Loading


Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân 1989

Số hiệu 21-LCT/HĐNN8
Ngày ban hành 30/06/1989
Ngày có hiệu lực 11/07/1989
Loại văn bản Luật
Cơ quan ban hành Quốc hội
Người ký Võ Chí Công
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

QUỐC HỘI
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 21-LCT/HĐNN8

Hà Nội, ngày 30 tháng 6 năm 1989

 

LUẬT

CỦA QUỐC HỘI SỐ 21-LCT/HĐNN8 NGÀY 30/06/1989 VỀ BẢO VỆ SỨC KHOẺ NHÂN DÂN

Sức khoẻ là vốn quý nhất của con người, là một trong những điều cơ bản để con người sống hạnh phúc, là mục tiêu và là nhân tố quan trọng trong việc phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội và bảo vệ Tổ quốc.
Để bảo vệ và tăng cường sức khoẻ nhân dân;
Căn cứ vào Điều 47, Điều 61 và Điều 83 của Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
Luật này quy định việc bảo vệ sức khoẻ nhân dân.

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Quyền và nghĩa vụ của công dân trong bảo vệ sức khoẻ.

1- Công dân có quyền được bảo vệ sức khoẻ, nghỉ ngơi, giải trí, rèn luyện thân thể; được bảo đảm vệ sinh trong lao động, vệ sinh dinh dưỡng, vệ sinh môi trường sống và được phục vụ về chuyên môn y tế.

2- Bảo vệ sức khoẻ là sự nghiệp của toàn dân. Tất cả công dân có nghĩa vụ thực hiện nghiêm chỉnh những quy định của pháp luật về bảo vệ sức khoẻ nhân dân để giữ gìn sức khoẻ cho mình và cho mọi người.

Điều 2. Nguyên tắc chỉ đạo công tác bảo vệ sức khoẻ.

1- Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục vệ sinh trong nhân dân; tiến hành các biện pháp dự phòng, cải tạo và làm sạch môi trường sống; bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh lao động, vệ sinh lương thực, thực phẩm và nước uống theo quy định của Hội đồng bộ trngưở.

2- Mở rộng mạng lưới nhà nghỉ, nhà điều dưỡng, cơ sở tập luyện thể dục thể thao; kết hợp lao động, học tập với nghỉ ngơi và giải trí; phát triển thể dục thể thao quần chúng để duy trì và phục hồi khả năng lao động.

3- Hoàn thiện, nâng cao chất lượng và phát triển mạng lưới phòng, chống dịch, khám bệnh, chữa bệnh; kết hợp phát triển hệ thống y tế Nhà nước với y tế tập thể và y tế tư nhân.

4- Xây dựng nền y học Việt Nam kế thừa và phát triển nền y học, dược học cổ truyền dân tộc; kết hợp y học, dược học hiện đại với y học, dược học cổ truyền dân tộc, nghiên cứu và ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật của y học thế giới vào thực tiễn Việt Nam, xây dựng các mũi nhọn khoa học y học, dược học Việt Nam.

Điều 3. Trách nhiệm của Nhà nước.

1- Nhà nước chăm lo bảo vệ và tăng cường sức khoẻ nhân dân; đưa công tác bảo vệ sức khoẻ nhân dân vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước; quyết định những chế độ chính sách, biện pháp để bảo vệ và tăng cường sức khoẻ nhân dân.

2- Bộ y tế có trách nhiệm quản lý, hoàn thiện, nâng cao chất lượng và phát triển hệ thống phòng bệnh, chống dịch, khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, lưu thông thuốc và thiết bị y tế, kiểm tra việc thực hiện các quy định về chuyên môn nghiệp vụ y, dược.

3- Hội đồng nhân dân các cấp dành tỷ lệ ngân sách thích đáng cho công tác bảo vệ sức khoẻ nhân dân ở địa phương; thường xuyên giám sát, kiểm tra việc tuân theo pháp luật về bảo vệ sức khoẻ nhân dân của Uỷ ban nhân dân cùng cấp, của các cơ quan, các tổ chức xã hội, cơ sở sản xuất, kinh doanh của Nhà nước, tập thể, tư nhân và mọi công dân trong địa phương. Uỷ ban nhân dân các cấp có trách nhiệm thực hiện các biện pháp để bảo đảm vệ sinh ăn, ở, sinh hoạt, vệ sinh công cộng cho nhân dân trong địa phương; lãnh đạo các cơ quan y tế trực thuộc, chỉ đạo sự phối hợp giữa các ngành, các tổ chức xã hội trong địa phương để thực hiện những quy định của pháp luật về bảo vệ sức khoẻ nhân dân.

Điều 4. Trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, các đơn vị vũ trang nhân dân.

Các cơ quan Nhà nước, các cơ sở sản xuất, kinh doanh của Nhà nước, các đơn vị vũ trang nhân dân (gọi chung là các tổ chức Nhà nước), các cơ sở sản xuất, kinh doanh của tập thể và tư nhân có trách nhiệm trực tiếp chăm lo, bảo vệ, tăng cường sức khoẻ của những thành viên trong cơ quan, đơn vị mình và đóng góp tiền của, công sức theo khả năng cho công tác bảo vệ sức khoẻ nhân dân.

Điều 5. Trách nhiệm của các tổ chức xã hội.

1- Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Hội nông dân Việt Nam, Tổng hội y dược học Việt Nam, Hội y học cổ truyền dân tộc Việt Nam và các tổ chức xã hội khác động viên, giáo dục các thành viên trong tổ chức thực hiện những quy định của pháp luật về bảo vệ sức khoẻ nhân dân và tham gia tích cực vào sự nghiệp bảo vệ sức khoẻ nhân dân trong phạm vi điều lệ của tổ chức mình.

2- Hội chữ thập đỏ Việt Nam tuyên truyền, phổ biến những kiến thức y học thường thức cho hội viên và nhân dân, vận động nhân dân thực hiện các biện pháp giữ gìn sức khoẻ cho bản thân và cho mọi người, hiến máu cứu người; tổ chức cứu trợ nhân dân khi có tai nạn, thiên tai, dịch bệnh và chiến tranh xảy ra.

Chương 2:

VỆ SINH TRONG SINH HOẠT VÀ LAO ĐỘNG, VỆ SINH CÔNG CỘNG, PHÒNG VÀ CHỐNG DỊCH BỆNH

Điều 6. Giáo dục vệ sinh.

1- Các cơ quan y tế, văn hoá, giáo dục, thể dục thể thao, thông tin đại chúng và các tổ chức xã hội có trách nhiệm tuyên truyền, giáo dục cho nhân dân kiến thức về y học và vệ sinh thường thức, vệ sinh môi trường, vệ sinh phụ nữ, vệ sinh thai nghén và nuôi dạy con.

2- Bộ giáo dục xây dựng chương trình giáo dục vệ sinh cho học sinh phổ thông, mẫu giáo, nhà trẻ, tạo thói quen giữ gìn vệ sinh chung, vệ sinh trong sinh hoạt và học tập.

Điều 7. Vệ sinh lương thực, thực phẩm, các loại nước uống và rượu.

[...]
10