Loading


Nghị định 111/2013/NĐ-CP quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn

Số hiệu 111/2013/NĐ-CP
Ngày ban hành 30/09/2013
Ngày có hiệu lực 15/11/2013
Loại văn bản Nghị định
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Nguyễn Tấn Dũng
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Vi phạm hành chính

CHÍNH PHỦ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 111/2013/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 30 tháng 09 năm 2013

 

NGHỊ ĐỊNH

QUY ĐỊNH CHẾ ĐỘ ÁP DỤNG BIỆN PHÁP XỬ LÝ HÀNH CHÍNH GIÁO DỤC TẠI XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật xử lý vi phạm hành chính ngày 20 tháng 6 năm 2012;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tư pháp,

Chính phủ ban hành Nghị định quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn.

Chương 1.

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn (sau đây gọi là biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn); việc xem xét, quyết định chuyển sang áp dụng biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính quản lý tại gia đình đối với người chưa thành niên (sau đây gọi là biện pháp quản lý tại gia đình).

Điều 2. Nguyên tắc áp dụng

1. Nhanh chóng, công khai, khách quan, công bằng; đúng thẩm quyền, đối tượng, trình tự, thủ tục quy định tại Luật xử lý vi phạm hành chính và Nghị định này.

2. Không xâm phạm đến sức khỏe, danh dự, nhân phẩm; tôn trọng và bảo vệ bí mật riêng tư của người bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn và người chưa thành niên được áp dụng biện pháp quản lý tại gia đình.

Không công khai việc tổ chức, nội dung, kết quả cuộc họp tư vấn, hồ sơ và thi hành quyết định giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với người chưa thành niên.

3. Người có thẩm quyền áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn có trách nhiệm chứng minh vi phạm hành chính. Cá nhân bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp chứng minh mình không thuộc đối tượng bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn.

4. Bảo đảm sự tham gia của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong cộng đồng, nhà trường và gia đình trong việc giúp đỡ, giáo dục người bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn.

5. Việc quyết định thời hạn áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn phải căn cứ vào tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm, nhân thân người vi phạm, tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng.

6. Chỉ áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với người chưa thành niên trong trường hợp cần thiết nhằm giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh và trở thành công dân có ích cho xã hội.

Đối với người chưa thành niên thuộc đối tượng quy định tại Điểm c Khoản 2 Điều 4 của Nghị định này, chỉ quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn khi không đủ điều kiện áp dụng biện pháp quản lý tại gia đình. Việc áp dụng biện pháp quản lý tại gia đình không được coi là đã bị xử lý vi phạm hành chính.

7. Trong quá trình xem xét quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với người chưa thành niên, người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính phải bảo đảm lợi ích tốt nhất cho họ.

Điều 3. Các tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng

1. Khi quyết định thời hạn áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, những tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điều 9 Luật xử lý vi phạm hành chính phải được xem xét, gồm:

a) Người vi phạm đã có hành vi ngăn chặn, làm giảm bớt hậu quả của vi phạm hoặc tự nguyện khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại;

b) Người vi phạm đã tự nguyện khai báo, thành thật hối lỗi; tích cực giúp đỡ cơ quan chức năng phát hiện và xử lý vi phạm;

c) Vi phạm trong tình trạng bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của người khác gây ra; vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng; vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết;

d) Vi phạm do bị ép buộc hoặc bị lệ thuộc về vật chất hoặc tinh thần;

đ) Người vi phạm là phụ nữ mang thai, người nuôi con dưới 36 tháng tuổi, người già yếu, người có bệnh hoặc khuyết tật làm hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình;

e) Vi phạm vì hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mà không do mình gây ra;

[...]
17