Loading


Nghị định 107/2011/NĐ-CP hướng dẫn điểm c khoản 2 Điều 15 Luật Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài

Số hiệu 107/2011/NĐ-CP
Ngày ban hành 24/11/2011
Ngày có hiệu lực 10/01/2012
Loại văn bản Nghị định
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Nguyễn Tấn Dũng
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 107/2011/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 24 tháng 11 năm 2011

 

NGHỊ ĐỊNH

QUY ĐỊNH CHI TIẾT ĐIỂM C KHOẢN 2 ĐIỀU 15 LUẬT CƠ QUAN ĐẠI DIỆN NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Ở NƯỚC NGOÀI

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 16 tháng 12 năm 2002;

Căn cứ quy định tại điểm c khoản 2 Điều 15 Luật Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài số 33/2009/QH12 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XII, kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 18 tháng 6 năm 2009;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính,

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1. Phạm vi, đối tượng điều chỉnh

1. Nghị định này quy định việc lập dự toán, phân bổ, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí tại Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài khi thực hiện các hoạt động chuyên môn đặc thù do cơ quan hữu quan phụ trách hoạt động đó phân bổ theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 15 Luật Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài.

2. Kinh phí thực hiện hoạt động chuyên môn đặc thù có nội dung quy định tại Điều 2 Nghị định này được bố trí từ ngân sách nhà nước cho các cơ quan phụ trách hoạt động đó chủ trì thực hiện ở ngoài lãnh thổ Việt Nam theo nhiệm vụ cụ thể, hoặc theo chương trình, đề án, dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

3. Nghị định này không điều chỉnh đối với kinh phí ngân sách nhà nước cấp về Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Văn phòng Trung ương Đảng và kinh phí thực hiện các chương trình, đề án, dự án của cơ quan hữu quan đã được Thủ tướng Chính phủ quy định theo cơ chế riêng.

Điều 2. Nội dung các hoạt động chuyên môn đặc thù

Nội dung các hoạt động chuyên môn đặc thù do Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài thực hiện bao gồm:

1. Hoạt động tổ chức hội chợ, triển lãm, giao thương, giới thiệu quảng bá hàng hóa, dịch vụ và lao động của Việt Nam, cơ hội đầu tư tại Việt Nam.

2. Hoạt động thu thập và mua thông tin kinh tế có giá trị; hoạt động thẩm tra, xác minh đối tác kinh tế; các hoạt động vận động đối tác, khách hàng kinh doanh, các chủ đầu tư, tập đoàn xuyên quốc gia, công ty lớn tại các địa bàn, địa phương sở tại nhằm xúc tiến thương mại, đầu tư, du lịch, khoa học kỹ thuật, mở rộng thị trường xuất khẩu lao động.

3. Hoạt động tổ chức các sự kiện tại nước ngoài có tính chất không thường xuyên được Thủ tướng Chính phủ quyết định.

4. Các hoạt động chuyên môn đặc thù khác trong từng lĩnh vực công tác của cơ quan hữu quan được cấp có thẩm quyền phê duyệt nội dung, kinh phí thực hiện.

Điều 3. Lập dự toán, phân bổ, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí

Việc lập dự toán, phân bổ và quyết toán kinh phí đối với các hoạt động chuyên môn đặc thù thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, các văn bản hướng dẫn Luật Ngân sách nhà nước và các quy định sau đây:

1. Hàng năm, vào thời điểm xây dựng dự toán ngân sách, căn cứ vào mục tiêu, định hướng chiến lược phát triển ngành và hướng dẫn xây dựng kế hoạch và lập dự toán ngân sách của Bộ Tài chính, các cơ quan hữu quan xây dựng kế hoạch thực hiện các hoạt động chuyên môn đặc thù cụ thể (trong đó phải chi tiết theo từng nhiệm vụ cụ thể, hoặc đề án, dự án) trình cấp có thẩm quyền phê duyệt nội dung, làm căn cứ xây dựng dự toán kinh phí tổng hợp chung vào dự toán ngân sách hàng năm của cơ quan hữu quan, gửi Bộ Tài chính để tổng hợp trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, bố trí dự toán cho cơ quan hữu quan thực hiện. Dự toán kinh phí thực hiện các hoạt động chuyên môn đặc thù được giao và ghi chú nội dung riêng trong tổng dự toán ngân sách hàng năm của cơ quan hữu quan.

2. Cơ quan hữu quan căn cứ dự toán được bố trí, căn cứ nhiệm vụ cần triển khai các hoạt động chuyên môn đặc thù của ngành ở từng địa bàn, có văn bản thông báo đề nghị Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài phối hợp bố trí cán bộ biệt phái thực hiện nhiệm vụ chuyên môn đặc thù. Căn cứ nội dung công việc, căn cứ chế độ, định mức chi tiêu hiện hành, cơ quan hữu quan trình cấp có thẩm quyền phê duyệt nội dung và dự toán chi tiết kinh phí thực hiện các hoạt động đặc thù làm căn cứ chuyển kinh phí vào tài khoản của Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.

3. Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài có trách nhiệm bố trí cán bộ phù hợp với tính chất công việc, đảm bảo thực hiện công việc một cách có hiệu quả; tổ chức hạch toán, theo dõi riêng khoản kinh phí do cơ quan hữu quan chuyển để thực hiện các hoạt động chuyên môn đặc thù (không hạch toán chung vào nguồn kinh phí hoạt động của Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài), đồng thời có trách nhiệm quản lý, sử dụng khoản kinh phí phục vụ hoạt động chuyên môn đặc thù đúng mục đích, nội dung hoạt động đặc thù được cơ quan hữu quan giao nhiệm vụ. Sau khi thực hiện xong công việc. Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tập hợp đầy đủ chứng từ chi tiêu gửi về cơ quan hữu quan để quyết toán kinh phí với ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật. Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài phải chịu trách nhiệm về tính hợp pháp của chứng từ quyết toán.

4. Kinh phí thực hiện các hoạt động chuyên môn đặc thù đã được cơ quan hữu quan chuyển vào tài khoản của Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài cuối năm chưa sử dụng hết được chuyển nguồn sang năm sau để tiếp tục thực hiện theo đúng các nội dung hoạt động đặc thù đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Kinh phí thực hiện các hoạt động chuyên môn đặc thù cuối năm còn dư dự toán tại Kho bạc Nhà nước bị hủy theo quy định; trường hợp cần thiết phải chuyển sang năm sau chi tiết theo nhiệm vụ đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt do Bộ trưởng Bộ Tài chính xem xét, quyết định. Thủ tục chuyển số dư sang năm sau thực hiện theo quy định hiện hành.

Điều 4. Hiệu lực thi hành

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10 tháng 01 năm 2012.

Điều 5. Trách nhiệm thi hành

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ có trách nhiệm thi hành Nghị định này.

[...]
2