Loading


Nghị quyết số 03/2000/NQ-CP về kinh tế trang trại do Chính phủ ban hành

Số hiệu 03/2000/NQ-CP
Ngày ban hành 02/02/2000
Ngày có hiệu lực 17/02/2000
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Phan Văn Khải
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 03/2000/NQ-CP

Hà Nội, ngày 02 tháng 2 năm 2000

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ KINH TẾ TRANG TRẠI

I. ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH

Thực hiện đường lối đổi mới của Đảng và Nhà nước, kinh tế hộ nông dân đã phát huy tác dụng to lớn, tạo sức mạnh mới trong sự nghiệp phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn. Trên nền tảng kinh tế tự chủ của hộ nông dân đã hình thành các trang trại được đầu tư vốn, lao động với trình độ công nghệ và quản lý cao hơn, nhằm mở rộng quy mô sản xuất hàng hoá và nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh trong cơ chế thị trường.

Hiện nay, hình thức kinh tế trang trại đang tăng nhanh về số lượng với nhiều thành phần kinh tế tham gia, nhưng chủ yếu vẫn là trang trại hộ gia đình nông dân và một tỷ lệ đáng kể của gia đình cán bộ, công nhân, viên chức, bộ đội, công an đã nghỉ hưu. Hầu hết các trang trại có quy mô đất đai dưới mức hạn điền, với nguồn gốc đa dạng, sử dụng lao động của gia đình là chủ yếu; một số có thuê lao động thời vụ và lao động thường xuyên, tiền công lao động được thoả thuận giữa hai bên. Hầu hết vốn đầu tư là vốn tự có và vốn vay của cộng đồng; vốn vay của tổ chức tín dụng chỉ chiếm tỷ trọng thấp. Phần lớn trang trại phát huy được lợi thế của từng vùng, kinh doanh tổng hợp, lấy ngắn nuôi dài.

Sự phát triển của kinh tế trang trại đã góp phần khai thác thêm nguồn vốn trong dân, mở mang thêm diện tích đất trống, đồi núi trọc, đất hoang hoá, nhất là ở các vùng trung du, miền núi và ven biển; tạo thêm việc làm cho lao động nông thôn, góp phần xoá đói giảm nghèo; tăng thêm nông sản hàng hoá. Một số trang trại đã góp phần sản xuất và cung ứng giống tốt, làm dịch vụ, kỹ thuật tiêu thụ sản phẩm cho nông dân trong vùng.

Tuy nhiên, quá trình phát triển kinh tế trang trại đang đặt ra nhiều vấn đề cần được giải quyết kịp thời.

1. Mặc dù Đảng và Nhà nước đã có chủ trương về phát triển kinh tế trang trại, song còn một số vấn đề về quan điểm và chính sách phải tiếp tục làm rõ như: việc giao đất, thuê đất, chuyển nhượng, tích tụ đất để làm kinh tế trang trại; việc thuê mướn, sử dụng lao động; việc cán bộ, đảng viên làm kinh tế trang trại; việc đăng ký hoạt động và thuế thu nhập của trang trại...Những vấn đề đó chậm được giải quyết đã phần nào hạn chế việc khai thác tiềm lực phong phú ở nhiều vùng để phát triển kinh tế trang trại.

2. Hiện còn khoảng 30% trang trại chưa được giao đất, thuê đất ổn định, lâu dài, nên chủ trang trại chưa thực sự yên tâm đầu tư sản xuất.

3. Hầu hết các địa phương có trang trại phát triển chưa làm tốt công tác quy hoạch sản xuất, thuỷ lợi, giao thông, điện, nước sinh hoạt, thông tin liên lạc; thị trường còn kém phát triển.

4. Phần lớn chủ trang trại còn thiếu hiểu biết về thị trường, khoa học kỹ thuật và quản lý, thiếu vốn sản xuất để phát triển lâu dài, thường lúng túng và chịu thua thiệt khi giá nông sản xuống thấp, tiêu thụ sản phẩm gặp khó khăn.

II. QUAN ĐIỂM VÀ CHÍNH SÁCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ TRANG TRẠI

Trên cơ sở tổng kết thực tiễn hình thành và phát triển các trang trại trong thời gian qua và căn cứ vào chủ trương đối với kinh tế trang trại đã được nêu trong Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (tháng 12 năm 1997) và Nghị quyết số 06 ngày 10 tháng 11 năm 1998 của Bộ Chính trị về phát triển nông nghiệp và nông thôn, cần giải quyết một số vấn đề về quan điểm và chính sách nhằm tạo môi trường và điều kiện thuận lợi hơn cho sự phát triển mạnh mẽ kinh tế trang trại trong thời gian tới.

1. Thống nhất nhận thức về tính chất và vị trí của kinh tế trang trại:

- Kinh tế trang trại là hình thức tổ chức sản xuất hàng hoá trong nông nghiệp, nông thôn, chủ yếu dựa vào hộ gia đình, nhằm mở rộng quy mô và nâng cao hiệu quả sản xuất trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản, trồng rừng, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ nông, lâm, thuỷ sản.

- Phát triển kinh tế trang trại nhằm khai thác, sử dụng có hiệu quả đất đai, vốn, kỹ thuật, kinh nghiệm quản lý góp phần phát triển nông nghiệp bền vững; tạo việc làm, tăng thu nhập; khuyến khích làm giàu đi đôi với xoá đói giảm nghèo; phân bổ lại lao động, dân cư, xây dựng nông thôn mới .

- Quá trình chuyển dịch, tích tụ ruộng đất hình thành các trang trại gắn liền với quá trình phân công lại lao động ở nông thôn, từng bước chuyển dịch lao động nông nghiệp sang làm các ngành phi nông nghiệp, thúc đẩy tiến trình công nghiệp hoá trong nông nghiệp và nông thôn.

2. Một số chính sách lâu dài của Nhà nước đối với kinh tế trang trại

- Nhà nước khuyến khích phát triển và bảo hộ kinh tế trang trại. Các hộ gia đình, cá nhân đầu tư phát triển kinh tế trang trại được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ổn định, lâu dài theo pháp luật để sản xuất kinh doanh.

- Nhà nước đặc biệt khuyến khích việc đầu tư khai thác và sử dụng có hiệu quả đất trống, đồi núi trọc ở trung du, miền núi, biên giới, hải đảo, tận dụng khai thác các loại đất còn hoang hoá, ao, hồ, đầm, bãi bồi ven sông, ven biển, mặt nước eo vịnh, đầm phá để sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp theo hướng chuyên canh với tỷ suất hàng hoá cao. Đối với vùng đất hẹp, người đông, khuyến khích phát triển kinh tế trang trại sử dụng ít đất, nhiều lao động, thâm canh cao gắn với chế biến và thương mại, dịch vụ, làm ra nông sản có giá trị kinh tế lớn. Ưu tiên giao đất, cho thuê đất đối với những hộ nông dân có vốn, kinh nghiệm sản xuất, quản lý, có yêu cầu mở rộng quy mô sản xuất nông nghiệp hàng hoá và những hộ không có đất sản xuất nông nghiệp mà có nguyện vọng tạo dựng cơ nghiệp lâu dài trong nông nghiệp.

- Nhà nước thực hiện nhất quán chính sách phát huy kinh tế tự chủ của hộ nông dân, phát triển kinh tế trang trại đi đôi với chuyển đổi hợp tác xã cũ, mở rộng các hình thức kinh tế hợp tác, liên kết sản xuất - kinh doanh giữa các hộ nông dân, các trang trại, các nông, lâm trường quốc doanh, doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác để tạo động lực và sức mạnh tổng hợp cho nông nghiệp, nông thôn phát triển.

- Nhà nước hỗ trợ về vốn, khoa học-công nghệ, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, xây dựng kết cấu hạ tầng, tạo điều kiện thuận lợi cho các trang trại phát triển bền vững.

- Tăng cường công tác quản lý Nhà nước để các trang trại phát triển lành mạnh, có hiệu quả.

3. Về chính sách cụ thể.

a) Chính sách đất đai

- Hộ gia đình có nhu cầu và khả năng sử dụng đất để phát triển trang trại được Nhà nước giao đất hoặc cho thuê đất và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Thẩm quyền giao đất, cho thuê đất được áp dụng theo quy định tại Nghị định số 85/1999/NĐ-CP, ngày 28 tháng 8 năm 1999 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số quy định về việc giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định lâu dài và Nghị định số 163/1999/NĐ-CP, ngày 16 tháng 11 năm 1999 của Chính phủ về giao đất, cho thuê đất lâm nghiệp cho tổ chức, hộ gia đình và cá nhân sử dụng ổn định, lâu dài vào mục đích lâm nghiệp.

Hộ gia đình trực tiếp sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản sống tại địa phương có nhu cầu và khả năng sử dụng đất để mở rộng sản xuất thì ngoài phần đất đã được giao trong hạn mức của địa phương còn được ủy ban nhân dân xã xét cho thuê đất để phát triển trang trại.

Hộ gia đình phi nông nghiệp có nguyện vọng và khả năng tạo dựng cơ nghiệp lâu dài từ sản xuất nông, lâm nghiệp và nuôi trồng thuỷ sản được ủy ban nhân dân xã cho thuê đất để làm kinh tế trang trại.

[...]
27
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ