Loading


Nghị định 106/2007/NĐ-CP về chế độ, chính sách đối với gia đình hạ sĩ quan và binh sĩ tại ngũ

Số hiệu 106/2007/NĐ-CP
Ngày ban hành 22/06/2007
Ngày có hiệu lực 28/07/2007
Loại văn bản Nghị định
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Nguyễn Tấn Dũng
Lĩnh vực Tài chính nhà nước,Văn hóa - Xã hội

CHÍNH PHỦ
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 106/2007/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 22 tháng 06 năm 2007 

 

NGHỊ ĐỊNH

VỀ CHẾ ĐỘ, CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI GIA ĐÌNH HẠ SĨ QUAN VÀ BINH SĨ TẠI NGŨ 

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Nghĩa vụ quân sự ngày 30 tháng 12 năm 1981; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nghĩa vụ quân sự ngày 21 tháng 12 năm 1990; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nghĩa vụ quân sự ngày 22 tháng 6 năm 1994; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nghĩa vụ quân sự ngày 14 tháng 6 năm2005;
Căn cứ Luật Giáo dục ngày 14 tháng 6 năm 2005;   
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng,

NGHỊ ĐỊNH :

Điều 1. Đối tượng áp dụng

Nghị định này quy định chế độ, chính sách đối với gia đình hạ sĩ quan và binh sĩ trong thời hạn phục vụ tại ngũ gồm: bố, mẹ; vợ hoặc chồng; con đẻ, con nuôi hợp pháp của hạ sĩ quan và binh sĩ đang phục vụ tại ngũ.

Điều 2. Quyền lợi của gia đình hạ sĩ quan và binh sĩ phục vụ tại ngũ

1. Học sinh là con (con đẻ, con nuôi hợp pháp) của hạ sĩ quan và binh sĩ tại ngũ được miễn học phí khi học ở các cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông của Nhà nước.

2. Gia đình của hạ sĩ quan và binh sĩ tại ngũ được trợ cấp khó khăn đột xuất, cụ thể như sau:

a) Trợ cấp khó khăn đột xuất trong trường hợp gia đình hạ sĩ quan         và binh sĩ tại ngũ gặp tai nạn, hoả hoạn, thiên tai; bố, mẹ; vợ hoặc chồng; con đẻ, con nuôi hợp pháp ốm đau từ một tháng trở lên hoặc điều trị tại bệnh viện từ 15 ngày trở lên được hưởng mức trợ cấp 300.000 đồng/suất/lần; không quá 2 lần trong một năm;

b) Trợ cấp khó khăn đột xuất trong trường hợp bố, mẹ; vợ hoặc chồng; con đẻ, con nuôi hợp pháp từ trần; mức trợ cấp 600.000 đồng.

3. Thân nhân của hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ gồm: bố, mẹ; vợ hoặc chồng; con đẻ, con nuôi hợp pháp được thực hiện chế độ bảo hiểm y tế theo quy định hiện hành. Mức đóng bảo hiểm y tế hàng tháng cho một người là 3% tiền lương tối thiểu chung theo quy định của Chính phủ tại thời điểm mua thẻ bảo hiểm y tế; thẻ bảo hiểm y tế quy định chung là 2 năm.

Điều 3. Kinh phí thực hiện

Nguồn kinh phí thực hiện các chế độ quy định tại Nghị định này do ngân sách nhà nước bảo đảm theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

Điều 4. Điều khoản thi hành

1. Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Y tế và các Bộ, ngành liên quan hướng dẫn thi hành Nghị định này; lập dự toán và chi trả chế độ trợ cấp khó khăn đột xuất, mua cấp thẻ bảo hiểm y tế đối với thân nhân của hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ quy định tại Nghị định này.

2. Bộ Tài chính có trách nhiệm phối hợp với Bộ Quốc phòng trong công tác lập và thực hiện dự toán ngân sách nhà nước theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước để bảo đảm thực hiện các chế độ, chính sách quy định tại Nghị định này.

3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức thực hiện chế độ miễn tiền học phí quy định tại Nghị định này thuộc địa bàn của tỉnh, thành phố.

4. Những người thuộc đối tượng quy định tại Điều 1 Nghị định này thôi hưởng chế độ, chính sách khi hạ sĩ quan và binh sĩ thôi phục vụ tại ngũ, hy sinh, từ trần hoặc vi phạm kỷ luật bị tước danh hiệu quân nhân.

5. Những người có hành vi làm sai lệch hoặc giả mạo hồ sơ, tuỳ theo tính chất và mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự và phải bồi thường thiệt hại (nếu có) theo quy định của pháp luật.

Điều 5. Hiệu lực thi hành

Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Điều 6. Trách nhiệm thi hành

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.

 

 
Nơi nhận:  
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ; 
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- VP BCĐ TW về phòng, chống tham nhũng;
- HĐND, UBND các tỉnh,
  thành phố trực thuộc Trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Toà án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN,
  Website Chính phủ, Ban Điều hành 112,
  Người phát ngôn của Thủ tướng Chính phủ,
  các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: Văn thư, NC (5b).

TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG

 
 

 
Nguyễn Tấn Dũng

 

[...]
1