Loading


Dự thảo Nghị định quản lý lao động, tiền lương, thù lao, tiền thưởng trong doanh nghiệp nhà nước

Số hiệu Khongso
Ngày ban hành 26/11/2024
Ngày có hiệu lực
Loại văn bản Nghị định
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Phạm Minh Chính
Lĩnh vực Doanh nghiệp,Lao động - Tiền lương

CHÍNH PHỦ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số:        /2025/NĐ-CP

(DỰ THẢO)

Hà Nội, ngày       tháng      năm 2025

 

NGHỊ ĐỊNH

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Bộ luật Lao động ngày 20 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Doanh nghiệp ngày 17 tháng 6 năm 2020;

Căn cứ Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp ngày 26 tháng 11 năm 2014;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;

Chính phủ ban hành Nghị định quản lý lao động, tiền lương, thù lao, tiền thưởng trong doanh nghiệp nhà nước.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định về quản lý lao động, tiền lương, thù lao, tiền thưởng trong doanh nghiệp nhà nước, bao gồm:

1. Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ theo quy định tại khoản 2 Điều 88 Luật Doanh nghiệp.

2. Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết theo quy định tại khoản 3 Điều 88 Luật Doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này sau đây gọi chung là doanh nghiệp.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động; người lao động là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng, sĩ quan, hạ sĩ quan, công nhân công an, người làm công tác cơ yếu.

2. Tổng giám đốc, Giám đốc, Phó tổng giám đốc, Phó giám đốc, Kế toán trưởng (sau đây gọi chung là Ban điều hành).

3. Chủ tịch và thành viên Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty, Chủ tịch và thành viên Hội đồng quản trị, không bao gồm thành viên độc lập Hội đồng quản trị (sau đây gọi chung là Thành viên hội đồng).

4. Trưởng Ban kiểm soát, Kiểm soát viên (sau đây gọi chung là Kiểm soát viên).

5. Người đại diện phần vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp và cơ quan đại diện chủ sở hữu theo quy định của Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.

6. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc thực hiện các quy định tại Nghị định này.

Điều 3. Nguyên tắc chung quản lý lao động, tiền lương, thù lao, tiền thưởng

1. Lao động, tiền lương, thù lao, tiền thưởng trong doanh nghiệp được xác định gắn với nhiệm vụ, năng suất lao động và hiệu quả sản xuất, kinh doanh, phù hợp với ngành nghề, tính chất hoạt động của doanh nghiệp, hướng đến bảo đảm mặt bằng tiền lương trên thị trường lao động; thực hiện cơ chế tiền lương phù hợp để doanh nghiệp thu hút, khuyến khích đội ngũ nhân lực công nghệ cao thuộc các lĩnh vực công nghệ cao được Nhà nước ưu tiên phát triển.

2. Nhà nước thực hiện quản lý lao động, tiền lương, tiền thưởng đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thông qua giao nhiệm vụ, trách nhiệm cho cơ quan đại diện chủ sở hữu và người đại diện chủ sở hữu trực tiếp tại doanh nghiệp; đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết thì thông qua cơ quan đại diện chủ sở hữu giao nhiệm vụ, trách nhiệm cho người đại diện phần vốn nhà nước để tham gia, biểu quyết, quyết định tại cuộc họp của Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị hoặc Đại hội đồng cổ đông.

3. Căn cứ quy định tại Nghị định này, pháp luật về lao động, việc làm, Điều lệ hoạt động và chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp quyết định việc tuyển dụng, sử dụng lao động, xây dựng thang, bảng lương, định mức lao động, xác định quỹ tiền lương, tiền thưởng và trả lương, thưởng đối với người lao động theo vị trí chức danh hoặc công việc, bảo đảm trả lương, thưởng thỏa đáng, không hạn chế mức tối đa đối với chuyên gia, người có tài năng, trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao, đóng góp nhiều cho doanh nghiệp. 

4. Thực hiện tách bạch tiền lương, thù lao của Thành viên hội đồng, Kiểm soát viên với tiền lương của Ban điều hành, trong đó:

a) Đối với Ban điều hành, tiền lương được tính chung với quỹ tiền lương của người lao động. Tiền lương chi trả cho Ban điều hành được gắn với hiệu quả sản xuất, kinh doanh và có khống chế mức hưởng tối đa của Tổng giám đốc, Giám đốc so với mức tiền lương bình quân chung của người lao động (trường hợp thành viên Ban điều hành được thuê làm việc theo hợp đồng lao động thì mức tiền lương được chi trả theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động).

b) Đối với Thành viên hội đồng, Kiểm soát viên làm việc chuyên trách, tiền lương được xác định trên cơ sở mức lương cơ bản, tiền lương tăng thêm gắn với quy mô, mức độ phức tạp của quản lý, hiệu quả sản xuất, kinh doanh, hiệu quả sử dụng vốn nhà nước; Thành viên hội đồng, Kiểm soát viên làm việc không chuyên trách hưởng thù lao theo thời gian làm việc thực tế. Trường hợp Thành viên hội đồng đồng thời đảm nhận chức danh Ban điều hành thì hưởng tiền lương theo chức danh Ban điều hành và thù lao theo chức danh Thành viên hội đồng làm việc không chuyên trách; Chủ tịch công ty kiêm Tổng giám đốc, Giám đốc thì hưởng tiền lương theo chức danh Chủ tịch công ty; Ban kiểm soát chỉ có 01 Kiểm soát viên theo quy định tại Điều 103 Luật Doanh nghiệp thì Kiểm soát viên được hưởng tiền lương, thù lao của chức danh Trưởng Ban kiểm soát.

[...]
5