệt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về văn hóa, văn học, nghệ thuật; góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các hội, liên hiệp hội đối với công tác văn hóa nói chung và văn học, nghệ thuật nói riêng; tiếp tục khẳng định vai trò, vị trí quan trọng của văn học, nghệ thuật trong xây dựng nền tảng đạo đức, văn hóa, tinh thần của xã hội; tạo động lực để đội ngũ văn nghệ sĩ nước nhà bằng tài năng, trí tuệ và trách nhiệm công dân đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

- Công tác tổ chức đại hội thực hiện đúng các Quy định của Đảng, Nhà nước, Điều lệ hội; bảo đảm trang trọng, thiết thực, hiệu quả và đúng tiến độ; tạo không khí phấn khởi, cổ vũ, khích lệ văn nghệ sĩ sáng tác, quảng bá các tác phẩm về đất nước, con người Việt Nam, về công cuộc đổi mới, về sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Quá trình chuẩn bị tổ chức đại hội cần phải gắn kết chặt chẽ với tổ chức thực hiện tốt các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động lớn góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

II. NỘI DUNG

1. Công tác phổ biến, quán triệt và tuyên truyền

1.1. Nội dung

- Chỉ thị số 36-CT/TW ngày 14/6/2024 của Ban Bí thư về Đại hội các Hội Văn học nghệ thuật và Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam nhiệm kỳ 2025 - 2030; Quyết định 118-QĐ/TW, ngày 22/8/2023 của Ban Bí thư ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ ở Trung ương; Công văn số 6065-CV/BTCTW ngày 20/12/2023 của Ban Tổ chức Trung ương về công tác cán bộ hội và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương, các tỉnh ủy, thành ủy, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Trung ương, Đảng đoàn các hội và liên hiệp hội. Trong đó, tập trung quán triệt, tuyên truyền, làm rõ mục đích, yêu cầu, nội dung, phương thức tổ chức đại hội; cơ cấu, số lượng, tiêu chuẩn, điều kiện, việc giới thiệu, bầu cử Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Ủy ban toàn quốc, Đoàn Chủ tịch, Thường trực các hội, liên hiệp hội; trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền, các cơ quan, đơn vị liên quan trong lãnh đạo, chỉ đạo, chuẩn bị và tổ chức đại hội.

- Kết quả, thành tích đạt được trong thực hiện Nghị quyết đại hội; bài học kinh nghiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý và hoạt động hội nhiệm kỳ qua; phương hướng, mục đích, nhiệm vụ, giải pháp nhiệm kỳ mới.

- Các nghị quyết, kết luận, chỉ thị... của Đảng về văn hóa, văn học, nghệ thuật, nhất là các nội dung về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam theo tinh thần của Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9/6/2024 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; Kết luận số 76-KL/TW ngày 4/6/2020 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 16/6/2008 của Bộ Chính trị khóa X "Về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới"; Kết luận số 84-KL/TW ngày 21/6/2024 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa X “Về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới".

- Truyền thống vẻ vang của các hội, liên hiệp hội; diễn biến, không khí của đại hội; các hoạt động, phong trào thi đua chào mừng đại hội; các ý kiến của các tầng lớp nhân dân, nhất là của văn nghệ sĩ hướng về đại hội.

- Đấu tranh, phản bác các thông tin, quan điểm sai trái, xuyên tạc, chống phá đại hội.

1.2. Hình thức

- Thông qua hội nghị nội bộ trong Đảng (hội nghị ban Chấp hành, ban Thường vụ, Thường trực cấp ủy, sinh hoạt chi bộ); hội nghị Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Ủy ban toàn quốc, Đoàn Chủ tịch các hội, liên hiệp hội.

- Thông qua sinh hoạt thường kỳ của các hội, liên hiệp hội và các tổ chức chính trị -xã hội, xã hội- nghề nghiệp.

- Trên các phương tiện thông tin đại chúng, trang thông tin điện tử, qua tài liệu, đề cương tuyên truyền, các phương tiện cổ động trực quan (pa nô, áp phích, bảng điện tử,...)

2. Phương thức, nội dung Đại hội

Đại hội các Hội Văn học, nghệ thuật chuyên ngành Trung ương và Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam nhiệm kỳ 2025 - 2030 thực hiện theo phương thức: Đại hội cơ sở và Đại hội toàn quốc.

- Đại hội cơ sở là Đại hội toàn thể hội viên. Đại hội thực hiện các nội dung sau: (1) Tổng kết tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội nhiệm kỳ vừa qua và xác định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của nhiệm kỳ mới (2025 - 2030); (2) Thảo luận, cho ý kiến vào dự thảo các văn kiện trình Đại hội và Đại hội cấp trên; (3) Bầu Ban Chấp hành hội, cơ quan lãnh đạo liên hiệp hội khóa mới; Ban Chấp hành bầu Ban Thường vụ (nếu có) và Ban Kiểm tra; (4) Bầu đại biểu dự Đại hội toàn quốc và các nội dung khác (nếu có).

- Đại hội toàn quốc là Đại hội đại biểu hoặc Đại hội toàn thể (do cấp có thẩm quyền quyết định). Đại hội thực hiện các nội dung sau: (1) Tổng kết việc thực hiện Nghị quyết các hội, liên hiệp hội trong nhiệm kỳ vừa qua và xác định phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp nhiệm kỳ mới (2025 - 2030); (2) Thảo luận thông qua các văn kiện do Ban Chấp hành, Ủy ban toàn quốc trình Đại hội; (3) Sửa đổi, bổ sung Điều lệ hội (nếu có); (4) Bầu Ban Chấp hành hội, hoặc hiệp thương cử Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam khóa mới; Ban Chấp hành, Ủy ban toàn quốc khóa mới bầu Ban Thường vụ, Đoàn chủ tịch, Thường trực hội, Thường trực liên hiệp hội, Ban Kiểm tra; các nội dung khác (nếu có).

3. Chuẩn bị văn kiện Đại hội và tổ chức thảo luận

- Dự thảo văn kiện đại hội gồm các văn bản sau: Báo cáo tổng kết công tác nhiệm kỳ vừa qua và phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp trong nhiệm kỳ mới; Báo cáo sửa đổi, bổ sung Điều lệ (nếu có); Báo cáo kiểm điểm của Ban Chấp hành hội, của cơ quan lãnh đạo liên hiệp hội; Báo cáo của Ban kiểm tra; Báo cáo tài chính nhiệm kỳ vừa qua và các vấn đề khác theo quy định của Điều lệ hội. Tập trung xây dựng, chuẩn bị kỹ lưỡng Báo cáo tổng kết nhiệm kỳ và Báo cáo kiểm điểm của Ban Chấp hành hội, của cơ quan lãnh đạo liên hiệp hội trong đó cần kiểm điểm, đánh giá sâu sắc việc quán triệt, tổ chức thực hiện các chủ trương, đường lối, quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác văn hóa, văn nghệ; tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội, kết quả hoạt động chuyên môn, công tác tổ chức, nêu rõ hạn chế, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý và hoạt động hội nhiệm kỳ qua; đồng thời xây dựng phương hướng, mục tiêu, giải pháp nhiệm kỳ mới; kiến nghị - đề xuất với Đảng, Nhà nước các nhiệm vụ, giải pháp trên lĩnh vực văn hóa, văn nghệ trong thời gian tới.

- Việc xây dựng, đóng góp ý kiến vào văn kiện:

+ Quy trình xây dựng dự thảo văn kiện Đại hội các hội, liên hiệp hội cần nghiêm túc tổ chức lấy ý kiến đóng góp rộng rãi của các hội và chi hội cơ sở, cũng như ý kiến của các cơ quan, đơn vị tổ chức có liên quan bằng hình thức phù hợp.

[...]
1