Loading


Nghị quyết số 09/1998/NQ-CP về việc tăng cường công tác phòng chống tội phạm trong tình hình mới do Chính Phủ ban hành

Số hiệu 09/1998/NQ-CP
Ngày ban hành 31/07/1998
Ngày có hiệu lực 15/08/1998
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Phan Văn Khải
Lĩnh vực Trách nhiệm hình sự

CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 09/1998/NQ-CP

Hà Nội, ngày 31 tháng 7 năm 1998

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG TỘI PHẠM TRONG TÌNH HÌNH MỚI

Trong những năm gần đây, Chính phủ đã có nhiều biện pháp cấp bách tăng cường bảo vệ an ninh, trật tự an toàn xã hội trong tình hình mới; các Bộ, các ngành, các cấp và toàn thể nhân dân đã tích cực hưởng ứng và tham gia, tình hình trật tự an toàn xã hội nói chung đã có những chuyển biến tích cực, đạt được những kết quả nhất định, góp phần ổn định tình hình chung của đất nước.

Tuy nhiên, tình hình tội phạm ở nước ta hiện nay vẫn có xu hướng gia tăng và diễn biến phức tạp. Cơ cấu thành phần tội phạm có những thay đổi, đối tượng phạm tội là người lao động chiếm 70%, trong đó 30% không có việc làm; số thanh niên phạm tội chiếm tỷ lệ ngày càng cao. Đặc biệt là tình trạng phạm tội có tổ chức như tham nhũng, buôn lậu, mua bán phụ nữ, xâm hại trẻ em ... phạm tội có sử dụng bạo lực, cướp của, giết người, chống người thi hành công vụ, đâm thuê, chém mướn, bảo kê nhà hàng và các hành vi phạm tội khác có tính chất côn đồ hung hãn; gây ra những hậu quả hết sức nghiêm trọng gây lo lắng cho toàn xã hội.

Tình hình trên do nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu là do những tác động của mặt trái nền kinh tế thị trường cùng với những yếu kém trong việc quản lý, kinh tế, văn hóa, xã hội của các cơ quan Nhà nước tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, chúng ta chưa đánh giá đúng tính chất phức tạp nghiêm trọng sự phát triển tội phạm trong thời kỳ mới, để đề ra những chủ trương, biện pháp đấu tranh phù hợp. Hệ thống pháp luật chưa đồng bộ, việc thi hành pháp luật lại chưa nghiêm, sự phối hợp hoạt động của cơ quan bảo vệ pháp luật còn thiếu chặt chẽ, nhiều ngành, nhiều cấp chưa coi trọng đúng mức công tác tham gia phòng, chống tội phạm. Một bộ phận cán bộ, kể cả cán bộ các cơ quan bảo vệ pháp luật bị tha hóa, ảnh hưởng đến lòng tin của quần chúng nhân dân; công tác phòng ngừa tội phạm trong gia đình, nhà trường, cộng đồng dân cư chưa được quan tâm đúng mức.

Để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác đấu tranh có hiệu qủa với các loại tội phạm, phát huy được sức mạnh tổng hợp của toàn bộ hệ thống chính trị, trách nhiệm của các ngành, các cấp trong phòng ngừa đấu tranh chống tội phạm, Chính phủ quyết định tiến hành những chủ trương và biện pháp chỉ đạo công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới như sau:

I. CÁC CHỦ TRƯƠNG, BIỆN PHÁP

1. Xây dựng và thực hiện cơ chế phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn bộ hệ thống chính trị, đẩy mạnh phong trào cách mạng của toàn dân, nâng cao trách nhiệm vai trò chủ động của các ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội và các tầng lớp nhân dân tham gia phòng ngừa, phát hiện đấu tranh ngăn chặn các loại tội phạm, tệ nạn xã hội. Tập trung phòng, chống các tội tham nhũng, buôn lậu, tội phạm hoạt động có tổ chức, lưu manh chuyên nghiệp, côn đồ hung hãn, bọn buôn bán lôi kéo thanh niên, học sinh vào con đường sử dụng và nghiện hút ma túy, các loại tội phạm xâm hại trẻ em, mua bán phụ nữ, trẻ em.

2. Đổi mới và thực hiện nghiêm chỉnh cơ chế phối hợp giữa các cơ quan bảo vệ pháp luật; nâng cao trách nhiệm, phát huy chức năng của các cơ quan Nhà nước, các đơn vị sự nghiệp, các đơn vị vũ trang, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội. Từng ngành xây dựng chương trình hành động, gắn việc thực hiện các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội với phòng và đấu tranh chống các tội phạm, bảo vệ trật tự an toàn xã hội, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phát hiện, điều tra và xử lý nghiêm đối với các loại tội phạm.

Xây dựng lực lượng công an nhân dân và các cơ quan bảo vệ pháp luật khác thật sự trong sạch, vững mạnh để thực hiện tốt vai trò nòng cốt, xung kích trong đấu tranh phòng, chống tội phạm.

3. Xây dựng, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức tuyên truyền giáo dục ý thức chấp hành pháp luật để phục vụ kịp thời, có hiệu quả cho công cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm trước mắt và lâu dài. Tiếp tục nâng cao chất lượng công tác quản lý giáo dục, cải tạo người phạm tội bằng nhiều hình thức, giúp họ cải tạo tiến bộ, hoàn lương, tái hòa nhập gia đình và cộng đồng xã hội.

4. Tăng cường sự hợp tác quốc tế trong phòng, chống tội phạm theo nguyên tắc phù hợp với pháp luật hiện hành của nước ta và pháp luật quốc tế, phù hợp với các chương trình chống tội phạm của Liên hợp quốc và của Tổ chức cảnh sát hình sự quốc tế Interpol.

5. Các Bộ, ngành, ủy ban nhân dân các địa phương phải sơ kết và có kế hoạch tiếp tục chỉ đạo thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống tội phạm; đấu tranh chống tham nhũng, buôn lậu và gian lận thương mại, tăng cường quản lý trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị, quản lý các hoạt động văn hóa, bài trừ các tệ nạn xã hội, triển khai thực hiện có hiệu quả các quy định của Đảng, Nhà nước về thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng nhằm tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ về trật tự an toàn xã hội và phòng, chống tội phạm.

6. Đặt nhiệm vụ phòng, chống tội phạm thành Chương trình quốc gia có mục tiêu và nội dung các đề án cụ thể nhằm huy động sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội vào công tác phòng, chống tội phạm, từng bước làm giảm tội phạm. Xây dựng môi trường sống lành mạnh trong xã hội, nâng cao ý thức tôn trọng pháp luật và hiệu lực quản lý của Nhà nước. Trước mắt phải chặn đứng được một số loại tội phạm nguy hiểm, đẩy lùi một bước các loại tệ nạn xã hội như ma túy, cờ bạc, mại dâm tạo sự chuyển biến rõ rệt về trật tự an toàn xã hội ở các thành phố lớn và khu kinh tế trọng điểm.

7. Tiếp tục phát động quần chúng xây dựng phong trào toàn dân tham gia phòng ngừa, phát hiện, tố giác và đấu tranh chống tội phạm và tệ nạn xã hội. Xây dựng và thực hiện quy chế phối hợp ngăn ngừa tội phạm trong gia đình, nhà trường và xã hội. Củng cố các tổ dân phố, lực lượng bảo vệ chuyên trách, bán chuyên trách, các tổ chức đoàn thể quần chúng ở cơ sở phường, xã tham gia phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc. Tổ chức quản lý, giáo dục, cảm hóa những người phạm tội tại cộng đồng dân cư. Tăng cường công tác bảo vệ nội bộ, bảo vệ tài sản tại các cơ quan, xí nghiệp, đơn vị lực lượng vũ trang.

8. Sử dụng đồng bộ các biện pháp để phòng ngừa, ngăn chặn, trấn áp kịp thời và kiên quyết đối với các loại tội phạm nguy hiểm như: tội phạm có tổ chức, tội phạm tham nhũng, buôn lậu, tội phạm giết người, cướp tài sản, tội phạm xâm hại trẻ em (hiếp dâm trẻ em, bắt cóc và buôn bán trẻ em, lôi kéo trẻ em vào con đường sử dụng và nghiện hút ma túy). Tiếp tục chấn chỉnh công tác giam giữ; nâng cao hiệu quả công tác giáo dục cải tạo phạm nhân.

II. PHÂN CÔNG TRÁCH NHIỆM TRONG CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG TỘI PHẠM

Để thực hiện những chủ trương và biện pháp nêu trên, Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, ủy ban nhân dân các địa phương phải có kế hoạch chỉ đạo và phối hợp với Ban chỉ đạo thực hiện Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm thực hiện tốt các nhiệm vụ theo sự phân công như sau:

1. Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan cần nâng cao hiệu quả các biện pháp quản lý nhà nước về an ninh trật tự, củng cố các lực lượng nghiệp vụ trực tiếp phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm nhất là các lực lượng ở cơ sở, bảo vệ dân phố, dân phòng, bảo vệ chuyên trách, bán chuyên trách các cơ quan, xí nghiệp; đẩy mạnh phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc, liên tục phát động quần chúng tấn công trấn áp tội phạm; kịp thời phát hiện, phòng ngừa đấu tranh ngăn chặn các loại tội phạm nguy hiểm; phối hợp với ngành nội chính tiến hành điều tra, truy tố, xét xử kịp thời các đối tượng phạm tội; nghiên cứu, dự báo tình hình tội phạm, đề xuất chủ trương, biện pháp đấu tranh phù hợp.

2. Bộ Quốc phòng có trách nhiệm phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm trong quân nhân, phối hợp với Bộ Công an và các cơ quan bảo vệ pháp luật khác đấu tranh phòng, chống tội phạm ở khu vực biên giới, trên biển; kiểm tra công tác quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ trong các ngành, các cơ quan, đơn vị, tổ chức ngoài quân đội và thu hồi các loại vũ khí, vật liệu nổ tàng trữ sử dụng trái phép; chỉ đạo lực lượng bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân tự vệ phối hợp với lực lượng công an nhân dân trong phòng, chống các loại tội phạm trong và ngoài quân đội.

3. Thanh tra Nhà nước có trách nhiệm tổ chức tốt công tác thanh tra, kiểm tra, phòng ngừa, ngăn chặn các vi phạm pháp luật; phối hợp với Bộ Công an và các cơ quan bảo vệ pháp luật khác tổ chức thanh tra, kiểm tra hoạt động tuân theo pháp luật của các Bộ, ngành, địa phương góp phần phòng ngừa, đấu tranh chống tham nhũng và các vi phạm pháp luật.

4. Tổng cục Hải quan có trách nhiệm đấu tranh chống buôn lậu và gian lận thương mại tại các cửa khẩu, sân bay, bến cảng theo chức năng của mình, phối hợp với Bộ Công an và các ngành hữu quan kiên quyết ngăn chặn các loại văn hóa phẩm phản động, độc hại, kích động bạo lực, các nguồn buôn bán, vận chuyển các chất ma túy, vũ khí, chất nổ, chất cháy.

5. Tổng cục Du lịch có trách nhiệm phòng ngừa, ngăn chặn các tội phạm, tệ nạn xã hội tại các khu du lịch, các nhà hàng, khách sạn, quán trọ thuộc ngành du lịch quản lý; phối hợp với Bộ Công an, các ngành hữu quan và ủy ban nhân dân các cấp quản lý người nước ngoài đến tham quan du lịch, bảo đảm trật tự an toàn xã hội.

6. Bộ Văn hóa - Thông tin có trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan thông tin đại chúng phối hợp với Bộ Tư pháp và các ngành hữu quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật; ý thức tôn trọng và thi hành pháp luật, trách nhiệm công dân trong phòng, chống tội phạm; thông qua các loại hình văn hóa nghệ thuật, phổ biến rộng rãi những gương người tốt, việc tốt trong phòng, chống tội phạm; phản ảnh kịp thời những hiện tượng tiêu cực, giúp các cơ quan chuyên trách phát hiện kịp thời những hành vi phạm tội; thường xuyên kiểm tra và kiên quyết khắc phục những hiện tượng không lành mạnh trong các hoạt động văn hóa, báo chí, văn nghệ; xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm Luật Báo chí, Luật Xuất bản.

7. Bộ Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm quản lý giáo dục cán bộ, học sinh, sinh viên trong các trường học, đưa nội dung giáo dục, pháp luật và các quy định bảo vệ an ninh, trật tự vào chương trình giáo dục chính khóa ở các cấp học; phối hợp với Bộ Công an tổ chức phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và các vi phạm pháp luật trong học sinh, sinh viên, bảo vệ an ninh, trật tự trong khu vực nhà trường.

8. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm chỉ đạo việc dạy nghề cho các đối tượng ở các trại giam, đưa chương trình việc làm vào các trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh hỗ trợ giải quyết việc làm cho các đối tượng đã mãn hạn tù giúp họ tái hòa nhập với cộng đồng. Phối hợp với Bộ Công an nghiên cứu đề xuất Chính phủ ban hành chính sách khen thưởng và chế độ đãi ngộ vật chất, tinh thần đối với các đơn vị, cán bộ, chiến sĩ công an nhân dân và công dân có thành tích xuất sắc và những người hy sinh, bị thương, bị thiệt hại tài sản trong đấu tranh phòng, chống tội phạm.

9. Các ngành Giao thông vận tải, Công nghiệp, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thương mại, Kế hoạch và Đầu tư, Ngoại giao, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trên cơ sở chức năng của mình có kế hoạch phối hợp với Bộ Công an tăng cường phòng ngừa, bảo vệ nội bộ và đấu tranh chống tội phạm thuộc các lĩnh vực do ngành phụ trách. Mỗi Bộ, ngành phải có chương trình hành động và cơ chế hoạt động bảo đảm cho việc phối hợp có hiệu quả.

10. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính có trách nhiệm dự trù kinh phí, lập kế hoạch tổng hợp trình Chính phủ, bảo đảm kinh phí cho Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm; phối hợp với Bộ Công an nghiên cứu đề xuất Chính phủ bảo đảm trang bị phương tiện và từng bước hiện đại hóa phương tiện cho các cơ quan bảo vệ pháp luật, đặc biệt là các cơ quan có trách nhiệm phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm; nghiên cứu đề xuất Chính phủ huy động sự đóng góp kinh phí của các tổ chức kinh tế và tổ chức phi Chính phủ cho công tác phòng, chống tội phạm.

[...]
2
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ