Loading


Kế hoạch 139/KH-BYT năm 2016 bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân giai đoạn 2016-2020 do Bộ Y tế ban hành

Số hiệu 139/KH-BYT
Ngày ban hành 01/03/2016
Ngày có hiệu lực 01/03/2016
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Bộ Y tế
Người ký Nguyễn Thị Kim Tiến
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

BỘ Y TẾ
----------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 139/KH-BYT

Hà Nội, ngày 01 tháng 03 năm 2016

 

KẾ HOẠCH

BẢO VỆ, CHĂM SÓC VÀ NÂNG CAO SỨC KHỎE NHÂN DÂN GIAI ĐOẠN 2016-2020

Phần 1

TÌNH HÌNH THỰC HIỆN KẾ HOẠCH 2011-2015

I. TÌNH HÌNH SỨC KHỎE VÀ ĐÁNH GIÁ CHUNG

1. Tình hình sức khỏe

Trong 5 năm qua, tình trạng sức khỏe của người dân Việt Nam tiếp tục có những cải thiện đáng kể, thể hiện qua các chỉ số sức khỏe cơ bản: Tuổi thọ trung bình từ lúc sinh tiếp tục tăng hàng năm, từ 72,9 tuổi năm 2010 lên 73,3 tuổi năm 2015 (70,7 tuổi ở nam và 76,1 tuổi ở nữ); Tỷ suất tử vong trẻ em dưới 1 tuổi giảm từ 15,5‰ năm 2011 xuống còn 14,7‰ năm 2015; Tỷ suất tử vong trẻ em dưới 5 tuổi giảm từ 23,3‰ năm 2011 xuống còn 22,1‰ năm 2015; Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể nhẹ cân giảm từ 16,8% năm 2011 xuống khoảng 14,1% năm 2015. Tuy nhiên, vẫn có tình trạng chênh lệch cao về các chỉ số sức khỏe cơ bản giữa thành thị và nông thôn, giữa các vùng, miền và các nhóm đối tượng trong những năm gần đây vẫn chưa có cải thiện đáng kể.

Mô hình bệnh tật ở Việt Nam hiện nay đang ở giai đoạn chuyển đổi, với đa gánh nặng của các bệnh lây nhiễm và không lây nhiễm, tai nạn, chấn thương, ngộ độc; một số dịch bệnh mới, bệnh lạ xuất hiện và diễn biến khó lường. Tỷ trọng nhập viện của nhóm các bệnh lây nhiễm giảm mạnh từ 55,5% năm 1976 xuống 19,8% năm 2010, tuy nhiên lại tăng lên 25,3% vào năm 2013. Nhóm các bệnh không lây nhiễm tăng từ 42,6% năm 1976 lên 71,5% năm 2010 và giảm xuống 63,5% năm 2013. Tỷ lệ tử vong do mắc bệnh không lây nhiễm tăng nhanh từ 45,5% năm 2010 lên 69,63% năm 2013, chiếm tỷ lệ cao nhất, sau đó là tai nạn, ngộ độc, chấn thương (18,15%) và các bệnh lây nhiễm (12,23%).

2. Đánh giá chung kết quả thực hiện

Được sự quan tâm chỉ đạo của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, sự phối hợp của các Bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố, ngành y tế đã nỗ lực phấn đấu và đã hoàn thành cơ bản 7 nhiệm vụ trọng tâm của ngành y tế nhiệm kỳ 2011-20161; đạt và vượt hầu hết các chỉ tiêu y tế cơ bản trong Kế hoạch 5 năm và hàng năm. Được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng biểu dương và đánh giá rất cao kết quả đạt được khá toàn diện trên các lĩnh vực công tác của ngành y tế, đã có bước tiến dài quan trọng trong lĩnh vực bảo vệ, CSSK nhân dân, và từ đó đóng góp vào thành tựu chung của đất nước trong những năm qua2.

Một số kết quả nổi bật là: (1) Ngăn chặn kịp thời, không để dịch xâm nhập và không để dịch lớn xẩy ra; (2) Thực hiện có hiệu quả Đề án giảm quá tải nhờ nỗ lực tập trung, huy động các nguồn vốn đầu tư, hoàn thành nhiều cơ sở mới, đẩy mạnh thực hiện đề án bệnh viện vệ tinh, chuyển giao kỹ thuật, luân phiên cán bộ tuyến trên xuống tuyến dưới để nâng cao chất lượng, trình độ tuyến dưới, giảm tỷ lệ chuyển tuyến trên; (3) Đã có 76,52% dân số tham gia BHYT, vượt mục tiêu Đảng và Quốc hội giao; (4) Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ, lây người bệnh làm trung tâm hướng tới sự hài lòng của người bệnh được toàn ngành hưởng ứng và đồng tâm thực hiện, đã có kết quả bước đầu, được nhân dân ủng hộ; (5) Được Tổ chức Y tế Thế giới công nhận đạt tiêu chuẩn cơ quan quản lý quốc gia về vắc xin; (6) Phát triển được một số kỹ thuật cao, kỹ thuật mới, đặc biệt là ghép tạng; (7) Đổi mới toàn diện và đồng bộ hệ thống tổ chức y tế tại tuyến xã, tuyến huyện, tuyến tỉnh để hội nhập và phát triển; (8) Được quốc tế đánh giá cao, là điểm sáng trong thực hiện các Mục tiêu Thiên niên kỷ trong lĩnh vực y tế.

Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều các khó khăn, thách thức trong công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân như: (1) Nhu cầu và đòi hỏi của nhân dân về bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe ngày càng lớn, trong khi ngân sách và nguồn lực dành cho ngành y tế còn có hạn; (2) Mô hình tổ chức hệ thống y tế còn nhiều đầu mối, thiếu thống nhất; (3) Chất lượng dịch vụ y tế và các chỉ số sức khỏe nhân dân giữa các vùng miền còn chênh lệch lớn; (4) Quá tải ở một số bệnh viện TW và thành phố lớn vẫn chưa được giải quyết triệt để; (5) Việc kết hợp giữa phòng bệnh với chữa bệnh và phục hồi chức năng, giữa y học cổ truyền với y học hiện đại còn hạn chế; (6) Tỷ lệ tham gia BHYT chưa cao, ngân sách hạn chế nên tỷ lệ chi tiền túi cho y tế còn ở mức cao, khả năng cân đối và chia sẻ rủi ro của quỹ BHYT còn thấp; việc huy động nguồn lực từ khu vực ngoài nhà nước cho y tế còn hạn chế; (7) Phân bổ nhân lực y tế chưa hợp lý, chưa thực hiện chủ trương đãi ngộ hợp lý đối với viên chức ngành y tế; (8) Công nghiệp dược phẩm chưa phát triển, nguồn dược liệu phong phú trong nước chưa được khai thác hiệu quả; (9) Hệ thống thông tin y tế chưa đáp ứng yêu cầu công tác quản lý.

II. KẾT QUẢ THỰC HIỆN CỦA TỪNG LĨNH VỰC Y TẾ

1. Cung ứng dịch vụ y tế

1.1. Y tế dự phòng

Kết quả đạt được:

Năng lực dự báo, giám sát và phòng chống dịch bệnh được nâng lên; trong 5 năm qua đã ngăn chặn và khống chế được nhiều dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, không có dịch bệnh lớn xảy ra, kiểm soát không để xâm nhập các dịch, bệnh mới nổi (Ebola, MERS-CoV, H7N9,...). Nhiều vắc xin mới được đưa vào chương trình TCMR; duy trì được tỷ lệ TCMR đầy đủ cho trẻ em dưới 1 tuổi, phụ nữ có thai, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ đạt >90%. Đã thanh toán được bại liệt, loại trừ uốn ván sơ sinh và duy trì được đến nay, thanh toán bệnh phong ở cấp tỉnh.

Tình hình mắc và tử vong của các dịch bệnh lưu hành hầu hết đều giảm qua các năm. Tỷ lệ mắc và tử vong do sốt xuất huyết giảm từ 147 và 0,12/100.000 người năm 2010 xuống còn tương ứng là 84 và 0,06/100.000 vào năm 2015. Số mắc sốt xuất huyết năm 2015 cả nước giảm 16,6%, tử vong giảm 36,8% so với trung bình giai đoạn 2006-2010. Đối với bệnh tay chân miệng, tỷ lệ mắc và tử vong/100.000 dân cũng giảm từ 126 và 0,19 năm 2011 xuống còn 58 và 0,006 vào năm 2015 và so với trung bình giai đoạn 2011-2014 số mắc năm 2015 giảm 31,9%, số tử vong giảm 90,0%. Từ năm 2003 đến 2010, cả nước ghi nhận 119 trường hợp mắc cúm A (H5N1) trong đó 59 trường hợp tử vong, tuy nhiên từ năm 2011 đến nay chỉ ghi nhận 8 trường hợp mắc, trong, đó 5 trường hợp tử vong.

Công tác dự phòng và kiểm soát các bệnh không lây nhiễm đã từng bước được triển khai có hiệu quả. Từ năm 2011-2014 thông qua các dự án thuộc CTMTQG đã sàng lọc, phát hiện và quản lý điều trị cho khoảng 600.000 người tăng huyết áp, 236.000 người tiền đái tháo đường và đái tháo đường, khoảng 10.000 bệnh nhân mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản; có trên 10% số xã thực hiện quản lý tăng huyết áp. Năm 2012, Bộ Y tế và Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ký Chương trình và Kế hoạch phối hợp về bảo vệ, giáo dục và CSSK trẻ em, học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2012-2020.

Tăng cường quản lý môi trường y tế, việc xử lý chất thải y tế đã có những tiến bộ, có khoảng 54,4% các bệnh viện có hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn, tăng 12% so với năm 2010. về xử lý chất thải rắn y tế, hiện có trên 95% bệnh viện thực hiện phân loại, thu gom chất thải rắn y tế nguy hại hằng ngày, trong đó 29,4% bệnh viện sử dụng lò đốt hai buồng hoặc công nghệ vi sóng/ nhiệt ướt khử khuẩn chất thải rắn y tế nguy hại, còn lại xử lý bằng lò đốt một buồng, thiêu đốt thủ công, tự chôn lấp hoặc thông qua hợp đồng dịch vụ xử lý. Tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra, giám sát chất lượng nước dùng cho ăn uống, sinh hoạt. Đẩy mạnh công tác quản lý sức khỏe môi trường lao động; đánh giá tác động môi trường và quản lý hóa chất, chế phẩm diệt khuẩn, diệt côn trùng dùng trong gia dụng và y tế. Việt Nam đã đạt Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ về tiếp cận nước sạch và nhà tiêu hợp vệ sinh, năm 2014 có 92,0% hộ gia đình được sử dụng nước sạch và 79,2% hộ gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh.

Tính đến tháng 12/2015, có 227.154 người nhiễm HIV còn sống, 83.538 người trong giai đoạn AIDS và 86.249 người nhiễm HIV tử vong. Tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng được duy trì dưới 0,3% dân số, trong đó đạt cả 3 tiêu chí: giảm số nhiễm mới, số chuyển sang AIDS và số tử vong vì AIDS. Giảm số trường hợp nhiễm mới HIV từ 17.800 năm 2010 xuống 10.000 ca năm 2015, tử vong giảm từ 3.300 ca năm 2010 xuống khoảng 2.000 ca năm 2015, số bệnh nhân AIDS từ 8.900 ca năm 2010 xuống còn khoảng 6.500 ca năm 2015. Tỷ lệ người nhiễm HIV được điều trị ARV tăng từ 57,7% năm 2011 lên 67,6% năm 2015. Số người nghiện ma túy được điều trị Methadone tăng từ 12.253 người năm 2011 lên 35.200 người năm 2015.

Cả nước đã tiến hành thanh, kiểm tra trên 2,6 triệu lượt cơ sở thực phẩm, số cơ sở vi phạm chiếm khoảng 20%, số tiền phạt khoảng 99,6 tỷ đồng, ngoài ra còn công khai tên, địa chỉ các cơ sở vi phạm để người dân được biết. Hệ thống tổ chức quản lý ATTP đã được hình thành từ trung ương đến địa phương, hệ thống kiểm nghiệm ATTP với 01 Viện Kiểm nghiệm ATVSTP quốc gia, 3 trung tâm kiểm nghiệm khu vực, 14 cơ quan kiểm tra nhà nước về thực phẩm nhập khẩu và phòng kiểm nghiệm thuộc 63 TTYT dự phòng các tỉnh, TP, bước đầu đáp ứng nhu cầu kiểm nghiệm ATTP. Công tác tuyên truyền, giáo dục về ATTP trên các phương tiện thông tin đại chúng được đẩy mạnh. Lần đầu tiên lĩnh vực ATTP có Nghị định xử phạt vi phạm hành chính riêng với mức phạt đã tăng lên rất nhiều.

Khó khăn, hạn chế:

Một số bệnh truyền nhiễm lưu hành như sốt xuất huyết, tay chân miệng mặc dù tỷ lệ mắc có giảm qua các năm nhưng vẫn còn ở mức cao; các bệnh dịch có vắc xin phòng bệnh vẫn có nguy cơ bùng phát trở lại như sởi, bạch hầu, ho gà, viêm gan B. Việc tăng cường giao lưu và hội nhập quốc tế cũng làm tăng nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh, nhất là các dịch bệnh mới nổi.

Tỷ lệ mắc HIV vẫn cao ở các tỉnh miền núi phía Bắc và các tỉnh, thành phố lớn; việc triển khai các hoạt động can thiệp ở các vùng sâu, vùng xa gặp nhiều khó khăn. Tuân thủ điều trị DOTS của bệnh nhân lao đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa còn hạn chế; tình trạng ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc có nguy cơ lan rộng. Bệnh dại vẫn là một trong những bệnh truyền nhiễm gây tử vong hàng đầu.

Độ nhạy của hệ thống giám sát và đáp ứng dịch chưa cao, việc thông báo ca bệnh từ các bệnh viện và các cơ sở y tế tư nhân chưa tích cực.

Tỷ lệ phát hiện, điều trị, quản lý các bệnh không lây nhiễm tại cộng đồng còn thấp; hệ thống cung ứng các dịch vụ y tế chưa đáp ứng yêu cầu; các dự án triển khai theo chiều dọc, nhiều đầu mối, thiếu sự lồng ghép, chưa tiếp cận toàn diện và thiếu các dịch vụ chăm sóc lâu dài, liên tục.

Tỷ lệ bao phủ nhà tiêu hợp vệ sinh vẫn có sự chênh lệch lớn giữa các vùng miền, còn 18 tỉnh có tỷ lệ bao phủ nhà tiêu hợp vệ sinh dưới 50%, trên 10% số hộ gia đình nông thôn không có nhà tiêu. Năng lực quản lý chất thải, quan trắc môi trường và kiểm soát ô nhiễm của các cơ sở y tế còn hạn chế; hệ thống giám sát môi trường y tế chưa được kiện toàn.

[...]
3
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ