Loading


Hướng dẫn 41/HD-TLĐ năm 2021 về Công đoàn tham gia đối thoại và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc do Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam ban hành

Số hiệu 41/HD-TLĐ
Ngày ban hành 11/11/2021
Ngày có hiệu lực 11/11/2021
Loại văn bản Hướng dẫn
Cơ quan ban hành Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam
Người ký Nguyễn Đình Khang
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương

TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG
VIỆT NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 41/HD-TLĐ

Hà Nội, ngày 11 tháng 11 năm 2021

 

HƯỚNG DẪN

CÔNG ĐOÀN THAM GIA ĐỐI THOẠI VÀ THỰC HIỆN QUY CHẾ DÂN CHỦ Ở CƠ SỞ TẠI NƠI LÀM VIỆC

Căn cứ Bộ luật Lao động năm 2019, Luật Công đoàn năm 2012, Luật Thanh tra năm 2010, Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động (sau đây gọi tắt là Nghị định 145) và Điều lệ Công đoàn Việt Nam;

Để thực hiện quyền và trách nhiệm của tổ chức công đoàn trong tham gia đối thoại và thực hiện quy chế dân chủ, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (sau đây gọi tắt là Tổng Liên đoàn) hướng dẫn “Công đoàn tham gia đối thoại và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc” trong các doanh nghiệp, tổ chức, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập, hợp tác xã có thuê mướn, sử dụng người lao động làm việc (sau đây gọi tắt là doanh nghiệp) đã thành lập công đoàn cơ sở (sau đây gọi tắt là công đoàn). Nội dung cụ thể như sau:

Phần I

THAM GIA XÂY DỰNG QUY CHẾ DÂN CHỦ Ở CƠ SỞ TẠI NƠI LÀM VIỆC

Căn cứ đặc điểm, tình hình lao động, hoạt động sản xuất kinh doanh, quy mô của doanh nghiệp, công đoàn chủ động đề nghị với người sử dụng lao động (NSDLĐ) xây dựng hoặc sửa đổi, bổ sung Quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc (sau đây gọi tắt là Quy chế). NSDLĐ sử dụng dưới 10 người lao động (NLĐ) thì không phải ban hành Quy chế.

I. NỘI DUNG QUY CHẾ

Công đoàn đề xuất với NSDLĐ bổ sung thêm vào Quy chế những nội dung sau:

1. Nội dung, hình thức NSDLĐ phải công khai

Ngoài quy định tại Điều 43, Nghị định 145, công đoàn đề nghị NSDLĐ công khai thêm các quy định mới của NSDLĐ liên quan đến quyền lợi của NLĐ; kết luận của cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, thực hiện kiến nghị của thanh tra, kiểm tra, kiểm toán liên quan đến quyền lợi của NLĐ (trừ những nội dung liên quan đến bí mật nhà nước)...

2. Nội dung, hình thức NLĐ được tham gia ý kiến

Ngoài quy định tại Điều 44, Nghị định 145, công đoàn đề nghị NSDLĐ bổ sung thêm nội dung NLĐ được tham gia ý kiến như: Nội dung đối thoại định kỳ; cách thức tiến hành và kết quả thương lượng tập thể; nội dung, hình thức công khai...

3. Nội dung, hình thức NLĐ được quyết định

Ngoài quy định tại Điều 45, Nghị định 145, công đoàn đề xuất với NSDLĐ bổ sung thêm quyền được quyết định của NLĐ như: Quyền tham gia các câu lạc bộ, chương trình tình nguyện; mức đóng các loại quỹ xã hội, quỹ từ thiện tại doanh nghiệp; tham quan, nghỉ mát hàng năm; quyền được học tập, nâng cao trình độ, tay nghề;... phù hợp với tình hình thực tế tại doanh nghiệp.

4. Nội dung, hình thức NLĐ được kiểm tra, giám sát

Ngoài quy định tại Điều 46, Nghị định 145, công đoàn đề nghị NSDLĐ bổ sung thêm nội dung NLĐ được kiểm tra, giám sát như: Việc thực hiện chế độ, chính sách đối với NLĐ, nhất là các chính sách hỗ trợ NLĐ của Nhà nước thông qua NSDLĐ, trợ cấp thôi việc, mất việc làm; thực hiện kết quả đối thoại, thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT) mà NSDLĐ tham gia; kết quả thực hiện nghị quyết của hội nghị NLĐ, kết luận của thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, thực hiện kiến nghị của thanh tra, kiểm tra, kiểm toán liên quan đến quyền lợi của NLĐ (nếu pháp luật không cấm)...

5. Đối thoại tại nơi làm việc

Ngoài quy định tại Điều 37, 38, Nghị định 145, công đoàn đề nghị với NSDLĐ bổ sung thêm một số nội dung sau: Trình tự đối thoại, các hình thức đối thoại khác theo khoản 3, Điều 63, Bộ luật Lao động.

6. Hội nghị NLĐ

Trong Quy chế cần nêu rõ một số nội dung ngoài quy định trong Nghị định 145 gồm: Trình tự, thời điểm tổ chức hội nghị (theo quy định tại phần III của Hướng dẫn này và Quy chế mẫu đính kèm); hình thức tổ chức hội nghị (trực tiếp, trực tuyến); quy mô tổ chức hội nghị (toàn thể, đại biểu).

7. Các hình thức dân chủ khác

Ngoài tham gia xây dựng nội dung thực hiện Quy chế quy định tại mục 1, 2, 3, 4, 5, 6 nêu trên, công đoàn đề xuất với NSDLĐ quy định thêm các hình thức dân chủ khác vào Quy chế như: Hình thức dân chủ thông qua hộp thư góp ý, thư ngỏ, hiến kế, diễn đàn, tài liệu, ấn phẩm, bản tin, trao đổi trực tiếp với NLĐ...

II. THỰC HIỆN THỰC HIỆN QUY CHẾ DÂN CHỦ

1. Công đoàn chủ động đề xuất, phối hợp với tổ chức của NLĐ tại doanh nghiệp (nếu có), nhóm đại diện đối thoại của NLĐ (nếu có) và NSDLĐ tổ chức phổ biến, tuyên truyền nội dung Quy chế đến toàn thể NLĐ; kết quả tổ chức thực hiện quyền dân chủ ở cơ sở của NLĐ; kết quả các cuộc đối thoại, hội nghị NLĐ và kết quả thực hiện các hình thức dân chủ khác (nếu có).

2. Rà soát, nghiên cứu các quy chế, nội quy, quy định nội bộ của NSDLĐ, chỉ rõ những quy định không còn phù hợp với quy định của pháp luật; đánh giá kết quả thực hiện Quy chế để kiến nghị, đề xuất với NSDLĐ sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, đồng thời phối hợp với NSDLĐ triển khai thực hiện bảo đảm hiệu quả. Việc tham gia của công đoàn phải thực chất, hài hòa, trên cơ sở nghiên cứu, lấy ý kiến của cán bộ công đoàn và đoàn viên, NLĐ.

3. Tổ chức triển khai, giám sát việc tổ chức thực hiện Quy chế tại đơn vị mình, cấp mình, phản ánh kịp thời những vướng mắc trong quá trình thực hiện để đề xuất, phối hợp với NSDLĐ xem xét, giải quyết.

Phần II

[...]
9