Loading


Nghị quyết 110/2022/NQ-HĐND về một số biện pháp nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2022-2025

Số hiệu 110/2022/NQ-HĐND
Ngày ban hành 09/07/2022
Ngày có hiệu lực 19/07/2022
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Ninh
Người ký Nguyễn Xuân Ký
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 110/2022/NQ-HĐND

Quảng Ninh, ngày 09 tháng 07 năm 2022

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ MỘT SỐ BIỆN PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ CÔNG TÁC PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NINH GIAI ĐOẠN 2022 - 2025

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NINH
KHÓA XIV - KỲ HỌP THỨ 9

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật ngày 20 tháng 6 năm 2012;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 18 tháng 6 năm 2020;

Căn cứ Quyết định số 1521/QĐ-TTg ngày 06 tháng 10 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Kết luận số 80-KL/TW ngày 20 tháng 6 năm 2020 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, Nhân dân;

Xét Tờ trình số 3910/TTr-UBND ngày 23 tháng 6 năm 2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc ban hành Nghị quyết về một số biện pháp nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2022 - 2025; Báo cáo thẩm tra số 114/BC-HĐND ngày 28 tháng 6 năm 2022 của Ban Pháp chế Hội đồng nhân dân tỉnh và ý kiến thảo luận thống nhất của đại biểu Hội đồng nhân dân tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Thông qua mục tiêu và một số biện pháp nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2022 - 2025 như sau:

1. Mục tiêu

a) 100% báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh, cấp huyện, trên 95% tuyên truyền viên pháp luật cấp xã, cán bộ làm công tác pháp chế, hòa giải viên ở cơ sở được tập huấn, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức pháp luật mới hằng năm.

b) 100% cán bộ, chiến sĩ, công chức, viên chức được tập huấn, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức pháp luật theo lĩnh vực hoạt động chuyên ngành và các lĩnh vực pháp luật khác có liên quan đến thực hiện chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị.

c) 100% các trường học triển khai chương trình PBGDPL cho học sinh, sinh viên thông qua chương trình giáo dục chính khóa và hoạt động ngoại khóa.

d) 100% văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh được tuyên truyền, phổ biến rộng rãi đến các đối tượng chịu sự tác động, điều chỉnh của văn bản; 100% chính sách được ban hành trong các văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân theo quy định phải lập đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật trước khi tiến hành soạn thảo, được thông tin, phổ biến rộng rãi ngay từ khâu đề xuất chính sách, soạn thảo văn bản, trừ các nội dung thuộc bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật.

đ) 100% các địa bàn trọng điểm phức tạp về trật tự an toàn xã hội và địa bàn trọng điểm về quốc phòng an ninh trên địa bàn tỉnh được PBGDPL liên quan.

e) Trên 80% các đối tượng đặc thù theo quy định của Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, trong đó bảo đảm trên 95% người dân ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo được PBGDPL.

g) Trên 85% Nhân dân trên địa bàn tỉnh được PBGDPL thông qua các hình thức phù hợp.

2. Một số biện pháp nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 - 2025

a) Thủ trưởng các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh có trách nhiệm thực hiện PBGDPL theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 1521/QĐ-TTg ngày 06 tháng 10 năm 2020, xác định rõ đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên, là tiêu chí để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của tập thể, cá nhân và người đứng đầu; gắn kết chặt chẽ việc triển khai các văn kiện, nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, với tổ chức thi hành pháp luật và thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, địa phương.

b) Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện tốt công tác tham mưu xây dựng, hoàn thiện hệ thống các văn bản pháp luật liên quan đến công tác PBGDPL; thực hiện đổi mới cơ chế đánh giá hiệu quả công tác PBGDPL, trong đó chú trọng các tiêu chí đánh giá kết quả đầu ra, trọng tâm là đo lường sự chuyển biến trong nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của người dân.

c) Các cơ quan, đơn vị, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao và tình hình thực tiễn tập trung đổi mới nội dung, đa dạng hóa hình thức PBGDPL theo hướng lấy người dân làm trung tâm, phù hợp với nhu cầu xã hội và từng nhóm đối tượng, địa bàn; gắn với việc đáp ứng quyền tiếp cận thông tin, cơ chế bảo đảm quyền con người, quyền công dân theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.

Tổ chức PBGDPL trong những lĩnh vực, phạm vi quản lý tới toàn thể cán bộ, chiến sỹ, công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân; chú trọng những lĩnh vực chuyên sâu, phù hợp với đặc thù của tỉnh và những vấn đề pháp luật được dư luận xã hội quan tâm; tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội ngay trong quá trình xây dựng dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; PBGDPL bằng tiếng dân tộc thiểu số, tiếng nước ngoài phù hợp với đối tượng, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế của đất nước, của tỉnh. Tăng cường đối thoại chính sách, giải đáp pháp luật hỗ trợ pháp lý cho Nhân dân và tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam hàng năm một cách thiết thực, hiệu quả.

d) Thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác PBGDPL; tập trung các hoạt động tuyên truyền, phổ biến trên cổng/trang thông tin điện tử thành phần của cơ quan, đơn vị, địa phương; khai thác hiệu quả Trang Thông tin điện tử về PBGDPL tỉnh; phát triển các ứng dụng PBGDPL trên thiết bị di động, điện thoại thông minh; tổ chức thi tìm hiểu pháp luật, hội nghị PBGDPL trực tuyến; biên soạn tài liệu PBGDPL điện tử; mở rộng các chuyên mục PBGDPL trên truyền thông đa phương tiện và các hình thức ứng dụng công nghệ thông tin khác.

đ) Tổ chức PBGDPL sâu rộng đến các đối tượng, địa bàn, có trọng tâm, trọng điểm, hướng mạnh về cơ sở, ưu tiên các nhóm đối tượng đặc thù, yếu thế trong xã hội, đặc biệt là người dân tộc thiểu số, cư trú ở vùng sâu, vùng xa, miền núi, biên giới, hải đảo và học sinh, sinh viên trong các trường học. Phát huy vai trò các cơ quan tư pháp, cán bộ pháp chế các sở, ngành, đơn vị; lồng ghép PBGDPL với hoạt động hòa giải ở cơ sở, tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, đánh giá đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, xây dựng nông thôn mới, sinh hoạt văn hóa cộng đồng và các hoạt động khác tại cơ sở.

e) Định kỳ hằng năm, rà soát, kiện toàn đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật theo hướng tinh gọn; chỉ công nhận, duy trì hoạt động đối với báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật thực sự có năng lực, trách nhiệm, hoạt động hiệu quả. Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ PBGDPL và kiến thức pháp luật cho báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật, hòa giải viên ở cơ sở, trợ giúp viên pháp lý, giáo viên giảng dạy pháp luật trong các nhà trường, cán bộ pháp chế, phóng viên, biên tập viên chuyên đề pháp luật của các cơ quan thông tin đại chúng bảo đảm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

g) Phát huy hơn nữa vai trò của các cơ quan thông tin, báo chí tại địa phương, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, lực lượng quân đội nhân dân, công an nhân dân, đội ngũ luật sư, luật gia, các chuyên gia pháp luật, người có uy tín trong cộng đồng dân cư trong công tác PBGDPL; xây dựng, triển khai các mô hình, cách thức cụ thể thông qua việc huy động nguồn lực xã hội tham gia công tác PBGDPL.

h) Hội đồng phối hợp PBGDPL cấp tỉnh, cấp huyện tăng cường công tác chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đánh giá hiệu quả công tác PBGDPL; phân công nhiệm vụ cụ thể, rõ người, rõ việc, nâng cao vai trò, trách nhiệm của từng thành viên Hội đồng, trong đó cơ quan Tư pháp các cấp tham mưu thực hiện tốt các nhiệm vụ của Hội đồng theo quy định, nhất là công tác kiểm tra, đánh giá hiệu quả công tác PBGDPL.

[...]
1
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ