Loading


Nghị định 04/2017/NĐ-CP về cấp và quản lý bảo lãnh chính phủ

Số hiệu 04/2017/NĐ-CP
Ngày ban hành 16/01/2017
Ngày có hiệu lực 01/03/2017
Loại văn bản Nghị định
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Nguyễn Xuân Phúc
Lĩnh vực Tài chính nhà nước

CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 04/2017/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 16 tháng 01 năm 2017

 

NGHỊ ĐỊNH

VỀ CẤP VÀ QUẢN LÝ BẢO LÃNH CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật ngân sách nhà nước ngày 16 tháng 12 năm 2002;

Căn cứ Luật đầu tư ngày 26 tháng 11 năm 2014;

Căn cứ Luật đầu tư công ngày 18 tháng 6 năm 2014;

Căn cứ Luật các tổ chức tín dụng ngày 16 tháng 6 năm 2010;

Căn cứ Luật quản lý nợ công ngày 17 tháng 6 năm 2009;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính, Chính phủ ban hành Nghị định về cấp và quản lý bảo lãnh chính phủ.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Nghị định này quy định về thẩm định, phê duyệt và cấp bảo lãnh chính phủ; quản lý bảo lãnh chính phủ; trách nhiệm và nghĩa vụ của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc cấp và quản lý bảo lãnh chính phủ đối với khoản vay trong nước và nước ngoài, khoản phát hành trái phiếu trong nước và quốc tế.

2. Việc cấp và quản lý bảo lãnh chính phủ cho khoản phát hành trái phiếu trong nước của ngân hàng chính sách theo kế hoạch được giao hàng năm của cơ quan có thẩm quyền được hướng dẫn tại văn bản riêng.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Đối tượng áp dụng của Nghị định này gồm:

1. Người được bảo lãnh.

2. Người bảo lãnh.

3. Người nhận bảo lãnh.

4. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong quá trình cấp và quản lý bảo lãnh chính phủ.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Ngoài các từ ngữ đã được quy định trong Luật quản lý nợ công, trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Chương trình tín dụng có mục tiêu của Nhà nước là chương trình cho vay của tổ chức tín dụng cho các dự án quan trọng quốc gia được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

2. Đại diện tiếp nhận hồ sơ tố tụng là cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài hoặc một tổ chức được ủy quyền để tiếp nhận, xác nhận việc đã nhận được các hồ sơ tố tụng liên quan đến bảo lãnh chính phủ và chuyển toàn bộ hồ sơ trên cho Bộ Tài chính.

3. Hạn mức bảo lãnh chính phủ gồm hạn mức bảo lãnh đối với các khoản vay, khoản phát hành trái phiếu trong và ngoài nước. Hạn mức bảo lãnh chính phủ trong năm là mức trần số tiền dự kiến vay ròng của các khoản vay, khoản phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh trong năm đó (số tiền vay dự kiến rút vốn trong năm trừ đi số trả nợ gốc trong năm) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

4. Khoản vay hợp vốn là khoản vay do từ 02 tổ chức tài chính, tín dụng trở lên cho vay. Khoản vay hợp vốn giữa các tổ chức tài chính, tín dụng trong và ngoài nước được coi là khoản vốn vay nước ngoài nếu tổng số tiền cho vay của các tổ chức nước ngoài chiếm từ 51% trị giá khoản vay trở lên và áp dụng các quy định tương ứng về cấp và quản lý bảo lãnh chính phủ với khoản vay nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh.

5. Ngân hàng phục vụ là ngân hàng nơi Người được bảo lãnh mở Tài khoản Dự án và thực hiện các nhiệm vụ liên quan tới việc giám sát rút vốn, trả nợ, tài sản bảo đảm của Dự án vay vốn được Chính phủ bảo lãnh.

6. Nghĩa vụ thanh toán là các khoản phải trả gồm nợ gốc, nợ lãi theo hợp đồng, lãi chậm trả, các khoản phí và chi phí, bồi thường tổn thất (nếu có) theo quy định trong thỏa thuận vay hoặc thỏa thuận phát hành trái phiếu cụ thể và được chấp nhận trong Thư bảo lãnh.

[...]
4