Loading


Nghị định 10/2020/NĐ-CP quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô

Số hiệu 10/2020/NĐ-CP
Ngày ban hành 17/01/2020
Ngày có hiệu lực 01/04/2020
Loại văn bản Nghị định
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Nguyễn Xuân Phúc
Lĩnh vực Thương mại,Giao thông - Vận tải

CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 10/2020/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 17 tháng 01 năm 2020

 

NGHỊ ĐỊNH

QUY ĐỊNH VỀ KINH DOANH VÀ ĐIỀU KIỆN KINH DOANH VẬN TẢI BẰNG XE Ô TÔ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Giao thông đường bộ ngày 13 tháng 11 năm 2008;

Căn cứ Luật Đầu tư ngày 26 tháng 11 năm 2014 và Luật sửa đổi, bổ sung Điều 6 và Phụ lục 4 về Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư ngày 26 tháng 11 năm 2016;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải;

Chính phủ ban hành Nghị định quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định về kinh doanh, điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và việc cấp, thu hồi Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, phù hiệu, biển hiệu; quy định về công bố bến xe.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Nghị định này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh hoặc liên quan đến kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Đơn vị kinh doanh vận tải bao gồm: Doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.

2. Kinh doanh vận tải bằng xe ô tô là việc thực hiện ít nhất một trong các công đoạn chính của hoạt động vận tải (trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe hoặc quyết định giá cước vận tải) để vận chuyển hành khách, hàng hóa trên đường bộ nhằm mục đích sinh lợi.

3. Tuyến cố định là tuyến vận tải hành khách được cơ quan có thẩm quyền công bố, được xác định bởi hành trình, lịch trình, bến xe khách nơi đi, bến xe khách nơi đến (điểm đầu, điểm cuối đối với tuyến xe buýt).

4. Kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định là kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô có xác định bến xe khách nơi đi, bến xe khách nơi đến với lịch trình, hành trình nhất định.

5. Kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt theo tuyến cố định là kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô có các điểm dừng đón, trả khách và xe chạy theo biểu đồ vận hành với cự ly, phạm vi hoạt động nhất định, bao gồm tuyến xe buýt nội tỉnh và tuyến xe buýt liên tỉnh. Trong đó:

a) Tuyến xe buýt nội tỉnh là tuyến xe buýt có phạm vi hoạt động trên địa bàn của một tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;

b) Tuyến xe buýt liên tỉnh là tuyến xe buýt có phạm vi hoạt động trên địa bàn của hai hoặc ba tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

6. Kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi là việc sử dụng xe ô tô có sức chứa dưới 9 chỗ (bao gồm cả người lái xe) để vận chuyển hành khách theo lịch trình và hành trình do hành khách yêu cầu; có sử dụng đồng hồ tính tiền để tính cước chuyến đi hoặc sử dụng phần mềm để đặt xe, hủy chuyến, tính cước chuyến đi và kết nối trực tiếp với hành khách thông qua phương tiện điện tử.

7. Kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng không theo tuyến cố định là kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô được thực hiện theo hợp đồng vận chuyển hành khách bằng văn bản giấy hoặc điện tử (sau đây gọi là hợp đồng vận chuyển hoặc hợp đồng điện tử) giữa đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng với người thuê vận tải có nhu cầu thuê cả chuyến xe (bao gồm cả thuê người lái xe).

8. Kinh doanh vận tải khách du lịch bằng xe ô tô được thực hiện theo hợp đồng vận chuyển hoặc hợp đồng lữ hành bằng văn bản giấy hoặc điện tử giữa đơn vị kinh doanh vận tải khách du lịch bằng xe ô tô với người thuê vận tải có nhu cầu thuê cả chuyến xe (bao gồm cả thuê người lái xe) để vận chuyển khách du lịch theo chương trình du lịch.

9. Vận tải trung chuyển hành khách là hoạt động vận tải không thu tiền do doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định sử dụng xe ô tô chở người từ 16 chỗ trở xuống (kể cả người lái xe) để đón, trả khách đi các tuyến vận tải khách cố định của đơn vị mình đến bến xe khách hoặc điểm dừng đón, trả khách của tuyến cố định trên địa bàn địa phương hai đầu tuyến.

10. Trọng tải thiết kế của xe ô tô là số người và khối lượng hàng hoá tối đa mà xe ô tô đó được chở theo quy định của nhà sản xuất.

11. Trọng tải được phép chở của xe ô tô là số người và khối lượng hàng hóa tối đa mà xe ô tô đó được phép chở, nhưng không vượt quá trọng tải thiết kế của phương tiện, khi hoạt động trên đường bộ theo quy định.

[...]
251