Loading


Nghị quyết 01/NQ-CP năm 2013 về giải pháp chủ yếu chỉ đạo thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2013 do Chính phủ ban hành

Số hiệu 01/NQ-CP
Ngày ban hành 07/01/2013
Ngày có hiệu lực 07/01/2013
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Nguyễn Tấn Dũng
Lĩnh vực Tài chính nhà nước

CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 01/NQ-CP

Hà Nội, ngày 07 tháng 01 năm 2013

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ NHỮNG GIẢI PHÁP CHỦ YẾU CHỈ ĐẠO ĐIỀU HÀNH THỰC HIỆN KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI VÀ DỰ TOÁN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 2013

Năm 2012, mặc dù nền kinh tế tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức trong bối cảnh kinh tế thế giới diễn biến phức tạp, khó lường nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo điều hành quyết liệt của Chính phủ, nỗ lực của các ngành, các cấp, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, nền kinh tế nước ta đã có chuyển biến tích cực và đạt được những kết quả quan trọng trong việc kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội: Lạm phát được kiềm chế ở mức 6,81%; xuất khẩu tiếp tục đà tăng trưởng, cơ bản cân bằng xuất - nhập khẩu; các cân đối về tiền tệ, tín dụng, tài chính được kiểm soát; thị trường ngoại hối và tỷ giá ngoại tệ ổn định; dự trữ ngoại hối tăng. Nông nghiệp tiếp tục phát triển ổn định; các ngành du lịch, dịch vụ tăng trưởng khá. Các chính sách an sinh xã hội được quan tâm, đời sống của nhân dân được cải thiện. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; tiềm lực quốc phòng, an ninh được tăng cường; công tác đối ngoại tiếp tục phát huy kết quả.

Tuy nhiên, áp lực lạm phát và bất ổn kinh tế vĩ mô vẫn còn lớn; thị trường tiền tệ chưa thực sự ổn định, lãi suất cho vay tuy đã giảm nhưng vẫn còn cao, nợ xấu có xu hướng gia tăng; sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn, nhất là trong tiếp cận vốn tín dụng, hàng tồn kho cao; thị trường bất động sản trầm lắng; thị trường chứng khoán sụt giảm mạnh. Đời sống của người dân, nhất là các đối tượng chính sách, người nghèo, người lao động có thu nhập thấp vẫn còn khó khăn. Tai nạn giao thông tuy giảm nhưng còn ở mức cao. Tình trạng khiếu kiện, tội phạm, tệ nạn xã hội, tham nhũng còn diễn biến phức tạp,... Thực trạng này đòi hỏi sự nỗ lực cố gắng và quyết tâm cao hơn nữa của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong thời gian tới.

Mục tiêu tổng quát của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013 đã được Quốc hội thông qua là: Tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô; lạm phát thấp hơn, tăng trưởng cao hơn năm 2012. Đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội. Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế. Tăng cường quốc phòng, an ninh và bảo đảm ổn định chính trị - xã hội. Tạo nền tảng phát triển vững chắc hơn cho những năm tiếp theo.

Các chỉ tiêu chủ yếu của năm 2013 như sau: Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 5,5%; Kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 10%; tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu khoảng 8%; bội chi ngân sách nhà nước không quá 4,8% GDP; tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) khoảng 6% - 6,5%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 30% GDP; tỷ lệ hộ nghèo giảm 2%, riêng các huyện nghèo giảm 4%; tạo việc làm cho khoảng 1,6 triệu lao động; tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 49%; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng giảm xuống dưới 16%; số giường bệnh trên một vạn dân (không tính giường trạm y tế xã) đạt 22 giường; tỷ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý đạt 84%; tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường đạt 75%; tỷ lệ che phủ rừng đạt 40,7%; tỷ lệ dân đô thị được cung cấp nước sạch đạt 79%; tỷ lệ thu gom và xử lý rác thải đạt 84%.

Để thực hiện có kết quả các Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2013, Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan Trung ương, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện các giải pháp chủ yếu sau đây:

Phần thứ nhất.

NHỮNG GIẢI PHÁP CHỦ YẾU CHỈ ĐẠO ĐIỀU HÀNH THỰC HIỆN KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TỂ XÃ HỘI VÀ DỰ TOÁN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 2013

I. TĂNG CƯỜNG ỔN ĐỊNH KINH TẾ VĨ MÔ, KIỀM CHẾ LẠM PHÁT

1. Thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt, thận trọng, hiệu quả

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan, địa phương:

- Điều hành chính sách tiền tệ thận trọng, hiệu quả; sử dụng linh hoạt, hiệu quả các công cụ của chính sách tiền tệ; gắn kết chặt chẽ, đồng bộ với chính sách tài khóa nhằm bảo đảm thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, tăng cường ổn định vĩ mô và bảo đảm tăng trưởng hợp lý.

- Điều hành lãi suất và tín dụng phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, mục tiêu kiểm soát lạm phát và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế; đảm bảo an toàn thanh khoản và hoạt động của hệ thống tổ chức tín dụng và của nền kinh tế.

- Điều hành tỷ giá theo tín hiệu thị trường, bảo đảm giá trị đồng tiền Việt Nam; khẩn trương hoàn thiện cơ chế quản lý, ổn định thị trường vàng, bảo đảm giá vàng trong nước sát với giá vàng quốc tế; thực hiện các biện pháp đồng bộ để cải thiện cán cân thanh toán quốc tế và tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước.

- Mở rộng các hình thức thanh toán qua ngân hàng và thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế; tiếp tục triển khai có hiệu quả Đề án đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2011 - 2015 theo Quyết định số 2453/QĐ-TTg ngày 27 tháng 12 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ.

- Cơ bản hoàn thành việc cơ cấu lại các tổ chức tài chính, tín dụng yếu kém; kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động tài chính, ngân hàng; hỗ trợ phát triển lành mạnh thị trường chứng khoán.

2. Thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ, triệt để tiết kiệm

a) Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan, địa phương:

- Tập trung thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp về ngân sách nhà nước, bảo đảm thực hiện các nhiệm vụ thu, chi theo dự toán đã được Quốc hội quyết định. Phấn đấu tăng thu, triệt để tiết kiệm chi để tạo nguồn xử lý các nhiệm vụ chi cấp thiết phát sinh, giữ bội chi ngân sách nhà nước không quá 4,8%GDP.

- Tăng cường công tác chống thất thu, xử lý nợ đọng thuế, chống chuyển giá; đẩy mạnh kiểm tra, thanh tra thuế, nhất là các lĩnh vực, khoản thu có khả năng thất thu cao; xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu thuế; tăng cường chế tài, thực thi pháp luật về thuế. Đẩy mạnh và đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, hỗ trợ, tư vấn pháp luật về thuế cho cộng đồng xã hội. Tổng kết, đánh giá, kiến nghị giải pháp phù hợp đối với chính sách động viên, huy động, sử dụng các nguồn thu từ đất đai, tài nguyên, công sản, đặc biệt là đất đai, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quý II năm 2013.

- Rà soát, quản lý chặt chẽ các khoản chi, bảo đảm trong phạm vi dự toán đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và theo đúng chế độ quy định; tổ chức thực hiện nghiêm, có hiệu quả các biện pháp chống thất thoát, lãng phí, tham nhũng. Hướng dẫn thực hiện nghiêm Chỉ thị số 30/CT-TTg ngày 26 tháng 11 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, nhất là các khoản chi: mua xe công; tổ chức lễ hội, hội nghị, hội thảo, tổng kết, lễ ký kết, khởi công, phong tặng danh hiệu,...; chi phí điện, nước, điện thoại, văn phòng phẩm và các chi phí khác.

- Xây dựng và triển khai dự toán ngân sách nhà nước gắn với chiến lược và định hướng phát triển trong từng thời kỳ, đảm bảo tính bền vững của ngân sách nhà nước, phản ánh được thứ tự ưu tiên trong phân bổ nguồn ngân sách nhà nước đối với từng ngành, lĩnh vực.

- Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương trong việc xây dựng và ban hành các cơ chế, chính sách tài chính, chi tiêu các chương trình mục tiêu quốc gia.

- Thực hiện nghiêm kỷ luật tài chính, ngân sách nhà nước; tăng cường kiểm tra, giám sát việc sử dụng ngân sách nhà nước. Tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra các khoản chi trong cân đối ngân sách nhà nước, các khoản chi được quản lý qua ngân sách nhà nước; vay về cho vay lại; bảo lãnh vay của Chính phủ; các khoản chi từ các quỹ tài chính Nhà nước; tích cực thu hồi các khoản vay, tạm ứng của các Bộ, địa phương. Thực hiện minh bạch hóa chi tiêu của ngân sách nhà nước và đầu tư công.

- Quản lý chặt chẽ nợ công và nợ nước ngoài quốc gia, bảo đảm an toàn về nợ và an ninh tài chính quốc gia. Tăng cường công tác giám sát, quản lý rủi ro và cơ cấu lại nợ công, nợ Chính phủ, nợ quốc gia; trích lập dự phòng rủi ro và chủ động bố trí nguồn trả nợ các khoản vay đến hạn, không để xảy ra tình trạng nợ quá hạn. Tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, giám sát, nâng cao hiệu quả huy động và sử dụng vốn vay.

- Đẩy mạnh phát triển đa dạng hóa thị trường trái phiếu theo hướng tăng cường các công cụ nợ có kỳ hạn dài từ 10 năm trở lên; rà soát các quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp để tạo thêm điều kiện cho các doanh nghiệp huy động vốn đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh ngoài nguồn vốn tín dụng của hệ thống các tổ chức tín dụng.

b) Các Bộ, cơ quan, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, doanh nghiệp nhà nước thực hiện nghiêm Chỉ thị số 30/CT-TTg ngày 26 tháng 11 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Rà soát kỹ các chương trình kiểm tra, thanh tra, các đoàn công tác từ cấp trên xuống cấp dưới, bảo đảm gọn nhẹ, tiết kiệm, hiệu quả; nghiêm cấm việc tổ chức đón tiếp gây tốn kém chi phí. Hạn chế tối đa các đoàn đi học tập, khảo sát, tham khảo kinh nghiệm nước ngoài từ nguồn ngân sách nhà nước. Việc đi công tác nước ngoài phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt và được xây dựng trong chương trình công tác ngay từ đầu năm.

[...]
5