Loading


Kết luận 97-KL/TW năm 2014 về chủ trương, giải pháp tiếp tục thực hiện Nghị quyết về nông nghiệp, nông dân, nông thôn do Ban Chấp hành Trung ương ban hành

Số hiệu 97-KL/TW
Ngày ban hành 15/05/2014
Ngày có hiệu lực 15/05/2014
Loại văn bản Văn bản khác
Cơ quan ban hành Ban Chấp hành Trung ương
Người ký Lê Hồng Anh
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG
-------

ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
---------------

Số: 97-KL/TW

Nội, ngày 15 tháng 5 năm 2014

 

KẾT LUẬN CỦA BỘ CHÍNH TRỊ

VỀ MỘT SỐ CHỦ TRƯƠNG, GIẢI PHÁP TIẾP TỤC THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT TRUNG ƯƠNG 7 KHÓA X VỀ NÔNG NGHIỆP, NÔNG DÂN, NÔNG THÔN

Tại phiên họp ngày 14-3-2014, sau khi nghe Ban Chỉ đạo sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn báo cáo kết quả 5 năm thực hiện Nghị quyết và ý kiến của các cơ quan có liên quan, Bộ Chính trị đã thảo luận và kết luận như sau:

I- ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ THỰC HIỆN

Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn có tầm chiến lược và mang tính đột phá, được triển khai thực hiện khá đồng bộ, nghiêm túc, sâu rộng; huy động được cả hệ thống chính trị và đông đảo người dân tham gia. Sau 5 năm thực hiện đã đạt được nhiều kết quả rõ rệt. Nông nghiệp giữ được mức tăng trưởng ổn định, phát triển tương đối toàn diện, tạo nền tảng vững chắc góp phần quan trọng duy trì tăng trưởng kinh tế, ổn định chính trị, xã hội; năng suất, chất lượng nhiều loại cây trồng, vật nuôi được nâng lên, xuất khẩu liên tục tăng; trồng và bảo vệ rừng thực hiện tốt hơn; khai thác hải sản phát triển theo hướng bền vững, giảm khai thác gần bờ, đẩy mạnh khai thác xa bờ gắn với bảo vệ an ninh, chủ quyền biển, đảo; đã xuất hiện nhiều mô hình liên kết sản xuất hiệu quả dựa trên ứng dụng tốt khoa học, công nghệ. Đời sống của nông dân được cải thiện rõ rệt, tỉ lệ hộ nghèo giảm nhanh; an sinh xã hội ngày càng được bảo đảm; các điều kiện về giáo dục, y tế, văn hóa tiếp tục được cải thiện; dân chủ ở cơ sở được phát huy. Xây dựng nông thôn mới đã trở thành phong trào quần chúng sôi nổi và tương đối đều khắp cả nước; sau 3 năm, bình quân mỗi xã tăng 3, 3 tiêu chí, bộ mặt nông thôn ở nhiều nơi được khởi sắc, ngày một văn minh hơn; cơ sở hạ tầng thiết yếu từng bước được nâng cấp, hệ thống chính trị cơ sở tiếp tục được củng cố, an ninh trật tự được giữ vững, vai trò lãnh đạo của Đảng ở các vùng nông thôn được tăng cường.

Tuy nhiên, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết cũng đã bộc lộ một số hạn chế, yếu kém. Tốc độ tăng trưởng của nông nghiệp đang có xu hướng chậm lại; sản xuất nông nghiệp chậm phát triển theo hướng hiện đại, thiếu tính bền vững; hiệu quả sản xuất, khả năng cạnh tranh của nhiều loại nông sản còn thấp, xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản chủ lực bị giảm; an toàn, vệ sinh thực phẩm, ô nhiễm môi trường vẫn là vấn đề bức xúc trong xã hội. Quan hệ sản xuất chậm được đổi mới, kinh tế tập thể, hợp tác xã vẫn chưa thoát khỏi tình trạng yếu kém kéo dài; quy mô sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ, manh mún, chưa gắn được sản xuất với chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu. Cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động nông thôn chuyển dịch chậm; sự gắn kết giữa công nghiệp, dịch vụ với sản xuất nông nghiệp thiếu chặt chẽ; nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào sản xuất nông nghiệp chưa được coi trọng; đào tạo nghề cho lao động nông thôn chưa đáp ứng được yêu cầu. Thu nhập và mức sống của dân cư nông thôn còn thấp; tỉ lệ hộ nghèo và cận nghèo vẫn ở mức cao, giảm nghèo ở nhiều vùng kém bền vững; tình trạng người dân bỏ ruộng, trả ruộng có xu hướng ngày một tăng; chất lượng y tế, văn hóa, giáo dục ở nhiều nơi còn thấp. Hệ thống hạ tầng nông thôn, nhất là các vùng miền núi còn lạc hậu, chậm được cải thiện. Quản lý, sử dụng nhiều tài nguyên đất đai, rừng, biển kém hiệu quả. Xây dựng nông thôn mới ở nhiều nơi còn mang tính hình thức, kém chất lượng; mục tiêu xây dựng nông thôn mới đến năm 2015 và 2020 khó đạt được nếu không có sự chỉ đạo quyết liệt, hỗ trợ mạnh hơn về cơ chế, chính sách và nguồn lực.

Nguyên nhân chính của những hạn chế, yếu kém trên trước hết do nhận thức của cấp ủy đảng, chính quyền ở một số nơi về Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn chưa đầy đủ, thiếu vận dụng sáng tạo vào điều kiện cụ thể của địa phương; còn xem nhẹ vai trò của nông nghiệp, nông dân, nông thôn; việc lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện chưa được thường xuyên, thiếu quyết liệt. Tổ chức bộ máy, chất lượng công tác quản lý nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn còn nhiều bất cập; sự phối hợp giữa các bộ, ban, ngành chức năng thiếu chặt chẽ; đầu tư của nhà nước cho nông nghiệp, nông thôn còn rất hạn chế. Một số cơ chế, chính sách về nông nghiệp, nông thôn ban hành chưa hiệu quả, thiếu tính khả thi, chậm được sửa đổi; thiếu cơ chế, chính sách đủ mạnh để thu hút mạnh mẽ các nguồn lực xã hội, nhất là doanh nghiệp đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn; cơ cấu đầu tư có nơi chưa hợp lý, nhiều chương trình, dự án cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn còn chồng chéo, khó lồng ghép dẫn đến phân tán nguồn lực, kém hiệu quả. Đóng góp của khoa học, công nghệ vào giá trị gia tăng của các sản phẩm nông nghiệp còn thấp. Sự tham gia của các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể nhân dân ở nhiều nơi còn hạn chế, chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm của mình.

II- MỘT SỐ CHỦ TRƯƠNG, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU TIẾP TỤC THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT ĐẾN NĂM 2020

Để tiếp tục thực hiện thắng lợi Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Bộ Chính trị yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền, doanh nghiệp, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân tiếp tục quán triệt, thực hiện các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của Nghị quyết, đồng thời tập trung thực hiện có hiệu quả một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau:

1- Đẩy mạnh, công tác tuyên truyền, tiếp tục nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của nông nghiệp, nông dân, nông thôn thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước

Đổi mới và tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, quán triệt Nghị quyết để từng cán bộ, đảng viên, các tổ chức đảng, chính quyền, các cơ quan,

doanh nghiệp, đặc biệt là người đứng đầu các tổ chức, cơ quan và mọi người dân hiểu đầy đủ, sâu sắc quan điểm của Đảng và Nhà nước về vị trí, vai trò của nông nghiệp, nông dân, nông thôn thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước:

- Nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Mục tiêu của quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn là không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của dân cư nông thôn trên cơ sở công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

- Công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; coi phát triển sản xuất nông nghiệp là then chốt, xây dựng nông thôn mới là căn bản, nông dân giữ vai trò chủ thể trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

- Quan hệ giữa nông nghiệp - nông dân - nông thôn với phát triển công nghiệp, dịch vụ và kinh tế đô thị khu vực nông thôn là quan hệ hữu cơ nhằm khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, tài nguyên, gắn với bảo vệ tài nguyên, môi trường, sinh thái.

- Phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa lớn trên cơ sở tái cơ cấu ngành, cơ cấu sản phẩm gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp. Xây dựng nông thôn mới trên cơ sở thực hiện quy hoạch nông thôn mới gắn với quy hoạch nông nghiệp, đô thị. Nâng cao vai trò làm chủ của người nông dân; chú trọng xây dựng và phát triển giai cấp nông dân.

2- Rà soát, điều chỉnh bổ sung nâng cao chất lượng công tác quy hoạch

- Các bộ, ngành Trung ương tập trung rà soát, điều chỉnh quy hoạch tổng thể có liên quan gắn với tái cơ cấu nền nông nghiệp của cả nước; quy hoạch vùng sản xuất các loại nông sản chủ lực, hình thành các mặt hàng nông sản có thương hiệu quốc gia, quốc tế.

- Trên cơ sở yêu cầu tái cơ cấu nền nông nghiệp của cả nước và của mỗi vùng, miền; các địa phương tập trung rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới đáp ứng yêu cầu sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn và hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; phát triển nông thôn gắn hài hòa với phát triển đô thị và quá trình đô thị hóa, bảo vệ cảnh quan môi trường; bảo đảm tính liên kết vùng, thống nhất với quy hoạch xây dựng vùng tỉnh, vùng huyện, các quy hoạch chuyên ngành khác, bảo đảm chất lượng, phù hợp với đặc điểm tự nhiên, kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng và tập quán sinh hoạt.

3- Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn gắn với tái cơ cấu nền nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn

- Tập trung giải quyết các vấn đề cấp thiết trong sản xuất nông nghiệp nhằm nâng cao giá trị gia tăng, sức cạnh tranh của nông sản, ưu tiên trước hết cho các sản phẩm chủ lực. Phát triển nông nghiệp dựa trên đặc điểm, lợi thế của mỗi vùng, miền, địa phương; xác định rõ các cây trồng, vật nuôi có lợi thế, có thị trường; hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, các loại nông sản chủ lực, các sản phẩm hàng hóa có thương hiệu quốc gia và quốc tế.

- Chuyển dịch hợp lý cơ cấu kinh tế nông thôn gắn với các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp, xây dựng nền nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa quy mô lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh cao. Xây dựng các chương trình, dự án nâng cao giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích đất, tăng thu nhập cho nông dân gắn với bảo vệ môi trường sinh thái.

- Phát triển kinh tế thủy sản, đặc biệt là nuôi trồng và khai thác hải sản trên các vùng biển gắn với bảo vệ an ninh, quốc phòng biển, đảo quốc gia. Tiếp tục quan tâm phát triển diêm nghiệp, có chính sách hỗ trợ người làm muối.

- Thực hiện tốt công tác bảo vệ và phát triển rừng bền vững; thực hiện nghiêm chủ trương dừng khai thác gỗ rừng tự nhiên; tăng cường đầu tư cho phát triển rừng trồng, nâng cao hiệu quả rừng sản xuất.

- Chủ động sản xuất, kiểm soát chặt chẽ tiêu chuẩn, chất lượng các sản phẩm đầu vào sản xuất nông nghiệp như giống, phân bón, thuốc trừ sâu, nguyên liệu thức ăn chăn nuôi…, nhằm tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng và hiệu quả của các vùng, cơ sở sản xuất nông sản, thực phẩm an toàn, công nghệ cao; hạn chế việc nhập khẩu các sản phẩm nông nghiệp trong nước sản xuất được.

- Ưu tiên phát triển mạnh công nghiệp bảo quản, chế biến, công nghiệp chế tạo máy, thiết bị nông nghiệp; khuyến khích phát triển công nghiệp, dịch vụ sử dụng nhiều lao động và nguyên vật liệu tại chỗ ở nông thôn.

4- Đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới, chú trọng nâng cao đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần của dân cư nông thôn, nhất là các vùng còn nhiều khó khăn

- Đẩy mạnh thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới tại tất cả các xã trên cơ sở nghiên cứu, rà soát, đánh giá lại hệ thống 19 tiêu chí nông thôn mới, vận dụng sáng tạo, linh hoạt, phù hợp điều kiện thực tế của mỗi vùng, miền, địa phương với phương châm “Nhân dân làm, nhà nước hỗ trợ”. Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, trong đó ưu tiên nguồn lực phát triển sản xuất, bảo đảm sinh kế cho người dân; phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là các hạ tầng thiết yếu như hệ thống cầu, cống, công trình thủy lợi, đê điều, giao thông nội đồng, khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão, cảng cá, ưu tiên củng cố hệ thống đê và rừng ven biển, nhất là vùng đồng bằng Sông Cửu Long, đồng bằng Sông Hồng, ven biển miền Trung, đáp ứng được yêu cầu sản xuất, đời sống, hiện đại hóa và phát triển bền vững nông nghiệp, nông thôn.

[...]
1
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ