Loading


Kết luận 19-KL/TW năm 2012 về tổng kết thực hiện Chỉ thị 56-CT/TW ngày 18/8/2000 của Bộ Chính trị (khóa VIII) về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác của Hội luật gia Việt Nam

Số hiệu 19-KL/TW
Ngày ban hành 23/05/2012
Ngày có hiệu lực 23/05/2012
Loại văn bản Văn bản khác
Cơ quan ban hành Ban Bí thư
Người ký Lê Hồng Anh
Lĩnh vực Dịch vụ pháp lý,Bộ máy hành chính

BAN BÍ THƯ
--------

ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
---------------

Số: 19-KL/TW

Hà Nội, ngày 23 tháng 5 năm 2012

 

KẾT LUẬN

VỀ TỔNG KẾT THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 56-CT/TW, NGÀY 18/8/2000 CỦA BỘ CHÍNH TRỊ (KHOÁ VIII) VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG SỰ LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG ĐỐI VỚI CÔNG TÁC CỦA HỘI LUẬT GIA VIỆT NAM

Sau khi nghe Đảng đoàn Hội Luật gia Việt Nam báo cáo kết quả thực hiện Chỉ thị số 56-CT/TW, ngày 18-8-2000 của Bộ Chính trị (khoá VIII) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác của Hội Luật gia Việt Nam (Báo cáo số 84-BC/ĐĐHLGVN, ngày 10-10-2011), ý kiến của các đại biểu tham dự Hội nghị toàn quốc tổng kết thực hiện Chỉ thị này (tổ chức ngày 11-4-2012), Ban Bí thư kết luận như sau :

I- Một số kết quả chủ yếu trong quá trình thực hiện Chỉ thị số 56-CT/TW

Từ khi có Chỉ thị số 56-CT/TW, ngày 18-8-2000 của Bộ Chính trị, nhận thức của các cấp uỷ, tổ chức đảng về vị trí, vai trò của Hội Luật gia Việt Nam đã được nâng lên rõ rệt và quan tâm hơn trong việc lãnh đạo, chỉ đạo đối với các cấp Hội, tạo điều kiện cho các cấp Hội củng cố, phát triển và triển khai thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao. Hội đã có bước phát triển quan trọng cả về tổ chức, bộ máy và số lượng hội viên; không ngừng đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, bám sát và phục vụ kịp thời việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của các bộ, ngành, địa phương. Các cấp Hội và hội viên đã tham gia tích cực đối với công tác xây dựng pháp luật, cải cách tư pháp, phổ biến, giáo dục pháp luật, tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, tư vấn việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, hoà giải ở cơ sở, tuyển chọn thẩm phán, kiểm sát viên và hợp tác quốc tế...; qua đó, đã đóng góp thiết thực vào việc giải quyết nhiều vấn đề xã hội đang đặt ra…

Tuy nhiên, việc thực hiện Chỉ thị 56-CT/TW còn một số hạn chế, thiếu sót. Một số cấp uỷ, tổ chức đảng, nhất là cấp huyện và cấp cơ sở chưa thực sự thấy rõ vị trí, vai trò của Hội, nên thiếu sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện cho việc phát triển, củng cố và định hướng hoạt động của Hội. Số lượng tổ chức thành viên của Hội và hội viên phát triển chưa tương xứng với số lượng những người đã và đang làm công tác pháp luật. Một số cấp Hội ở địa phương còn lúng túng về nội dung và phương thức hoạt động, hoạt động còn mang tính hành chính, hình thức, chất lượng, hiệu quả thấp. Ở một số nơi, việc tham gia của Hội vào công tác tuyển chọn thẩm phán, kiểm sát viên còn ít tác dụng… Những hạn chế, thiếu sót này đã ảnh hưởng không tốt đến kết quả công tác của Hội, cần phải được khắc phục kịp thời.

II- Nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới

Hội Luật gia Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp - đặc thù của những người đã và đang làm công tác pháp luật. Trong những năm qua, Chỉ thị số 56-CT/TW đã đi vào cuộc sống, làm cơ sở định hướng cho tổ chức, hoạt động và có tác dụng to lớn đối với sự phát triển của Hội Luật gia Việt Nam. Những chủ trương, nhiệm vụ được nêu trong Chỉ thị đã được thực tế khẳng định tính đúng đắn, tầm quan trọng và cho đến nay vẫn còn phù hợp. Do đó, trong thời gian tới, để tiếp tục thực hiện Chỉ thị 56-CT/TW, công tác của Hội Luật gia Việt Nam đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của Đảng, Nhà nước đối với hoạt động của Hội Luật gia trong giai đoạn mới, các cấp uỷ và tổ chức đảng cần thực hiện tốt những nhiệm vụ, giải pháp sau đây:

1- Cấp uỷ, tổ chức đảng của các bộ, ngành, địa phương tiếp tục quán triệt sâu sắc và thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 56-CT/TW; thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra thực hiện những công việc mà Bộ Chính trị đã đề ra trong Chỉ thị; tiếp tục củng cố, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, trách nhiệm của Hội và tầm quan trọng của việc tăng cường sự lãnh đạo của cấp uỷ, tổ chức đảng đối với tổ chức và hoạt động của Hội; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo đối với Hội, định kỳ nghe báo cáo, chỉ đạo, định hướng, giao nhiệm vụ cho các cấp Hội.

Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác củng cố và phát triển tổ chức Hội, phấn đấu đến năm 2015, tất cả các cơ quan, tổ chức ở Trung ương và các quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh có đủ điều kiện đều có hội luật gia. Khuyến khích thành lập tổ chức Hội ở cấp xã, phường, thị trấn; lựa chọn những người có đủ năng lực, tâm huyết và trách nhiệm làm cán bộ chủ chốt của các cấp Hội; thành lập tổ chức đảng ở các tổ chức Hội khi có đủ điều kiện theo quy định của Đảng.

2- Đảng đoàn Hội Luật gia Việt Nam lãnh đạo, chỉ đạo các cấp Hội đổi mới mạnh mẽ hơn nữa nội dung, phương thức hoạt động nhằm bảo đảm đúng tôn chỉ, mục đích của Hội, hướng về cơ sở, tập trung cho cơ sở, thiết thực, nâng cao hiệu quả. Trong đó, cần chú ý :

a) Xây dựng và thực hiện các đề án về xã hội hoá công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý của Hội. Tích cực tham gia các hoạt động : cải cách tư pháp, cải cách hành chính, phòng, chống vi phạm, tội phạm, nhất là phòng, chống tham nhũng, xây dựng chính sách, pháp luật theo yêu cầu của Nhà nước. Tích cực tham gia tư vấn pháp luật, hoà giải ở cơ sở, giải quyết các tranh chấp pháp lý ngoài cơ chế nhà nước. Chủ động cùng các cơ quan tư pháp tham gia công tác đào tạo, bồi dưỡng, tuyển chọn một số chức danh tư pháp và hội thẩm nhân dân... góp phần từng bước hoàn thiện tổ chức, hoạt động của các cơ quan tư pháp.

b) Phát huy hơn nữa vai trò của Hội trong việc thực hiện đường lối đối ngoại nhân dân, tiếp tục mở rộng quan hệ hợp tác của Hội với các tổ chức và cá nhân luật gia tiến bộ trong khu vực và trên thế giới; tích cực tham gia vào các hoạt động quốc tế, tuyên truyền, giới thiệu đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước ra nước ngoài; phục vụ công cuộc phát triển kinh tế, xây dựng đất nước; bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.

c) Tăng cường sự phối hợp với cấp uỷ, tổ chức đảng các cấp trong lãnh đạo công tác của các cấp Hội. Nghiên cứu xây dựng cơ chế phối hợp giữa Đảng đoàn Hội Luật gia Việt Nam với cấp uỷ, tổ chức đảng của các bộ, ngành và địa phương lãnh đạo, chỉ đạo các cấp Hội theo tinh thần, nội dung của Chỉ thị số 56-CT/TW và Kết luận này.

d) Hướng dẫn các cấp Hội cụ thể hoá điều lệ của Hội, xây dựng quy chế tổ chức và hoạt động phù hợp với tình hình thực tiễn của cơ quan, đơn vị và địa phương. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác Hội.

3- Ban cán sự đảng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo việc thể chế hoá các chủ trương của Bộ Chính trị đã đề ra trong Chỉ thị 56-CT/TW, chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương xem xét việc cấp kinh phí, cơ sở vật chất, biên chế và tạo điều kiện thuận lợi cho các cấp Hội hoạt động và phát triển theo đúng tính chất, chức năng của Hội, phát huy tốt hơn vai trò của Hội trong phát triển kinh tế, xã hội và hội nhập quốc tế của đất nước.

4- Đảng đoàn Hội Luật gia Việt Nam chủ trì phối hợp với ban đảng Trung ương giúp Bộ Chính trị, Ban Bí thư hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Chỉ thị số 56-CT/TW và Kết luận này.

 

 

T/M BAN BÍ THƯ




Lê Hồng Anh

 

 

2
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ