Loading


Nghị định 38/2011/NĐ-CP sửa đổi quy định về thủ tục hành chính của Nghị định 181/2004/NĐ-CP, Nghị định 149/2004/NĐ-CP và Nghị định 160/2005/NĐ-CP

Số hiệu 38/2011/NĐ-CP
Ngày ban hành 26/05/2011
Ngày có hiệu lực 20/07/2011
Loại văn bản Nghị định
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Nguyễn Tấn Dũng
Lĩnh vực Bất động sản,Tài nguyên - Môi trường

CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 38/2011/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 26 tháng 05 năm 2011

 

NGHỊ ĐỊNH

SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU QUY ĐỊNH VỀ THỦ TỤC HÀNH CHÍNH CỦA NGHỊ ĐỊNH SỐ 181/2004/NĐ-CP NGÀY 29 THÁNG 10 NĂM 2004, NGHỊ ĐỊNH SỐ 149/2004/NĐ-CP NGÀY 27 THÁNG 7 NĂM 2004 VÀ NGHỊ ĐỊNH SỐ 160/2005/NĐ-CP NGÀY 27 THÁNG 12 NĂM 2005

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật Đất đai ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Tài nguyên nước ngày 20 tháng 5 năm 1998;

Căn cứ Luật Khoáng sản ngày 20 tháng 3 năm 1996 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khoáng sản ngày 14 tháng 6 năm 2005;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường,

NGHỊ ĐỊNH

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung Điều 123 của Nghị định số 181/2004/NĐ-CP ngày 29 tháng 10 năm 2004 của Chính phủ về thi hành Luật Đất đai như sau:

“Điều 123. Trình tự, thủ tục giao đất, cho thuê đất nông nghiệp đối với hộ gia đình, cá nhân

1. Việc giao đất trồng cây hàng năm, đất làm muối cho hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp, làm muối được thực hiện theo quy định sau:

a) Hộ gia đình, cá nhân nộp đơn đề nghị giao đất, thuê đất tại Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp xã) nơi có đất; trong đơn phải ghi rõ yêu cầu về diện tích đất sử dụng.

Ủy ban nhân dân cấp xã lập phương án giao đất chung cho tất cả các trường hợp được giao đất tại địa phương; lập Hội đồng tư vấn giao đất của địa phương gồm có Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân là Chủ tịch Hội đồng; các thành viên gồm đại diện của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đại diện của Hội Nông dân, trưởng các điểm dân cư thuộc địa phương và cán bộ địa chính (sau đây gọi là Hội đồng tư vấn giao đất) để xem xét và đề xuất ý kiến đối với các trường hợp được giao đất.

b) Căn cứ vào ý kiến của Hội đồng tư vấn giao đất, Ủy ban nhân dân cấp xã hoàn chỉnh phương án giao đất, niêm yết công khai danh sách các trường hợp được giao đất tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã trong thời hạn bảy (07) ngày làm việc và tổ chức tiếp nhận ý kiến đóng góp của nhân dân, công khai ý kiến phản hồi tại nơi đã niêm yết danh sách; hoàn chỉnh phương án giao đất trình Hội đồng nhân dân cùng cấp thông qua trước khi gửi đến Phòng Tài nguyên và Môi trường để thẩm định và trình Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp huyện) xét duyệt.

Hồ sơ gửi Phòng Tài nguyên và Môi trường gồm: Đơn đề nghị giao đất của hộ gia đình, cá nhân; biên bản xét giao đất của Hội đồng tư vấn giao đất; danh sách công khai các trường hợp được giao đất; tổng hợp ý kiến của nhân dân và bản tổng hợp ý kiến phản hồi (nếu có); phương án giao đất đã hoàn thiện và Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp xã, tờ trình của Ủy ban nhân dân cấp xã gửi Ủy ban nhân dân cấp huyện, Phòng Tài nguyên và Môi trường.

c) Phòng Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm thẩm định phương án giao đất; trình Ủy ban nhân dân cùng cấp quyết định giao đất; chỉ đạo Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thực hiện việc giao đất trên thực địa và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sau đây gọi là Giấy chứng nhận).

Thời gian thực hiện các công việc quy định tại điểm này không quá ba mươi (30) ngày làm việc kể từ ngày Phòng Tài nguyên và Môi trường cấp huyện nhận đủ hồ sơ theo quy định cho tới ngày người sử dụng đất nhận được Giấy chứng nhận. Trong đó, thời gian thực hiện các công việc tại Phòng Tài nguyên và Môi trường không quá hai mươi (20) ngày làm việc và tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất không quá mười (10) ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ từ Phòng Tài nguyên và Môi trường chuyển đến.

2. Việc giao đất, cho thuê đất trồng cây lâu năm, đất rừng sản xuất, đất rừng phòng hộ, đất vùng đệm của rừng đặc dụng, đất nuôi trồng thủy sản, đất nông nghiệp khác đối với hộ gia đình, cá nhân được thực hiện theo quy định sau:

a) Hộ gia đình, cá nhân nộp đơn đề nghị giao đất, thuê đất tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất; trong đơn phải ghi rõ yêu cầu về diện tích đất sử dụng.

Đối với trường hợp đề nghị giao đất, thuê đất để nuôi trồng thủy sản thì phải có phương án hoặc dự án nuôi trồng thủy sản được cơ quan quản lý thủy sản cấp huyện thẩm định và phải có bản cam kết bảo vệ môi trường hoặc báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định của pháp luật về môi trường.

b) Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm thẩm tra, ghi ý kiến xác nhận vào đơn đề nghị giao đất, thuê đất về nhu cầu sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân đối với trường hợp đủ điều kiện và gửi đến Phòng Tài nguyên và Môi trường. Thời gian hoàn thành công việc nêu tại điểm này không quá bảy (7) ngày làm việc.

c) Phòng Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm thẩm tra các trường hợp đề nghị giao đất, thuê đất; xác minh thực địa khi cần thiết, trình Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định giao đất, cho thuê đất; chỉ đạo Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thực hiện các công việc nêu tại điểm d khoản này và trình cấp Giấy chứng nhận; ký hợp đồng thuê đất đối với trường hợp được thuê đất. Thời gian hoàn thành công việc nêu tại điểm này không quá hai mươi (20) ngày làm việc.

d) Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất có trách nhiệm làm trích lục bản đồ địa chính hoặc trích đo địa chính khu đất đối với nơi chưa có bản đồ địa chính, trích sao hồ sơ địa chính, in Giấy chứng nhận và gửi đến Phòng Tài nguyên và Môi trường. Thời gian hoàn thành công việc nêu tại điểm này không quá mười (10) ngày làm việc.

3. Tiêu chuẩn để hộ gia đình, cá nhân được giao đất nông nghiệp theo thứ tự ưu tiên cho hộ gia đình, cá nhân không có đất sản xuất, thiếu đất sản xuất nông nghiệp theo bình quân diện tích đất nông nghiệp tại xã.”

Điều 2. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 149/2004/NĐ-CP ngày 27 tháng 7 năm 2004 của Chính phủ quy định việc cấp phép thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước:

1. Khoản 3 Điều 7 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“3. Thời hạn của giấy phép khai thác, sử dụng nước dưới đất không quá mười lăm (15) năm và được xem xét gia hạn nhiều lần, mỗi lần gia hạn không quá mười (10) năm. Đối với trường hợp nguồn nước đảm bảo khai thác ổn định lâu dài, thời hạn tối thiểu của giấy phép khai thác, sử dụng nước dưới đất là năm (05) năm.”

[...]
2