Loading


Nghị định 79/2000/NĐ-CP Hướng dẫn Luật Thuế giá trị gia tăng

Số hiệu 79/2000/NĐ-CP
Ngày ban hành 29/12/2000
Ngày có hiệu lực 01/01/2001
Loại văn bản Nghị định
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Nguyễn Tấn Dũng
Lĩnh vực Thuế - Phí - Lệ Phí

CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 79/2000/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 29 tháng 12 năm 2000

 

NGHỊ ĐỊNH

CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 79/2000/NĐ-CP NGÀY 29 THÁNG 12 NĂM 2000 QUY ĐỊNH CHI TIẾT THI HÀNH LUẬT THUẾ GIÁ TRỊ GIA TĂNG

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Căn cứ Luật Thuế giá trị gia tăng số 02/1997/QH9 ngày 10 tháng 5 năm 1997;
Căn cứ Nghị quyết số 90/NQ-UBTVQH10 ngày 03 tháng 9 năm 1999 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về việc sửa đổi, bổ sung một số danh mục hàng hoá, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng và thuế suất thuế giá trị gia tăng đối với một số hàng hoá, dịch vụ;
Căn cứ Nghị quyết số 240/2000/NQ-UBTVQH10 ngày 27 tháng 10 năm 2000 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về việc sửa đổi, bổ sung danh mục hàng hoá, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng và thuế suất thuế giá trị gia tăng đối với một số hàng hoá, dịch vụ;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính;

NGHỊ ĐỊNH

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Thuế giá trị gia tăng là thuế tính trên khoản giá trị tăng thêm của hàng hoá, dịch vụ phát sinh trong quá trình sản xuất, lưu thông đến tiêu dùng.

Điều 2. Đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng là hàng hoá, dịch vụ dùng cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng ở Việt Nam, trừ các đối tượng quy định tại Điều 4 của Nghị định này.

Điều 3. Đối tượng nộp thuế giá trị gia tăng theo quy định tại Điều 3 của Luật Thuế giá trị gia tăng là các tổ chức, cá nhân có hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ chịu thuế giá trị gia tăng ở Việt Nam, không phân biệt ngành nghề, hình thức, tổ chức kinh doanh (gọi chung là cơ sở kinh doanh) và các tổ chức, cá nhân khác có nhập khẩu hàng hoá chịu thuế giá trị gia tăng (gọi chung là người nhập khẩu).

Điều 4. Đối tượng thuộc diện không chịu thuế giá trị gia tăng theo quy định tại Điều 4 của Luật Thuế giá trị gia tăng, Điều 1 Nghị quyết số 90/1999/NQ-UBTVQH10 ngày 03 tháng 9 năm 1999 và Điều 1 Nghị quyết số 240/2000/NQ-UBTVQH10 ngày 27 tháng 10 năm 2000 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về việc sửa đổi, bổ sung danh mục hàng hoá, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng và thuế suất thuế giá trị gia tăng đối với một số hàng hoá, dịch vụ được quy định cụ thể như sau:

1. Sản phẩm trồng trọt (bao gồm cả sản phẩm rừng trồng), chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ sơ chế thông thường của các tổ chức, cá nhân tự sản xuất và bán ra;

Sơ chế thông thường là việc sơ chế gắn với quá trình sản xuất ra sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản mà các loại sản phẩm này qua sơ chế chưa trở thành loại sản phẩm, hàng hoá khác;

2. Sản phẩm muối được sản xuất từ nước biển, muối mỏ tự nhiên, muối tinh, muối i-ốt;

3. Hàng hoá, dịch vụ thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt không phải nộp thuế giá trị gia tăng ở khâu sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh dịch vụ đã chịu thuế tiêu thụ đặc biệt;

4. Thiết bị, máy móc, phương tiện vận tải chuyên dùng nằm trong dây chuyền công nghệ và vật tư xây dựng thuộc loại trong nước chưa sản xuất được, cần nhập khẩu để tạo tài sản cố định của doanh nghiệp; máy bay, dàn khoan, tàu thuỷ thuê của nước ngoài loại trong nước chưa sản xuất được dùng cho sản xuất, kinh doanh; thiết bị, máy móc, phụ tùng thay thế, phương tiện vận tải chuyên dùng và vật tư thuộc loại trong nước chưa sản xuất được cần nhập khẩu để tiến hành hoạt động tìm kiếm, thăm dò, phát triển mỏ dầu khí.

Trường hợp cơ sở nhập khẩu dây chuyền thiết bị, máy móc đồng bộ thuộc diện không chịu thuế giá trị gia tăng nhưng trong dây chuyền đồng bộ đó có cả loại thiết bị, máy móc trong nước đã sản xuất được thì không tính thuế giá trị gia tăng cho cả dây chuyền thiết bị, máy móc đồng bộ.

Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan ban hành danh mục thiết bị, máy móc, phụ tùng thay thế, phương tiện vận tải chuyên dùng và vật tư xây dựng thuộc loại trong nước đã sản xuất được để làm cơ sở phân biệt với loại trong nước chưa sản xuất được cần nhập khẩu thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng quy định tại khoản này.

Bộ Tài chính hướng dẫn thủ tục, hồ sơ đối với các trường hợp không chịu thuế giá trị gia tăng quy định tại khoản này;

5. Chuyển quyền sử dụng đất thuộc diện chịu thuế chuyển quyền sử dụng đất;

6. Nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước do Nhà nước bán cho người đang thuê;

7. Dịch vụ tín dụng và quỹ đầu tư, bao gồm: hoạt động cho vay vốn, cho thuê tài chính của các tổ chức tín dụng, ngân hàng, quỹ đầu tư, công ty tài chính và các hoạt động chuyển nhượng vốn; hoạt động kinh doanh chứng khoán;

8. Bảo hiểm nhân thọ; bảo hiểm học sinh; bảo hiểm vật nuôi, cây trồng và các loại bảo hiểm không nhằm mục đích kinh doanh;

9. Dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, phòng dịch bệnh, điều dưỡng sức khoẻ cho người và dịch vụ thú y;

10. Hoạt động văn hoá, triển lãm và thể dục, thể thao mang tính phong trào, quần chúng, tổ chức luyện tập, thi đấu không thu tiền hoặc có thu tiền nhưng không nhằm mục đích kinh doanh;

Hoạt động biểu diễn nghệ thuật như: ca múa, nhạc, kịch, xiếc, biểu diễn nghệ thuật khác; dịch vụ tổ chức biểu diễn nghệ thuật; sản xuất phim các loại;

Nhập khẩu, phát hành và chiếu phim: đối với phim nhựa không phân biệt chủ đề loại phim; đối với phim ghi trên băng hình, đĩa hình chỉ là phim tài liệu, phóng sự, khoa học;

11. Dạy học, dạy nghề bao gồm dạy văn hoá, ngoại ngữ, tin học và dạy các nghề khác;

[...]
3