Loading


Kế hoạch 331/KH-BYT thực hiện công tác phòng, chống tội phạm và phòng, chống mua bán người năm 2024 do Bộ Y tế ban hành

Số hiệu 331/KH-BYT
Ngày ban hành 20/03/2024
Ngày có hiệu lực 20/03/2024
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Bộ Y tế
Người ký Đỗ Xuân Tuyên
Lĩnh vực Trách nhiệm hình sự

BỘ Y TẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 331/KH-BYT

Hà Nội, ngày 20 tháng 3 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG TỘI PHẠM VÀ PHÒNG, CHỐNG MUA BÁN NGƯỜI NĂM 2024

Thực hiện Thông báo số 38/TB-VPCP ngày 02/02/2024 của Văn phòng Chính phủ thông báo Kết luận của Phó thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Trưởng Ban Chỉ đạo 138/CP và Ban Chỉ đạo 389 quốc gia tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2023, phương hướng, nhiệm vụ năm 2024 của Ban Chỉ đạo 138/CP và Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia. Căn cứ chức năng nhiệm vụ được giao, phạm vi, lĩnh vực được phân công; Bộ Y tế xây dựng Kế hoạch thực hiện công tác phòng, chống tội phạm (PCTP) và phòng, chống mua bán người (PCMBN) năm 2024, cụ thể như sau:

1. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Tiếp tục tổ chức thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Quốc hội, chiến lược, chương trình của Chính phủ, Kế hoạch của Ban Chỉ đạo 138/CP chỉ đạo công tác PCTP và PCMBN trong các cơ sở y tế để phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn ngành Y tế tích cực tham gia phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm, góp phần đảm bảo an ninh trật tự tại các cơ sở y tế, phục vụ nhiệm vụ chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.

2. Phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, thủ trưởng các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ Y tế, Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các cơ sở y tế trực thuộc Bộ, ngành, Trường đại học và bệnh viện thuộc hệ thống y tế ngoài công lập (sau đây gọi tắt là các cơ sở y tế) và toàn thể người lao động ngành Y tế trong công tác PCTP, PCMBN trong các cơ sở y tế; coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, gắn với việc thực hiện chuyên môn y tế.

3. Tập trung lực lượng, triển khai đồng bộ các biện pháp nhằm chủ động phòng ngừa với tích cực phát hiện, đấu tranh, xử lý nghiêm minh, kịp thời, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, ngăn chặn không để tội phạm hoạt động lộng hành, giảm tội phạm so với năm 2023; bảo vệ tối đa tính mạng, sức khỏe cho nhân , viên y tế và người bệnh, người thân người bệnh. Chủ động phòng ngừa, phát hiện, xử lý nghiêm minh những hành vi tham nhũng, tiêu cực và bao che, tiếp tay cho tội phạm và vi phạm pháp luật.

4. Nâng cao ý thức trách nhiệm, năng lực của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, học viên, sinh viên thuộc thẩm quyền quản lý của ngành Y tế và toàn xã hội nhằm chủ động phòng ngừa, ứng phó với các loại tội phạm. Tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động về PCTP, PCMBN, góp phần làm giảm các nguy cơ, đẩy lùi tội phạm và hỗ trợ có hiệu quả nạn nhân bị mua bán trở về hòa nhập cộng đồng.

5. Bảo đảm 100% tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố liên quan đến các loại tội phạm trong các cơ sở y tế được tiếp nhận, phân loại để chuyển đến cơ quan chức năng xử lý, phối hợp xử lý.

6. Quá trình thực hiện phải tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện một cách quyết liệt, thiết thực, phải đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ với việc thực hiện Chiến lược quốc gia PCTP, PCMBN giai đoạn 2016 - 2025, định hướng đến năm 2030 để tạo thế đồng bộ, hiệu quả, triệt để trong đấu tranh PCTP, PCMBN, phù hợp với tình hình thực tiễn tại các cơ sở y tế.

II. NỘI DUNG

1. Tổ chức triển khai thực hiện các nội dung của Quyết định số 623/QĐ-TTg ngày 14/04/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia phòng, chống, tội phạm giai đoạn 2016 - 2025 và định hướng đến năm 2030; Quyết định số 193/QĐ-TTg ngày 09/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021 -2025 và định hướng đến năm 2030 gắn với việc triển khai thực hiện Quyết định số 1944/QĐ- TTg ngày 18/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình thực hiện Kết luận số 13-KL/TW về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 48-CT/TW ngày 22/10/2010 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới và Chiến lược quốc gia phòng, chống tội phạm giai đoạn 2016-2025, định hướng đến năm 2030, chú trọng các phương án, kế hoạch, giải pháp bảo đảm an ninh, trật tự, phòng, chống tội phạm; Kế hoạch thực hiện công tác PCTP, PCMBN năm 2024 của Ban Chỉ đạo 138/CP; Điều 114 Luật Khám bệnh, chữa bệnh gắn với việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về công tác PCTP, PCMBN.

2. Tiếp tục chỉ đạo các cơ sở y tế, người lao động trong ngành Y tế phối hợp với Chính quyền, Công an địa phương để thực hiện tốt công tác phòng ngừa, phát hiện tội phạm, hành vi vi phạm pháp luật để bảo vệ an ninh trật tự tại từng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Quy chế phối hợp số 03/QCPH-BCA-BYT ngày 26/9/2013 giữa Bộ Y tế và Bộ Công an về công tác bảo đảm an ninh trật trong lĩnh vực y tế và Quy chế phối hợp số 36/KCB-CSQLHC ngày 28/01/2019 giữa Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế và Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an.

3. Tổ chức các hoạt động tuyên truyền tại cơ quan Bộ và các cơ sở y tế; theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo 138/CP Trung ương tiến hành sơ kết, tổng kết việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác PCTP, PCMBN; tham gia góp ý xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành luật, nhất là liên quan đến công tác tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và trợ giúp pháp lý cho nạn nhân bị mua bán, đảm bảo áp dụng pháp luật thống nhất trong hoạt động điều tra, truy tố và xét xử các vụ án về trộm cắp, lừa đảo, mua bán người; tham gia góp ý xây dựng án lệ. Rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định của pháp luật về cho, hiến máu, bộ phận cơ thể người, mang thai hộ... tạo hành lang pháp lý đầy đủ, thống nhất, đồng bộ cho công tác phòng ngừa và đấu tranh phòng, chống tội phạm mua, bán người và trợ giúp cho các nạn nhân bị mua bán trở về hoà nhập cộng đồng.

4. Tiếp tục triển khai các kế hoạch công tác thanh tra, kiểm tra trong Kế hoạch công tác thanh tra năm 2024; đồng thời lồng ghép kiểm tra công tác PCTP, PCMBN trong các đoàn thanh tra, kiểm tra và đề xuất các giải pháp khắc phục những tồn tại, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.

5. Phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan tăng cường công tác kiểm soát thực phẩm giả, hàng nhái, hàng xách tay, thương mại, điện tử, hàng lậu, trên thị trường; xử lý cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh hàng giả, tội phạm về an toàn thực phẩm. Tiếp tục thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả của Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia năm 2024;

6. Tăng cường quan hệ hợp tác quốc tế, tham gia các hội thảo về công tác PCTP, PCMBN, tội phạm ma túy và học tập các mô hình cai nghiện có hiệu quả của các nước trên thế giới để áp dụng phù hợp với điều kiện của Việt Nam.

III. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực y tế, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn thể người lao động ngành Y tế trong công tác PCTP, PCMBN, Xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu, cấp ủy, chính quyền, cơ quan chuyên trách trong công tác PCTP, PCMBN. Thực hiện nghiêm quy định của Đảng về trách nhiệm “nêu gương”, đề cao đạo đức công vụ, trách nhiệm xã hội, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong chỉ đạo và thực thi công tác bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội tại đơn vị và địa bàn. Xác định công tác PCTP, PCMBN là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách thường xuyên và lâu dài; phải thực hiện mọi nơi, mọi lúc, mọi địa bàn, lĩnh vực, có trọng tâm, trọng điểm; lấy “chủ động phòng ngừa” từ sớm, từ xa, từ cơ sở là chính, lấy cơ sở là trọng tâm tập trung các biện pháp PCTP, PCMBN. Kết hợp chặt chẽ giữa chủ động phòng ngừa với tích cực phát hiện, đấu tranh, xử lý nghiêm minh, kịp thời, không có vùng cấm, không có ngoại lệ với những hành vi phạm tội.

2. Tập trung nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa tội phạm; củng cố, giữ vững phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”; phát hiện và giải quyết các xung đột xã hội, hòa giải các mâu thuẫn trong nội bộ người lao động ngành Y tế, làm tốt công tác quản lý những đối tượng có nguy cơ phạm tội, vi phạm pháp luật ngay tại đơn vị. Phát huy vai trò của các cơ quan thông tin đại chúng, tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, phản ánh khách quan, toàn diện công tác PCTP, PCMBN.

3. Giám sát và thực hiện các kiến nghị, khiếu nại của nhân viên y tế, người bệnh, người thân người bệnh ở cơ sở y tế, góp phần phòng ngừa và giảm thiểu các yếu tố phát sinh tội phạm.

4. Thực hiện tốt công tác nắm bắt, phân tích, đánh giá, dự báo tình hình, kịp thời có giải pháp phù hợp, đáp ứng yêu cầu trước mắt và lâu dài, bảo đảm an ninh, trật tự phù hợp với thực tiễn công tác phòng, chống tội phạm trong đơn vị.

5. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính. Thực hiện các quy định của pháp luật trong tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố; có biện pháp hiệu quả bảo vệ người phát hiện, tố cáo hành vi phạm tội, nhất là tố cáo hành vi tham nhũng.

6. Triển khai đồng bộ các kế hoạch, biện pháp bảo đảm trật tự an toàn xã hội, phòng chống cháy nổ, tăng cường tăng cường mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế trong đấu tranh PCTP, PCMBN và quản lý cơ sở y tế có yếu tố nước ngoài...

7. Tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ trong công tác phòng, chống tội phạm. Đầu tư kinh phí, trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật, nâng cao năng lực đáp ứng yêu cầu, thực tiễn công tác đấu tranh PCTP, PCMBN trong tình hình mới.

8. Thực hiện nghiêm túc các quy định của Đảng về xử lý tổ chức đảng, đảng viên vi phạm. Làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện, dấu hiệu tội phạm trong lĩnh vực y tế, đồng thời có biện pháp đấu tranh, ngăn chặn cán bộ, đảng viên, người lao động trong ngành Y tế có dấu hiệu vi phạm. Kiên trì, kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng tiêu cực với quyết tâm chính trị cao, hành động mạnh mẽ, quyết liệt và hiệu quả. Chủ động phòng ngừa, phát hiện, xử lý nghiêm những hành vi tham nhũng, tiêu cực, bao che, dung túng, tiếp tay cho tội phạm và vi phạm pháp luật, không để xảy ra tình trạng bao che cho tội phạm.

9. Phát động phong trào công chức, viên chức, người lao động nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, thực hiện “phong trào quần chúng tham gia phòng, chống tội phạm” trong đơn vị và trong cộng đồng dân cư; tham gia phát hiện, tố giác kịp thời các loại tội phạm, cảm hóa, giáo dục người phạm tội tại cộng đồng dân cư, tham gia vận động người phạm tội ra đầu thú và truy bắt bọn tội phạm có lệnh truy nã; tổ chức phổ biến, quán triệt Luật công chức, Luật Viên chức, Luật phòng, chống tham nhũng, Luật xử lý vi phạm hành chính và các văn bản có liên quan đến công tác phòng, chống tội phạm; phòng, chống ma túy; phòng; chống mua bán người cho công chức, viên chức, người lao động biết và thực hiện, góp phần hạn chế tình trạng vi phạm pháp luật xảy ra trong công chức, viên chức, ngăn chặn kịp thời các trường hợp vi phạm có khả năng dẫn tới tội phạm.

10. Chỉ đạo, giáo dục công chức, viên chức, người lao động làm tốt công tác dân vận, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào theo đạo nhằm chỉ rõ những mưu đồ đen tối của các loại tội phạm, không để đồng bào bị kích động, nghe theo các luận điệu tuyên truyền, xuyên tạc, phản nước, hại dân và các hoạt động kích động gây ảnh hưởng xấu đến tình hình chính trị và trật tự an toàn xã hội của các thế lực thù địch.

[...]
4