Loading


Nghị quyết 113/NQ-CP Hội nghị Chính phủ với địa phương và phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 12 năm 2016

Số hiệu 113/NQ-CP
Ngày ban hành 31/12/2016
Ngày có hiệu lực 31/12/2016
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Nguyễn Xuân Phúc
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 113/NQ-CP

Hà Nội, ngày 31 tháng 12 năm 2016

 

NGHỊ QUYẾT

HỘI NGHỊ CHÍNH PHỦ VỚI ĐỊA PHƯƠNG VÀ PHIÊN HỌP CHÍNH PHỦ THƯỜNG KỲ THÁNG 12 NĂM 2016

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị định số 138/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 10 năm 2016 của Chính phủ ban hành Quy chế làm việc của Chính phủ;

Trên cơ sở thảo luận của các thành viên Chính phủ và kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị Chính phủ với địa phương và phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 12 năm 2016, tổ chức vào ngày 28 và 29 tháng 12 năm 2016,

QUYẾT NGHỊ:

1. Về tình hình kinh tế - xã hội năm 2016; tình hình thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 07 tháng 01 năm 2016 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, Điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2016

Chính phủ thống nhất đánh giá: Trong Điều kiện kinh tế thế giới và trong nước gặp rất nhiều khó khăn nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự giám sát của Quốc hội, sự nỗ lực của các ngành, các cấp, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân, tình hình kinh tế - xã hội năm 2016 đạt kết quả tích cực và toàn diện trên các mặt. Nền kinh tế tiếp tục đà phục hồi, kinh tế vĩ mô ổn định. Lạm phát được kiểm soát. Các cân đối lớn, cơ bản được bảo đảm. Thanh khoản của hệ thống ngân hàng dồi dào, lãi suất cơ bản ổn định. Dự trữ ngoại tệ đạt mức cao. Thị trường chứng khoán phát triển tích cực. Xuất khẩu hàng hóa tăng trưởng khá so với các nước trong khu vực, Xuất nhập khẩu cân bằng và có xuất siêu. Hầu hết các ngành công nghiệp đạt mức tăng trưởng khá, đặc biệt là ngành công nghiệp chế biến chế tạo và ngành xây dựng. Khu vực dịch vụ, du lịch khởi sắc. Môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện. Niềm tin của thị trường, của xã hội tăng lên mạnh mẽ. Giải ngân kế hoạch vốn ngân sách nhà nước tăng. Thu hút vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI) tăng mạnh. Công tác xây dựng thể chế được chú trọng. Xây dựng nông thôn mới đạt kết quả tích cực. An sinh xã hội được bảo đảm; lĩnh vực lao động, việc làm, xuất khẩu lao động, thực hiện chính sách người có công và các lĩnh vực xã hội khác có nhiều tiến bộ. Công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả của thiên tai lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn, ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường huy động được sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị. Công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được quan tâm chỉ đạo. Quốc phòng, an ninh được tăng cường, an ninh quốc gia được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu hoạt động khủng bố, phá hoại, gây rối an ninh, trật tự của các thế lực thù địch, phản động; tình hình an ninh trật tự xã hội có nhiều chuyển biến tích cực, tốc độ gia tăng tội phạm được kiềm chế. Công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế tiếp tục được triển khai chủ động, tích cực và đạt nhiều kết quả quan trọng.

Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế và chỉ tiêu xuất khẩu không đạt kế hoạch đề ra; xuất khẩu vào ASEAN giảm. Giải ngân vốn trái phiếu Chính phủ thấp. Xử lý nợ xấu và cơ cấu lại các tổ chức tín dụng còn nhiều thách thức. Sản xuất kinh doanh còn nhiều khó khăn, số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động và giải thể tăng. Công tác quản lý thị trường và thương mại biên giới còn một số bất cập. Tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, an toàn vệ sinh thực phẩm chưa được xử lý triệt để. Công tác khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường còn chậm. Quản lý thông tin truyền thông, an ninh, an toàn thông tin mạng còn nhiều hạn chế. Tình hình tội phạm, trật tự an toàn xã hội trên một số lĩnh vực, địa bàn diễn biến phức tạp. Đời sống người dân còn khó khăn, nhất là vùng bị thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn, bão lũ và sự cố môi trường biển.

Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương phát huy kết quả đạt được, khẩn trương khắc phục hạn chế, yếu kém; tranh thủ thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức; thể hiện quyết tâm hành động, đổi mới, sáng tạo, chủ động bám sát các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, đặc biệt là Nghị quyết về một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo Điều hành phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2017; tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ thúc đẩy thực hiện nhiệm vụ ngay từ những ngày đầu năm.

Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, đặc biệt chú trọng khâu tổ chức thực hiện, nói đi đôi với làm, tạo sự chuyển động trong toàn hệ thống, mang lại hiệu quả thực chất, phấn đấu thực hiện thành công mục tiêu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017.

Để chuẩn bị tốt các Điều kiện cho Nhân dân đón Tết Nguyên đán năm 2017, các bộ, cơ quan, địa phương thực hiện nghiêm Chỉ thị số 11-CT/TW ngày 20 tháng 11 năm 2016 của Ban Bí thư về việc tổ chức Tết năm 2017; Chỉ thị số 33/CT-TTg ngày 17 tháng 12 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác quản lý, Điều hành nhằm bình ổn giá cả thị trường, bảo đảm trật tự an toàn xã hội dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017; Công điện số 2239/CĐ-TTg về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Đinh Dậu và Lễ hội Xuân 2017.

2. Về dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về một số giải pháp chủ yếu chỉ đạo, Điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2017

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các bộ, cơ quan liên quan tiếp thu ý kiến thành viên Chính phủ và ý kiến đại biểu tại Hội nghị Chính phủ với địa phương, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết, trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành ngày 01 tháng 01 năm 2017.

Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương ban hành chương trình, kế hoạch hành động cụ thể để triển khai thực hiện Nghị quyết trước ngày 10 tháng 01 năm 2017; gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, báo cáo Chính phủ tại phiên họp thường kỳ tháng 01 năm 2017.

Các bộ, cơ quan ngang bộ theo chức năng, thẩm quyền được giao chủ động giải quyết các kiến nghị của địa phương nêu tại Hội nghị Chính phủ với địa phương; báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét những vấn đề vượt thẩm quyền. Giao Văn phòng Chính phủ tổng hợp, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc giải quyết các kiến nghị của các địa phương nêu tại Hội nghị Chính phủ với địa phương.

3. Về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế và Nghị quyết số 24/2016/QH14 của Quốc hội về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020

Việc thực hiện chủ trương đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế tuy đã đạt được một số kết quả tích cực, nhưng vẫn chưa đạt yêu cầu đề ra.

Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương theo chức năng, thẩm quyền cần chủ động, sáng tạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện ngay các nhiệm vụ cụ thể nêu trong Nghị quyết số 05-NQ/TW Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành trung ương khóa XII, Nghị quyết số 24/2016/QH14 của Quốc hội khóa XIV và Chương trình hành động của Chính phủ; khẩn trương ban hành chương trình, kế hoạch hành động của bộ, cơ quan, địa phương mình để triển khai thực hiện Nghị quyết, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, báo cáo Chính phủ trong quý I năm 2017.

- Các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất các dự án Luật, pháp Lệnh cần ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung để hỗ trợ cho tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng. Trên cơ sở đề xuất của các bộ, cơ quan, Bộ Tư pháp tổng hợp, báo cáo Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội cùng với đề nghị xây dựng Luật, pháp Lệnh năm 2018, Điều chỉnh Chương trình năm 2017.

- Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ban Tuyên giáo Trung ương, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các bộ, cơ quan, địa phương làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, tạo đồng thuận xã hội, phát huy tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu, nỗ lực của các ngành, các cấp, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân để thực hiện thắng lợi mục tiêu đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế.

4. Về dự thảo Nghị quyết ban hành Chương trình hành động của Chính phủ triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các bộ, cơ quan, địa phương tiếp thu ý kiến của các thành viên Chính phủ và đại biểu tại Hội nghị Chính phủ với địa phương, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết, trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành trong tháng 01 năm 2017.

Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương ban hành chương trình, kế hoạch hành động của bộ, cơ quan, địa phương mình để triển khai thực hiện, gửi Bộ Nội vụ để tổng hợp, báo cáo Chính phủ trong quý I năm 2017.

5. Về tình hình thực hiện Nghị quyết số 19 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017

Sau 03 năm triển khai Nghị quyết 19, môi trường kinh doanh của nước ta được cải thiện mạnh mẽ, tăng 9 bậc (từ vị trí 91/189 lên 82/190) với 5 chỉ số tăng hạng. Đây là mức cải thiện thứ hạng nhiều nhất kể từ năm 2008. Cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao và hoan nghênh nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của một số bộ, ngành, địa phương trong thời gian qua; ngày càng tin tưởng, kỳ vọng vào những giải pháp cải cách của Nghị quyết 19. Tuy thứ hạng môi trường kinh doanh của nước ta đã được cải thiện trên hầu hết các chỉ tiêu nhưng chưa đạt trung bình ASEAN 4, thậm chí một số chỉ tiêu chưa đạt trung bình ASEAN 6.

Để thúc đẩy mạnh mẽ việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao hiệu quả, chất lượng các yếu tố quyết định năng lực cạnh tranh, giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các bộ, cơ quan liên quan tiếp thu ý kiến của các thành viên Chính phủ và đại biểu tại Hội nghị Chính phủ với địa phương, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết, trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành trong tháng 01 năm 2017.

[...]
4