Loading


Nghị định 27/2021/NĐ-CP về quản lý giống cây trồng lâm nghiệp

Số hiệu 27/2021/NĐ-CP
Ngày ban hành 25/03/2021
Ngày có hiệu lực 15/05/2021
Loại văn bản Nghị định
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Nguyễn Xuân Phúc
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 27/2021/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 25 tháng 3 năm 2021

 

NGHỊ ĐỊNH

VỀ QUẢN LÝ GIỐNG CÂY TRỒNG LÂM NGHIỆP

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Lâm nghiệp ngày 15 tháng 11 năm 2017;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

Chính phủ ban hành Nghị định về quản lý giống cây trồng lâm nghiệp.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định về quản lý giống cây trồng lâm nghiệp, gồm: bảo tồn nguồn gen; nghiên cứu, chọn, tạo, khảo nghiệm giống; nhãn và tên giống cây trồng lâm nghiệp; quản lý chất lượng giống cây trồng lâm nghiệp; sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu, nhập khẩu giống cây trồng lâm nghiệp.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Nghị định này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước có hoạt động liên quan đến nội dung quy định tại Điều 1 Nghị định này trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

1. Giống cây trồng lâm nghiệp là một quần thể cây trồng lâm nghiệp có thể phân biệt được với quần thể cây trồng lâm nghiệp khác thông qua sự biểu hiện của ít nhất một đặc tính và di truyền được cho đời sau; đồng nhất về hình thái, ổn định qua các chu kỳ nhân giống; có giá trị canh tác, giá trị sử dụng.

2. Giống gốc cây trồng lâm nghiệp là giống được nhân lần đầu từ cây trội, cây đầu dòng của một giống đã được công nhận hoặc giống phục tráng (bao gồm: hạt giống, củ giống, rễ, thân, cành, mắt ghép, chồi hoặc mô, cây mô trong bình và cây con) để làm vật liệu nhân giống hoặc để xây dựng các vườn giống, rừng giống.

3. Giống phục tráng là giống được nhân từ cây trội, cây đầu dòng chọn lọc lại từ giống đã được công nhận và được áp dụng các biện pháp kỹ thuật nhằm duy trì, khôi phục các tính trạng ban đầu của giống gốc, khắc phục hiện tượng giống thoái hóa, giảm sút năng suất, chất lượng.

4. Loài cây trồng lâm nghiệp chính là loài cây lâm nghiệp được trồng phổ biến, có tầm quan trọng trong phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường cần được quản lý chặt chẽ.

5. Vật liệu nhân giống cây trồng lâm nghiệp là cây hoặc bộ phận của cây có khả năng phát triển thành cây mới, được dùng để nhân giống hoặc để gieo trồng.

6. Khảo nghiệm giống cây trồng lâm nghiệp là hoạt động theo dõi, đánh giá các chỉ tiêu để xác định tính khác biệt, tính đồng nhất, tính ổn định, giá trị canh tác, giá trị sử dụng của giống cây trồng lâm nghiệp theo phương pháp nhất định.

7. Khảo nghiệm xuất xứ giống cây trồng lâm nghiệp là khảo nghiệm so sánh các xuất xứ của loài trên một số điều kiện lập địa nhất định nhằm chọn được những xuất xứ có tính trạng mong muốn.

8. Khảo nghiệm hậu thế giống cây trồng lâm nghiệp là khảo nghiệm so sánh cây thế hệ sau của các cây trội đã được chọn lọc và đánh giá nhằm chọn được cây trội có khả năng di truyền các đặc tính mong muốn cho đời sau.

9. Khảo nghiệm dòng vô tính giống cây trồng lâm nghiệp là khảo nghiệm đánh giá các dòng vô tính so với giống đã có hoặc giống đang được gieo trồng phổ biến tại địa phương.

10. Tính khác biệt của giống cây trồng lâm nghiệp là khả năng phân biệt rõ ràng của một giống với các giống cây trồng lâm nghiệp khác được biết đến rộng rãi.

11. Tính đồng nhất của giống cây trồng lâm nghiệp là sự biểu hiện giống nhau của giống cây trồng lâm nghiệp về các tính trạng liên quan, trừ những sai lệch trong phạm vi cho phép đối với một số tính trạng cụ thể trong quá trình nhân giống.

12. Tính ổn định của giống cây trồng lâm nghiệp là sự biểu hiện ổn định của các tính trạng liên quan như mô tả ban đầu, không bị thay đổi sau mỗi chu kỳ nhân giống.

Điều 4. Nguyên tắc quản lý giống cây trồng lâm nghiệp

1. Quản lý chặt chẽ theo chuỗi đối với giống các loài cây trồng lâm nghiệp chính, khuyến khích thực hiện đối với các giống cây trồng lâm nghiệp khác, để đảm bảo truy xuất nguồn gốc, nâng cao chất lượng giống.

2. Tổ chức, cá nhân được bảo hộ quyền đối với giống cây trồng lâm nghiệp theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ.

[...]
22