Loading


Hướng dẫn 24/HD-BTCTW năm 2009 thực hiện thí điểm chủ trương đại hội Đảng bộ cơ sở trực tiếp bầu ban thường vụ, bí thư, phó bí thư của Ban Tổ chức Trung ương

Số hiệu 24/HD-BTCTW
Ngày ban hành 06/03/2009
Ngày có hiệu lực 06/03/2009
Loại văn bản Hướng dẫn
Cơ quan ban hành Ban Tổ chức Trung ương
Người ký Hồ Đức Việt
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

BAN TỔ CHỨC TRUNG ƯƠNG
--------

ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
---------------

Số: 24/HD-BTCTW

Hà Nội, ngày 06 tháng 3 năm 2009

 

HƯỚNG DẪN

VỀ VIỆC THỰC HIỆN THÍ ĐIỂM CHỦ TRƯƠNG ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ CƠ SỞ TRỰC TIẾP BẦU BAN THƯỜNG VỤ, BÍ THƯ, PHÓ BÍ THƯ

Thực hiện Kết luận của Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương khoá X về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chiến lược cán bộ từ nay đến năm 2020, ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị về “Thực hiện thí điểm chủ trương đại hội đảng bộ cơ sở bầu cấp uỷ, ban thường vụ, bí thư, phó bí thư” (Thông báo số 210-TB/TW ngày 22-12-2008 của Bộ Chính trị), Ban Tổ chức Trung ương hướng dẫn việc thực hiện chủ trương này như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

Theo quy định của Điều lệ Đảng, một trong những nhiệm vụ của đại hội đảng bộ cơ sở là bầu cấp uỷ. Việc đại hội đảng bộ cơ sở trực tiếp bầu ban thường vụ, bí thư, phó bí thư chưa được quy định trong Điều lệ Đảng nên cần thực hiện thí điểm. Việc thực hiện chủ trương này là nhằm:

- Rút kinh nghiệm trong việc mở rộng dân chủ trong bầu cử của Đảng, phát huy quyền dân chủ trực tiếp của đảng viên;

- Phát huy trí tuệ, đề cao ý thức trách nhiệm của toàn đảng bộ trong việc xây dựng, nâng cao chất lượng của cấp uỷ, ban thường vụ, bí thư, phó bí thư; góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Đây là vấn đề mới nên các cấp uỷ đảng cần tập trung chỉ đạo, làm tốt công tác tư tưởng; tạo sự thống nhất nhận thức trong cán bộ, đảng viên.

II. NỘI DUNG THỰC HIỆN THÍ ĐIỂM

1. Phạm vi, đối tượng và thời gian thực hiện

- Việc thực hiện thí điểm chủ trương đại hội đảng bộ cơ sở bầu ban thường vụ, bí thư, phó bí thư được tiến hành ở tất cả các đảng bộ trực thuộc Trung ương.

- Mỗi tỉnh, thành uỷ, đảng uỷ trực thuộc Trung ương chọn và chỉ đạo thực hiện thí điểm tại 5% đến 7% số đảng bộ cơ sở của đảng bộ mình. Những đơn vị thực hiện thí điểm phải đại diện cho các loại hình tổ chức cơ sở đảng trong đảng bộ (xã, phường, thị trấn, cơ quan, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp, đơn vị lực lượng vũ trang,...); có đơn vị trong sạch, vững mạnh, đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ và đơn vị hoàn thành nhiệm vụ để có cơ sở tổng kết rút kinh nghiệm chỉ đạo chung.

- Việc thực hiện thí điểm được tiến hành vào Quý 1 năm 2010 trong dịp đại hội đảng các cấp tiến tới Đại hội XI của Đảng. Những đảng bộ cơ sở được chọn thí điểm, nếu đã hết nhiệm kỳ, thì thực hiện ngay trong năm 2009.

2. Nội dung và các bước tiến hành

Để thực hiện tốt chủ trương thí điểm đại hội đảng bộ cơ sở bầu ban thường vụ, bí thư, phó bí thư, các cấp uỷ cấp trên của tổ chức cơ sở đảng cần tăng cường lãnh đạo xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh, củng cố các cơ sở yếu kém; chỉ đạo chặt chẽ, bảo đảm thật sự dân chủ, khách quan; chống các biểu hiện dân chủ hình thức, dân chủ cực đoan, tư tưởng cục bộ. Các cấp ủy cơ sở thực hiện thí điểm cần thực hiện tốt các nội dung sau đây:

2.1. Công tác chuẩn bị nhân sự trước đại hội

- Trên cơ sở nhận xét, đánh giá cán bộ hằng năm, cấp uỷ cơ sở hoàn chỉnh quy hoạch cán bộ, trong đó có quy hoạch cấp uỷ, ban thường vụ, bí thư, phó bí thư cấp uỷ nhiệm kỳ tới.

- Căn cứ quy hoạch và phương hướng công tác nhân sự cấp uỷ nhiệm kỳ tới, đảng uỷ cơ sở chỉ đạo các chi bộ trực thuộc giới thiệu nhân sự tham gia ban chấp hành, ban thường vụ, bí thư, phó bí thư đảng uỷ nhiệm kỳ tới.

- Đảng uỷ tổng hợp kết quả giới thiệu của các chi bộ, tổ chức việc lấy ý kiến của đại diện mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở về nhân sự cấp uỷ, ban thường vụ, bí thư, phó bí thư cho phù hợp với tình hình cụ thể của mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị.

- Tổ chức hội nghị ban chấp hành đảng bộ, nghe kết quả giới thiệu của các chi bộ và ý kiến của đại diện mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội về nhân sự cấp uỷ, ban thường vụ, bí thư, phó bí thư cấp ủy khoá tới. Trong trường hợp mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội có ý kiến khác đối với một số nhân sự được các chi bộ giới thiệu thì cấp uỷ cần xem xét, phân tích và có kết luận cụ thể về các trường hợp đó, tạo sự thống nhất trong cấp uỷ.

- Ban chấp hành đảng bộ thảo luận và bỏ phiếu kín để giới thiệu danh sách bầu cử ban chấp hành, ban thường vụ, bí thư, phó bí thư cấp uỷ khoá mới (chỉ giới thiệu những đồng chí được trên 50% uỷ viên ban chấp hành đảng bộ giới thiệu).

2.2. Trình tự bầu ban thường vụ, bí thư, phó bí thư tại đại hội.

Sau khi bầu cử ban chấp hành, việc bầu ban thường vụ (nếu có), bí thư, phó bí thư tại đại hội tiến hành theo trình tự sau:

2.2.1. Bầu ban thường vụ (nếu có):

- Đoàn chủ tịch đại hội báo cáo phương hướng chuẩn bị nhân sự ban thường vụ cấp uỷ khoá mới (số lượng, cơ cấu, tiêu chuẩn) để đại hội tham khảo.

- Các chi bộ (đại hội đảng viên) hoặc các đoàn đại biểu (đại hội đại biểu) thảo luận về số lượng, tiêu chuẩn, cơ cấu và giới thiệu nhân sự ban thường vụ trong số các uỷ viên ban chấp hành vừa trúng cử.

Đối với những đảng bộ cơ sở có đông đảng viên, hoạt động phân tán, đoàn chủ tịch cần cung cấp đầy đủ thông tin về các nhân sự được giới thiệu tham gia ban thường vụ để đại hội biết, có cơ sở lựa chọn.

- Đại hội thảo luận và quyết định số lượng ban thường vụ; ứng cử, đề cử, thông qua danh sách bầu cử và tiến hành bầu ban thường vụ (danh sách bầu cử ban thường vụ phải có số dư theo quy định). Khi bầu ban thường vụ, nếu bầu lần thứ nhất không đủ số lượng, có tiếp tục bầu nữa hay không do đại hội quyết định.

[...]
14
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ