Loading


Nghị quyết 06/NQ-CP năm 2012 về Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2011-2016 do Chính phủ ban hành

Số hiệu 06/NQ-CP
Ngày ban hành 07/03/2012
Ngày có hiệu lực 07/03/2012
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Nguyễn Tấn Dũng
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

CHÍNH PHỦ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 06/NQ-CP

Hà Nội, ngày 07 tháng 03 năm 2012

 

NGHỊ QUYẾT

BAN HÀNH CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG CỦA CHÍNH PHỦ NHIỆM KỲ 2011-2016

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Nghị quyết của Quốc hội tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIII;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Ban hành kèm theo Nghị quyết này Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2011-2016.

Điều 2. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Điều 3. Các Thành viên Chính phủ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị quyết này.

 

 

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Các Thành viên Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan  thuộc CP;
- Văn phòng BCĐ TW về phòng, chống tham nhũng;
- HĐND, UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Văn phòng TW và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- UB Giám sát tài chính Quốc gia;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ngân hàng Chính sách Xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ủy ban TW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan TW của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc;
- Lưu: Văn thư, TH (5b)

TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG




Nguyễn Tấn Dũng

 

CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG CỦA CHÍNH PHỦ NHIỆM KỲ 2011-2016

(Ban hành kèm theo Nghị quyết số 06/NQ-CP ngày 07 tháng 3 năm 2012 của Chính phủ)

Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2011-2016 được xây dựng nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu đề ra tại Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, các nghị quyết của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Nghị quyết của Quốc hội khóa XIII, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011-2020, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015; trong đó, những năm đầu của kế hoạch 5 năm 2011-2015 tập trung thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý, tiến hành tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; những năm cuối, nếu có điều kiện thuận lợi sẽ phát triển ở mức cao hơn để bình quân 5 năm đạt được mục tiêu, nhiệm vụ Đại hội Đảng đề ra. Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2011-2016 tập trung vào các nội dung chủ yếu sau:

Phần thứ nhất.

NHỮNG NHIỆM VỤ CHỦ YẾU CẦN TẬP TRUNG CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH

1. Ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm nền kinh tế phát triển bền vững

a) Điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt nhằm ổn định giá trị đồng tiền thể hiện bằng mức tăng chỉ số giá tiêu dùng; vận hành các công cụ chính sách tiền tệ theo nguyên tắc thị trường nhằm kiểm soát lượng cung tiền cho nền kinh tế. Đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại các ngân hàng thương mại, củng cố, lành mạnh hóa hệ thống các tổ chức tín dụng; áp dụng các thông lệ và chuẩn mực mới phù hợp với thông lệ quốc tế và điều kiện Việt Nam. Hiện đại hóa và từng bước hoàn thiện hệ thống thanh toán, đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế. Tăng khả năng tiếp cận vốn của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp xuất khẩu, chế biến nông sản, sản xuất hàng tiêu dùng, tạo việc làm thu nhập cho người lao động. Kiên quyết khắc phục tình trạng đô la hóa; thiết lập trật tự kỷ cương trong việc sử dụng ngoại tệ.

b) Sử dụng hiệu quả các nguồn tài chính công và thực hiện chính sách tài khóa minh bạch. Đổi mới và hoàn thiện hệ thống thuế theo hướng giảm tỷ lệ huy động vào ngân sách nhà nước, tạo cơ sở cho việc hình thành tỷ lệ và cơ cấu thu hợp lý. Quản lý, phân phối và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực tài chính. Thực hiện đổi mới các chính sách chi tiêu công, gắn xây dựng dự toán ngân sách nhà nước hàng năm với việc xây dựng kế hoạch tài chính và chi tiêu trung hạn. Hoàn thiện cơ chế, chính sách tài chính đối với khu vực sự nghiệp công và doanh nghiệp nhà nước. Kiểm tra, giám sát và kiểm toán chặt chẽ việc sử dụng ngân sách, tài sản của nhà nước ở các đơn vị sử dụng ngân sách. Công khai kết quả thanh tra, kiểm tra, kiểm toán và kết quả xử lý của từng cấp, từng đơn vị; công khai tài chính doanh nghiệp nhà nước, các quỹ tài chính ở địa phương, các tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước. Giám sát chặt chẽ tình hình nợ công, nợ nước ngoài của quốc gia; bảo đảm an ninh tài chính quốc gia.

c) Thực hiện chính sách giá cả phù hợp với cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước. Đổi mới hoàn thiện cơ chế quản lý giá, bảo đảm các nguyên tắc cạnh tranh, kiểm soát độc quyền. Tiếp tục thực hiện xóa bao cấp qua giá, thực hiện các cam kết WTO về không trợ giá, bù giá các mặt hàng xuất khẩu. Tăng cường quản lý thị trường, giá cả, kiểm soát chặt chẽ việc đăng ký giá, kê khai giá, niêm yết giá và bán theo giá được niêm yết, khắc phục tình trạng đầu cơ, nâng giá quá cao so với giá trị thực của hàng hóa dịch vụ, ảnh hưởng đến lợi ích người tiêu dùng. Bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa phục vụ cho sản xuất và đời sống nhân dân.

d) Tăng cường công tác phân tích và dự báo vĩ mô. Hoàn thiện hệ thống thông tin, số liệu phục vụ công tác đánh giá tình hình và xây dựng chính sách kinh tế - xã hội; xây dựng cơ chế phối hợp; tăng cường năng lực cán bộ các ngành, các cấp trong việc theo dõi, đánh giá và dự báo để phục vụ công tác xây dựng và điều hành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, cũng như cảnh báo kịp thời các tác động với nền kinh tế.

đ) Bảo đảm phối hợp tốt việc xây dựng và thực hiện các chính sách kinh tế vĩ mô; gắn kết chặt chẽ, đồng bộ trong việc xây dựng và thực thi các chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ bảo đảm sự phát triển bền vững của đất nước.

2. Tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh

Cùng với việc tiếp tục chuyển đổi cơ cấu giữa các ngành và trong nội bộ từng ngành, từng lĩnh vực, trong nhiệm kỳ 2011-2016 cần tập trung tái cơ cấu nền kinh tế ở 3 lĩnh vực quan trọng nhất là: tái cơ cấu đầu tư; tái cơ cấu hệ thống tài chính; tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước.

a) Tái cơ cấu đầu tư, trọng tâm là đầu tư công theo hướng giảm dần tỷ trọng và nâng cao hiệu quả nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước và trái phiếu chính phủ; ban hành cơ chế, chính sách để huy động mạnh các nguồn vốn thuộc mọi thành phần kinh tế cho đầu tư phát triển, góp phần thúc đẩy tái cơ cấu các ngành kinh tế và phân bố lại lực lượng sản xuất trên từng vùng lãnh thổ.

Tăng cường quản lý đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu chính phủ; tập trung vốn cho các công trình kết cấu hạ tầng, các dự án cấp thiết, sớm hoàn thành và đưa vào sử dụng để phát huy hiệu quả; ưu tiên bố trí vốn cho các công trình cần thiết, cấp bách phải hoàn thành và vốn đối ứng cho các dự án ODA; kiểm soát chặt chẽ, xác định rõ nguồn vốn đối với các dự án, công trình khởi công mới. Sửa đổi quy chế phân cấp quản lý đầu tư, trước hết là đối với nguồn vốn ngân sách nhà nước và trái phiếu chính phủ, bảo đảm quản lý thống nhất của trung ương về mục tiêu và danh mục, đồng thời phát huy sự năng động, sáng tạo của địa phương trong đầu tư phát triển.

[...]
3