Loading


Nghị định 112/2014/NĐ-CP quy định về quản lý cửa khẩu biên giới đất liền

Số hiệu 112/2014/NĐ-CP
Ngày ban hành 21/11/2014
Ngày có hiệu lực 15/01/2015
Loại văn bản Nghị định
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Nguyễn Tấn Dũng
Lĩnh vực Xuất nhập khẩu,Bộ máy hành chính

CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 112/2014/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 21 tháng 11 năm 2014

 

NGHỊ ĐỊNH

QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ CỬA KHẨU BIÊN GIỚI ĐẤT LIỀN

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật Biên giới quốc gia ngày 17 tháng 6 năm 2003;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng,

Chính phủ ban hành Nghị định quy định về quản lý cửa khẩu biên giới đất liền.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định:

1. Hoạt động kiểm tra, kiểm soát, giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại cửa khẩu, lối mở biên giới đất liền.

2. Hoạt động xuất cảnh, nhập cảnh đối với người; xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập đối với phương tiện (sau đây gọi tắt là xuất cảnh, nhập cảnh); xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập, quá cảnh, chuyển khẩu đối với hàng hóa, vật phẩm (sau đây gọi tắt là xuất khẩu, nhập khẩu) qua cửa khẩu, lối mở biên giới đất liền (sau đây gọi chung là xuất, nhập qua cửa khẩu).

3. Khu vực cửa khẩu; ra, vào, lưu trú, tạm trú, hoạt động trong khu vực cửa khẩu; điều kiện, thẩm quyền, thời gian hạn chế hoặc tạm dừng các hoạt động qua lại biên giới tại cửa khẩu, lối mở biên giới đất liền.

4. Mở, nâng cấp, quy hoạch, xây dựng phát triển hệ thống cửa khẩu biên giới đất liền.

5. Trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong công tác quản lý cửa khẩu, lối mở biên giới đất liền.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài xuất, nhập qua cửa khẩu; ra, vào, lưu trú, hoạt động trong khu vực cửa khẩu, lối mở biên giới đất liền.

2. Cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành và các cơ quan quản lý nhà nước liên quan đối với các hoạt động xuất, nhập qua cửa khẩu, lối mở biên giới đất liền.

3. Cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền mở, nâng cấp, hạn chế, tạm dừng các hoạt động qua lại cửa khẩu, lối mở biên giới đất liền và quy hoạch, xây dựng phát triển hệ thống cửa khẩu biên giới đất liền.

Điều 3. Giải thích thuật ngữ

Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Quốc môn là cổng quốc gia, được xây dựng tại cửa khẩu, mang đặc trưng văn hóa Việt Nam, thể hiện độc lập dân tộc và là biểu tượng tình hữu nghị, đoàn kết với nước láng giềng.

2. Cửa khẩu biên giới đất liền (sau đây gọi tắt là cửa khẩu biên giới) là nơi thực hiện việc xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, xuất khẩu, nhập khẩu và qua lại biên giới quốc gia trên đất liền, bao gồm cửa khẩu đường bộ, cửa khẩu đường sắt và cửa khẩu biên giới đường thủy nội địa.

3. Cửa khẩu biên giới đường thủy nội địa là cửa khẩu biên giới đất liền được mở trên các tuyến đường thủy đi qua đường biên giới quốc gia trên đất liền.

4. Khu vực cửa khẩu biên giới đất liền (sau đây gọi tắt là khu vực cửa khẩu) là khu vực được xác định, có một phần địa giới hành chính trùng với đường biên giới quốc gia trên đất liền, trong đó bao gồm các khu chức năng để đảm bảo cho các hoạt động quản lý nhà nước và hoạt động dịch vụ, thương mại tại cửa khẩu.

5. Cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại cửa khẩu là các cơ quan thực hiện chức năng, nhiệm vụ làm thủ tục, kiểm tra, kiểm soát, giám sát đối với người, phương tiện, hàng hóa, vật phẩm xuất, nhập qua cửa khẩu; bao gồm: Biên phòng; Hải quan; Kiểm dịch (y tế, động vật, thực vật).

6. Nước láng giềng là nước có chung đường biên giới trên đất liền với nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, bao gồm các nước: Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào, Vương quốc Cămpuchia.

7. Cư dân biên giới hai bên là công dân Việt Nam và công dân nước láng giềng có hộ khẩu thường trú tại xã, phường, thị trấn (hoặc khu vực địa giới hành chính tương đương) có một phần địa giới hành chính trùng hợp với đường biên giới quốc gia trên đất liền.

[...]
38