Loading


Kế hoạch 18/KH-UBND năm 2017 thực hiện Nghị quyết 12-NQ/BCSĐ về tăng cường công tác quản lý nhà nước về du lịch và quản lý quy hoạch, khai thác có hiệu quả để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn do tỉnh Ninh Bình ban hành

Số hiệu 18/KH-UBND
Ngày ban hành 08/03/2017
Ngày có hiệu lực 08/03/2017
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Ninh Bình
Người ký Đinh Chung Phụng
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH BÌNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 18/KH-UBND

Ninh Bình, ngày 08 tháng 03 năm 2017

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 12-NQ/BCSĐ NGÀY 15/02/2017 CỦA BAN CÁN SỰ ĐẢNG UBND TỈNH NINH BÌNH VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ DU LỊCH VÀ QUẢN LÝ QUY HOẠCH, KHAI THÁC CÓ HIỆU QUẢ ĐỂ PHÁT TRIỂN DU LỊCH TRỞ THÀNH NGÀNH KINH TẾ MŨI NHỌN

Thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/BCSĐ ngày 15/02/2017 của Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Ninh Bình về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước về du lịch và quản lý quy hoạch, khai thác có hiệu quả để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn (gọi tắt là Nghị quyết số 12-NQ/BCSĐ); UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/BCSĐ như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, đồng bộ và hiệu quả những nội dung của Nghị quyết số 12-NQ/BCSĐ ngày 15/02/2017 của Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh.

- Huy động các nguồn lực, tập trung đầu tư, khai thác có hiệu quả tài nguyên du lịch của tỉnh. Xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch đồng bộ, chất lượng cao; mở rộng và nâng cao chất lượng các loại hình dịch vụ du lịch; từng bước chuẩn hóa nguồn nhân lực du lịch.

- Tăng cường công tác quản lý nhà nước về du lịch, quản lý quy hoạch; bảo vệ tài nguyên, môi trường; đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm; đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến du lịch; ứng xử văn minh tại các khu, điểm du lịch, các đơn vị kinh doanh du lịch. Xây dựng Ninh Bình trở thành trung tâm du lịch quan trọng của miền Bắc và đến năm 2020 cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.

2. Yêu cầu

- Triển khai đồng bộ, kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ được giao gắn với thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; Nghị quyết số 92/NQ-CP ngày 08/12/2014 của Chính phủ về một số giải pháp đẩy mạnh phát triển du lịch Việt Nam trong thời kỳ mới; Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 02/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, tập trung khắc phục yếu kém, thúc đẩy phát triển du lịch; Nghị quyết số 15-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Ninh Bình về phát triển du lịch đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 17/8/2016 của Tỉnh ủy Ninh Bình về bảo tồn, phát huy giá trị Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An trong phát triển du lịch giai đoạn 2016 - 2020.

- Phát triển du lịch phải gắn với Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, bảo đảm an ninh, quốc phòng và giải quyết hài hòa mối quan hệ lợi ích giữa người dân địa phương với doanh nghiệp kinh doanh du lịch và nhà nước.

II. NỘI DUNG KẾ HOẠCH

1. Xây dựng quy hoạch và quản lý quy hoạch

- Hoàn thiện quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Ninh Bình đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

- Xây dựng các quy hoạch chi tiết cho một số khu du lịch: Khu trung tâm Thành phố Ninh Bình, vườn quốc gia Cúc Phương - Kỳ Phú - Hồ Đồng Chương, khu du lịch sinh thái Vân Long; quy hoạch hệ thống xử lý rác thải, nước thải tại các khu, điểm du lịch; quy hoạch các vùng chuyên sản xuất rau, quả và thực phẩm sạch phục vụ du lịch; quy hoạch hệ thống giao thông đường thủy phục vụ phát triển du lịch.

- Tổ chức công bố công khai các quy hoạch và quản lý chặt chẽ các quy hoạch, tăng cường công tác phối hợp của các sở, ban, ngành, địa phương trong quản lý quy hoạch. Tổ chức cắm mốc giới các khu vực bảo vệ Di sản trên thực địa của Quần thể Danh thắng Tràng An theo Quyết định số 230/QĐ-TTg ngày 04/2/2016 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Quần thể Danh thắng Tràng An tỉnh Ninh Bình. Thực hiện Kế hoạch quản lý, bảo tồn phát huy giá trị Di sản theo khuyến nghị của UNESCO.

2. Huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng, xây dựng các sản phẩm du lịch

- Tập trung vốn ngân sách nhà nước đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng các khu, điểm du lịch có ảnh hưởng lớn đến phát triển du lịch: Quần thể Danh thắng Tràng An, Quảng trường Đinh Tiên Hoàng đế, khu Công viên động vật hoang giã Quốc gia, nạo vét sông Sào Khê...; lồng ghép các nguồn vốn ngân sách nhà nước để gắn với đầu tư cho du lịch.

- Huy động tối đa các nguồn vốn, khuyến khích và tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế tham gia phát triển du lịch. Khuyến khích, kêu gọi các nhà đầu tư chiến lược đầu tư các dự án dịch vụ du lịch quy mô lớn, các trung tâm mua sắm, giải trí chất lượng cao tại các khu du lịch trọng điểm. Tập trung hoàn thành một số công trình, dự án mới, có sức ảnh hưởng, thu hút tập trung khách du lịch, như: Công trình Tuyệt Tịnh Cốc, Công trình Đàn Tế Trời..

- Khuyến khích các dự án đầu tư xây dựng khách sạn từ 3-5 sao (đặc biệt là khách sạn nghỉ dưỡng), hệ thống nhà hàng đạt chuẩn, nhà hàng cao cấp phục vụ khách du lịch.

- Nâng cao chất lượng tour, tuyến du lịch, xây dựng các tuyến du lịch mới có tính liên vùng.

- Khuyến khích, tạo điều kiện để các doanh nghiệp đầu tư sản xuất các mặt hàng lưu niệm (nghề đá mỹ nghệ, thêu ren, cói, gốm sứ, mây tre đan, tranh ảnh, nghệ thuật...) phục vụ du khách.

- Đa dạng hóa sản phẩm du lịch nhằm phục vụ nhu cầu của các khách du lịch, như: Du lịch giáo dục, du lịch thể thao, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng, du lịch trên sông, du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm, du lịch dưỡng bệnh, du lịch nông nghiệp.

3. Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về du lịch

- Tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước về đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, văn minh du lịch tại các khu, điểm du lịch.

- Tăng cường phối hợp giữa các cấp, các ngành và các doanh nghiệp du lịch trong công tác bảo tồn, khôi phục, phát huy giá trị di sản gắn với phát triển du lịch.

- Tăng cường kiểm tra, kiểm soát ô nhiễm môi trường và vệ sinh môi trường, đặc biệt tại các điểm nhạy cảm gần các khu, điểm du lịch và các tuyến giao thông. Xây dựng hệ thống nhà vệ sinh đạt chuẩn, làm tốt công tác xử lý nước thải, rác thải trên mặt đất, mặt nước tại các khu, điểm du lịch.

- Đổi mới hoạt động của Hiệp hội Du lịch đảm bảo hiệu quả, thiết thực để chia sẻ kinh nghiệm, thông tin, phục vụ khách du lịch ngày càng tốt hơn.

[...]
3